Dân tộc ta có truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đối với những người đã hi sinh vì đất nước, nhân dân ta luôn có lòng tưởng nhớ, tri ân và có những hành động cụ thể, thiết thực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác chăm lo cho người có công, thương binh, liệt sĩ. Sau ngày thành lập nước không lâu, trong bức thư đăng trên Báo Cứu quốc ngày 7-1-1946, Người viết: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những liệt sĩ đã hi sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập, thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mạng, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái đến các gia đình liệt sĩ và tôi nhận các con liệt sĩ làm con nuôi của tôi”. Tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh, liệt sĩ” để nhân dân ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, biết ơn đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với đất nước. Thực hiện chỉ thị đó của Người, hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khối và tỉnh họp ở xã Phú Minh (Đại Từ, Thái Nguyên) bàn bạc, nhất trí, đề nghị lấy ngày 27-7-1947 làm “Ngày Thương binh, liệt sĩ” trong cả nước. Người căn dặn: “Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái”.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã viết: “Đối với những người đã dũng cảm hi sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần ‘tự lực cánh sinh’”…
Hàng năm, cứ vào dịp 27-7, mỗi người Việt Nam phải luôn ý thức trách nhiệm của mình để chăm lo đối với những gia đình diện chính sách, những người đã không tiếc xương máu để hi sinh cho dân tộc, cho đất nước, cho lý tưởng cách mạng. Trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc ta, đã có hàng triệu đồng chí, đồng bào đã hi sinh xương máu cho sự nghiệp cách mạng để đất nước chúng ta có được độc lập, tự do. Đây là điều kiện tiên quyết nhất để đất nước ta xây dựng chủ nghĩa xã hội như lý tưởng, khát vọng của những người đã ngã xuống.
Trong hơn 40 năm qua, đất nước được độc lập và thống nhất, đất nước ta phát triển toàn diện, vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. Những thành quả này càng làm chúng ta nhớ đến các tấm gương anh hùng, liệt sĩ, thương binh, những người không tiếc máu xương đã tô thắm lá cờ của Tổ quốc. Chúng ta đặc biệt nhớ đến những người mẹ, người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, những Mẹ Việt Nam Anh hùng luôn hi sinh thầm lặng. Trải qua hai cuộc chiến tranh, đất nước ta có những người mẹ đã cống hiến nhiều người thân cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, như Mẹ Nguyễn Thị Thứ (1904 – 2010, quê ở Điện Bàn - Quảng Nam, có chồng, 9 người con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ, là người mẹ có nhiều con cháu hi sinh nhất trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ), Mẹ Nguyễn Thị Rành (1900 – 1979, quê ở huyện Củ Chi – TP.HCM, có 8 người con trai và 2 cháu là liệt sĩ, bản thân Mẹ được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân); mẹ Phạm Thị Ngư (1912 – 2002, quê ở Phan Thiết - Bình Thuận, có 8 người con trai và 1 con rể là liệt sĩ, bản thân Mẹ là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân)… Hiện nay, cả nước có hơn 50.000 mẹ được tặng và truy tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng, riêng TP.HCM có 4.776 mẹ.
Để tỏ lòng hiếu nghĩa với những người có công với đất nước, với cách mạng, trong nhiều năm qua, cùng với cả nước, TP.HCM có nhiều chương trình, công trình cụ thể để đền ơn đáp nghĩa cho thương binh, gia đình liệt sĩ, những người có công với cách mạng như chương trình xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, sửa chữa nhà gia đình liệt sĩ, thương binh xuống cấp, hỗ trợ đồng hồ điện, đồng hồ nước, cấp học bổng cho con em gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, mua bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, thăm nom, chăm sóc, vận động các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm trợ cấp phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương bệnh binh nặng... Sự quan tâm, chăm sóc của Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ở các cấp hiện nay ngày càng lan tỏa. Tuy nhiên, để công tác đền ơn đáp nghĩa ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn nữa, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục có chủ trương, chính sách, xây dựng các mô hình, cách làm tích cực. Cần nhanh chóng rà soát lại các gia đình diện chính sách đã được hưởng đầy đủ các chế độ do Nhà nước quy định; hoàn thành dứt điểm hồ sơ xét tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn tồn đọng; chủ động sửa chữa các nhà tình nghĩa xây quá lâu nay xuống cấp; tiếp tục vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh nặng, đóng góp xây dựng quỹ học bổng, dạy nghề miễn phí cho con em nghèo diện chính sách... Cần tuyên truyền, vận động để công tác đền ơn đáp nghĩa thực sự là một nghĩa vụ, bổn phận của tất cả mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên…