Công cuộc xây dựng đất nước hiện nay cần những cán bộ, đảng viên có đủ năng lực đảm đương các chức trách đa dạng, phong phú mới bảo đảm đáp ứng yêu cầu tình hình nhiệm vụ. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước phải phát triển song song chất lượng vừa hồng, vừa chuyên; mới có được cán bộ tốt phục vụ nhân dân, chế độ. Công tác phát triển đảng chiếm vị trí quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ kế thừa.
Ngày nay, việc đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng kế thừa có nhiều thuận lợi so với thời kháng chiến. Tất cả những người được các tổ chức đảng chọn lựa kết nạp vào Đảng đều được học tập những nội dung cần thiết về lý tưởng chủ nghĩa xã hội, về Đảng…, trang bị nhận thức, động cơ đúng đắn để họ phấn đấu. Người sau khi được kết nạp vào Đảng lại tiếp tục học để nâng cao năng lực, phẩm chất người đảng viên. Bên cạnh đó, trình độ văn hóa, chuyên môn của đảng viên cũng không ngừng được nâng cao, với tỉ lệ đảng viên có trình độ đại học, sau đại học ngày càng tăng. Sự quan tâm, tạo điều kiện để quần chúng đứng vào hàng ngũ của Đảng của các cấp ủy và đảng viên cũng có thể xem là một điểm mạnh, không chỉ vì thực hiện chỉ tiêu với cấp trên mà vì nhu cầu có thực từ các địa phương, đơn vị.
Tuy nhiên, việc thử thách một người để chọn đưa vào Đảng hiện nay không như thời chiến, bởi không có nhiều điều kiện thử thách xem tinh thần vượt khó, hi sinh của họ. Bên cạnh đó, môi trường xã hội, môi trường ngay trong cơ quan, đơn vị có khi còn tồn tại một số đảng viên làm nhiều điều sai trái, thiếu gương mẫu, vi phạm tư cách…, có thể ít nhiều tác động đến nhận thức, tình cảm, động cơ của người muốn vào Đảng.
Thực tế hiện nay tồn tại hai khía cạnh trong công tác phát triển đảng. Thứ nhất, người vào Đảng có động cơ không trong sáng, thiếu đúng đắn, muốn vào Đảng để có vị trí chính trị nhằm thực hiện ý đồ cá nhân mình chứ không phải vào Đảng vì lợi ích chung, không vì phục vụ nhân dân. Có hiện tượng người ta chạy được vào Đảng để làm công chức, để tìm cơ hội được đề bạt, thăng chức, khi không được thì có biểu hiện lệch lạc… Thứ hai, phía tổ chức đảng có khi vì chỉ tiêu của cấp trên nên “so bó đũa chọn cột cờ”, kết nạp những người chưa đủ chuẩn chất, thiếu ý thức rèn luyện, phấn đấu. Hoặc có hiện tượng dễ với người này nhưng khó với người kia, khiến xảy ra tình trạng người được vào Đảng chưa thực sự xứng đáng, thiếu thuyết phục, người chưa được vào Đảng thì giảm sút lòng tin ở cấp ủy, ở các đảng viên…
Bên cạnh đó, còn có hiện tượng bản thân quần chúng không muốn vào Đảng nhưng vì chỉ tiêu và yêu cầu phát triển của tổ chức đảng, của đơn vị nên cấp ủy động viên (thậm chí gần như “ép”!) quần chúng vào Đảng, dẫn đến sự phấn đấu không rõ ràng, ý thức chính trị không đầy đủ. Cũng có trường hợp tổ chức đảng vì chỉ tiêu đã kết nạp “non” người chưa đủ phẩm chất rồi chống chế rằng vào tổ chức sẽ tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện họ, như vậy là “quy trình ngược”, không phù hợp với quy định của Đảng, khó thuyết phục được quần chúng.
Đã có bao nhiêu trường hơp đảng viên sai phạm, biến chất do đã kết nạp không đủ chuẩn chất gây ra? Câu hỏi này thực ra không dễ trả lời nhưng cũng vì vậy rất đáng để quan tâm, suy nghĩ.
Muốn Đảng mạnh, mỗi đảng viên phải đảm bảo tư cách, phẩm chất và được hoạt động, sinh hoạt trong một môi trường tích cực, bảo đảm các nguyên tắc của Đảng. Để có được điều đó, việc chọn lựa người vào Đảng phải làm tốt, “đầu vào” càng chặt chẽ, càng nghiêm túc thì sẽ có ít đảng viên “hư hỏng”, tổ chức đảng có điều kiện để thực sự trong sạch, vững mạnh. Tất nhiên, sau khi họ được kết nạp, tổ chức đảng còn phải tiếp tục bồi dưỡng, giáo dục và bản thân mỗi người phải rèn luyện không ngừng để xứng đáng là một đảng viên.
Do đó, cấp ủy, tổ chức đảng cần quan tâm một số vấn đề như: ngoài tiêu chuẩn về lịch sử chính trị theo quy định, các tiêu chuẩn khác phải được chú trọng đúng mức; phải xem xét sự giác ngộ về Đảng và lý tưởng của họ đối với sự nghiệp của Đảng ra sao, từ đó chọn người toàn tâm toàn ý, chấp nhận hi sinh bản thân vì sự nghiệp của Đảng; phải xem kỹ họ có được quần chúng nơi làm việc, nơi cư trú tín nhiệm không; về tư tưởng, quan điểm, lập trường có mơ hồ giữa “ta - địch” không, có biểu hiện hữu khuynh, thỏa hiệp với các xấu, cái tiêu cực không…; phải xem đạo đức, lối sống của họ ra sao, nhất là thái độ của họ đối với nhân dân, đối với người già, trẻ nhỏ và không thể đưa người có đạo đức kém vào Đảng; phải chú ý tính trung thực, nhất là trung thực khi nhìn nhận khuyết điểm của bản thân hay khi phê bình cấp trên...
Để làm tốt phát triển đảng, cả cấp ủy, chi bộ và mỗi đảng viên phải tích cực coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên với trách nhiệm cao nhất. Hàng năm các đoàn thể qua các hoạt động phong trào phải giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng. Trong số các “nguồn”,
Có thể nói, việc chọn lựa một quần chúng xét kết nạp vào Đảng rất quan trọng nên cấp ủy, đảng viên phải vô tư, không để bị chi phối vì tình cảm hoặc lợi ích cá nhân, phải xác định đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Dứt khoát không chạy theo số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn chọn lựa người đưa vào Đảng, cũng không nên thực hiện theo lối “đến hẹn lại lên” mà tuần tự chọn người để kết nạp khi chưa thấy rõ sự phấn đấu và nhất thiết phải thử thách họ bằng giao thêm việc trong thời gian còn là đảng viên dự bị.
Tóm lại, một người được kết nạp vào Đảng phải có nhiều điểm “trội hơn” một quần chúng, đã có các phẩm chất của người đảng viên mới; từ đây sẽ dần phát triển, trưởng thành, có đầy đủ chất đảng viên, tư tưởng lập trường, tính đảng ngày càng vững vàng hơn.