Chủ Nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024

Hồ Chí Minh - Tầm nhìn thời đại

Kỷ niệm 105 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2016), ngày 3-6, Thành ủy TP.HCM phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Hồ Chí Minh - Tầm nhìn thời đại”. Các đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM đã dự Hội thảo.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nêu rõ, TP.HCM vinh dự được tiễn chân chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước và là nơi được Người dành nhiều tình cảm thân thương trong suốt cuộc đời. Hiện nay, thành phố là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Thành phố nguyện “cùng cả nước, vì cả nước”, ra sức phấn đấu thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong cáo cáo đề dẫn tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Cách đây vừa tròn 105 năm, năm 1911, từ thành phố Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Bằng trí tuệ mẫn tiệp, siêu phàm, tầm nhìn rộng mở, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và trở thành người cộng sản, chiến sĩ quốc tế xuất sắc, tìm thấy con đường cứu nước duy nhất đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Với tầm nhìn thời đại, Người đã làm sáng rõ con đường cách mạng Việt Nam, làm thay đổi vận mệnh của cả dân tộc - từ thân phận nô lệ thành một dân tộc độc lập, tự do và góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tấm gương sáng ngời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người trên toàn thế giới. Với ý nghĩa đó, Hội thảo khoa học kỷ niệm 105 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và 40 năm thành phố mang tên Bác là dịp để chúng ta bày tỏ lòng tôn kính đối với Người, đồng thời, để nhận thức đầy đủ hơn nữa những giá trị từ sự kiện Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, cũng như tầm nhìn thời đại của Người đối với những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận những giá trị của sự kiện ấy, tầm nhìn ấy đã và đang được phát huy trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, sự phát triển của thành phố mang tên Bác nói riêng.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng khẳng định, tầm nhìn thời đại của Hồ Chí Minh thể hiện ở: thứ nhất, tầm nhìn thời đại trong việc tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc; thứ hai, tầm nhìn thời đại trong việc xác lập, kiến tạo mô hình xã hội gắn với các thiết chế hiện đại; thứ ba, tầm nhìn thời đại trong việc xác định con đường phát triển của dân tộc Việt Nam; thứ tư, tầm nhìn thời đại trong xây dựng nhân cách, phẩm giá con người Việt Nam; thứ năm, tầm nhìn thời đại về quan hệ quốc tế và giải quyết các vấn đề quốc tế...

Sau hơn 2 tháng triển khai, Hội thảo đã nhận được 197 tham luận, thể hiện tình cảm thiêng liêng, lòng kính trọng yêu thương đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, của Đảng ta. Với lòng tôn kính và trách nhiệm cao, các tác giả của các tham luận đã dày công nghiên cứu, suy nghĩ, tìm tòi những tư liệu và nội dung khoa học phong phú liên quan đến chủ đề Hội thảo.

Tại Hội thảo, những giá trị tư tưởng mang tầm thời đại về con đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa được chứng minh, khẳng định. Các tham luận không chỉ làm rõ bối cảnh lịch sử, nhân tố ảnh hưởng và động cơ ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành; hành trình tìm kiếm con đường cho cách mạng Việt Nam mà còn khẳng định ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước là một mốc son của lịch sử dân tộc, là sự lựa chọn đúng đắn, sáng suốt và công lao to lớn của Người nhằm giải quyết vấn đề khủng hoảng về con đường cứu nước đầu thế kỷ XX. Sự ra đi tìm đường cứu nước của Người không phải là sự ngẫu nhiên, may mắn mà điều đó đã được chứng minh bằng tư tưởng, sự trải nghiệm, quá trình lao động, học tập và chiến đấu với trí tuệ và tầm vóc thời đại.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, khẳng định: Học tập và làm theo Bác, Thành ủy qua các nhiệm kỳ luôn đau đáu với các vấn đề bức xúc trong cuộc sống của nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, tập trung mọi nỗ lực để giải quyết cho được những bức xúc dân sinh, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của kinh tế thành phố... Mọi nỗ lực của Đảng bộ, của cả hệ thống chính trị thành phố, thước đo phẩm chất, năng lực cán bộ hiện đang tập trung khắc phục hạn chế, khuyết điểm, mà trọng tâm là kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), thực hiện đạt mục tiêu, chỉ tiêu các chương trình đột phá đã đề ra”.

Đồng chí Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng, theo Bác, con đường cứu nước cứu dân để giành độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội không phải bằng con đường chúng ta đi nhờ cậy nước ngoài mà phải bằng chính sức mạnh của dân tộc để giành độc lập cho dân tộc mình. Chính vì vậy, Bác luôn quan tâm, dẫn dắt dân tộc ta, đất nước ta phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhấn mạnh tới tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí mong muốn tư tưởng đại đoàn kết dân tộc theo tinh thần của Bác tiếp tục phải được phát huy, trong đó, cán bộ các cấp phải nêu gương, phải làm tốt hơn công tác dân vận, tập hợp được lòng dân vì một mục tiêu chung là phát triển đất nước vững mạnh theo ý của Người.

Trong tham luận nhan đề Khát vọng đưa thành phố phát triển xứng tầm, đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố, trăn trở: “TP.HCM cần làm tốt hơn công tác quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị, theo hướng hiện đại, bảo đảm môi trường sống tốt. Chủ động triển khai các đô thị vệ tinh một cách bài bản, xem người dân có đất là nhà đầu tư tiềm tàng. Trong quá trình phát triển có quan tâm bảo tồn và phát huy di sản, cốt cách văn hóa của thành phố. Cần sớm cụ thể hóa các tiêu chí về thành phố có chất lượng sống tốt, các chỉ số cần phải phấn đấu, các giải pháp cần triển khai với bước đi phù hợp để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động từ trong cấp ủy đảng, chính quyền và người dân…”.

PV.

Thông báo