Chủ Nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024

Công tác phát triển đảng trong công nhân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 24-2-2016, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Kế hoạch số 20-KH/TU về “Đẩy mạnh thực hiện công tác phát triển đảng viên trong giai cấp công nhân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”. Kế hoạch này cụ thể hóa các văn bản của cấp trên và các chỉ đạo trước đây của Thành ủy như Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chương trình số 38-CTr/TU ngày 8-7-2008 của Thành ủy, Kết luận số 80-KL/TW ngày 29-7-2010 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII trong tình hình mới và những nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp...

Theo số liệu của Thành đoàn, trong quý I-2016, đã thành lập được 43 tổ chức đoàn và kết nạp được 468 đoàn viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nâng tổng số tổ chức đoàn khu vực này lên 2.728 và 66.490 đoàn viên. Riêng doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên đã xây dựng 263 tổ chức đoàn với 21.255 đoàn viên. Trong năm 2015, đã có 629 đoàn viên ưu tú ở khu vực này được kết nạp vào Đảng.

Liên đoàn Lao động thành phố đẩy mạnh thực hiện “Năm phát triển đoàn viên” 2016, tiếp tục phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, với mục tiêu tăng thêm 90.000 đoàn viên trong năm 2016; thành lập 100% công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động có sử dụng từ 20 lao động trở lên và 60% công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp đã đi vào hoạt động có từ 10 lao động trở lên. Trong quý I-2016, đã phát triển được 21.522 đoàn viên công đoàn trong các doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, trong đó khu vực có vốn đầu tư trong nước phát triển được 14.472 đoàn viên và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài phát triển được 7.050 đoàn viên; đã thành lập 608 công đoàn cơ sở (khu vực có vốn đầu tư trong nước: 542; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài: 66). Tính đến cuối quý I-2016, số thực tăng đoàn viên so với cuối năm 2015 là 13.688, đạt 15,21% so với chỉ tiêu thực tăng 90.000 đoàn viên(1).

Các cấp công đoàn đã giới thiệu cho tổ chức đảng 10.028 đoàn viên công đoàn ưu tú, trong đó có 1.553 là công nhân trực tiếp sản xuất. Riêng khu vực ngoài nhà nước giới thiệu được 1.241 đoàn viên công đoàn ưu tú, có 243 công nhân trực tiếp sản xuất. Trong quý I-2016, đã kết nạp 1.649 đảng viên mới, trong đó có 292 công nhân trực tiếp sản xuất; khu vực ngoài nhà nước kết nạp được 188 đảng viên mới, trong đó có 30 công nhân trực tiếp sản xuất.

Theo Kế hoạch số 20-KH/TU, đến cuối năm 2020, kết nạp vào Đảng từ công nhân chiếm từ 25% tổng số đảng viên được kết nạp hàng năm trở lên; thành lập tổ chức công đoàn cơ sở trong 100% doanh nghiệp có đủ điều kiện; 60% công đoàn cơ sở đạt công đoàn cơ sở vững mạnh; 60% công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp có giới thiệu đoàn viên ưu tú được kết nạp đảng; có 50% chủ tịch công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên là đảng viên; đối với doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên: 60% tổ chức đoàn có đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng; 50% bí thư cơ sở đoàn ở các doanh nghiệp là đảng viên..

Để góp phần thực hiện chỉ tiêu theo Kế hoạch số 20-KH/TU, không chỉ riêng Đảng đoàn Liên đoàn Lao động và Ban Thường vụ Thành đoàn mà tất cả 24 quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở, cơ sở trực thuộc Thành ủy đều nhất thiết phải cụ thể hóa được các nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch số 20-KH/TU, trong đó cần “tổ chức khảo sát, rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước có từ 20 lao động trở lên, chưa có tổ chức công đoàn, đẩy mạnh công tác kết nạp đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn đồng thời lập danh sách các chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có từ 300 lao động trở lên...” như Kế hoạch số 20-KH/TU đã nêu.

Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công nhân và người lao động về vai trò, vị trí, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; giáo dục nâng cao đạo đức doanh nghiệp, doanh nhân trong sản xuất - kinh doanh; sự cần thiết khách quan, tầm quan trọng của công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể chính trị - xã hội và phát triển đảng viên, đoàn viên trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; làm cho đoàn viên thanh niên, đoàn viên công đoàn, người lao động nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, hiểu rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của đảng viên là công nhân.

Để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp, cần nghiên cứu nắm vững những đặc điểm, cơ chế quản lý và các mối quan hệ liên quan đến tổ chức và hoạt động của các đoàn thể, đến công nhân, người lao động trong doanh nghiệp để từ đó làm cơ sở đề ra các chương trình hành động và nội dung sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể sao cho phù hợp; quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ các đoàn thể, chú trọng, nâng cao chất lượng người đứng đầu đoàn thể trong doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, hội viên, xây dựng đội ngũ đoàn viên, hội viên có chất lượng, thể hiện rõ vai trò trong thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp và trong hoạt động của đoàn thể. Cần coi trọng việc tuyên truyền, thuyết phục chủ doanh nghiệp để tạo sự đồng tình, ủng hộ của chủ doanh nghiệp, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các tổ chức đoàn thể; lựa chọn và cử những cán bộ có uy tín, trình độ và kinh nghiệm công tác dân vận để tiếp xúc, thuyết phục chủ doanh nghiệp.

Liên đoàn Lao động và Thành đoàn cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc xây dựng tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp; tổ chức chăm lo tốt đời sống, việc làm công nhân lao động trước để bảo đảm an sinh xã hội; tiến hành khảo sát, rà soát, đánh giá đúng thực trạng, từ đội ngũ cán bộ đến công tác phát triển đảng, phát triển đoàn và xây dựng tổ chức đoàn, tổ chức hội; đánh giá đúng sự hỗ trợ và chưa hỗ trợ của doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có doanh nghiệp trú đóng; xây dựng lộ trình thực hiện chỉ tiêu cụ thể hàng năm theo Kế hoạch 20-KH/TU.

Các cấp ủy đảng ở các địa phương, trong xây dựng kế hoạch kết nạp đảng viên hàng năm, cần xác định rõ mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu phấn đấu chung của cơ sở đảng và căn cứ vào nguồn của từng chi bộ để giao chỉ tiêu cụ thể; nêu rõ các giải pháp tổ chức thực hiện để phấn đấu. Các chi bộ phải bám sát kế hoạch của cấp ủy cơ sở, xây dựng kế hoạch hoặc nghị quyết chuyên đề về công tác kết nạp đảng ở chi bộ đồng thời nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên trong các doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động của các tổ chức đoàn thể, lựa chọn quần chúng ưu tú để giới thiệu cho cấp ủy, tổ chức đảng bồi dưỡng, thử thách và kết nạp đảng.

Các cấp ủy đảng trong doanh nghiệp cần coi trọng việc định hướng chính trị cho hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong thời gian dài và trong từng thời gian cụ thể theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Định kỳ cấp ủy làm việc với lãnh đạo các đoàn thể để nắm tình hình, kịp thời giải quyết những kiến nghị, đề xuất và chỉ đạo hoạt động của các đoàn thể. Cần kiện toàn tổ chức bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động của từng đoàn thể phù hợp với điều kiện hoạt động của doanh nghiệp và hoạt động của từng đoàn thể.

Cấp ủy, ban chấp hành tổ chức đoàn thể cấp trên phối hợp với cấp ủy, ban chấp hành các đoàn thể cơ sở tuyên truyền, vận động, thuyết phục các chủ doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, kinh phí, phương tiện cho các đoàn thể hoạt động. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc phát triển các tổ chức đoàn thể, hoàn thiện mô hình tổ chức công đoàn đồng bộ, thống nhất với tổ chức đảng để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của tổ chức đảng đối với các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp có tổ chức đảng, đoàn thể đều nhận thấy, nơi nào có chi bộ đảng, đoàn thể nhân dân hoạt động hiệu quả, nơi đó giải quyết hài hòa các mối quan hệ, lợi ích giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, giữa Nhà nước và doanh nghiệp; nơi nào có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy quyết liệt, hợp lý thì nơi đó công tác phát triển đảng đạt hiệu quả cao.

---------------------------------

(1) Tổng số công đoàn cơ sở Liên đoàn Lao động thành phố hiện đang quản lý là 18.319/20.990 đơn vị còn hoạt động trên địa bàn đủ điều kiện thành lập (87,27%); trong đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước 15.366 công đoàn cơ sở/18.037doanh nghiệp còn hoạt động trên địa bàn đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở (85,19%). Tổng số đoàn viên công đoàn là 1.195.113/1.439.458 công nhân viên chức lao động (83,03%), trong đó khu vực ngoài nhà nước 917.546 đoàn viên công đoàn/1.146.259 công nhân viên chức lao động (80,05%).

NGUYỄN NGỌC CƠ

Thông báo