TP.HCM là địa phương đi đầu cả nước trong việc xóa bỏ dần cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, từng bước xác lập nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thành phố trở thành một trung tâm công nghiệp lớn, giữ vai trò hậu thuẫn và thúc đẩy, lôi kéo sự phát triển cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, ngân hàng, tài chính, tiền tệ, bưu chính viễn thông… lớn nhất nước, là đầu mối giao thông vận tải, cửa ngõ giao thương và giao lưu quốc tế của cả nước. Đặc biệt, trong suốt 40 năm qua, thành phố luôn đi trước, dẫn đầu trong việc bảo đảm quyền được hưởng thụ các thành quả phát triển kinh tế của người dân.
TP.HCM luôn vượt qua khó khăn, đảm bảo cuộc sống ổn định cho nhân dân
Sau ngày 30-4-1975, Đảng bộ và nhân dân thành phố từng bước giải quyết di sản thực dân, đế quốc và hậu quả chiến tranh. Dù phải đương đầu với bao khó khăn cả bên trong lẫn bên ngoài, đối diện với vô vàn thử thách vô cùng khắc nghiệt của thời kỳ mới, Đảng bộ và nhân dân thành phố vẫn vững vàng, kiên trì, bền bỉ tìm kiếm con đường phát triển kinh tế thích hợp cho địa phương mình, đó là chính sách kinh tế nhiều thành phần, tôn trọng đồng thời lợi ích người lao động, lợi ích tập thể và lợi ích chung cả nước. Nhờ ý chí kiên gan ấy, ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất, giai đoạn cả nước rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, thành phố vẫn luôn có những bước chuyển mạnh mẽ, táo bạo, để vươn lên và phát triển, bảo đảm được nhiều nhất chất lượng cuộc sống cho người dân.
Cuối năm 1986, xuất phát từ tình hình thực tiễn của cả nước, trong đó có TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Đảng đã có những bước đột phá trong đổi mới tư duy, thể hiện tại Đại hội Đảng lần thứ VI. Tại Đại hội này, đường lối đổi mới toàn diện được thông qua, khởi đầu từ tư duy mới về kinh tế, lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh và nâng dần đời sống xã hội làm thước đo. Từ đây, thành phố cùng cả nước bước vào công cuộc đổi mới đầy sôi động và hiệu quả, kinh tế từng bước được phục hồi và vươn lên phát triển mạnh mẽ, đời sống vật chất và tinh thần của mọi người được cải thiện, công tác đối ngoại được thực hiện theo phương châm “Việt Nam muốn là bạn của các nước” trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, cùng có lợi… trở thành phương châm hành động của nước ta, được thế giới hoan nghênh. Kết quả là TP.HCM ngày càng tỏa sáng, phát triển nhanh, trở thành đầu tàu phát triển kinh tế nước nhà(1); hàng loạt cơ sở kinh tế mới và khu đô thị mới ra đời, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ nét, từng bước vượt qua đói nghèo, người giàu hoặc khá giả biết chia sẻ với cộng đồng bằng hàng loạt phong trào an sinh xã hội có ý nghĩa(2) (xóa đói giảm nghèo, cứu trợ thiên tai, xây nhà tình nghĩa – tình thương, hỗ trợ bệnh nhân nghèo…).
Vượt qua những thách thức, bằng nỗ lực lớn của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, sự phát triển kinh tế của TP.HCM ngày càng gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, hướng tới việc đảm bảo cho người dân thành phố được thụ hưởng các thành quả kinh tế mà họ đã chung tay góp sức tạo nên.
Những bước tiến nhảy vọt của TP.HCM, đảm bảo không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân
Trong thời kỳ mới, TP.HCM được Trung ương giao nhiệm vụ phải thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững về kinh tế, thể hiện vai trò đầu tàu kinh tế cả nước. Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VI (tháng 5-1996) chủ trương đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa công nghiệp và dịch vụ, công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn, tạo sự biến đổi đáng kể về chất trong các ngành sản xuất và ngành dịch vụ then chốt. Tập trung đầu tư một số ngành có hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao, hình thành trung tâm tài chính, thương mại và dịch vụ hiện đại. Phấn đấu mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm từ 15% trở lên.
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, kinh tế thành phố tăng liên tục ngày càng cao, năm sau cao hơn năm trước, thời kỳ sau cao hơn thời kỳ trước(3); thu ngân sách của thành phố tăng liên tục(4). Kinh tế nhiều thành phần được sự hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển đã có những chuyển biến rõ rệt, phát triển đúng hướng và đóng vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế thị trường của thành phố. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được mở rộng và tăng lên rất nhanh. Tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài tăng bình quân hàng năm trong giai đoạn này lên đến 68%. Kinh tế thành phố tăng trưởng với nhịp độ nhanh, liên tục, GDP cũng tăng lên đã tác động tích cực và làm thay đổi đời sống xã hội. Kinh tế tăng trưởng, phát triển đã tạo cho một bộ phận lớn dân cư có việc làm, có thu nhập ổn định, mức sống người dân thành phố không ngừng được cải thiện. Các tiện nghi, vật dụng sinh hoạt cho cuộc sống và những trang bị vật chất trong gia đình ngày càng đầy đủ, khang trang và sạch đẹp hơn(5). Đời sống vật chất ngày càng nâng cao làm cho đời sống văn hóa tinh thần và bộ mặt xã hội thành phố mỗi lúc phát triển theo hướng văn minh và hiện đại. Chi phí cho các dịch vụ về đời sống văn hóa – xã hội của người dân thành phố tăng đến 13%/năm(6). Ngân sách chi cho văn hóa, giáo dục và y tế tăng bình quân từ 16,4% lên 23,9%/năm trong thời kỳ này. Hệ thống hạ tầng cơ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho văn hóa, giáo dục và y tế ngày càng tốt hơn, chính quy, hiện đại,...
Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VII (năm 2000) khẳng định tiếp tục đổi mới nhanh và mạnh hơn nữa để tiến lên; đồng thời định hướng phát triển trong những năm đầu thế kỷ XXI trở đi phải đảm bảo đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, tạo thế chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế… Với những cố gắng phát triển để tiến lên và hội nhập, kinh tế thành phố luôn giữ nhịp độ phát triển cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các loại thị trường từng bước phát triển và mở rộng. Tốc độ tăng trưởng GDP trên địa bàn tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước, bình quân hàng năm đạt 11%, theo đúng chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Trong những năm 2001 - 2004, GDP tăng bình quân 10,6%/năm; đặc biệt là năm 2005, GDP của thành phố tăng 11,6%. Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn thành phố tăng dần qua từng năm, đạt khoảng 200.000 tỉ đồng (13 tỉ USD) và đạt mức bình quân 35% GDP. Nguồn vốn đầu tư và các hình thức vốn huy động cho đầu tư ngày càng đa dạng. Thị trường vốn ở thành phố phát triển nhanh và ổn định.
Sang giai đoạn 2006 - 2016, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới từ 2007 cùng với những khó khăn của nền kinh tế đất nước gặp phải trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập, thành phố cũng đối mặt với những thách thức mới. Sự phân hóa giàu nghèo diễn ra, thể hiện qua khoảng cách và số người có thu nhập cao và thấp ngày càng lớn… Nhưng nhìn chung, những biến đổi kinh tế giai đoạn này đã tạo cho thành phố có những bước đi vững chắc hơn trên bước đường hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. TP.HCM vẫn thể hiện và khẳng định vai trò, vị trí là trung tâm kinh tế lớn của khu vực và cả nước. Đời sống vật chất được nâng lên ở mức cao hơn. Đến đầu năm 2014, thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 là 12 triệu đồng/người/năm; hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo trước thời hạn 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần IX đề ra. Phát huy kết quả trên, thành phố đã xác định chuẩn nghèo theo tiêu chí mới là 16 triệu đồng/người/năm trở xuống, không phân biệt nội thành hay ngoại thành. Tính đến nay, các quận - huyện đã cơ bản hoàn thành mục tiêu giảm nghèo, trong đó có 8 quận - huyện đã hoàn thành tiêu chí mới. Số hộ nghèo chỉ còn 1,35%, số hộ cận nghèo còn 2,78%. Một điểm sáng trong thành tích giảm nghèo là quận 5 - quận đầu tiên của thành phố cán đích chương trình giảm nghèo giai đoạn 2014 - 2015 dù mới trải qua hơn 1/4 thời gian thực hiện.
Cùng với việc thay đổi đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần phát triển ngày càng đa dạng với nhiều loại hình nghệ thuật mới ra đời. Các hoạt động văn hóa – xã hội ngày càng phong phú. Những truyền thống tốt đẹp của nhân dân thành phố được vun đắp, phát triển thông qua các phong trào văn hóa – xã hội lớn: đền ơn đáp nghĩa, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, phong trào ba giảm, đề án sau cai nghiện, chương trình an sinh xã hội… phát triển mạnh mẽ, trở thành các điển hình tiêu biểu có sức lan tỏa mạnh mẽ, thành mô hình chung cho cả nước, được bạn bè quốc tế trân trọng và đánh giá cao.
Lời kết
40 năm qua, TP.HCM dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tinh thần sáng tạo, sự năng động nhạy bén luôn được phát huy cao nhất. Thành phố kiên cường vươn lên, vượt qua những khúc quanh lịch sử để phát triển mọi mặt, thể hiện trách nhiệm của mình góp phần cùng cả nước. Cùng với những nỗ lực phát triển kinh tế, TP.HCM luôn có những chủ trương kịp thời, sáng tạo để không ngừng đảm bảo chất lượng đời sống cho nhân dân, cùng nhân dân từng bước vượt qua khó khăn, ổn định và đi lên. Đảm bảo cho người dân ngày một đầy đủ, no ấm hơn, thành phố đã bước đầu làm được điều Bác Hồ mong đợi: thắng lợi rồi, chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn… Đời sống văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân thành phố càng được nâng lên, phát triển và tiến bộ, thực hiện phương châm giải quyết phát triển kinh tế gắn với thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội.
Những kết quả đó cho thấy sự phát triển của thành phố bắt nguồn từ những nỗ lực của toàn Đảng, chính quyền và nhân dân, theo đó, người dân thành phố là người được thụ hưởng ngày càng nhiều từ chính những nỗ lực ấy. Đó chính là thể hiện bản chất của một thành phố Anh hùng, thành phố nghĩa tình, xứng đáng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh – thành phố “xã hội chủ nghĩa, văn minh và hiện đại”
----------------------------
(1) 1% phát triển GDP của thành phố góp vào cả nước 0,2% giá trị GDP, 1% GDP của thành phố ngang bằng giá trị 3% GDP của Hà Nội, và 7% GDP của Hải Phòng
(2) Năm 1991, với chủ trương “cộng đồng giúp người nghèo vốn và cách làm ăn” và sau 1 năm thử nghiệm, năm 1992, TP.HCM triển khai trên diện rộng và được người dân đồng tình ủng hộ. Cách làm này sau đó lan tỏa ra nhiều địa phương khác và trở thành phong trào “xóa đói giảm nghèo” sôi động trong cả nước, sau này là chương trình “Giảm nghèo, tăng hộ khá” và “Giảm nghèo đa chiều” đang được thành phố thực hiện.
(3) Năm 1995 là đỉnh điểm của tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố, tăng đến 15,4%, cao gấp 1,8 lần năm 1991 và gấp 3 lần năm 1985. Trong vòng 5 năm, từ năm 1991 đến năm 1995, tốc độ tăng trưởng bình quân GDP của thành phố mỗi năm tăng 12,6%. Và trong 5 năm 1996 - 2000, tốc độ tăng GDP của thành phố có chậm hơn thời kỳ trước nhưng bình quân mỗi năm tăng khoảng 10,2%. Tính đến năm 2000, GDP của thành phố bằng 1,7 lần năm 1995, bằng 3 lần năm 1990 và bằng 5 lần năm 1980.
(4) Năm 1995 tăng gấp 6,1 lần năm 1991, chiếm 22,6% GDP thành phố; từ đó đóng góp đến 18% GDP và 35% tổng thu ngân sách của cả nước. Đồng thời, nó cũng góp phần đưa tỉ trọng kinh tế thành phố so với cả nước năm 1995 là 16% đến năm 2000 tăng lên 19,3%.
(5) Mức sống người dân thành phố chuyển biến rõ rệt. Số người có mức sống khó khăn, thiếu thốn giảm còn 8,7%; mức sống tạm ổn là 27%; người có mức sống trung bình: 37,8%; mức sống khá: 20,2% và số người có mức sống cao là 6,3%,...
(6) 90% dân số toàn thành có nhà ở kiên cố và bán kiên cố; diện tích bình quân nhà ở trên người là khoảng 10,3m2; có đến 60% dân số ngoại thành đã sử dụng được nước sạch.
TS. ÐỖ THỊ HIỆN