Năm 1954, trong bài thơ Ta đi tới, in trong tập Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Ai đi Nam bộ/ Tiền Giang, Hậu Giang/ Ai vô thành phố/ Hồ Chí Minh/ Rực rỡ tên vàng…”. Với bài thơ này, nhiều người nghĩ rằng tên gọi thành phố Hồ Chí Minh đã có từ năm 1954 hoặc trước đó. Quả thật, lần giở các tư liệu lịch sử, tên gọi này thực sự đã xuất hiện từ sau ngày thành lập nước không lâu, như một sự biết ơn và ngưỡng vọng của nhân dân thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đối với Bác Hồ kính yêu. Nhưng đó là tên gọi chưa chính thức, dù đã có ý kiến đề đạt xin được đổi tên thành phố.
Theo nhà báo Đinh Phong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, tại kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa I (diễn ra từ ngày 2-3-1946), “Huỳnh Văn Tiểng đã thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội Sài Gòn – Chợ Lớn đề nghị Quốc hội cho phép thành phố Sài Gòn được mang tên thành phố Hồ Chí Minh”(1). Huỳnh Văn Tiểng là một trong 5 đại biểu (cùng với Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Trấn, Hoàng Đôn Văn, Nguyễn Văn Tư) của thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn.
Báo Cứu Quốc, số ra ngày 27-8-1946, in trên trang 1 và tiếp theo ở trang 4, đã nêu việc đổi tên này, toàn văn như sau:
“Thành phố Sài Gòn từ nay sẽ đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh.
Hà Nội, ngày 25-8-1946, nhân ngày kỷ niệm một năm chính quyền cách mạng, Phòng Nam bộ Trung ương, đường Gia Định đã có một buổi họp mặt thân thiện giữa những người Việt miền Nam.
Trong buổi họp này, bác sĩ Nghiệp nhắc lại tình hình Nam bộ trong một năm qua; những chiến công oanh liệt của các chiến sĩ đã chết và còn sống hiện đang chiến đấu, nhưng trên tất cả, bác sĩ kể đến công đức của Hồ Chủ tịch, người chiến sĩ tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc, vị đại anh hùng của dân chúng Việt Nam.
Để kết luận, sau khi kể một vài thí dụ ở những nước lớn hay lấy tên những vị anh hùng để đặt cho một thành phố lớn, bác sĩ Nghiệp đề nghị, để ghi lấy công đức của Hồ Chủ tịch, thành phố Sài Gòn đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh.
Toàn thể mọi người tán thành đề nghị của bác sĩ Nghiệp và đồng ký vào bản quyết nghị thay tên thành phố Sài Gòn gửi lên Chính phủ.
Dưới đây là bản quyết nghị:
“26 tháng tám - Dân chủ Cộng hòa năm thứ II
Bản Quyết nghị gửi Quốc hội và Chính phủ Trung ương
Toàn thể đồng bào Nam bộ đủ các đảng phái, giai cấp, họp mặt tại Hà Nội hôm nay, 25 tháng tám năm thứ hai của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, để kỷ niệm ngày Nam bộ khởi nghĩa.
Xin Quốc hội và Chính phủ Trung ương đổi ngay tên thành phố Sài Gòn lại làm tên thành phố Hồ Chí Minh, để tượng trưng sự chiến đấu, hi sinh và cương quyết trở về với Tổ quốc của dân Nam bộ”(2).
Bản kiến nghị này có danh sách ký tên 57 người, trong đó có một số tên tuổi như bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, luật sư Trần Công Tường, bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng, bà Đỗ Đình Thiện…
Trong cuốn 23 tháng 9, xuất bản vào năm 1950, gồm 35 trang khổ nhỏ (12x17cm), không có tên tác giả, chỉ đề “Việt Nam Thông tấn phát hành, 1950”, có nội dung ôn lại quãng thời gian 5 năm kể từ ngày Nam bộ kháng chiến (23-9-1945). Ngay đoạn đầu, sách nêu: “Hôm nay, cách đây đúng năm năm, cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam bắt đầu. Bắt đầu ở Nam bộ, phần đất xinh tươi của Tổ quốc mà Cụ Chủ tịch đã gọi là “thịt của thịt chúng ta, máu của máu chúng ta”. Bắt đầu ở Sài Gòn - Chợ Lớn, đô thành lớn nhất ở Việt Nam mà đồng bào Nam bộ đã xin cải tên lại là “thành phố Hồ Chí Minh” vừa để cảm ơn người chí sĩ đã sáng lập nền dân chủ cộng hòa, vừa để tiêu biểu ý chí quật cường, lòng dạ quyết thắng của bao triệu dân theo gót của vị anh hùng dân tộc”(3). Như vậy, có thể khẳng định ý tưởng đổi tên Sài Gòn thành thành phố Hồ Chí Minh đến từ đồng bào Nam bộ. Vì nhiều lý do, đề nghị này đã không thể thành hiện thực, mãi cho đến ngày thống nhất đất nước.
Dù không được chính thức đặt tên là thành phố Hồ Chí Minh nhưng người dân Nam bộ cũng như người dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định vẫn gọi thành phố mình đang sống là thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Báo Sài Gòn Giải phóng số đầu tiên, ra ngày 5-5-1975, ghi rõ là “Tiếng nói của nhân dân Sài Gòn – Gia Định”, đã đăng thông báo về việc thành lập Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định, ban hành ngày 3-5-1975, do Thượng ướng Trần Văn Trà ký, toàn văn như sau:
“Cuộc tổng tấn công và nổi dậy của quân dân miền Nam ta nhằm đập tan ngụy quyền tay sai đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Thành phố Sài Gòn, thành phố vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã hoàn toàn giải phóng.
Để nhanh chóng ổn định trật tự an ninh trong thành phố, xây dựng trật tự cách mạng mới, củng cố và phát huy quyền làm chủ của nhân dân;
Để nhanh chóng khôi phục và ổn định đời sống bình thường của đồng bào các giới trong thành phố Sài Gòn – Gia Định;
Căn cứ quyết định của Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, chúng tôi xin thông báo danh sách Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định như sau:
1) Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch
2) Võ Văn Kiệt, Phó Chủ tịch
3) Mai Chí Thọ, Phó Chủ tịch
4) Thiếu tướng Hoàng Cầm, Tư lịnh Quân đoàn Bảo vệ Sài Gòn – Gia Định, Phó Chủ tịch
5) Thiếu tướng Trần Văn Danh, Phó Chủ tịch
6) Cao Đăng Chiếm, Phó Chủ tịch
7) Đại tá Bùi Thanh Khiết, Ủy viên
8) Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ, Ủy viên
9) Dương Kỳ Hiệp, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Ủy viên
10) Võ Thanh Danh, Ủy viên
11) Phan Minh Tánh, Ủy viên.
Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kêu gọi toàn thể các giới đồng bào hãy nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, góp sức cùng Ủy ban Quân quản và các lực lượng võ trang giải phóng hoàn thành tốt nhiệm vụ quân quản.
Toàn thể cán bộ chiến sĩ các lực lượng võ trang hãy phát huy bản chất truyền thống cách mạng luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, giữ vững trật tự an ninh và bảo vệ thành phố, tận tâm tận lực giúp đỡ nhân dân, gương mẫu chấp hành các chính sách”.
Cũng trên số báo này, trong bài xã luận có nhan đề Toàn thắng đã về ta, có những câu: “Ôi sung sướng biết bao! Tự hào biết bao, thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng!”, “Sài Gòn biết rõ mình đã vĩnh viễn làm chủ thành phố của mình và quyết xứng đáng là ‘thành phố Hồ Chí Minh’”.
Ngày 7-5-1975, trong cuộc mít tinh của Ủy ban Quân quản Sài Gòn – Gia Định tổ chức ở Dinh Độc Lập, diễn văn do Thượng tướng Trần Văn Trà trình bày đã nhiều lần nhắc đến cụm từ “thành phố Hồ Chí Minh”. Chẳng hạn, “Mỗi công dân của thành phố Hồ Chí Minh anh hùng hãy tự hào ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường rất mực của thành phố thân yêu”, “Mong rằng thế hệ trẻ Sài Gòn – Gia Định sẽ vươn lên mạnh mẽ, quyết xứng đáng là thế hệ thanh niên Hồ Chí Minh của thành phố Hồ Chí Minh anh hùng”, “Hoàn toàn tin tưởng ở tương lai, toàn thể đồng bào và chiến sĩ Sài Gòn – Gia Định hãy hòa nhịp đập trái tim của mình với đồng bào cả nước, hăng hái tiến lên, quyết làm cho thành phố quê hương thân yêu xứng đáng hoàn toàn với danh hiệu thành phố Hồ Chí Minh anh hùng, đáp lại tình yêu thương và mong đợi của cả dân tộc”, “Thành phố mang tên Hồ Chí Minh vĩ đại, muôn năm!”…
Liên tục trong nhiều số, Báo Sài Gòn Giải phóng đều có mục “Sinh hoạt thành phố Hồ Chí Minh” giới thiệu những hoạt động chào mừng ngày toàn thắng của các tầng lớp nhân dân thành phố. Rất nhiều lần, trong các bài viết, bài thơ đăng trên báo, cụm từ “thành phố Hồ Chí Minh” hoặc ý gọi thành phố mang tên Bác Hồ cũng được nhắc đi nhắc lại rất trang trọng. Trong bài thơ Toàn thắng về ta! của nhà thơ Tố Hữu có đoạn: “Buổi trưa hôm nay tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/ Chúng con đến xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa”; hay bài Sài Gòn giải phóng của nhà thơ Huy Cận có đoạn: “Sài Gòn ơi/ Việt Nam ơi/ thành phố Hồ Chí Minh giải phóng sáng nay rồi/ Chân ta đứng đỉnh đời vĩnh viễn…”; bài Chưa bao giờ Sài Gòn đẹp như hôm nay của tác giả Trần Mạnh Hảo, có câu: “‘Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng’/ Có lời tiên tri nào lạ lùng bằng câu thơ ấy…”.
Như vậy, tên gọi thành phố Hồ Chí Minh đã được gọi gần như chính thức từ sau ngày giải phóng và trước ngày được Quốc hội thông qua khá lâu. Ngay trên manchette Báo Sài Gòn Giải phóng số ngày 1-7-1976 đã ghi là “Tiếng nói của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”.
Từ lúc 8g20 ngày 2-7-1976, cùng với nghị quyết thống nhất đặt tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa VI cũng thông qua nghị quyết đặt tên thành phố Sài Gòn – Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh. Trong nghị quyết về việc đặt tên, Quốc hội nêu rõ: “Xét rằng nhân dân thành phố Sài Gòn - Gia Định luôn luôn tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tha thiết với việc thành phố mang tên Người;
Xét rằng, trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, thành phố Sài Gòn - Gia Định đã không ngừng phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, lập nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại;
Sau khi thảo luận đề nghị của Đoàn Chủ tịch kỳ họp Quốc hội, quyết nghị chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh”.
Ngày 2-7-1976 là cột mốc chính thức để thành phố Sài Gòn – Gia Định (và cả Chợ Lớn) mang tên vị lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh. Tính đến nay, thành phố đã tròn 40 năm “rực rỡ tên vàng” như câu thơ của Tố Hữu. Nhưng trong tâm tưởng của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào thành phố nhiều thế hệ, tên gọi này thực sự đã ra đời từ cách đây 70 năm, và đồng hành với mỗi bước trưởng thành của cách mạng miền Nam nói chung và thành phố nói riêng. Lời bài hát Tiếng hát từ thành phố mang tên Người của nhạc sĩ Cao Việt Bách (thơ Đăng Trung) thực sự phản ánh đúng điều đó: “Thành phố Hồ Chí Minh, ngời ngời rực sáng tương lai/ Trong mỗi trái tim, trong mỗi ước mơ/ Trong mỗi cuộc đời ta luôn có Bác/ Lời Bác thiết ta dìu dắt chúng ta/ Sáng mãi tên Người/ Thành phố Hồ Chí Minh…”
---------------------------
(1) Đinh Phong,Huỳnh Văn Tiểng - Một người anh của phát thanh và truyền hình Việt Nam, Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 5-6-2009.
(2) Báo Cứu Quốc, số 329, ra ngày 27-8-1946.
(3) Lam Điền, Tìm lại ý tưởng đặt tên thành phố Hồ Chí Minh, Tuổi trẻ cuối tuần, số ra ngày 30-8-2015.