Thứ Ba, ngày 24 tháng 12 năm 2024

Thí điểm đào tạo cán bộ trẻ cho các tỉnh, thành phố phía Nam

Chương trình đào tạo thí điểm dự kiến sẽ được khai giảng khoá đầu tiên vào tháng 9 năm nay. Trước mắt mỗi tỉnh, thành phố trong khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ sẽ cử khoảng 10 ứng viên tham gia thi tuyển, sau khi thi tuyển "vòng 1" sẽ tuyển lại vòng 2 để "lọc" lấy tối đa 5 học viên/địa phương cho khoá học thí điểm này.

Mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ĐHQG) và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức Hội nghị với lãnh đạo các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ bàn về công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo cho các địa phương khu vực Nam bộ và các loại hình đào tạo cán bộ.

Hội nghị tập trung vào 3 đề án chính là: Dự án Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đào tạo cán bộ lãnh đạo địa phương có trình độ quốc tế; Chương trình xây dựng ký túc xá sinh viên các tỉnh, thành Nam bộ đang theo học tại ĐHQG và Chương trình khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long - nơi có 13 tỉnh, thành và là vùng có nhiều tiềm năng lớn về phát triển kinh tế.

Đào tạo cán bộ lãnh đạo trẻ có trình độ quốc tế, để phục vụ lâu dài tại các địa phương khu vực Đông và Tây Nam bộ là một trong những vấn đề được lãnh đạo tỉnh, thành phố và dư luận khu vực phía Nam quan tâm. Theo Đề án này, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh sẽ đào tạo và cấp bằng cho cán bộ lãnh đạo địa phương theo chuẩn trình độ quốc tế và đào tạo thạc sĩ quản lý hành chính công. Đội ngũ cán bộ trẻ được tuyển chọn vào đào tạo có độ tuổi không quá 35, sau tốt nghiệp có khả năng đảm nhận các vị trí lãnh đạo địa phương từ cấp phó chủ tịch quận, huyện và tương đương tại các tỉnh, thành phố.

Tại Hội nghị, đa số ý kiến của lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đều tán thành và ủng hộ cao Đề án nêu trên, với mong muốn sẽ tạo ra được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ đạt trình độ quốc tế và có kiến thức vững vàng... Tuy nhiên, bên cạnh đó là những băn khoăn, e ngại của các đại biểu về tính khả thi và chất lượng, hiệu quả của Đề án, đặc biệt là mối quan hệ giữa kiến thức được đào tạo và kinh nghiệm thực tế... Như ý kiến của ông Lê Thanh Hùng, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, băn khoăn về vấn đề chất lượng đầu vào của chương trình. Theo ông, có thể ở độ tuổi từ 35 về trình độ học vấn sẽ bảo đảm và đáp ứng được đầu vào, nhưng những kinh nghiệm, thực tiễn, bản lĩnh để xử lý vấn đề tại từng địa phương thì không hề đơn giản, điều này cần phải được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng nhằm hoàn thiện nội dung đào tạo, tăng cường tập huấn kinh nghiệm thực tế cho đội ngũ cán bộ trẻ được tuyển chọn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Huỳnh Minh Nhị cho đây là dự án táo bạo và mang tính đột phá trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, nên quy định những tiêu chuẩn xét tuyển rõ ràng và nên tuyển đội ngũ cán bộ nguồn đã có quy hoạch của các địa phương. Đầu vào thi tuyển chuyên môn đối với mỗi chuyên ngành cũng cần phải có sự định hướng rõ ràng; chú trọng tuyển chọn người đã tốt nghiệp đại học có trình độ loại khá trở lên để đào tạo được cơ bản, lâu dài...

Đối với TP. Hồ Chí Minh, ngoài chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà Thành phố đã ký kết với ĐHQG, hiện nay UBND Thành phố đang xúc tiến phối hợp với Trường Đại học này thí điểm đào tạo cán bộ lãnh đạo trẻ cho các địa phương trên địa bàn, nhằm phục vụ, bổ sung kịp thời trước mắt lực lượng cán bộ trẻ tại các quận, huyện, ban, ngành của Thành phố.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Hoàng Quân, UVTW Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh: Cần phải mạnh dạn, đột phá trong đào tạo cán bộ trẻ để đáp ứng lâu dài nhiệm vụ của mỗi địa phương, đồng thời đáp ứng được những đòi hỏi của chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Sau khi được đào tạo, căn cứ vào trình độ chuyên ngành và năng lực đáp ứng nhiệm vụ công việc, có thể bố trí công việc từ cấp trưởng, phó phòng, qua quá trình bồi dưỡng và tích luỹ kinh nghiệm công tác, sẽ tạo nguồn cho các vị trí lãnh đạo quận, huyện sau này, tránh sự hụt hẫng trong công tác cán bộ...

Theo PGS. TS. Phan Thanh Bình, UVTW Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Chương trình đào tạo thí điểm dự kiến sẽ được triển khai và khai giảng khoá đầu tiên vào tháng 9 năm nay. Trước mắt mỗi tỉnh, thành phố trong khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ sẽ cử khoảng 10 ứng viên tham gia thi tuyển, sau khi thi tuyển "vòng 1" sẽ tuyển lại vòng 2 để "lọc" lấy tối đa 5 học viên/địa phương cho khoá học thí điểm này.

Theo TCTG

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo