Đồng chí Nguyễn Thị Định là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam. Hình ảnh sâu sắc nhất đọng lại trong lòng nhân dân và chiến sĩ cũng như trong lịch sử phong trào đồng khởi ở miền Nam, đó là người chỉ huy đội quân tóc dài rất mực tài ba. Những người được gần gũi đồng chí, còn quý mến đồng chí ở đức tính bình dị, hiền dịu của người phụ nữ Việt Nam. Mỗi lần đến công tác tại các đơn vị, đồng chí đều mang theo trà, bánh, kim chỉ; giữa trưa nắng dưới tán cây rừng ngồi vá từng chiếc áo rách vai cho chiến sĩ, đồng chí được anh em bộ đội và du kích gọi là má, là cô một cách thân thương.
Đồng chí Nguyễn Thị Định sinh ngày 15-3-1920. Các cụ cao niên ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) nói lại Út Định “khổ từ trong trứng”, vì sinh khó, suýt chết ngạt trong bụng mẹ. Nhưng về sau Út Định, đứa em út trong mười anh em, ngày càng khỏe khoắn, xinh đẹp.
Năm 18 tuổi, Út Định theo anh trai hoạt động cách mạng. Cô gặp gỡ và kết hôn với đồng chí Nguyễn Bích là Tỉnh ủy viên. Cô mới sinh con trai được 3 ngày thì địch đến tận nhà bắt chồng giải đi, chúng kết án 5 năm tù giam, 5 năm đày biệt xứ. Tiếp đến, ngày 19-7-1940, cả cô và đứa con mới bảy tháng tuổi lại bị bắt giam tại nhà lao tỉnh. Rồi địch gọi người nhà cô đến nhận đứa bé về, còn cô bị chở đi lưu đày tại trại Bà Rá (tỉnh Phước Long, nay thuộc Bình Phước), ở biệt khu dành cho tù chính trị nữ. Tại đây mọi người gọi cô là Ba Định hoặc Ba Bích.
Năm 1943, giới cầm quyền thực dân đưa Ba Định về quản thúc tại quê nhà. Gia đình chần chừ mãi rồi mới nói thật chồng cô đã hi sinh ngoài Côn Đảo. Được trui rèn trong đấu tranh cách mạng, cô không cho phép mình yếu đuối và thoái chí. Gác nỗi đau riêng, cô tìm cách liên lạc với Đảng để tiếp tục hoạt động. Cách mạng tháng Tám đến, người phụ nữ góa bụa, đồng chí Ba Định, được Ủy ban Khởi nghĩa phân công cầm cờ đỏ sao vàng dẫn đầu đoàn biểu tình của hàng ngàn nông dân rầm rộ tiến vào cướp chính quyền ở thị xã Bến Tre. Sau đó đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh.
Sau khi có Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946, đồng chí Ba Định nhận một nhiệm vụ đột xuất: Đi bằng đường biển ra miền Bắc báo cáo tình hình trong này với Bác Hồ và Trung ương, xin chi viện vũ khí chở về. Nhiệm vụ nặng nề, nhưng đồng chí đã hoàn thành xuất sắc. Từ miền Nam Trung bộ, đồng chí vượt sóng to gió lớn trở về với chiếc ghe bầu chở đầy súng đạn và tài liệu.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, đồng chí Ba Định được chỉ định ở lại miền Nam, tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre. Còn con trai 14 tuổi được gửi ra miền Bắc học tập. Tình hình miền Nam ngày càng đen tối. Chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên liên tiếp mở các chiến dịch tố cộng diệt cộng, ban hành Luật 10-59 đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật… Giữa lúc đó, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 15 vào đến miền Nam, cho phép kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Thật chẳng khác nào đại hạn gặp mưa rào, điều mong ước tha thiết của cán bộ, đảng viên và nhân dân bấy lâu nay được đáp ứng. Đồng chí Ba Định dự Hội nghị Khu ủy, được phổ biến Nghị quyết 15. Nhưng khi về địa phương, đồng chí không liên lạc được với Bí thư Tỉnh ủy và một số Tỉnh ủy viên. Trong tình thế này, đồng chí có một quyết định táo bạo khi nói với các đồng chí có mặt lúc đó: “Dù các cấp ủy viên có tại đây chỉ là thiểu số, nhưng lòng đồng bào đang sục sôi, không thể để lỡ thời cơ. Ta cần phát động nhân dân nổi dậy ngay và cùng chịu trách nhiệm trong chủ trương này”.
Vậy là cuộc đồng khởi của tỉnh Bến Tre, bắt đầu từ huyện Mỏ Cày, nổ ra ngày 17-1-1960 dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Thị Định. Lực lượng vũ trang địa phương kết hợp cùng nhân dân hình thành ba mũi giáp công quân sự, chính trị và binh vận, tạo nên khí thế áp đảo địch ở Định Thủy, giữa ban ngày ta lấy gọn bót dân vệ. Lò lửa đã được châm ngòi, lan rộng khắp các nơi. Đáng kể nhất là cuộc đấu tranh ngày 27-2-1960 của hơn 1.000 dân ba xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh đi trên 200 chiếc xuồng gồm các mẹ, các chị bế theo con cái, mang người bị thương, đầu quấn khăn tang “tản cư” vào thị trấn Mỏ Cày, đưa yêu sách đòi quận trưởng ra lệnh chấm dứt càn quét và bắn pháo, đòi hắn phải bồi thường nhân mạng. Dân các xã khác cũng ùn ùn kéo tới. Cuộc đấu tranh kéo dài 12 ngày, chỉ kết thúc khi tên quận trưởng phải chấp nhận mọi yêu sách của đội quân tóc dài. Đồng chí Ba Định cùng Tỉnh ủy thừa thắng chuyển hướng sang huyện Giồng Trôm. Đầu tháng 3-1960, hơn 7.000 phụ nữ Châu Hòa, Châu Bình, Phong Mỹ và các xã bạn tay không đấu tranh buộc quân chủ lực ngụy đang đi càn quét phải rút lui.
Sau này, tại Đại hội phụ nữ toàn quốc ở Hà Nội ngày 20-10-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Miền Nam anh hùng có đội quân đấu tranh chính trị gồm hàng vạn phụ nữ. Họ rất mưu trí và dũng cảm làm cho kẻ địch phải khiếp sợ gọi là “đội quân tóc dài”, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng là cô Nguyễn Thị Định mà thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.
Đồng chí Nguyễn Thị Định được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng chỉ định giữ cương vị Phó Tư lệnh Quân Giải phóng năm 1965, khi đó đồng chí đang là Khu ủy viên Khu 8, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Khu 8, Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam. Dịp này, Tư lệnh Quân Giải phóng Trần Văn Trà đã phát biểu khi tiếp xúc với một nữ đạo diễn nước ngoài đến làm bộ phim Người phụ nữ Việt Nam bay cao: “Cuộc chống Mỹ của nhân dân Việt Nam là cuộc chiến tranh nhân dân phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, phối hợp đấu tranh giữa các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương với phong trào chiến tranh du kích rộng khắp. Phần lớn các anh trong Bộ Tư lệnh Miền đều là các vị tướng chỉ huy chủ lực, chị Nguyễn Thị Định có nhiều kinh nghiệm chỉ đạo phong trào đấu tranh chính trị và chiến tranh du kích, chị tham gia Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng đã góp phần quan trọng vào việc chỉ đạo cuộc chiến tranh nhân dân giành thắng lợi to lớn”. Thật đáng khâm phục và thật độc đáo khi đồng chí Ba Định chưa hề thụ huấn một trường quân sự nào cả, nhưng thực tiễn đấu tranh phong phú đã hun đúc cho đồng chí bản lĩnh, tài năng và kinh nghiệm vô cùng quý giá. Tháng 4-1974, đồng chí được phong hàm Thiếu tướng.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đồng chí Nguyễn Thị Định làm việc tại Hà Nội. Là Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (từ năm 1986), đồng chí tiếp tục có những cống hiến mới. Trong những lần đi công tác nước ngoài, đến đâu đồng chí cũng được nhân dân ở đó chào đón nồng nhiệt, qua đó hiểu sâu hơn về đất nước và con người Việt Nam. Tại Cuba, Chủ tịch Fidel Castro tổ chức một cuộc míttinh lớn nhân đồng chí đến thăm, báo chí Cuba có nhiều bài ca ngợi đồng chí. Dù giữ nhiều trọng trách, đồng chí vẫn bình dị, khiêm tốn và sống độc thân, vì người con trai duy nhất chẳng may bị bệnh đã mất từ năm 1960. Đồng chí lấy việc phục vụ Đảng và nhân dân là niềm vui, lấy đồng chí, đồng bào bên cạnh là người thân thiết, miệt mài làm việc không tiếc công sức.
Đồng chí Nguyễn Thị Định từ trần ngày 26-8-1992 trong niềm tiếc thương vô hạn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Nhân dân các tỉnh Phú Thọ, Hà Tây (cũ) cung kính rước bát hương tại Lễ tang đồng chí về thờ trong đền Hai Bà Trưng. Nhân dân tỉnh Bến Tre góp tiền xây một ngôi đền thờ đồng chí tại quê hương. Năm 1995, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định truy tặng đồng chí danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Thị Định đã để lại một sự nghiệp cách mạng hết sức vẻ vang, một tấm gương tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.