Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “dân chủ” với mục tiêu, nhiệm vụ “Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân”. Dân chủ là một sản phẩm của nền văn minh nhân loại qua các bước phát triển của xã hội loài người. Bác Hồ cũng khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”.
TP.HCM luôn là biểu tượng của đổi mới, sáng tạo và đậm chất nghĩa tình, nhân văn. Có được những yếu tố đó chính là vì thời gian qua, thành phố đã biết phát huy, khơi gợi tốt sức dân để làm nên sức mạnh tổng hợp, làm nên những giá trị của thành phố trong thời kỳ mới. Để thành phố tiếp tục vươn lên, trở thành thành phố kiểu mẫu, tiêu biểu, cần phải tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa sức mạnh của dân chủ, để từ cán bộ, đảng viên đến nhân dân thật sự làm chủ thành phố của mình, cùng chung tay hành động vì mục tiêu chung này.
Để phát huy tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa, trước hết là cấp ủy đảng, đến chính quyền các cấp phải xây dựng được cơ chế nhằm khơi gợi sức dân, phát huy tinh thần và vật chất vào việc xây dựng thành phố. Thực tế thời gian qua cho thấy, từ nhận thức đến hành động, vấn đề dân chủ trong Đảng còn nhiều điều phải nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá. Trong một số cán bộ, đảng viên, vẫn còn tư tưởng phong kiến trong cách điều hành, lãnh đạo tại cơ quan, đơn vị. Cán bộ đôi khi chỉ một chiều “tuân lệnh” cấp trên hơn là phản biện, đóng góp, trao đổi. Có trường hợp, người có ý kiến “ngược chiều” rất dễ bị “để ý”, bị “làm khó” trong công việc… Dĩ nhiên, mức độ và tính chất có thể biểu hiện những điều này có khác nhau ở từng cấp, từng cơ quan. Nhưng nếu chúng ta thật sự phát huy được dân chủ, khắc phục tình trạng “một chiều”, tinh thần xây dựng, đoàn kết để cùng tiến bộ sẽ tạo ra những giá trị to lớn từ trong cơ quan ra ngoài xã hội. Vậy ở đây, vấn đề đặt ra là cần xây dựng cơ chế để thực hiện, thực hành dân chủ, trước hết là trong Đảng; xây dựng cơ chế giám sát và phát huy dân chủ, nhất là trong Đảng.
Đối với dân chủ ngoài xã hội, việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, có một thực tế, cơ chế xử lý, tiếp nhận thông tin, giải quyết dứt điểm yêu cầu của người dân còn chưa được rõ ràng. Việc thực thi các quyết định sau khi lắng nghe tiếng nói người dân và thông tin lại cho nhân dân rõ cũng còn nhiều vấn đề đáng bàn. Trong khi đó, từ cấp ủy đến chính quyền phường xã, quận huyện đến tỉnh thành, đều có cơ quan tiếp dân để người dân đề đạt, phản ánh nguyện vọng, bức xúc… nhưng hiệu quả của công tác này ra sao khi mà còn xảy ra nhiều vụ khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp? Những tồn tại đó ít nhiều liên quan đến công tác cán bộ, chất lượng cán bộ.
Đối với TP.HCM, thời gian qua, công tác cán bộ luôn được Đảng bộ, chính quyền hết sức xem trọng và đầu tư nhiều giải pháp nhằm nâng chất đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, để tạo sức bật mới, thành phố cần quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ ở phường, xã, thị trấn, phải gắn liền với chủ trương “xây dựng chính quyền cơ sở vì nhân dân phục vụ”. Bởi chính quyền cơ sở là nơi gần dân nhất, sát dân nhất, là nơi hàng ngày hàng giờ tiếp xúc với đời sống của người dân. Các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước có thẩm thấu đến người dân đến mức độ nào, đều thông qua công tác của người cán bộ cơ sở. Công tác dân vận có hiệu quả, dân chủ cơ sở có phát huy tốt hay không cũng xuất phát một phần từ đội ngũ cán bộ cơ sở. Thực tế hiện nay, công tác ở cơ sở quá tải, áp lực công việc từ cấp trên đổ dồn về, số lượng và chất lượng cán bộ còn chưa đáp ứng đầy đủ, lương và các chế độ còn hạn chế, tính chất công việc đa dạng và phức tạp... Một số cán bộ trẻ có biểu hiện ngại luân chuyển về công tác tại phường xã cũng xuất phát từ những khó khăn trên. Vì vậy, lãnh đạo thành phố phải dành thời gian để tìm hiểu và có chế độ, chính sách thật cụ thể nhằm quan tâm đến đội ngũ cán bộ phường xã, cũng như quan tâm đến bộ máy, con người để hoàn thành tốt nhiệm vụ và chức năng của chính quyền cơ sở. Đồng thời, cần tiến hành thực hiện chủ trương “xây dựng chính quyền cơ sở vì nhân dân phục vụ” nhằm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của chính quyền cơ sở.
Trên thực tế, tiếng nói của nhân dân luôn phản ánh trung thực những vấn đề của xã hội, do đó, toàn hệ thống chính trị cần phải tăng cường hơn nữa việc lắng nghe và xử lý nghiêm túc các ý kiến của nhân dân. Thời gian tới, thành phố cần nghiên cứu các cơ chế, các nhóm giải pháp cụ thể nhằm phát huy tốt nhất dân chủ cho sự phát triển của thành phố, tạo nên một sức bật cho sự phát triển của thành phố. TP.HCM đặt ra mục tiêu cho nhiệm kỳ X (2015 – 2020) là “xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, trong đó đòi hỏi rất lớn vai trò của công tác dân vận và phát huy tốt dân chủ ở cơ sở. Đây chính là động lực để các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể thành phố ra sức xây dựng thành phố ngày càng phát triển.