Thứ Năm, ngày 10 tháng 7 năm 2025

Nhà cách mạng, nhà giáo, nhà khoa học Trần Văn Giàu - dấu ấn một nhân cách

Ngày 15-9, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức Tọa đàm Đồng chí Trần Văn Giàu – nhà cách mạng, nhà giáo, nhà khoa học – Dấu ấn một nhân cách. Tham dự tọa đàm có các đồng chí: Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố… cùng nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo Trung ương và thành phố.

Trong phát biểu đề dẫn, đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định, Tọa đàm nhân dịp 105 năm ngày sinh đồng chí Trần Văn Giàu nhằm khẳng định và tôn vinh những đóng góp, cống hiến của đồng chí Trần Văn Giàu đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của miền Nam, của Đảng bộ và nhân dân thành phố.

Đồng chí Trần Văn Giàu sinh ngày 11-9-1911 tỉnh Long An, tham gia các phong trào yêu nước khi còn là học sinh. Đồng chí học ở Sài Gòn, sau đó sang Pháp du học. Trên đất Pháp, đồng chí gặp gỡ những người cộng sản Pháp, được đọc tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc, rồi đứng vào hàng ngũ những người cộng sản Pháp. Năm 1930, đồng chí tham gia biểu tình đòi Pháp hủy án tử hình đối với các chiến sĩ Quốc dân đảng tham gia cuộc khởi nghĩa Yên Bái nên bị trục xuất về nước. Tháng 8-1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được đưa đi học tại Trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô vào năm 1931. Tốt nghiệp xuất sắc Đại học Phương Đông, năm 1933, đồng chí về nước và cùng với một số đảng viên gầy dựng tổ chức Xứ ủy Nam kỳ. Tháng 4-1935, đồng chí bị bắt, trải qua 7 năm tù đày ở Khám Lớn Sài Gòn, Côn Đảo và “căng” an trí Tà Lài. Sau thất bại của khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng chí Trần Văn Giàu và Đảng ủy “căng” Tà Lài quyết định tổ chức vượt ngục trở về khôi phục lại phong trào cách mạng. Tháng 10-1943, tại hội nghị Chợ Gạo, Xứ ủy Nam kỳ được tái lập và đồng chí được bầu làm Bí thứ Xứ ủy. Năm 1945, trong điều kiện xa Trung ương, nhưng với nhãn quan nhạy bén, đồng chí Trần Văn Giàu đã cùng Xứ ủy gấp rút xây dựng lực lượng, chuẩn bị đón thời cơ tới. Tháng 8-1945, đồng chí cùng Xứ ủy lãnh đạo nhân dân giành chính quyền ở Nam bộ góp phần vào thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám ở nước ta.

Từ năm 1946 đến năm 1948, đồng chí được Trung ương cử sang Thái Lan, Campuchia, Lào công tác, nhằm tăng cường sức người sức của cho cuộc kháng chiến ở quê nhà và giúp bạn xây dựng lực lượng. Năm 1949, đồng chí làm Tổng Giám đốc Nha Thông tin - Tuyên truyền. Năm 1951, khi Trường Dự bị đại học ở vùng kháng chiến Thanh - Nghệ - Tĩnh ra đời, đồng chí được cử làm Phó Giám đốc. Năm 1954, đồng chí Trần Văn Giàu về tiếp quản các trường đại học ở Hà Nội. Khi thành lập Trường Đại học Sư phạm Văn khoa và Khoa học, đồng chí làm Bí thư Đảng ủy, trực tiếp giảng dạy các môn khoa học chính trị, triết học, lịch sử cận hiện đại thế giới và Việt Nam. Năm 1956, khi Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, đồng chí giữ chức Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm sáng lập Khoa Lịch sử. Đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Đồng chí Trần Văn Giàu đã góp phần lớn công sức và trí tuệ của mình để đào tạo những thế hệ các nhà sử học mácxít đầu tiên cho đất nước, trong số đó có những người đã trở thành những tên tuổi lớn của nền sử học Việt Nam. Hành trình lớn lao 100 tuổi đời, 80 năm tuổi đảng, đồng chí đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, vì độc lập, tự do và sự phồn vinh của đất nước”.

130 bài tham luận gửi tới tọa đàm đã phản ánh phong phú, sinh động, sâu sắc về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Văn Giàu theo các nhóm nội dung: nhà cách mạng lão thành, kiên trung; nhà giáo mẫu mực, nhà khoa học lớn của đất nước; một nhân cách lớn, tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng.

Đồng chí Nguyễn Thọ Chân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhắc lại nhiều kỷ niệm với đồng chí Trần Văn Giàu. Đồng chí đúc kết: “Bài học và là tấm gương lớn nhất của anh Giàu đối với tôi là lòng kính trọng Bác Hồ, phục tùng Trung ương và làm tốt bất kỳ công việc gì Đảng giao, đừng tự đánh giá mình quá cao như trong phân số tự đánh giá mình như mẫu số. Mẫu số càng lớn mà phân số không đổi thì kết quả càng nhỏ”.

Ngưỡng mộ với sự lựa chọn của đồng chí Trần Văn Giàu, người vốn sinh ra trong gia đình giàu có, sẵn sàng từ bỏ vinh hoa phú quý, theo tiếng gọi non sông lên đường đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phân tích, bản lĩnh cách mạng của đồng chí Trần Văn Giàu thể hiện ở những ngày bị tù đày luôn là người dẫn đầu phong trào đấu tranh. Khi chuẩn bị tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, trong điều kiện không liên lạc được với Trung ương Đảng, ông đã nhanh chóng xây dựng Xứ ủy Tiền phong, chỉ huy phong trào cách mạng, khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn và Nam bộ. Không lâu sau đó, ngày 23-9-1945, trong bối cảnh có nhiều ý kiến khác nhau, đồng chí Trần Văn Giàu đã thay mặt Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ra lời kêu gọi Nam bộ kháng chiến, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm. Khi cách mạng thành công, đồng chí đang là một nhà lãnh đạo chủ chốt ở Nam bộ nhưng nhẹ nhàng từ biệt vũ đài chính trị để làm một nhà khoa học, làm việc nghiên cứu cật lực. “Đó là một nhân cách, là bản lĩnh, đạo đức tuyệt vời!”, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn nhận xét.

Với một góc nhìn khá đặc biệt, Hòa thượng Thích Như Niệm, Ủy viên Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP.HCM, Viện chủ chùa Pháp Hoa, nêu lên một đóng góp đặc sắc của GS. Trần Văn Giàu: “Với vốn kiến thức uyên bác, tư duy sắc sảo, giáo sư không chỉ được các thế hệ học trò của mình tôn vinh là “vị giáo sư Đỏ” mà còn được nhìn nhận là một trong những học giả đầu tiên nghiên cứu Phật giáo Việt Nam một cách có hệ thống, sâu sắc về con đường du nhập của Phật giáo nguyên thủy vào Việt Nam, kết hợp với tôn giáo truyền thống của dân tộc là đạo Hiếu (thờ cúng ông bà tổ tiên) để trở thành Phật giáo Việt Nam. Đó không chỉ là một phát hiện sớm, mà còn là một cống hiến lớn của giáo sư trong sự nghiệp nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam”.

Nói về phong cách của giáo sư Trần Văn Giàu, đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố, chia sẻ: “Ai đến với ông, thường được ông hỏi han, động viên và cũng được thấy nơi ông một sự bình dị, sáng trong, một sự thanh cao mà gần gũi, sự tinh anh mà hồn nhiên, chân chất. Bài nói, bài viết của ông mang phong cách riêng, hấp dẫn và bổ ích bởi hàm chứa cả chất văn học, triết học, sử học… Ông nói và viết ngắn gọn, mạnh mẽ, đi vào lòng người bởi sự sắc sảo của tính chiến đấu, tính chính luận, thẳng thắn và khách quan. Ông nổi tiếng là một nhà hùng biện, nói không cầm giấy, ngôn phong giản dị và truyền tải được thông điệp…”.

Phát biểu tổng kết tọa đàm, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang nêu khái quát những nét đặc sắc trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Văn Giàu. Thứ nhất, đồng chí Trần Văn Giàu, nhà cách mạng lão thành, kiên trung, hiến dâng trọn cuộc đời cho cuộc hành trình đầy gian lao khốc liệt mà rất đỗi anh hùng của Đảng, dân tộc ta. Thứ hai, đồng chí Trần Văn Giàu, một nhà giáo mẫu mực, người thầy của nhiều thế hệ nhà giáo Việt Nam; là nhà khoa học lớn của đất nước, cây đại thụ của khoa học chính trị và khoa học xã hội Việt Nam. Thứ ba, đồng chí Trần Văn Giàu, một nhân cách sáng ngời. Thứ tư, từ cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trần Văn Giàu, có thể rút ra được những bài học quý báu, qua đó vận dụng vào nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố…

Thông báo