Trong hành trình về nguồn “Sáng mãi niềm tin” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức, gần 70 điển hình tiên tiến của thành phố giai đoạn 2011 – 2015 đã được về thăm quê Bác, vào viếng Lăng Bác và thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Hành trình đó đã tiếp thêm sức mạnh cho những người con nơi thành phố được vinh dự mang tên Bác từ 40 năm trước, cũng là nơi Người đã ra đi tìm đường cứu nước và để rồi những người con thành phố phương Nam luôn “sáng mãi niềm tin” vào Người.
“Quê hương nghĩa nặng tình sâu”
Giữa cái nắng trưa oi ả của tháng 6, đoàn hành trình đã về tới quê Bác (Nam Đàn, Nghệ An). Những tiếng xào xạc, kẽo kẹt của rặng tre tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh như đang giữ hồn cho làng quê Việt, gợi nhớ tuổi thơ đẹp đẽ nhưng cũng đầy gian khó, nhọc nhằn của Bác. Nơi đây có ngôi nhà nhỏ ba gian mái lá, xung quanh che phên là nơi cất tiếng khóc chào đời của cậu bé Nguyễn Sinh Cung; chính nơi đây đã khởi nguồn cho một khát vọng lớn lao, để Nguyễn Sinh Cung trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Những dấu ấn của tuổi thơ Bác Hồ đã giúp những thành viên trong đoàn càng thêm cảm phục về ý chí, tinh thần vĩ đại của Người. Chị Phan Thiên Thanh, Phó Bí thư Chi đoàn khu phố 2, phường Tân Thuận Tây, quận 7, bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên tôi được về thăm quê Bác. Được thăm quê Bác tôi thấy vô cùng xúc động, đặc biệt khi tham quan ba gian nhà tranh đơn sơ, nơi gắn bó với tuổi thơ của Bác. Chuyến đi đã giúp càng hiểu hơn về tinh thần cách mạng cao cả, nghị lực vươn lên mạnh mẽ từ những khó khăn, gian khổ của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Điều này đã truyền cảm xúc cho thế hệ trẻ chúng tôi tự nhắc nhở mình phải luôn có những việc làm cụ thể để thể hiện tình yêu quê hương, cố gắng học tập và làm theo Bác, nỗ lực xây dựng quê hương, đất nước”.
Về thăm quê Bác, chúng tôi đã được nghe kể những câu chuyện về tuổi thơ, về gia đình của Người. Dù là lãnh tụ dân tộc, dù buôn ba khắp thế giới tìm đường cứu nước nhưng Người vẫn luôn dành tìm cảm sâu đậm với nơi chôn nhau cắt rốn. Năm 1957, Người đã trở về thăm quê hương. Khi được lãnh đạo huyện Nam Đàn mời vào nhà khách mới được xây dựng Bác đã nói: “Tôi xa nhà, xa quê đã lâu nay mới có dịp trở về, tôi phải về thăm nhà tôi trước đã”. Về đến quê, Bác vẫn nhớ lại và đi theo con ngõ cũ vào nhà mình ở Làng Sen và không quên kể với mọi người về con đường ấy dù bấy giờ nó đã biến thành mảnh vườn. Người đã chỉ cho mọi người từng vị trí gốc cây trong vườn nhà năm xưa… Đi vào nhà lớn, Bác chỉ cho mọi người vị trí của từng đồ vật trong nhà. Bác đã nói: “Tôi xa quê đã năm mươi năm rồi. Thường tình người ta xa nhà, lúc trở về thì mừng mừng, tủi tủi. Nhưng tôi không tủi mà chỉ thấy mừng. Bởi, khi tôi ra đi, nhân dân ta còn nô lệ, bị bọn phong kiến đế quốc đè đầu cưỡi cổ. Bây giờ tôi về thì đất nước đã được giải phóng, nhân dân đã được tự do…”.
Nghe những câu chuyện của Bác, ai cũng bồi hồi xúc động vì những tình cảm của Người dành cho “quê hương nghĩa nặng tình sâu”. Với những cảm xúc dạt dào, tại Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Ngọc Hợi, Phó Trưởng Bộ phận chuyên trách Chỉ thị 03-CT/TW, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã xúc động bày tỏ với Bác: “Hành trình về nguồn lần này, đoàn chúng con cảm nhận được suối nguồn yêu thương mênh mông lan tỏa, như được đến với Bác gần hơn, thấy mình lớn hơn một chút, sáng hơn một chút, trưởng thành hơn một chút so với ngày hôm qua; chúng con càng cảm nhận mãnh liệt hơn bao giờ hết niềm tin son sắt đối với Bác, với Đảng, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, được tiếp thêm sức mạnh tinh thần đề “Sáng mãi niềm tin” về tương lai tươi sáng của cách mạng Việt Nam, của dân tộc Việt Nam”.
Thêm vững niềm tin
Rời quê Bác, đoàn hành trình về nguồn hướng về thủ đô Hà Nội vào Lăng viếng Bác. Trước Lăng, dòng người đông đúc nối chân nhau vào Lăng thể hiện tôn kính của đồng bào cả nước dành cho Người. Bí thư Đảng ủy Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức Nguyễn Thị Lý chia sẻ: “Đây là lần thứ ba tôi được vào Lăng viếng Bác. Mỗi lần được nhìn Bác tôi lại thấy như được gần Bác hơn. Thật kỳ lạ, dù mỗi lần vào Lăng là một cung bậc khác nhau nhưng tất cả đều dâng trào cảm xúc mãnh liệt, sâu lắng, niềm xúc động và tự hào mãnh liệt về Bác”.
Một trong những địa danh ghi dấu về nơi ở và làm việc trong 15 năm (từ 1954 đến 1969) của Bác là Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Nơi ghi dấu hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc trong 15 năm (từ 1954 đến 1969). Nhiều địa danh lịch sử nơi đây đã gắn liền với những hoạt động cách mạng sôi nổi và cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: tòa nhà Phủ Chủ tịch, nhà 54, nhà sàn, nhà H.67, phòng họp Bộ Chính trị, hầm H.66 và các di tích ngoài trời như: đường xoài, vười cây, ao cá, giàn hoa Phủ Chủ tịch… Đi trong khu di tích, nhiều thành viên trong đoàn đã bật lên những câu thơ trong bài thơ Thăm cõi Bác xưa của nhà thơ Tố Hữu: “Anh dắt em vào cõi Bác xưa/ Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa/ Có hồ nước lặng sôi tăm cá/ Có bưởi cam thơm, mát bóng dừa…”. Cô hướng dẫn viên du lịch tại khu di tích đã kể cho những thành viên trong đoàn nghe những câu chuyện đầy xúc động về tình cảm của Bác dành cho nhân dân cả nước, đặc biệt là đồng bào miền Nam. Người đã luôn đau đáu: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi. Tôi nghĩ rằng tôi chưa làm trọn nghĩa vụ đối với đồng bào miền Nam; mặc dù như vậy, tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi cũng như tôi luôn luôn yêu quý đồng bào. Ở miền Nam, tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ”.
Cảm nhận về những tình cảm của Bác, Bí thư Đoàn Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) Nguyễn Thái Hà nói: “Cả cuộc đời Bác là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, từng giây từng phút trong cuộc đời Bác đều dành tâm sức mình cho trách nhiệm phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ngay cả khi lâm trọng bệnh, Bác vẫn làm việc, vẫn hết lòng hết sức với nhân dân, không ngày nào Bác không hỏi tình hình đất nước, nhân dân, cuộc kháng chiến miền Nam ruột thịt. Tham gia chuyến hành trình về nguồn “Sáng mãi niềm tin”, chúng tôi được vào viếng Bác, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, được trải nghiệm thực tế, hòa vào những câu chuyện đầy cảm xúc. Từ chuyến đi này, là thế hệ trẻ chúng tôi càng phải có trách nhiệm thể hiện ở sự rèn luyện trong học tập, trong công việc, ý thức với việc chung của cộng đồng xã hội, rèn luyện bản lĩnh chính trị để có cái nhìn sâu sắc về cuộc sống về thời cuộc của đất nước, của dân tộc. Hành trình về nguồn này đã giúp tôi thêm vững niềm tin trong công việc và trong cuộc sống và tin vào những điều tốt đẹp”.
Tạm biệt Hà Nội trở về với thành phố mang tên Người, tôi vẫn văng vẳng những câu thơ trong bài thơ Thăm cõi Bác xưa: “Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta/ Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa/ Chỉ biết quên mình, cho hết thảy/ Như dòng sông chảy, nặng phù sa”. Hôm nay, đất nước đã hòa bình, non sông đã liền một dải như ý Bác hằng mong. Và trong tôi cũng cũng nhớ rõ những dòng cảm xúc của đồng chí Phạm Ngọc Hợi bày tỏ: “Chúng con xin hứa sẽ không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức lối sống; không ngừng phấn đấu học tập, nghiên cứu vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong cuộc sống và công tác; không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, xây dựng thành phố mang tên Bác có chất lượng sống tốt, ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; không ngừng chung sức phấn đấu, sớm đạt mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.