Vùng Nam Đàn (Nghệ An) nổi tiếng là đất học với những danh nhân tiêu biểu như Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh… Riêng ở xã Nam Hoành, họ Tạ Quang nổi tiếng vì cử nhân tại quán, 11 đời đều có người đậu cử nhân nhưng không ra làm quan mà ở tại quê làm ruộng; và phụ giáo tử đăng khoa, cha dạy con đi thi đỗ đạt. Trong họ tộc ấy, Tạ Quang Bửu sinh ngày 23-7-1910 là con trai trưởng cụ Tạ Quang Diễm, có tiếng hay chữ, từng làm huấn đạo ở Thanh Hóa, giáo thụ ở Quảng Nam.
Tạ Quang Bửu được theo học từ thuở nhỏ và cũng sớm nổi tiếng về đường học vấn. Tốt nghiệp tiểu học ở Huế. Thi vào trường Quốc học và lấy bằng Thành chung năm 1926, đứng thứ nhì sau Hoàng Xuân Hãn. Ra Hà Nội học trường Trung học Bảo hộ (trường Bưởi), sau 3 năm học đậu đầu kỳ thi tú tài bản xứ. Sau đó thi luôn tú tài Tây, cũng đậu đầu. Do học giỏi và đậu cao, năm 1929 được Hội “Như tây du học” do một Thượng thư Nam triều sáng lập, cấp học bổng cho sang Paris (Pháp) học.
Tại Đại học Tổng hợp Sorbonne, Tạ Quang Bửu chọn học ngành toán. Tại trường Đại học Bách khoa ở Bordeaux, anh học thêm cơ học. Rồi trúng tuyển và nhận được học bổng của trường Đại học Tổng hợp Oxford (Anh), anh sang London học vật lý lượng tử. Nhưng ở Pháp cũng như ở Anh, anh tự học thêm và hiểu sâu nhiều ngành. Anh sử dụng thành thạo các ngôn ngữ Pháp, Anh và Đức. Ngoài ra, anh còn có thể đọc hiểu tiếng Nga, Hàn, Hi Lạp cổ và Latin; đồng thời, anh chơi giỏi nhiều môn thể thao. Thầy dạy và bạn học rất khâm phục kiến thức bách khoa và học lực uyên thâm của anh.
Về nước năm 1937, Tạ Quang Bửu không hợp tác với chính quyền thực dân và phong kiến. Anh chọn nghề dạy học ở trường tư thục Thiên Hựu (Providence). Ngoài các môn sở trường toán, lý, hóa và tiếng Anh, thầy Bửu còn dạy khoa học tự nhiên gồm động vật, thực vật, khoáng vật và khoa học xã hội gồm địa lý, lịch sử. Môn nào thầy dạy cũng hay, dễ hiểu, học sinh thích thú.
Thầy giáo Tạ Quang Bửu đã làm 2 việc nổi bật.
Trước tiên là việc đứng ra thành lập Hội Hướng đạo ở Huế mà anh là Tổng ủy viên. Thanh niên, học sinh hăng hái tham gia. Theo anh, tổ chức hướng đạo lành mạnh, có tinh thần dân tộc, có những hoạt động nhằm rèn luyện cho lớp trẻ tính tháo vát, tự lực, lòng ham thích làm việc tốt. Nhiều hướng đạo sinh sau này tham gia Việt Minh, trở thành cán bộ cách mạng, hoạt động tích cực.
Việc nổi bật nữa là khoảng thời gian ngắn ngủi sau ngày Nhật đảo chính Pháp đến trước Cách mạng tháng Tám, luật sư Phan Anh và anh có sáng kiến tổ chức trường Thanh niên tiền tuyến Huế, anh là người chủ chốt. Mục đích xác định là nắm thời cơ thuận lợi để đào tạo một lớp thanh niên có tinh thần yêu nước, quyết tâm đi theo nghĩa cả, để đón trước những gì có thể đến trên đất nước khi Thế chiến thứ II kết thúc, phát xít Nhật đầu hàng. Khi thực dân Pháp gây hấn ở Nam bộ rồi đánh nống ra Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Thanh niên Tiền tuyến đã làm nòng cốt thành lập một số chi đội Giải phóng quân kịp thời chi viện cho các chiến trường. Về sau, hầu hết trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp trong quân đội ta.
Ngay trong tháng 8-1945, đồng chí Tạ Quang Bửu ra Hà Nội để nhận nhiệm vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là thành viên Hội đồng Kiến thiết quốc gia rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (thay Bộ trưởng Phan Anh), là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên.
Năm 1946, đồng chí trở lại Paris với tư cách thành viên Phái đoàn Chính phủ Việt Nam dự Hội nghị Fontainebleau. Đồng chí tiếp xúc với các trí thức kiều bào ở Pháp và giới thiệu để Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn đưa về nước phục vụ. Tháng 7 năm ấy, Giáo sư Tạ Quang Bửu và Tiến sĩ Bửu Hội (kiều bào) được cử sang Genève (Thụy Sĩ) dự Lễ kỷ niệm 200 năm ngày thành lập Hội các nhà khoa học tự nhiên Thụy Sĩ. Đây là cuộc lễ và hội nghị khoa học lớn nhất được tổ chức ở châu Âu sau chiến tranh. Đây cũng là vinh dự to lớn của đất nước ta.
Trong điều kiện vô cùng khó khăn và thiếu thốn lúc này, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu rất quan tâm giúp đỡ Cục trưởng Cục Quân giới Trần Đại Nghĩa nghiên cứu chế tạo bazooka và một số loại vũ khí khác để cung ứng cho các chiến trường. Đến tháng 4-1947, đạn bazooka được đưa vào sản xuất hàng loạt. Nhưng trước đó một tháng, đoàn xe tăng và xe bọc thép của quân Pháp hành quân lên vùng Chương Mỹ, nơi đứng chân tạm thời của Chính phủ ta, Trung đoàn Thủ đô dùng đạn bazooka bắn cháy, bắn hỏng nhiều xe đi đầu, cả đoàn xe của địch phải quay đầu rút chạy.
Năm 1952, đồng chí Trần Đại Nghĩa được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lao động, Giáo sư Tạ Quang Bửu nói: “Người có công lao lớn nhất trong việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo các loại vũ khí có hỏa lực mạnh là anh Trần Đại Nghĩa. Anh rất xứng đáng là người trí thức Việt Nam đầu tiên được nhận vinh dự cao quý đó”. Còn đồng chí Trần Đại Nghĩa lại nói: “Đúng là trong một số việc cụ thể, tôi trực tiếp làm nhiều hơn anh Bửu. Nhưng sở dĩ tôi có thể làm được những công việc ấy là nhờ luôn luôn được anh Bửu chỉ dẫn, giúp đỡ và cộng tác”.
Điều này giúp ta hiểu vì sao tháng 8-1948, đồng chí Tạ Quang Bửu đề nghị Bác Hồ và Trung ương Đảng cử đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng Bộ quốc phòng, còn đồng chí làm Thứ trưởng phụ trách công tác khoa học, kỹ thuật quân sự, chỉ đạo sâu các cục Quân giới, Quân y, Quân nhu, Quân pháp, Công binh… Uy tín của đồng chí rất cao; cụ thể, tháng 7-1947 được kết nạp vào Đảng, nhưng ngay trong thời gian dự bị, đồng chí được bổ sung vào Tổng quân ủy.
Tại Hội nghị Genève (Thụy Sĩ) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, đồng chí Tạ Quang Bửu thay mặt Quân đội nhân dân Việt Nam ký văn bản quân sự của Hội nghị ngày 20-7-1954. Bên lề Hội nghị, một số chính khách nói về Tạ Quang Bửu: “Một nhà thông thái của Việt Nam!”
Miền Bắc bắt tay xây dựng chủ nghĩa xã hội, lĩnh vực công tác chính của đồng chí Tạ Quang Bửu chuyển dần sang lãnh đạo và quản lý các hoạt động khoa học kỹ thuật và giáo dục. Đồng chí là Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký, Ủy viên Đảng đoàn Ủy ban Khoa học Nhà nước. Đồng chí là Giám đốc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ngay từ năm học đầu tiên (1956 – 1957). Đồng chí là vị Giáo sư Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đầu tiên, ở cương vị ấy suốt thời gian dài 11 năm từ 1965 đến 1976.
Đồng chí rất coi trọng việc đào tạo cơ bản nhằm tăng cường tiềm lực khoa học, củng cố gốc kiến thức cho vững. Đồng chí căn dặn cán bộ trong ngành phải trên cơ sở đó mới có thể tiếp nhận cái mới của thế giới, thích ứng với mọi đổi thay nhanh chóng của khoa học. Nhưng trong việc đào tạo đại học ở nước ta, nhất là trong thời chiến, không được phỏng dịch hoặc sao chép nguyên xi của nước ngoài. Đồng chí tổ chức nhiều buổi sinh hoạt, tự đứng ra thuyết trình những vấn đề mới nhất về khoa học, nhất là toán học, cho đông đảo cán bộ nghiên cứu và giảng dạy đại học. Đó là những bài giảng rất uyên bác. Đồng chí nêu ý tưởng, đề tài nghiên cứu và khuyến khích các nhà nghiên cứu cùng cộng tác để có những công trình nghiên cứu khoa học giá trị.
Bộ trưởng Tạ Quang Bửu còn đóng vai trò rất lớn trực tiếp chỉ đạo các trường đại học và viện nghiên cứu đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Đó là ứng dụng rà phá bom mìn địch phong tỏa ở vịnh Bắc bộ; thiết kế thi công cầu treo bằng dây cáp để bảo đảm giao thông; giải pháp kỹ thuật để Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn phát sóng mặc dù địch liên tục oanh tạc…
Đồng chí tổ chức thi tuyển và hàng năm cử 4.000 - 5.000 lưu học sinh và 500 - 600 nghiên cứu sinh ra nước ngoài đào tạo. Tầm nhìn xa trông rộng của đồng chí tạo cho đất nước có nhiều tiềm lực khoa học - kỹ thuật phục vụ sự nghiệp xây dựng trước mắt và lâu dài.
Là nhà khoa học lớn, đồng chí để lại nhiều công trình, tác phẩm có giá trị, như Thống kê thường thức, Vật lý cương yếu, Nguyên tử – hạt nhân – vũ trụ tuyến, Sống, Đại số các toán tử, Các mức điều chỉnh trong lý thuyết hệ thống, Viết thêm về các mức điều chỉnh trong lý thuyết hệ thống, Hạt cơ bản…
Do bị rối loạn tuần hoàn não, đồng chí Tạ Quang Bửu từ trần tại Hà Nội ngày 21-6-1986. Cả nước đau buồn, tiếc thương trước mất mát lớn. Một đảng viên, một chiến sĩ cộng sản ưu tú. Một nhà trí thức cách mạng uyên bác. Một nhà khoa học và giáo dục xuất sắc đầy trí tuệ. Một tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học và lao động vì Tổ quốc, một lối sống giản dị, khiêm tốn, cần kiệm liêm chính, dĩ công vi thượng.