Những năm đầu sau ngày giải phóng, tình hình thành phố chưa thật sự ổn định, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội gặp nhiều khó khăn gay gắt, có mặt phức tạp, đồng thời cả nước phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam. Cách mạng chuyển sang nhiệm vụ mới là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong tình hình đó, Đảng bộ thành phố tập trung lãnh đạo nâng cao nhận thức về đường lối quốc phòng toàn dân và ý thức trách nhiệm chăm lo chính sách hậu phương quân đội trong các cấp đảng bộ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và tổ chức chỉ đạo thực hiện, tạo ra sức mạnh tổng hợp để công tác quân sự địa phương phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị của thành phố trong giai đoạn mới. Nhân dân thành phố ngày càng nhận rõ trách nhiệm của mình đối với nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc đã đưa hàng trăm ngàn con em mình đi bộ đội và thanh niên xung phong. Khi Tổ quốc gọi, các tầng lớp nhân dân đã dấy lên một phong trào sôi nổi, rộng khắp “Vì tuyến đầu Tổ quốc” đóng góp tiền của gửi ra tiền tuyến, hăng hái tham gia xây dựng tuyến bảo vệ biên giới và tuyến phòng thủ thành phố.
Cùng với nhiệm vụ tập trung dồn sức chi viện cho tuyến biên giới, việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội được các cấp ủy đảng, ban ngành, đoàn thể quan tâm hơn, nhiều hoạt động phong phú thiết thực đã trở thành phong trào quần chúng hăng hái thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các đơn vị bộ đội kết nghĩa, những việc làm thiết thực đó đã có tác dụng động viên cán bộ chiến sĩ vững vàng ở tuyến đầu, động viên hàng vạn thanh niên thành phố lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ III (tháng 11-1983) đã nêu: “Cần có biện pháp chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh và gia đình liệt sĩ, cán bộ về hưu. Trước hết phải bảo đảm phát đủ và kịp thời tiền trợ cấp, bán đủ 9 mặt hàng định lượng; sửa chữa nhà ở cho anh chị em thương binh, cán bộ về hưu và cấp nhà cho một số không có nhà ở. Tiếp tục phát động rộng rãi phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình thương binh, liệt sĩ, xây cất nhà tình nghĩa. Có kế hoạch mở rộng và xây dựng thêm một số cơ sở sản xuất cho anh chị em thương binh. Đối với anh chị em không còn điều kiện lao động, phải ưu tiên giải quyết việc làm cho gia đình, cải thiện điều kiện sinh hoạt ở các khu điều dưỡng thương binh và câu lạc bộ hưu trí”...
Từ sau ngày đổi mới, Đảng bộ thành phố đã lãnh đạo nhân dân vượt qua những khó khăn thử thách, đạt được một số kết quả quan trọng. Bằng những chủ trương, chính sách phù hợp với tình cảm và trách nhiệm của nhân dân thành phố, Cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” đã được các tầng lớp nhân dân thành phố hưởng ứng sôi nổi. Từ những căn nhà tình nghĩa đầu tiên cho gia đình liệt sĩ, người có công với nước của những năm đầu thập kỷ 1980 đến năm 2000, thành phố đã hoàn thành xây dựng hơn 10.000 căn nhà tình nghĩa, trên 5.000 căn nhà tình thương, phụng dưỡng gần 1.300 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở thành phố và một số tỉnh bạn, đỡ đầu và chăm sóc hàng ngàn thương binh nặng và người thân của liệt sĩ.
Trong 15 năm từ 2001 đến năm 2015, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đã chủ trì vận động các sở, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, nhân dân thành phố đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, chăm lo diện chính sách thành phố. Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đã vận động xây dựng 1.842 nhà tình nghĩa trị giá gần 27 tỉ đồng, sửa chữa 225 nhà tình nghĩa trên 1,1 tỉ đồng; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 24 quận huyện vận động xây dựng mới 595 nhà tình nghĩa trị giá gần 15 tỉ đồng, sửa chữa 553 nhà tình nghĩa trị giá trên 5 tỉ đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 322 phường, xã - thị trấn vận động xây dựng 968 nhà tình nghĩa trị giá trên 26 tỉ đồng, sửa chữa 677 nhà tình nghĩa trị giá gần 7 tỉ đồng. Đồng thời, vận động phụng dưỡng suốt đời các Mẹ Việt Nam Anh hùng, vận động và quản lý quỹ “Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc”; từ năm 2009 đến năm 2015 đã vận động trên 147 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, các hoạt động kết nghĩa với các đơn vị bộ đội, công an, biên phòng; thăm tân binh thi hành nghĩa vụ quân sự, thăm các đơn vị trong các ngày lễ, tết, ngày truyền thống của đơn vị; chăm lo cho cán bộ chiến sĩ khó khăn và học bổng, dạy nghề cho cán bộ chiến sĩ hải quân phục viên xuất ngũ và con cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang; xây dựng nhà cho bộ đội biên phòng với chương trình “Mái ấm cho chiến sĩ biên giới, hải đảo”; hỗ trợ cơ sở vật chất cho các đơn vị quân đội, công an; tổ chức đón các đoàn cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu về thăm thành phố. Qua đó đã thể hiện trách nhiệm, tình cảm của các tầng lớp nhân dân thành phố đối với cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về chủ quyền biên giới biển đảo sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
Cùng với việc phát động các phong trào vận động các nguồn lực xã hội chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa, công tác hậu phương quân đội, Thành ủy luôn quan tâm chỉ đạo việc vận dụng và thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Chính phủ về công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách hậu phương quân đội tại thành phố.
Thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và quy định danh hiệu vinh dự “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, TP.HCM đã xác nhận thêm được 7.545 đối tượng hưởng chế độ chính sách có công. Trong đó có 1.102 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện có 225 mẹ còn sống), 2 liệt sĩ, 1 bệnh binh, 300 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ, 350 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, 152 người có công giúp đỡ cách mạng, 227 cán bộ lão thành cách mạng, 350 cán bộ tiền khởi nghĩa, giải quyết cho 5.122 người hoạt động cách mạng (trong đó 1.335 người mới được công nhận).
Hiện nay, TP.HCM có 265.983 đối tượng chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng trong đó có 49.425 liệt sĩ, 4.776 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện có 315 mẹ còn sống), 25.960 thương binh, 3.506 bệnh binh, 5.445 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ, 67.983 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, 27.294 người có công giúp đỡ cách mạng, 1.386 cán bộ lão thành cách mạng, 1.809 cán bộ tiền khởi nghĩa, trong đó có 46.999 đối tượng được hưởng chính sách trợ cấp hàng tháng với kinh phí 65,015 tỉ đồng/tháng. Ngoài ra, thành phố đã sử dụng ngân sách, vận động các nguồn lực của xã hội, nâng nhiều chế độ chính sách cho các đối tượng chính sách như: nâng kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa từ mức 50 triệu đồng/căn lên mức 60 triệu đồng/căn (riêng huyện Cần Giờ và Nhà Bè là 70 triệu đồng/căn); nâng mức hỗ trợ thêm từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng/căn cho đối tượng là người có công với cách mạng xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà; tăng mức hỗ trợ sinh hoạt cho các đối tượng chính sách có công, đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè từ 900.000 đồng/tháng lên 1.200.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách thành phố trợ cấp 2.000.000 đồng/tháng cho tất cả Mẹ Việt Nam Anh hùng và 671.000 đồng/tháng đối với Mẹ Việt Nam Anh hùng có 1 con độc nhất là liệt sĩ.
Nhân các ngày tết cổ truyền của dân tộc, ngày thương binh liệt sĩ, ngoài việc chăm lo cho các đối tượng chính sách theo quy định chung thành phố đã tổ chức vận động các ban, ngành, đoàn thể doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân chăm lo, thăm hỏi tặng quà cho các đối tượng người có công với kinh phí hàng trăm tỉ đồng.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy đã tăng cường chỉ đạo thực hiện các chế độ chính sách hậu phương quân đội thuộc quân đội chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện như giải quyết chế độ đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp đã phục viên từ ngày 31-12-1960 trở về trước (1.569 trường hợp, số tiền chi trả trên 8,5 tỉ đồng); chế độ đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Nhà nước (8.343 trường hợp số tiền chi trả gần 33 tỉ đồng); chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên xuất ngũ về địa phương (3.936 trường hợp, số tiền gần 23,4 tỉ đồng, đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên thôi việc (33.917 trường hợp hưởng chế độ 1 lần, số tiền chi trên 140 tỉ đồng và 103 trường hợp hưởng chế độ hàng tháng).
Thực hiện đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Đến nay đã hoàn thành tổng hợp việc giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tập trung rà soát, kiện toàn hồ sơ, tài liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ ở các địa phương, đơn vị. Hoàn thành cơ bản việc việc lập bản đồ tìm kiếm, quy tập ở các cấp. Từng bước thông tin rộng rãi về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Đã phối hợp khảo sát, tìm kiếm, quy tập được 28 hài cốt liệt sĩ tại các địa phương trên địa bàn TP.HCM, trong đó có 14 hài cốt liệt sĩ, biết tên, đơn vị và thân nhân, gia đình...
Quá trình lãnh đạo xây dựng và phát triển thành phố, ở mỗi giai đoạn khác nhau, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong việc lãnh đạo công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách hậu phương, quân đội, thành phố đã có nhiều chủ trương chính sách và tổ chức vận động nhân dân phát huy truyền thống cao đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tự giác, tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa, đạt nhiều kết quả thiết thực. Đã động viên được nhiều nguồn lực giải quyết chính sách về nhà ở, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ giải quyết việc làm, chăm sóc y tế cho gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, nâng mức trợ cấp và phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, giải quyết kịp thời chế độ chính sách đối với bộ đội phục viên xuất ngũ đã thể hiện sự biết ơn của Đảng bộ và nhân dân thành phố đối với công lao to lớn của những người và gia đình có nhiều cống hiến, hi sinh cho Tổ quốc, đời sống của các gia đình chính sách có công không ngừng được cải thiện và nâng cao, đến nay thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu 100% phường, xã, thị trấn được công nhận hoàn thành mục tiêu nâng cao đời sống của người hưởng chính sách có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương.
Thành phố cũng đã khơi dậy được tinh thần yêu nước, trách nhiệm của nhân dân thành phố đóng góp tích cực vào các hoạt động chăm lo chính sách hậu phương quân đội, ủng hộ quỹ “Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc”...
Thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách hậu phương quân đội là trách nhiệm, tình cảm của Đảng bộ nhân dân thành phố. Thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã hi sinh xương máu, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. TP.HCM với quyết tâm chính trị cao sẽ xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, trong đó, đối tượng chính sách, gia đình người có công phải có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân trên địa bàn quận huyện.
(*) Trưởng phòng Quận huyện, Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM.