Chủ Nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024

Góp phần phòng, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện "tự diễn biến, "tự chuyển hóa" trong một số cán bộ, đảng viên hiện nay

Đề cập nhiệm vụ cấp bách của công tác tư tưởng, lý luận ở nước ta hiện nay, Văn kiện Đại hội XII đã nêu rõ: Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một số cán bộ, đảng viên.

Xét về bản chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một trong những biểu hiện tiêu cực, căn bệnh về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên. Căn bệnh này, nếu không nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn, khắc phục kịp thời, nó sẽ gặm nhấm, phá hoại sức mạnh, mục tiêu, lý tưởng của Đảng; làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đồng thời, nó còn là mảnh đất “màu mỡ, chỗ dựa vững chắc” cho các lực lượng thù địch không ngừng tấn công vào Đảng ta, chế độ ta. Nghĩa là nó phá Đảng ta, chế độ ta từ bên trong phá ra. Những dấu hiệu phản ánh, biểu hiện bệnh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một số cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay thường thấy là:

- Những hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, cùng các quyết sách chính trị của Đảng ta.

- Thờ ơ, bàng quan, phủ nhận những nguyên lý cách mạng, khoa học, nhân văn của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

- Trước những khó khăn của đất nước, hoặc trước những hạn chế, bất cập… trong quản lý, điều hành ở một số đơn vị, địa phương, họ thường thổi phồng, bơm to đến mức thái quá, cực đoan và quy vào bản chất của chế độ ta, Đảng ta.

- Xuyên tạc, phủ nhận trắng trợn những thành quả của cách mạng, dân tộc do Đảng ta lãnh đạo suốt hơn 85 năm qua, cùng bao sự hi sinh xương máu của nhiều thế hệ người Việt Nam.

- Ngộ nhận, tán dương, tâng bốc, tuyên truyền cho các luận điệu của các thế lực thù địch ngày đêm chống đối Đảng, chế độ và dân tộc.

- Làm việc cầm chừng, theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”; lợi dụng dân chủ, phê bình và tự phê bình gây chia rẽ nội bộ, công kích vào lãnh đạo, quản lý các cấp...

Những biểu hiện trên, tuy chưa đầy đủ, nhưng cũng có thể giúp chúng ta nắm bắt, nhận diện được căn bệnh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một số cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay. Mức độ đậm nhạt, nặng nhẹ của căn bệnh này ở một số cán bộ tùy thuộc vào các nguyên nhân như sau:

Khi nhu cầu, lợi ích không được đáp ứng; hoặc bị chi bộ, đơn vị đóng góp ý kiến, nhắc nhở, kỷ luật... về hành vi sai phạm của bản thân, những người này thường không bình tĩnh, khiêm tốn tìm ra các nguyên nhân để cùng đồng chí, đồng nghiệp tháo gỡ, khắc phục trên tinh thần thấu tình, đạt lý. Ngược lại, họ định kiến, mặc cảm với chi bộ, đơn vị; thậm chí oán trách chi bộ, đơn vị và chế độ. Có thể, đây được xem là nguyên nhân khởi đầu dẫn đến căn bệnh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Xem thường Điều lệ Đảng, nội quy, quy chế cơ quan, đơn vị; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đề cao, tuyệt đối hóa bản thân; bất chấp dư luận xã hội, sự đóng góp của chi bộ, cơ quan cùng các đồng chí, đồng nghiệp.

Không nắm được những nguyên tắc, quan điểm cơ bản mang tính chất phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng cốt lõi của Hồ Chí Minh, đặc biệt tư tưởng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của Người; đồng thời, họ cũng không thấy được quyết sách chính trị của Đảng ta trong sự nghiệp đổi mới là sản phẩm trí tuệ của toàn thể dân tộc, là sự kết tinh, vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh hoa của nhân loại, thời đại, dân tộc và những kinh nghiệm thực tiễn quý báu qua hơn 30 năm đổi mới đất nước.

Thiếu nhân cách hoặc tri thức, hay thiếu cả nhân cách và tri thức trong việc xem xét, đánh giá về những khó khăn bất cập, hạn chế của cơ quan, đơn vị, địa phương nói riêng và của đất nước nói chung; cũng như trong việc tiếp nhận các thông tin xuyên tạc, bóp méo, vu khống của các thế lực chống đối Đảng, chế độ ta và dân tộc ta...

Trên cơ sở những biểu hiện, nguyên nhân của căn bệnh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chúng ta cần tiến hành một số giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, khắc phục nó như sau:

Thứ nhất, về nhận thức, cần phải thấy rằng khắc phục căn bệnh trên là nhiệm vụ trước mắt, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; trước hết là trách nhiệm của mỗi đảng viên, cấp ủy, chi bộ và cơ quan. Bởi lẽ, Đảng ta nói riêng và hệ thống chính trị Việt Nam nói chung chỉ thật sự trong sạch, vững mạnh khi mỗi đảng viên, mỗi chi bộ trong sạch, vững mạnh.

Thứ hai, trong công tác tuyển chọn cán bộ, kết nạp đảng viên mới, cần phải đảm bảo tính khách quan, khoa học. Nghĩa là chúng ta phải tuyển chọn, kết nạp được những cán bộ, đảng viên thực sự có năng lực và đạo đức, tâm huyết với nghề nghiệp, công việc của đơn vị, cơ quan, với Đảng, với chế độ.

Thứ ba, cấp ủy, lãnh đạo các cấp phải thật sự gương mẫu về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức lối sống; phải thật sự là trung tâm đoàn kết của chi bộ, đơn vị, cơ quan; giải quyết hài hòa các mối quan hệ lợi ích trên tinh thần thấu tình, đạt lý, đảm bảo chất lượng công tác của đơn vị, nhiệm vụ chính trị của chi bộ, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Thứ tư, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và sinh hoạt chi bộ định kỳ; đồng thời, phát hiện kịp thời để có những biện pháp phù hợp nhằm khắc phục các biểu hiện của căn bệnh trên khi nó còn ở dạng tiền đề, mầm mống, cá biệt.

Thứ năm, cần rà soát lại một số cơ chế, chính sách đối với cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, bổ sung, khắc phục những bất cập trong một số cơ chế, chính sách mà bấy lâu vô hình trung nó là “hầm trú ẩn an toàn” cho những người thiếu trách nhiệm, năng lực đối với công việc của đơn vị, cơ quan, nhưng lại là rào cản tước bỏ, thủ tiêu động lực phấn đấu, cống hiến của người có tâm huyết, năng lực thực sự. Văn kiện Đại hội XII nhấn mạnh: “Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách đối với cán bộ, công chức theo hướng khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ; lấy bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ để đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút, trọng dụng nhân tài”.

Việc khắc phục tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một số cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay cần được các chi bộ, các đơn vị, cơ quan và toàn hệ thống chính trị quan tâm, quán triệt thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có như vậy, căn bệnh trên mới được khắc phục, đẩy lùi, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa chính trị, văn hóa đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

TS. PHẠM ÐÌNH ÐẠTTrưởng Khoa Triết học, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Học viện Chính trị Khu vực II

Thông báo