Thứ Sáu, ngày 11 tháng 7 năm 2025

Ý kiến đảng viên

Ý nghĩa thực tiễn của sinh hoạt chi bộ

Sinh hoạt chi bộ là nghĩa vụ, trách nhiệm hết sức quan trọng của mỗi chi bộ và đảng viên. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chi bộ và có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, giúp đảng viên nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng và thực hiện chức năng lãnh đạo, giáo dục của chi bộ. Đảng ta đã nhiều lần đề cập việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trong đó có Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 2-3-2012 của Ban Tổ chức Trung ương.

Nói sinh hoạt chi bộ là hoạt động rất quan trọng, bởi có các ý nghĩa sau:

Thứ nhất, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Với vai trò lãnh đạo toàn diện, tổ chức đảng luôn thể hiện được khả năng định hướng, dẫn dắt, quyết định… các hoạt động của cơ quan, đơn vị và các đoàn thể trong cơ quan, đơn vị cùng các hoạt động của đảng viên trong khuôn khổ thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Vai trò đó có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị cũng như tham gia tích cực vào công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

Vì ý nghĩa đó, trong một cuộc sinh hoạt chi bộ có chất lượng, các vấn đề, nhất là các khiếm khuyết, hạn chế của chi bộ, của cơ quan, đơn vị, của các đoàn thể và của từng đảng viên, được đưa ra phân tích, làm rõ… nhằm khẳng định cái đúng, phê bình và đấu tranh với cái sai. Qua đó, tổ chức và đảng viên tích cực được biểu dương, được động viên và tiếp tục phát huy; các tổ chức và cá nhân có sai sót, hạn chế được góp ý, rút kinh nghiệm nhằm sửa chữa hoàn thiện hơn. Nếu một tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh sẽ không có hoặc có rất ít những đảng viên suy thoái, biến chất; ngược lại, nếu tất cả hoặc tuyệt đại đa số đảng viên gương mẫu, vững vàng, có năng lực, phẩm chất tốt… sẽ góp phần quyết định vào việc xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

Thứ hai, nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đảng viên.

Các chi bộ trong tất cả các loại hình tổ chức đều phải thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ theo quy định của Điều lệ Đảng và hoạt động của các tổ chức đảng cũng phải tuân thủ theo các quy định của Đảng. Bên cạnh đó, tổ chức đảng và đảng viên còn phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật, trong việc quản lý, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Do đó, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ luôn gắn với việc không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện các chủ trương, đường lối đó trong điều kiện cụ thể của mình.

Vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng thông qua các cuộc sinh hoạt chi bộ là tác động, thúc đẩy, định hướng, giám sát và kiểm tra để cơ quan, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong các cuộc sinh hoạt chi bộ, công tác xây dựng Đảng và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị luôn được đặt song song, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh là để thực hiện nhiệm vụ chính trị tốt hơn và thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng chính là để góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Do đó, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ luôn có ý nghĩa tạo ra động lực, phương hướng, giải pháp một cách hợp lý nhất, hiệu quả nhất để thực hiện thành công đồng thời hai nhiệm vụ đó. Từ đây, nhận thức và ý thức tự giác của mỗi đảng viên được nâng cao, tính tiên phong, gương mẫu cũng được thể hiện rõ nét.

Thứ ba, giúp đảng viên nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện tốt nhiệm vụ.

Đảng ta có 5 nguyên tắc tổ chức và hoạt động, gồm: nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh và tự giác, nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng. Các nguyên tắc này phải được thể hiện ở từng đảng viên thì tổ chức đảng và toàn Đảng mới có thể thực sự trong sạch, vững mạnh và khẳng định được vai trò cũng như sức chiến đấu của mình.

Với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, các đảng viên được nâng cao ý thức trách nhiệm, được học tập, được động viên, kích thích sự tu dưỡng, rèn luyện, từ đó thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên. Thậm chí, với tính kỷ luật, sự gương mẫu… các đảng viên không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng một cách nghiêm túc, thiết thực. Bởi sự thể hiện của mỗi cá nhân đảng viên có tác động đến sự thể hiện (chính là vai trò lãnh đạo) của tổ chức đảng, nếu tất cả đảng viên đều gương mẫu, tích cực thì tổ chức đảng vững mạnh, có khả năng thuyết phục được quần chúng; ngược lại, nếu nhiều đảng viên tha hóa, biến chất, thiếu gương mẫu thì tổ chức đảng mất dần vai trò của mình.

Cũng thông qua việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, các đảng viên được rèn luyện để nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật, tinh thần tự phê bình và phê bình, tăng cường đoàn kết, thống nhất và tình thương yêu đồng chí. Có thể nói, sinh hoạt chi bộ là một dịp để mỗi đảng viên được trải nghiệm, được học, được rèn giũa các phẩm chất đó. Vì vậy, một cuộc sinh hoạt chi bộ nhàm chán, đơn điệu không chỉ làm mất dần vai trò lãnh đạo của chi bộ mà còn làm các đảng viên mất tính năng động, sáng tạo, tăng tính thụ động và sức “ỳ”.

Sinh hoạt có chất lượng chính là dịp để các đảng viên bộc lộ mình một cách rõ ràng, cụ thể, qua đó có thể nắm chắc tình hình tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên và có biện pháp cụ thể để xây dựng đội ngũ đảng viên và xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.

ThS. Nguyễn Xuân Ngọc

Thông báo