Thứ Năm, ngày 15 tháng 5 năm 2025

Quán triệt nghị quyết đại hội đảng các cấp

Thành phố Hồ Chí Minh với công tác bảo đảm an sinh xã hội

Cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, TP.HCM luôn quan tâm và thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội (ASXH). Chăm lo ASXH, đầu tư các nguồn lực nhằm giải quyết các vấn đề ASXH vì sự phát triển của người dân thành phố là chủ trương nhất quán của Đảng bộ thành phố. Vì vậy, trong suốt những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện chính sách chăm lo ASXH, chăm lo cải thiện không ngừng cuộc sống của người dân thành phố.

Một số chủ trương về ASXH

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách ASXH. Đảng ta coi việc thực hiện các chính sách về ASXH vừa là mục tiêu, vừa là động lực để ổn định chính trị - xã hội, phát triển bền vững. Vì vậy, trong nhiều kỳ đại hội Đảng, nhất là từ sau ngày đất nước đổi mới đến nay, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về ASXH luôn được xác định là một bộ phận quan trọng của chính sách xã hội, nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2012, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” với rất nhiều mục tiêu, giải pháp mang tính chiến lược và đột phá với 5 quan điểm chủ đạo, đó là: (1) Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. (2) Chính sách ưu đãi người có công và ASXH phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động, cân đối nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ; ưu tiên người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. (3) Hệ thống ASXH phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm bền vững, công bằng. (4) Nhà nước bảo đảm thực hiện chính sách ưu đãi người có công và giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách ASXH; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia. Ðồng thời tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh. (5) Tăng cường hợp tác quốc tế để có thêm nguồn lực, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách ASXH.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định chính sách ASXH phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ với nhiều mục tiêu cụ thể và các nhiệm vụ, giải pháp rõ ràng. Trong 12 nhiệm vụ tổng quát mà Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra, có nhiệm vụ tổng quát thứ 5 về ASXH: “Quản lý tốt sự phát triển xã hội; bảo đảm ASXH, nâng cao phúc lợi xã hội; thực hiện tốt chính sách với người có công; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của nhân dân; thực hiện tốt chính sách lao động, việc làm, thu nhập; xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh, an toàn”.

Thực hiện các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Trung ương, TP.HCM đã cụ thể hóa và thực hiện tốt chủ trương, chính sách về ASXH với quan điểm tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển xã hội, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước đi và chính sách phát triển.

Một số kết quả nổi bật đạt được và những khó khăn, thách thức

TP.HCM đã có nhiều nỗ lực to lớn, đầu tư nguồn lực, đổi mới cơ chế, chính sách để thực hiện ASXH, chăm lo cải thiện không ngừng cuộc sống của người dân trên địa bàn. Những kết quả mà thành phố đạt được trong những năm qua được thể hiện cụ thể, đó là:

Một là, thành phố có nhiều chính sách, giải pháp thiết thực trong công tác giảm nghèo. Đến nay, các chương trình xóa đói giảm nghèo ở thành phố đã được thực hiện qua 4 giai đoạn với 7 lần nâng mức thu nhập để xác định hộ nghèo và hộ cận nghèo phù hợp với đặc điểm tình hình của thành phố. Mức thu nhập để xác định hộ nghèo hiện nay là 16 triệu đồng/người/năm và cận nghèo từ 16 triệu đến 21 triệu đồng/người/năm, cao hơn chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 là 2,7 lần và tiếp cận chuẩn nghèo của quốc tế (2 USD/người/ngày). Bằng nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững, hàng năm tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm, đến nay tỉ lệ hộ nghèo của thành phố chỉ còn 0,89% và tỉ lệ hộ cận nghèo còn 2,39% tổng số hộ dân thành phố.

Hai là, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo được quan tâm. Mỗi năm thành phố giải quyết 285.938 lượt lao động, tạo mới 123.080 việc làm. Trong đó, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo được thành phố quan tâm. Trong năm 2010 – 2014, thành phố đã tổ chức đào tạo nghề cho 10.380 lượt lao động nghèo, giải quyết lao động trong nước cho 54.095 lao động và đưa 148 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2015, số lao động nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề khoảng 1.500 – 2.000 người; giải quyết việc làm cho khoảng 12.000 – 15.000 người lao động thuộc diện nghèo và đưa đi lao động ở nước ngoài 30 người lao động nghèo.

Ba là, có nhiều chính sách chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Những tiến bộ vượt bậc về chăm lo sức khỏe cộng đồng, thực hiện bảo hiểm y tế cho người dân, khám, chữa bệnh cho người nghèo, chăm sóc các bà mẹ và trẻ em ở thành phố luôn là điểm sáng của cả nước. Hiện nay, tỉ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội là 44%; tỉ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 40,71%, tỉ lệ dân tham gia bảo hiểm y tế là 68,25%. Ngoài ra, thành phố đã thực hiện nhiều chính sách xã hội nhằm giảm bớt khó khăn cho người nghèo như: miễn giảm học phí và hỗ trợ học phí cho con em hộ nghèo; xây dựng 3.680 nhà tình thương (102,7 tỉ đồng), sửa chữa, chống dột cho 3.152 căn nhà cho hộ nghèo (31,29 tỉ đồng)…

Bốn là, trong công tác chăm lo chính sách cho người có công, ngoài việc thực hiện theo quy định của Trung ương, thành phố đã trợ cấp thêm hàng tháng cho người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học và mắc bệnh suy giảm khả năng lao động từ 21 – 40% với mức 400.000 đồng/người/tháng. Hỗ trợ cho Mẹ Việt Nam Anh hùng 2.000.000 đồng/mẹ/tháng đến cuối đời. Xây dựng 438 căn nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho 1.326 người diện chính sách (1,7 tỉ đồng). Tất cả người có công và thân nhân của họ đều được hưởng chế độ bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập…

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, song công tác bảo đảm ASXH ở TP.HCM vẫn còn những hạn chế, bất cập. Là trung tâm kinh tế trọng điểm của cả nước, địa phương có trên 10 triệu dân, số người hưởng các chính sách xã hội khá lớn nên đây thực sự là gánh nặng cho ngân sách. Thành phố là nơi tập trung rất đông người dân từ các tỉnh thành khác về sinh sống nên cần phải có nhiều nguồn lực để xây dựng trường học, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí… Một số chính sách thiếu sự gắn kết, chưa khuyến khích người dân tích cực tham gia (như tỉ lệ bảo hiểm y tế thành phố đặt ra đến năm 2015 là 76% nhưng chỉ đạt 68,25%...). Chênh lệch giàu - nghèo về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội giữa các vùng, nhóm dân cư có xu hướng gia tăng, nhất là giữa khu vực trung tâm và ngoại vi, giữa công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất với bộ phận khác của xã hội. Vấn đề nhà ở cho các nhóm dân cư, đặc biệt là người nghèo, công nhân còn bất cập…

Tất cả những thách thức này đặt ra cho các cấp lãnh đạo của thành phố trong việc đề ra và thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm làm tốt hơn nữa chính sách ASXH trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

Đề xuất một số giải pháp

Căn cứ Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X và xuất phát từ thực tiễn, xin đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác ASXH trên địa bàn thành phố, đó là:

Một là, trên cơ sở tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có sự tăng trưởng, thành phố cần tăng cường cải thiện đời sống vật chất, văn hóa cho người có công và nhân dân lao động. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách với đối tượng này trên tất cả các lĩnh vực từ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội…

Hai là, quan tâm giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của xã hội, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo mọi người dân đều công bằng trong tiếp cận giáo dục, y tế, văn hóa …

Ba là, đẩy mạnh thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ tác động đến nhu cầu tối thiểu của người nghèo, hộ nghèo như vốn vay ưu đãi, dạy nghề, tạo việc làm; hỗ trợ các chính sách ASXH…

Bốn là, chăm lo phát triển việc làm, bảo đảm ASXH bền vững. Hiện đại hóa thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo việc làm và chuyển dịch cơ cấu việc làm; tăng cường đối thoại lao động, bảo đảm tiêu chuẩn lao động; tăng cường đào tạo và phát triển kỹ năng cho người lao động…

Năm là, tăng cường huy động các nguồn lực cho chính sách ASXH. Tăng chi ngân sách nhà nước của thành phố về ASXH, gắn với huy động mọi nguồn lực đóng góp của người dân, doanh nghiệp và xã hội cho ASXH. Khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các mô hình ASXH, các hoạt động từ thiện, tình nguyện dựa vào sự tham gia của cộng đồng...

Lâm Hữu Đức

Thông báo