Thứ Ba, ngày 24 tháng 12 năm 2024

Nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở

Đội ngũ cán bộ cấp cơ sở từng bước được chuẩn hóa

Hiện cả nước có hơn 256 nghìn cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách công tác tại hơn 11.100 phường, xã, thị trấn (gọi chung là cấp cơ sở). Nhiều đề án, chương trình nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ này được triển khai, mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, đòi hỏi có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn.

Công tác cán bộ có chuyển biến...

Thị trấn Chùa Hang, huyện Ðồng Hỷ được coi là một trong những điểm sáng của tỉnh Thái Nguyên trong việc mạnh dạn thực hiện trẻ hóa và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở thời gian qua. Ðảm nhiệm chức trách Phó Chủ tịch UBND thị trấn từ hơn hai năm nay, anh Vi Văn Cảnh, sinh năm 1981 là một trong những cán bộ chủ chốt trẻ nhất của huyện và của thị trấn trong nhiều nhiệm kỳ gần đây. Từ phong trào đoàn cơ sở, năm 1999, anh Cảnh được lãnh đạo thị trấn tạo điều kiện theo học tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam và Trường đại học Văn hóa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, anh được bổ nhiệm làm Phó Bí thư Ðoàn, rồi Bí thư Ðoàn Thanh niên thị trấn. Bằng sự nỗ lực không ngừng của bản thân và sự tạo điều kiện, giúp đỡ của các đồng chí cán bộ đi trước, cuối năm 2010, anh Cảnh được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND thị trấn phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cách đây hơn mười năm, Vi Văn Cảnh cùng một số cán bộ trẻ có năng lực và nhiệt huyết trong các phong trào của cơ sở được các đồng chí lãnh đạo thời đó "nhắm" để đào tạo, bồi dưỡng trở thành lực lượng lãnh đạo kế cận của thị trấn. Ðây cũng là chương trình nằm trong chiến lược trẻ hóa và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở của huyện Ðồng Hỷ và của tỉnh Thái Nguyên. Ðến nay, cùng với Vi Văn Cảnh, những cán bộ trẻ ngày đó đang đảm nhiệm hầu hết các chức vụ chủ chốt của thị trấn như: Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy Vũ Văn Thanh; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Ứng Cao Minh; Chủ tịch Hội Nông dân Bùi Thị Mai Lan; Thị đội phó Phùng Tân Khánh. Với cách làm đó, thị trấn Chùa Hang đã xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, trong đó 80% có tuổi đời dưới 40 và đều có trình độ đại học. Ðội ngũ cán bộ trẻ luôn tận tâm với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo luồng sinh khí mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều năm liên tục, thị trấn được đánh giá là tổ chức Ðảng trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu và chính quyền vững mạnh.

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, công tác đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ cấp cơ sở được Tuyên Quang đặc biệt quan tâm và mang lại kết quả đáng ghi nhận. Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm gặp đồng chí Trần Thị Hải Yến, Bí thư Ðảng ủy phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang để tìm hiểu công tác phát triển đội ngũ cán bộ cơ sở của phường. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, bản thân đồng chí Yến là một trong những cán bộ chủ chốt trưởng thành từ cấp cơ sở, có trình độ đại học chuyên ngành và cao cấp lý luận chính trị. Xuất thân là một y tá, đảm nhiệm vai trò Bí thư Ðoàn phường, đồng chí theo học Trường đại học Nông nghiệp hệ tại chức do tỉnh tổ chức trong chương trình chuẩn hóa, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Sau khi tốt nghiệp, đồng chí được bầu làm Chủ tịch UBND phường, rồi được luân chuyển giữ cương vị Bí thư Ðảng ủy phường Phan Thiết. Ðồng chí cho biết, phường Phan Thiết có 18 cán bộ chủ chốt, trong đó hơn 90% có trình độ cao đẳng, đại học và trung cấp lý luận chính trị. Thậm chí, một số cán bộ nòng cốt của phường có trình độ thạc sĩ, trong đó có Chủ tịch UBND phường. Ðây cũng là đơn vị được đánh giá có chất lượng cán bộ tương đối cao của tỉnh Tuyên Quang.

Không có được điều kiện tốt như ở các xã, phường của các thành phố lớn, nhưng xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, một xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Tuyên Quang lại có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác cán bộ. Mặc dù đã hẹn trước, nhưng phải mất nửa ngày đường, chúng tôi mới tìm gặp được đồng chí Quan Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm khi anh đang giới thiệu cho bà con dân bản mô hình trồng cây công nghiệp kết hợp với rau màu ngắn ngày. Với chất giọng miền núi thật thà, chất phác, anh Hùng chia sẻ: Cán bộ ở các xã vùng sâu, vùng xa không đòi hỏi quá khắt khe về trình độ chuyên môn, mà khả năng giao tiếp, sự hiểu biết kiến thức pháp luật và phong tục tập quán được đặt lên hàng đầu. Do vậy, lãnh đạo xã đã thống nhất phân công mỗi một thôn, một lĩnh vực do hai cán bộ phụ trách, một người trẻ được đào tạo bài bản và một người có kinh nghiệm để hỗ trợ lẫn nhau, bổ sung cho nhau. Qua một thời gian thực hiện mô hình này đã mang lại kết quả rõ rệt. Nhiều cán bộ trẻ đã trưởng thành, từng bước đáp ứng yêu cầu công việc. Ðây cũng là mô hình được nhiều xã vùng cao của tỉnh Tuyên Quang áp dụng và mang lại hiệu quả cao.

... nhưng chưa đáp ứng yêu cầu

Mặc dù có những bước chuyển biến tích cực, nhưng trên thực tế, công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở còn nhiều bất cập, dẫn đến trình độ năng lực của đội ngũ này nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của quá trình phát triển. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, hiện cả nước còn hơn 6% công chức cấp xã, phường, thị trấn chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tỷ lệ này còn cao hơn, cá biệt có nơi lên tới hơn 30%. Do thiếu cán bộ, cho nên tại một số đơn vị việc bố trí chưa đúng với tiêu chuẩn chức danh hoặc chưa đúng trình độ chuyên môn được đào tạo, khiến chất lượng công việc chưa cao.

Thực tế cho thấy, tại nhiều tỉnh miền núi, cán bộ cấp cơ sở chủ yếu được tập trung đào tạo các ngành như nông nghiệp, lâm nghiệp, khiến công tác điều hành, chỉ đạo trong công việc gặp nhiều hạn chế, kết quả đào tạo chuyên môn gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Tại phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang, có tới 2/3 cán bộ chủ chốt của phường tốt nghiệp đại học các ngành nông nghiệp và lâm nghiệp, trong đó có các chức danh Bí thư, các Phó Bí thư, Chủ tịch HÐND, UBND và các Phó Chủ tịch, thậm chí cán bộ làm công tác quản lý xây dựng của phường cũng tốt nghiệp ngành chăn nuôi, thú y. Do vậy, việc chỉ đạo các hoạt động phát triển kinh tế, công nghiệp gặp những khó khăn nhất định.

Bên cạnh đó, hầu hết cán bộ cấp cơ sở hiện nay được rèn luyện trưởng thành từ thực tiễn và rất ít người được đào tạo bài bản, chính quy, chủ yếu là tự học hỏi, làm việc theo thói quen, do vậy việc nắm bắt thông tin chậm, dẫn đến thiếu linh hoạt trong xử lý công việc. Trong khi đó, việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ trẻ, những người mới ra trường lại gặp rất nhiều khó khăn, ngay cả ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển tốt. Theo đồng chí Nguyễn Thị Mai, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hải Phòng, trong hai năm 2011 và 2012, thành phố đã thực hiện chương trình đào tạo 150 cán bộ trẻ để bổ nhiệm vào các chức danh chủ chốt theo Ðề án tạo nguồn cán bộ các chức danh chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn. Ðến nay, lớp đầu tiên chương trình đào tạo này đã hoàn thành, nhưng không đạt được mục tiêu quan trọng của đề án là bổ nhiệm ít nhất 10% số học viên vào những chức danh chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn. Nguyên nhân là do cán bộ trẻ mặc dù có trình độ chuyên ngành, nhưng thiếu kiến thức thực tế và kinh nghiệm công tác.

Khó khăn khác khiến công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ cấp cơ sở chưa đạt kết quả cao là do chế độ, chính sách đối với đội ngũ này còn nhiều bất cập. Theo Nghị định 92/NÐ-CP ngày 28-10-2009 của Chính phủ, mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã không được vượt quá mức lương tối thiểu và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do vậy, không khuyến khích được đội ngũ cán bộ không chuyên trách nhiệt tình tham gia công tác, tại nhiều địa phương lực lượng cán bộ này thiếu hụt nghiêm trọng.

Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, một trong những nguyên nhân dẫn tới chất lượng của đội ngũ cán bộ cơ sở chưa cao là bởi đội ngũ này được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau và từ nhiều thời kỳ khác nhau. Trên thực tế, trước năm 2003, chưa có văn bản quy định cụ thể về tiêu chuẩn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã, phường, thị trấn, vì vậy cũng chưa có điều kiện tập trung đúng mức cho đội ngũ này. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn trước năm 2003 vẫn đang nằm trong đội ngũ cán bộ cơ sở hiện nay. Vấn đề tiêu chuẩn hóa hay thay thế đội ngũ cán bộ này đều đòi hỏi phải có quá trình và thời gian nhất định.

Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, để khắc phục những hạn chế trong công tác đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở hiện nay, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực từ hoàn thiện cơ chế chính sách trong tuyển chọn, bổ nhiệm, đào tạo, nâng cao trình độ, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Bộ đang tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92, đặc biệt là tập trung vào chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp cơ sở. Vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giao Ban Cán sự Ðảng của Bộ Nội vụ, trên cơ sở tổng kết Nghị quyết T.Ư 5, khóa IX và trên cơ sở kết luận Hội nghị T.Ư 5, khóa XI, xây dựng đề án tương đối toàn diện về chế độ chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn, chế độ chính sách đối với cán bộ về công tác ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ðề án này dự kiến sẽ hoàn thiện và trình Bộ Chính trị cho ý kiến trong năm 2013.

Cùng với việc hoàn thiện chế độ, chính sách, Bộ Nội vụ sẽ đẩy mạnh các chương trình, đề án nâng cao trình độ chuyên môn đối với đội ngũ cán bộ cơ sở, đồng thời phối hợp Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh và các địa phương tiếp tục triển khai Ðề án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo, nhằm bổ sung lực lượng cán bộ trẻ có trình độ, tăng cường năng lực lãnh đạo cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Về lâu dài, ngành nội vụ sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương tăng cường đầu tư các nguồn lực phục vụ công tác đào tạo cán bộ tại chỗ, tạo nguồn và củng cố bộ máy hành chính với đội ngũ cán bộ chất lượng cao ngay tại cơ sở, nhất là những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ðây chính là lực lượng cán bộ gắn bó lâu dài với cơ sở, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Theo Nhân Dân

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo