Thứ Sáu, ngày 2 tháng 5 năm 2025

Hỏi đáp về thuế Thu nhập cá nhân (Tiếp theo)

Bà Trần Thị Lệ Nga – Trưởng phòng TT-HT người nộp thuế tiếp tục giải đáp một số thắc mắc về thuế thu nhập cá nhân (TNCN):

1. Luật Thuế TNCN có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2009, đến nay đã có những quy định hướng dẫn gì mới từ Trung ương?

Trong thời gian vừa qua Bộ Tài Chính đã có nhiều văn bản hướng dẫn thêm về thuế TNCN như các công văn số 762/BTC-TCT ngày 16-1-2009, Công văn 1823/BTC-TCT, 1845/BTC-TCT ngày 18-2-2009 như mới đây nhất Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 62/2009/TT-BTC ngày 27-3-2009 hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 84/2008/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế TNCN.

2. Nội dung quy định tại Thông tư 62 có gì khác so với Thông tư 84?

Thông tư 62 sửa đổi bổ sung Thông tư 84 với một số nội dung sau:

- Không tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú đối với một số khỏan thu nhập.

- Xác định cụ thể các khoản lợi ích khác mà người lao động được hưởng để tính hoặc không tính vào TNCT.

- Bổ sung đối tượng là người phụ thuộc được giảm trừ gia cảnh (mẹ kế, bố dượng) và quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ thủ tục chứng minh người phụ thuộc trong một số trường hợp.

- Hướng dẫn cụ thể việc đăng ký giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế có thu nhập từ 2 nơi trở lên.

- Hướng dẫn, xác định tỷ lệ thuế TNCN đối với tiền hoa hồng đại lý bán hàng, tiền lương tiền công khi thực hiện các dịch vụ có tổng mức trả thu nhập từ 500.000 đồng trở lên.

- Hướng dẫn bổ sung việc tính thuế TNCN đối với trường hợp cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có tạm nghỉ kinh doanh.

- Hướng dẫn bổ sung việc kê khai thuế, nộp thuế đối với cá nhân kinh doanh lưu động (buôn chuyến), cá nhân kinh doanh có yêu cầu cấp hóa đơn lẻ, cá nhân kinh doanh có nhiều địa điểm kinh doanh đóng ở nhiều địa bàn quận huyện khác nhau.

- Hướng dẫn cụ thể về khai thuế đối với cá nhân có thu nhập từ đầu tư vốn, nhận cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng.

- Bổ sung, sửa đổi mẫu tờ khai thuế, thời hạn nộp thuế đối với chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế, quà tặng, chuyển nhượng vốn góp.

3. Xin cho biết cụ thể về việc không tính vào thu nhập chịu thuế đối với các khoản thu nhập nào của cá nhân cư trú?

Không tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương tiền công của cá nhân cư trú các khoản thu nhập sau:

- Khoản trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam. Mức trợ cấp được tính trừ căn cứ trên hợp đồng lao động hoặc thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động.

- Khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi do đơn vị sử dụng lao động chi trả hộ (hoặc thanh toán) cho người lao động là người nước ngoài về phép mỗi năm một lần. Căn cứ để xác định là hợp đồng lao động và giá ghi trên vé máy bay từ Việt Nam đến quốc gia người nước ngoài mang quốc tịch hoặc quốc gia gia đình người nước ngoài sinh sống và ngược lại.

- Khoản tiền học phí cho con của người nước ngoài học tại Việt Nam theo bậc học phổ thông do đơn vị sử dụng lao động chi trả hộ căn cứ vào hợp đồng lao động và chứng từ nộp tiền học.

4. Việc xác định các khoản lợi ích vật chất khác, tính hoặc không tính vào chịu thuế TNCN dựa trên nguyên tắc và cụ thể như thế nào?

Về nguyên tắc đối với các khoản lợi ích khác mà người lao động được hưởng thì chỉ tính vào thu nhập chịu thuế đối với các trường hợp xác định được đối tượng được hưởng; không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân đối với các khoản lợi ích không xác định được cụ thể người được hưởng. Cụ thể trong một số trường hợp như sau:

- Khoản tiền thuê nhà do đơn vị sử dụng lao động chi trả hộ: tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế chi trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà).

- Đối với khoản chi về phương tiện phục vụ đưa đón tập thể người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại thì không tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động; trường hợp chỉ chuyên đưa đón riêng từng cá nhân thì phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân được đưa đón.

- Đối với các khoản phí hội viên như thẻ hội viên sân gôn, sân quần vợt, thẻ sinh hoạt các câu lạc bộ văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao... nếu ghi đích danh cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng thì tính vào thu nhập chịu thuế của từng cá nhân sử dụng. Trường hợp được sử dụng chung, không ghi tên cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng thì không tính vào thu nhập chịu thuế.

- Đối với các khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, thể thao, giải trí thẩm mỹ... nếu chi trả ghi rõ tên cá nhân được hưởng thì tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân. Trường hợp không ghi tên cá nhân được hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế.

- Đối với khoản chi trả hộ tiền đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động phù hợp với công việc chuyên môn của người lao động hoặc theo kế hoạch của đơn vị sử dụng lao động thì không tính vào thu nhập của người lao động. Trường hợp đào tạo không đúng chuyên môn nghiệp vụ hoặc không nằm trong kế hoạch của đơn vị thì phải tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động.

- Đối với khoản tiền ăn giữa ca, không tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động nếu người sử dụng lao động trực tiếp tổ chức bữa ăn giữa ca cho người lao động.

Trường hợp, đơn vị chi trả thu nhập không trực tiếp tổ chức bữa ăn ca mà chi tiền ăn ca trực tiếp cho người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế thuế của người lao động nếu mức chi phù hợp với hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Trường hợp chi cao hơn mức hướng dẫn này thì phần chi vượt mức phải tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động.

- Đối với khoản khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục... không tính vào thu nhập chịu thuế nếu mức khoán chi phù hợp với quy định của nhà nước hiện hành.

***

* Bà Trần Thị Lệ Nga – Trưởng Phòng TT-HT người nộp thuế đã giải thích về thủ tục giảm trừ gia cảnh, hồ sơ chứng minh người phụ thuộc... như sau:

1. Theo quy định tại Thông tư 84/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính thì chỉ có cha mẹ ruột là người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh, như vậy nuôi dưỡng mẹ kế, bố dượng có được có được tính là người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh ?

Thông tư số 62/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi bổ sung Thông tư 84 đã bổ sung: Trường hợp đối tượng nộp thuế có mẹ kế, bố dượng ngoài độ tuổi lao động hoặc trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật nhưng bị tàn tật không có khả năng lao động, không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 500.000 đồng thì đối tượng nộp thuế được tính giảm trừ người phụ thuộc là mẹ kế, bố dượng.

Hồ sơ chứng minh người phụ thuộc trong trường hợp này là: bản sao giấy khai sinh của đối tượng nộp thuế và bản sao giấy chứng nhận kết hôn để chứng minh là bố dượng, mẹ kế hoặc các giấy tờ khác có liên quan trong đó có nội dung xác định là bố dượng, mẹ kế.

2. Người khuyết tật, không có khả năng lao động, thủ tục hồ sơ chứng minh như thế nào?

Người phụ thuộc được tính giảm trừ gia cảnh trong từng trường hợp phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Nếu là người trong độ tuổi lao động:

+ Bị khuyết tật không có khả năng lao động;

+ Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 500.000 đồng.

- Người ngoài độ tuổi lao động được tính là người phụ thuộc phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 500.000 đồng.

- Đối với người phụ thuộc là ông bà nội; ông bà ngoại; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột; cháu ruột và các cá nhân khác còn phải thoả mãn thêm điều kiện là người không nơi nương tựa mà người đối tượng nộp thuế đang trực tiếp nuôi dưỡng.

3. Hồ sơ chứng minh đối với trường hợp là ông bà nội, ngoại, cô, dì, chú bác cậu ruột, anh chị em ruột và các trường hợp khác như thế nào và cần những giấy tờ gì?

Thông tư 62 đã quy định cụ thể và rõ ràng hơn:

- Trường hợp người phụ thuộc cùng hộ khẩu với đối tượng nộp thuế thì không cần xác nhận của UBND cấp xã mà chỉ cần bản sao hộ khẩu.

- Trường hợp người phụ thuộc không cùng hộ khẩu nhưng đang sống cùng đối tượng nộp thuế là: bản sao đăng ký tạm trú hoặc bản tự khai (theo mẫu số 21a/XN-TNCN kèm theo Thông tư 62) có xác nhận UBND cấp xã nơi đối tượng nộp thuế sống về việc người phụ thuộc đang sống cùng.

- Trường hợp người phụ thuộc không sống cùng đối tượng nộp thuế nhưng đối tượng nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng thì đối tượng nộp thuế tự khai (theo mẫu số 21b/XN-TNCN kèm theo Thông tư 62/2009) và đề nghị UBND cấp xã nơi người phụ thuộc đang sống xác nhận về việc người phụ thuộc hiện đang sống tại địa phương và không có ai nuôi dưỡng.

4. Trường hợp người phụ thuộc là người khuyết tật không có khả năng lao động hiện nay có rất nhiều trường hợp khác nhau nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về nơi xác nhận: UBND cấp xã hay cơ quan y tế, xin cho biết vấn đề này thực hiện như thế nào?

Trường hợp người khuyết tật không có khả năng lao động nhưng không có xác nhận của cơ quan y tế thì đối tượng nộp thuế tự khai (theo mẫu số 22/XN-TNCN kèm theo Thông tư này) và đề nghị UBND cấp xã nơi người phụ thuộc đang sống xác nhận những biểu hiện cụ thể về sự khuyết tật của người phụ thuộc; ví dụ như xác nhận người phụ thuộc bị cụt tay, cụt chân, mù mắt, mắc bệnh thiểu năng trí tuệ, bị di chứng chất độc màu da cam...

Trường hợp người phụ thuộc mắc bệnh mà không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn…) có bệnh án của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên thì chỉ cần bản sao bệnh án mà không cần phải có xác nhận của UBND cấp xã.

5. Trong trường hợp người nộp thuế có thu nhập từ nhiều nơi thì việc đăng ký giảm trừ gia cảnh được thực hiện như thế nào?

Trường hợp đối tượng nộp thuế có thu nhập từ tiền lương, tiền công thường xuyên, ổn định từ 02 nơi trở lên; hoặc vừa có thu nhập từ kinh doanh vừa có thu nhập từ tiền lương tiền công thường xuyên ổn định; hoặc có thu nhập từ kinh doanh thường xuyên ổn định từ 02 nơi trở lên thì đối tượng nộp thuế được lựa chọn nơi đăng ký giảm trừ gia cảnh; cụ thể như sau:

- Về giảm trừ cho bản thân: đối tượng nộp thuế được lựa chọn khai giảm trừ cho bản thân ở một nơi phát sinh thu nhập; đồng thời phải thông báo cho đơn vị chi trả thu nhập khác hoặc cơ quan thuế (nơi có hoạt động kinh doanh khác) biết để không tính giảm trừ trùng.

- Về giảm trừ cho người phụ thuộc: trường hợp, đối tượng nộp thuế có nhiều người phụ thuộc, mà số người phụ thuộc tính giảm trừ ở một nơi phát sinh thu nhập không đủ giảm trừ thì được đăng ký số người phụ thuộc chưa giảm trừ hết vào nơi phát sinh thu nhập khác để được giảm trừ.

***

Hỏi: Xin cho biết cách tính thuế đối với thu nhập từ thừa kế, quà tặng của cha mẹ cho con cái hay ngược lại?

Trả lời: Thu nhập chịu thuế từ thừa kế, quà tặng là phần giá trị tài sản thừa kế, quà tặng vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được theo từng lần phát sinh.

Thời điểm quy định chịu thuế được xác định như sau: Đối với thu nhập từ thừa kế là thời điểm đối tượng nộp thuế nhận được thừa kế, đối với thu nhập từ quà tặng là thời điểm tổ chức, cá nhân cho tặng đối tượng nộp thuế nhận được thu nhập (Điều 18 Luật Thuế TNCN). Số thuế phải nộp được tính trên biểu thuế toàn phần với thuế suất 10%. Ví dụ, cha mẹ cho con cổ phiếu trị giá 11 triệu đồng thì 10 triệu đồng không phải nộp thuế, còn phần vượt là 1 triệu đồng phải nộp thuế TNCN (1 triệu đồng x 10% = 100.000đ)

Hỏi: Ba mẹ tôi có một căn nhà cho thuê và có đăng ký kinh doanh, ngoài ra không có nguồn thu nhập nào khác. Mẹ tôi bị bệnh mãn tính, hằng tháng phải tốn mất một số tiền lớn để chữa trị, có hoá đơn của bệnh viện xác nhận. Vậy số tiền mẹ tôi chữa bệnh có được miễn đóng thuế không ?

Trả lời: Thu nhập từ việc cho thuê nhà của ba mẹ bạn là thu nhập từ kinh doanh, được xác định bằng doanh thu (tiền cho thuê nhà) trừ đi các khoản chi phí hợp lý của việc cho thuê, là thu nhập chịu thuế. Nếu ba mẹ bạn cùng đăng ký kinh doanh cho thuê nhà, thu nhập này sẽ được chia đôi cho hai người để tính thuế. Ba và mẹ bạn mỗi người được giảm trừ gia cảnh cho bản thân là 4 triệu đồng/người, vì vậy thu nhập cho thuê nhà sau khi trừ đi khoản giảm trừ gia cảnh, nếu vẫn còn sẽ phải đóng thuế TNCN. Việc ba mẹ bạn phải tốn số tiền lớn hằng tháng để chữa bệnh mãn tính, nếu đó là bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế, thì sẽ được xét giảm thuế tương ứng mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.

Hỏi: Trường hợp công nhân chuyển nhượng số cổ phiếu của mình được công ty bán với giá ưu đãi khi cổ phần hóa thì có phải nộp thuế hay không ?

Trả lời: Thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn là tổng số các khoản thu nhập từ đầu tư vốn theo quy định bao gồm tiền lãi cho vay; lợi tức cổ phần; thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác, trừ thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ (khoản 3 Điều 3 Luật Thuế TNCN) mà đối tượng nhận được trong kỳ tính thuế. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho đối tượng nộp thuế hoặc thời điểm đối tượng nộp thuế nhận được thu nhập (Điều 12 Luật Thuế TNCN). Số thuế phải nộp tính theo biểu thuế toàn phần với thuế suất là 5%. Ví dụ chị A được mua cổ phiếu với giá ưu đãi 70.000đ/CP và đã chuyển nhượng với giá 120.000đ/CP thì thu nhập chịu thuế là 120.000đ – 70.000đ = 50.000đ. Vậy chị A phải nộp thuế cho mỗi cổ phiếu như sau: 50.000đ x 5% = 2.500đ.

Hỏi: Chúng tôi tham gia thị trường chứng khoán nhưng chỉ đầu tư nhỏ lẻ từ tiền dành dụm được và từ tiền của các con cháu cho. Xin hỏi chúng tôi có được miễn giảm thuế thu nhập từ việc mua bán chứng khoán hay không?

Trả lời: Việc thu nhập từ mua bán chứng khoán gọi là thu nhập từ chuyển nhượng vốn, phải chịu thuế TNCN. Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng chứng khoán này được xác định bằng giá bán trừ đi giá mua và các khoản chi liên quan trực tiếp, với mức thuế suất toàn phần là 20%. Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng chứng khoán thì thu nhập chịu thuế được xác định là giá bán chứng khoán, với mức thuế suất là 0,1%. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế là khi giao dịch chuyển nhượng chứng khoán hoàn tất theo quy định của pháp luật.

Hỏi: Xin hỏi trong thời gian thử việc, lương của tôi có phải đóng thuế thu nhập cá nhân?

Trả lời: Trong thời gian thử việc, người lao động cũng nhận được lương ít nhất bằng 70% lương chính thức cho công việc đó. Khoản lương này cũng là thu nhập chịu thuế, phải đóng thuế TNCN theo Luật Thuế TNCN (có hiệu lực từ 1-1-2009).

Hỏi: Mức lương hàng tháng của tôi dưới mức phải đóng thuế TNCN. Nhưng cuối năm Công ty thưởng tháng lương thứ 13 thì phòng kế toán lại chuyển tháng lương này vào lương tháng cuối cùng của năm và tôi bị trừ bị trừ thuế TNCN vì tổng tiền nhận tháng đó ở mức phải đóng thuế. Xin hỏi Công ty làm như vậy có đúng luật không ?

Trả lời: Theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hiện hành, lương tháng 13 hay tất cả các khoản thưởng tháng, năm, lễ, tết… đều được coi là khoản thu nhập thường xuyên. Thu nhập thường xuyên chịu thuế là số tiền của cá nhân thực nhận tính bình quân tháng trong năm trên 5 triệu đồng/tháng. Vào mỗi tháng, nếu thu nhập của người lao động ở mức phải đóng thuế thu nhập, công ty phải thực hiện việc khấu trừ tại nguồn để tạm nộp thuế cho phần thu nhập vượt quá này. Vào cuối năm, Công ty sẽ phải thực hiện quyết toán thuế, tổng hợp toàn bộ thu nhập các tháng trong năm của người lao động để tính thu nhập bình quân tháng làm căn cứ xác định số thuế phải thực nộp cho cả năm, đối chiếu với số đã nộp hàng tháng, nếu thiếu thì nộp thêm, nếu thừa thì được thoái trả. Vì vậy, trong trường hợp này, việc công ty khấu trừ ngay lúc phát sinh thu nhập chịu thuế là phù hợp, nhưng anh (chị) phải kiểm tra lại là vào cuối năm công ty có thực hiện việc tính toán lại thu nhập bình quân tháng của anh (chị) như đã nói trên để xác định có thuộc diện phải chịu thuế thu nhập hay không, nếu không phải phải hoàn trả tiền thuế thu nhập tạm nộp của anh (chị).

Tuy nhiên, kể từ thời điểm 1-1-2009 khi Luật Thuế TNCN có hiệu lực sẽ áp dụng các tính thuế khác hiện nay. Theo đó tổng thu nhập từ tiền lương hàng tháng của anh (chị) trừ đi khoản giảm trừ gia cảnh cho bản thân (4 triệu đồng/tháng), trừ đi khoản giảm trừ của người phụ thuộc nếu có (1,6 triệu đồng/tháng/người), trừ đi các khoản đóng góp bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, phần còn lại (nếu có) sẽ là thu nhập chịu thuế.

Hỏi: Khi công ty cổ phần bán tài sản cố định rồi phân phối phần lợi nhuận thu được cho các cổ đông theo tỷ lệ sở hữu vốn tại công ty thì phần thu nhập đó có tính thuế TNCN không, nếu có thì tính như thế nào?

Trả lời: Trong trường hợp này, khi công ty cổ phần bán tài sản cố định thì công ty phải nộp thuế giá trị gia tăng, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Phần thu nhập còn lại sau khi nộp thuế, nếu được tổng hợp vào thu nhập của công ty, rồi chia cho các cổ đông dưới dạng cổ tức thì cổ đông này sẽ nộp thuế đối với cổ tức theo thuế suất 5%.

Hỏi: Khi thực hiện Luật Thuế TNCN, các hộ kinh doanh buôn bán lẻ hiện nay đang nộp thuế theo hình thức khoán sẽ có sự thay đổi gì không?

Trả lời: Khi thực hiện Luật Thuế TNCN, các hộ kinh doanh cá thể đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ chuyển sang nộp thuế TNCN và được áp dụng mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân và người phụ thuộc theo quy định chung.

Đối với các hộ giữ sổ sách kế toán thì việc kê khai xác định thu nhập chịu thuế được tính trên cơ sở lấy doanh thu trừ chi phí hợp lý. Đối với các cá nhân chưa tuân thủ đúng chế độ kế toán, hoá đơn chứng từ, không xác định được doanh thu, chi phí và thu nhập chịu thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu chi phí để xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Hỏi: Luật thuế TNCN có cho phép khấu trừ thuế đối với phần thu nhập mà cá nhân đã tự nguyện đóng góp cho các hoạt động từ thiện, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bệnh dịch hoặc các quỹ khuyến học hay không?

Trả lời: Điều 20 của Luật thuế TNCN cho phép trừ trước khi tính thuế đối với các khoản đóng góp cho hoạt động từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

Hỏi: Tôi sống tại Canada, muốn hỏi là nếu tiền giúp đỡ từ thân nhân ở nước ngoài hoặc tiền giúp đỡ việc từ thiện thì có phải đóng thuế TNCN không? Nếu có thì % của thuế là bao nhiêu?

Trả lời: Thu nhập từ kiều hối chuyển về Việt Nam giúp đỡ cho gia đình hoặc cho từ thiện thì được miễn thuế TNCN.

Hỏi: Là người Việt kiều làm việc cho một công ty tại ngoại quốc, nhưng công tác tại Việt Nam. Tôi đóng thuế thu nhập tại nước ngoài như vậy tôi có chịu thêm một khoản thuế nào nữa tại Việt Nam hay không?

Trả lời: Thuế TNCN không phân biệt người Việt Nam, Việt kiều, hay người nước ngoài mà theo tiêu thức cư trú. Nếu cá nhân thuộc đối tượng cư trú tại Việt Nam thì nộp thuế cho thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam. Nếu là cá nhân không cư trú thì nộp thuế cho thu nhập phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay ông đang công tác tại Việt Nam, thu nhập phát sinh tại Việt Nam thì nộp thuế TNCN theo Luật Việt Nam. Việt Nam cũng đã ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với trên 45 nước để bảo đảm thuế TNCN không bị đánh trùng 2 nơi.

Hỏi: Luật này điều tiết vào những người làm ăn chân chính, làm cho liên doanh nước ngoài? Thế còn các vị quan chức to, người mang quà tới biếu xén nhờ vả, có nên đánh thuế quà biếu hay không?

Trả lời: Việc thu thuế phải căn cứ vào pháp luật và cơ quan thuế chỉ thu thuế đối với các khoản thu nhập được luật quy định. Những khoản thu nhập không thuộc điều chỉnh của luật thuế sẽ được điều chỉnh bởi các luật, pháp lệnh liên quan; ví dụ Luật Phòng, chống tham nhũng, các quy định liên quan tới đăng ký kê khai tài sản...

Hỏi: Khi cả nước đang dùng thanh toán bằng tiền mặt như thế này thì Luật thuế TNCN có quản lý hết được nguồn thu hay không?

Trả lời: Đây cũng là vấn đề đặt ra cho ngành thuế. Trong lúc việc thanh toán bằng tiền mặt phổ biến thì cùng với việc xúc tiến đề án triển khai thanh toán qua ngân hàng của Chính phủ, cơ quan thuế cũng áp dụng các phương pháp quản lý thuế để tăng cường quản lý nguồn thu.

Trước hết ngành thuế sẽ áp dụng biện pháp khấu trừ tiền thuế để nộp vào ngân sách trước khi chi trả thu nhập cho các nhân có thu nhập chịu thuế như: thu nhập từ tiền lương tiền công, tiền vốn đầu tư, chuyển nhượng vốn, trúng thưởng... Đối với các khoản thu nhập khác thì người nộp thuế phải tự khai, tự tính, tự nộp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu kê khai. Cơ quan thuế sẽ thực hiện việc cấp mã số thuế, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế, kết nối đối chiếu thông tin với các cơ quan hữu quan để kiểm tra, đối chiếu thu nhập...

Bên cạnh việc tuyên truyền chính sách thuế, tôn vinh các cá nhân thực hiện tốt các nghĩa vụ thuế, cơ quan thuế sẽ xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, cố tình trốn tránh, gian lận thuế để bảo đảm bình đẳng về nghĩa vụ thuế.

Hỏi: Tôi có thu nhập lương bình quân 10 triệu đồng/tháng, vợ tôi khoảng 3 triệu đồng/tháng. Chúng tôi có một con nhỏ, hai em trai đang học đại học và cha mẹ của tôi đã già (cha tôi có lương hưu khoảng 1,5 triệu đòng/tháng). Như vậy giảm trừ gia cảnh của tôi được tính như thế nào khi tính thuế TNCN?

Trả lời: Vợ bạn có thu nhập 3 triệu đồng/tháng, sau khi giảm trừ gia cảnh cho chính bản thân là 4 triệu đồng/tháng sẽ không còn thu nhập để đóng thuế TNCN. Nhưng vợ bạn có khả năng lao động và có thu nhập nên không được tính là người phụ thuộc của bạn.

Cha bạn có lương hưu 1,5 triệu đồng/tháng, thu nhập từ lương hưu thì được miễn thuế TNCN. Nhưng mức lương hưu này của cha bạn có thể cao hơn mức quy định của Chính phủ (dự kiến là mức lương tối thiểu chung) đối với trường hợp cha mẹ có thu nhập để tính là người phụ thuộc, vì vậy cha của bạn không được tính là người phụ thuộc.

Em của bạn đang học đại học chỉ có thể được tính là người phụ thuộc của cha mẹ, không thể tính là người phụ thuộc của anh chị, cho dù anh chị có nuôi em ăn học, ngoại trừ trường hợp em không có nơi nương tựa (không có cha mẹ) được anh chị trực tiếp nuôi dưỡng. Vì vậy, 2 em trai của bạn không phải là người phụ thuộc của bạn.

Mẹ bạn và con nhỏ của bạn được tính là người phụ thuộc của bạn, với mức 1,6 triệu đồng/người/tháng, tổng cộng là 3,2 triệu/tháng; với điều kiện là đã kê khai là người phụ thuộc của bạn thì không được kê khai trùng cho người nộp thuế khác.

Như vậy thu nhập chịu thuế của bạn sẽ là: 10 triệu (lương) – 4 triệu (giảm trừ gia cảnh chính bản thân) – 3,2 triệu (2 người phụ thuộc) = 2,8 triệu đồng. Bạn sẽ nộp thuế theo biểu suất luỹ tiến từng phần, với mức thuế suất 5%, vậy số thuế bạn phải nộp là: 2,8 triệu x 5% = 140.000đồng/tháng.

Hỏi: Gia đình tôi có 6 người, gồm cha mẹ và 4 anh em. Cha mẹ tôi 50 tuổi, làm ruộng. Anh tôi là công nhân lương khoảng 1,5 triệu/tháng, lương tôi khoảng 5 triệu/tháng. Tôi có một đứa em đang học trung học chuyên nghiệp và một đứa học lớp 10. Vậy tôi có thể tính em tôi là người phụ thuộc của tôi để giảm trừ không?

Trả lời: Trường hợp này, không thể tính 2 em đang đi học là người phụ thuộc của mình. Tuy nhiên, cha mẹ bạn làm ruộng nếu có thu nhập thấp hơn mức quy định của Chính phủ thì sẽ được tính là người phụ thuộc của con cái. Vì vậy, khả năng có thể cả 2 cha mẹ, hoặc ít nhất một người là phụ thuộc của bạn. Thu nhập của bạn là 5 triệu đồng/tháng, sau khi giảm trừ gia cảnh cho chính bản thân bạn là 4 triệu đồng, nếu được tính thêm ít nhất một người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng thì bạn không còn thu nhập để tính thuế TNCN.

Hỏi: Tôi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xin hỏi Nhà nước đã đánh thuế thu nhập doanh nghiệp đối với công ty mà chúng tôi đầu tư, tiếp đó là đánh thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán, vậy có bị chồng chéo nhau hay không?

Trả lời: Thuế thu nhập đối với công ty là thu vào lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp chứng khoán. Còn thuế thu nhập cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán là thu với hoạt động đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân. Như vậy, với hai chủ thể khác nhau, hai loại thuế khác nhau nên không thể gọi là thu trùng lắp.

Hỏi: Khoản lợi nhuận còn lại về kinh doanh chứng khoán sau đó phải đóng thuế thu nhập cá nhân nữa hay không?

Trả lời: Đối với khoản lãi từ kinh doanh, chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân, sau khi nộp thuế cá nhân đối với hoạt động chứng khoán thì thu nhập còn lại của cá nhân, không phải nộp thêm bất cứ khoản nào.

Hỏi: Nếu thu nhập trong năm của tôi chỉ có đầu tư chứng khoán, cuối năm tôi chỉ có được chiết trừ gia cảnh hay không ?

Trả lời: Việc giảm trừ gia cảnh chỉ áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh, không áp dụng cho thu nhập từ đầu tư chứng khoán.

Hỏi: Tôi được biết thuế suất cho hoạt động đầu tư vốn là 5%. Vậy khi tôi đầu tư vào cổ phiếu và nhận được cổ tức bằng cổ phiếu thì sẽ đóng thuế như thế nào? Ví dụ tôi có 1.000 cổ phiếu, nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%, tức là được 100 cổ phiếu, vậy tôi sẽ nộp thuế bao nhiêu tiền?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 6 Luật Thuế TNCN, thu nhập chịu thuế nhận được không bằng tiền phải quy đổi ra đồng VND theo giá thị trường của sản phẩm, dịch vụ cùng loại tương đương tại thời điểm phát sinh thu nhập. Như vậy, nếu cá nhân được nhận cổ tức bằng 100 cổ phiếu thì sẽ quy đổi số cổ phiếu này theo giá thị trường tại thời điểm nhận cổ phiếu để xác định thu nhập chịu thuế, sau đó nhân với thuế suất 5% sẽ ra số tiền phải nộp.

Hỏi: Nếu tôi mua một cổ phiếu với giá 60.000đ nhưng sau đó cổ phiếu này chia tách với quyền mua theo tỷ lệ 1:1 ở giá 15.000đ. Vậy khi tôi bán tất cả các cổ phiếu này ở giá 55.000đ thì được tính như thế nào?

Trả lời: Thuế thu nhập đối với cổ phiếu được tính hai cách: Thứ nhất là tính theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng. Thứ hai tính trên thực lãi giữa giá bán và giá mua, không phân biệt mua giá gốc, giá ưu đãi hoặc chia tách quyền mua.

Hỏi: Luật thuế đã tính tới yếu tố công bằng giữa kinh doanh chứng khoán đã niêm yết và chưa niêm yết? Nhà nước sẽ có biện pháp gì để thu thuế đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán trên thị trường vốn tự do?

Trả lời: Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước tăng cường kiểm soát thị trường chứng khoán phi tập trung (OTC). Hoạt động kinh doanh chứng khoán của các cá nhân sẽ được thực hiện qua các công ty đại chúng, các nhà đầu tư sẽ mở tài khoản tại các trung tâm giao dịch hoặc ngân hàng.

Việc chuyển nhượng cổ phiếu OTC cũng như cổ phiếu niêm yết cũng phải qua các công ty lưu ký để bảo đảm thị trường chứng khoán phát triển nhanh, phát triển bền vững, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.

Hỏi: Bố mẹ tôi dự định chia cho anh em tôi mỗi người 2-3 suất đất khi lập gia đình. Vậy xin hỏi khi chúng tôi lập gia đình chúng tôi có phải chịu thuế TNCN không? Và nếu chịu thì tính như thế nào?

Trả lời: Theo Điều 4 của Luật Thuế TNCN thì thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, từ thừa kế, quà tặng là bất động sản do bố mẹ cho con, thuộc thu nhập miễn thuế. Như vậy, đất mà bố mẹ chia cho các con sẽ không phải nộp thuế TNCN.

Hỏi: Tôi có mảnh đất ở 240 m2, nay tôi định chuyển nhượng 110 m2. Ngoài thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất 4% và lệ phí trước bạ 5%, tôi còn phải đóng thuế thu nhập cá nhân nữa không ?

Trả lời: Theo quy định hiện hành, người chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất theo Luật Thuế chuyển quyền sử dụng đất với thuế suất là 4%. Người nhận quyền sử dụng đất nộp lệ phí trước bạ là 0,5% (áp dụng kể từ ngày 25-8-2008) ngoài hai khoản này, người chuyển nhượng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Kể từ ngày 1-1-2009, thu nhập về chuyển quyền sử dụng đất sẽ thực hiện theo Luật Thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản. Theo đó, sẽ nộp 2% trên giá trị chuyển nhượng hoặc 25% trên thực lãi chuyển nhượng.

Hỏi: Việc nộp thuế TNCN của chủ doanh nghiệp tư nhân, giám đốc công ty TNHH sẽ thực hiện như thế nào, sau khi công ty đã đóng 28% thuế TNDN?

Trả lời: Thu nhập từ kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân sau khi đóng 28% thuế TNDN thì sẽ không phải nộp thuế TNCN. Đối với công ty TNHH, giám đốc sẽ đóng thuế đối với phần cổ tức được chia, thuế suất là 5%.

Hỏi: Sau khi anh trai tôi mất và chị dâu tôi đi bước nữa. Vợ chồng tôi nhận nuôi 1 cháu con anh trai tôi. Vậy trong trường hợp này tôi có được chiết trừ gia cảnh cho cháu?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 19, cháu của bạn được giảm trừ trong trường hợp cháu không có thu nhập và khong nơi nương tựa, mẹ cháu không nuôi dưỡng cháu. Đối với trường hợp cụ thể của bạn, phải có những giấy tờ để chứng minh vợ chồng bạn trực tiếp nuôi dưỡng cháu thì sẽ được giảm trừ gia cảnh theo quy định.

Hỏi: Khi triển khai Luật Thuế TNCN, toàn dân sẽ được cấp mã số thuế thì có được hiểu rằng mỗi một công dân được xem như là một doanh nghiệp hoạt động độc lập không ?

Trả lời: Trước mắt cơ quan thuế sẽ cấp mã số thuế cho những cá nhân có thu nhập chịu thuế, tiến tới cấp mã số thuế cho người phụ thuộc. Việc áp dụng cấp mã số công dân gắn liền với mã số của các doanh nghiệp khác hẳn mã số thuế của các cá nhân. Các cá nhân không coi như là một doanh nghiệp hoạt động độc lập mà chỉ là các cá nhân hành nghề độc lập hoặc cá nhân kinh doanh. Đối với cá nhân làm công ăn lương thì cũng được cấp mã số thuế nhưng thu nhập của họ không phải thu nhập từ kinh doanh mà từ thu nhập tiền lương, tiền công. Đối với các cá nhân có vốn đầu tư, chuyển nhượng vốn... thì thu nhập chịu thuế của họ không thể coi như hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp.

Hỏi: Nếu như tôi nghỉ việc từ một cơ quan này chuyển sang cơ quan khác thì các khoản bồi thường mất việc từ cơ quan cũ có phải chịu thuế thu nhập hay không?

Trả lời: Theo quy định của Điều 3, Luật Thuế TNCN thì thu nhập từ trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật Lao động không phải chịu thuế TNCN.

Hỏi: Theo chính sách thuế hiện hành, người đóng thuế TNCN có được giảm trừ gia cảnh không? Nếu được thì phải làm những thủ tục gì ?

Trả lời: Hiện nay theo Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao thì thu nhập chịu thuế trên 5 triệu đồng mỗi tháng sẽ nộp thuế theo biểu thuế luỹ tiến từng phần, chưa áp dụng mức giảm trừ gia cảnh. Từ ngày 1-1-2009, khi Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực thì mới áp dụng mức giảm trừ gia cảnh.

Hỏi: Cơ quan tôi mỗi tháng giữ lại 10% thu nhập của cá nhân, mặc dù tháng đó chưa chắc thu nhập đến 4 triệu đồng, làm như vậy có đúng quy định không?

Trả lời: Hiện nay, theo Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, nếu người làm việc và chỉ có thu nhập tại cơ quan thì cơ quan không có khấu trừ thuế 10%. Nhưng nếu cá nhân có những khoản thu nhập vãng lai khác ngoài tiền lương tại cơ quan, thì nơi chi trả thu nhập này sẽ khấu trừ 10%. Cuối năm, sẽ tổng hợp kê khai toàn bộ thu nhập trong năm để quyết toán.

Hỏi: Việc đánh thuế thu nhập chứng khoán với mức 20%, nhiều ý kiến cho rằng mức thuế như vậy là rất cao, bởi vì thị trường chứng khoán ở Việt Nam mới hình thành, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?

Trả lời: Có 2 phương pháp tính thuế: Đối với thu nhập từ chứng khoán áp dụng thuế suất 0,1% trên tổng giá trị chuyển nhượng, không phải quyết toán năm hoặc áp dụng thuế suất 20% trên thực lãi cả năm (đã bù trừ lãi lỗ giữa các lần chuyển nhượng). Nhà đầu tư được lựa chọn phương pháp nộp thuế và đăng ký với cơ quan thuế từ đầu năm. Việc xác định thuế suất 20% trên cơ sở nghiên cứu thuế hiện hành đối với công ty kinh doanh chứng khoán (đang nộp thuế TNDN là 28%).

Kể từ ngày 1-1-2009, Luật Thuế TNDN có hiệu lực thi hành, các công ty kinh doanh sẽ nộp thuế TNDN là 25%, như vậy thuế suất 20% là đã có ưu đãi cho cá nhân đầu tư. Mặt khác nếu nhà đầu tư bị lỗ thì được chuyển lỗ trong 5 năm. Ở Trung Quốc, hiện nay đang áp dụng thuế đối với chứng khoán là 0,3% trên giá trị chuyển nhượng, cao gấp 3 lần so với Luật thuế của Việt Nam.

Hỏi: Cơ sở nào để đưa ra mức thuế 20% thu nhập chuyển nhượng chứng khoán? Khi xây dựng mức thuế này liệu cơ quan thuế có dựa trên sự đóng góp về mặt khoa học của các nhà kinh tế không ?

Trả lời: Về nguyên tắc thuế thu nhập đối với cá nhân tương đương với thuế TNDN kinh doanh trong cùng một loại hình. Hiện nay doanh nghiệp đang nộp thuế TNDN thuế suất là 28%. Dự kiến thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân là 25%. Tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, các nhà khoa học, các nhà kinh tế, Quốc hội đã thông qua với thuế suất là 20%, thấp hơn dự kiến 5% để khuyến khích thị trường chứng khoán còn mới mẻ ở Việt Nam

Hỏi: Tôi có một ít cổ phiếu ngân hàng mua từ giá 15-16 triệu đồng/cổ phiếu, giá hiện nay là hơn 6 triệu đồng/cổ phiếu, nếu tính về thu nhập, tôi bị âm gần 10 triệu đồng/cổ phiếu. Vậy nhà nước có thu thuế nếu tôi cần phải sang nhượng không ?

Trả lời: có 2 trường hợp:

- Đối với thu nhập từ chứng khoán có 2 phương pháp tính thuế: Đối với thu nhập từ chứng khoán áp dụng thuế suất 0,1% trên tổng giá trị chuyển nhượng, không phải quyết toán năm hoặc áp dụng thuế suất 20% trên thực lãi cả năm (đã bù trừ lãi lỗ giữa các lần chuyển nhượng). Nhà đầu được lựa chọn phương pháp nộp thuế và đăng ký với cơ quan thuế từ đầu năm.

- Đối với trường hợp chuyển nhượng vốn áp dụng thuế suất trên thực lãi, nếu lỗ thì nhà đầu tư không phải nộp thuế TNCN.

Tính thuế thu nhập cá nhân như thế nào?

Tuần qua, rất nhiều công chức, người dân, doanh nghiệp gởi câu hỏi tìm hiểu về cách tính thuế và việc giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Xin trích đăng những vấn đề được bạn đọc đặt câu hỏi nhiều nhất.

- Cách tính thuế như thế nào?

Có 2 cách tính thuế dành cho cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú, như sau:

1. Cá nhân cư trú (có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày/năm hoặc có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn) thì kỳ tính thuế đối với từng loại thu nhập chịu thuế như sau: Kỳ tính thuế theo năm: áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh; thu nhập từ tiền lương, tiền công; kỳ tính thuế theo từng lần phát sinh thu nhập: áp dụng đối với thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn, trừ thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ trúng thưởng; thu nhập từ bản quyền; thu nhập từ nhượng quyền thương mại; thu nhập từ thừa kế; thu nhập từ quà tặng; kỳ tính thuế theo từng lần chuyển nhượng hoặc theo năm: đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán (trường hợp cá nhân áp dụng kỳ tính thuế theo năm thì phải đăng ký từ đầu năm với cơ quan thuế).

2. Đối với cá nhân không cư trú: Kỳ tính thuế được tính theo từng lần phát sinh thu nhập áp dụng đối với tất cả thu nhập chịu thuế.

- Mức giảm trừ gia cảnh (cho bản thân người nộp thuế là 4 triệu đồng/người/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/người/tháng) được áp dụng như thế nào?

Giảm trừ gia cảnh chỉ áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công.

Giảm trừ gia cảnh chỉ áp dụng đối với cá nhân (người VN và người nước ngoài) là đối tượng cư trú tại Việt Nam. Còn đối tượng không cư trú, được tính thuế theo từng lần phát sinh thì không được giảm trừ gia cảnh.

Giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc: mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế. Số lượng người phụ thuộc là không hạn chế.

- Thu nhập của cá nhân cư trú được tính thuế như thế nào?

Thuế TNCN bằng thu nhập tính thuế (TNTT) nhân cho biểu thuế suất. TNTT từ hoạt động kinh doanh và từ tiền lương là thu nhập chịu thuế (TNCT), trừ phần giảm trừ gia cảnh, trừ các khoản đóng góp từ thiện.

Có 2 biểu thuế áp dụng theo từng loại TNTT như sau:

- Biểu thuế lũy tiến từng phần (áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương tiền công):

Bậc thuế

Thu nhập tính thuế/tháng

Thu nhập tính thuế/năm

Thuế suất

1

2

3

4

5

6

7

Đến 5 triệu đồng

Trên 5 đến 10 triệu đồng

Trên 10 đến 18 triệu đồng

Trên 18 đến 32 triệu đồng

Trên 32 đến 52 triệu đồng

Trên 52 đến 80 triệu đồng

Trên 80 triệu đồng

Đến 60 triệu đồng

Trên 60 đến 120 triệu đồng

Trên 120 đến 216 triệu đồng

Trên 216 đến 384 triệu đồng

Trên 384 đến 624 triệu đồng

Trên 624 đến 960 triệu đồng

Trên 960 triệu đồng

5%

10%

15%

20%

25%

30%

35%

Ví dụ về tính thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú: cá nhân có thu nhập 10 triệu đồng/tháng, là người độc thân thì tính giảm trừ gia cảnh 4 triệu đồng (cho bản thân). Như vậy, thu nhập tính thuế là: 10 triệu - 4 triệu = 6 triệu đồng. Thuế phải nộp như sau:

Bậc 1: 5 triệu x 5% = 250.000 đồng

Bậc 2: 1 triệu x 10% = 100.000 đồng

Tổng thuế thu nhập nộp là: 350.000 đồng

(So với thuế TNCN hiện hành là (10 triệu – 5 triệu) x 10% = 500.000 đồng, thì thuế phải nộp theo Luật Thuế TNCN là 350.000 đồng thấp hơn).

- Biểu thuế suất toàn phần: áp dụng đối với thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại; thu nhập từ trúng thưởng; thu nhập từ thừa kế, quà tặng; thu nhập từ chuyển nhượng vốn; thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán (tính trên TNCT và tính trên giá bán chứng khoán); thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (tính trên thu nhập chịu thuế và tính trên giá chuyển nhượng).

Thu nhập tính thuế

Thuế suất

– Thu nhập từ đầu tư vốn

5%

– Thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại

5%

– Thu nhập từ trúng thưởng

10%

– Thu nhập từ thừa kế, quà tặng

10%

– Thu nhập từ chuyển nhượng vốn quy định tại khoản 1 Điều 13 của luật này

20%

– Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán quy định tại khoản 2 Điều 13 của luật này

0,1%

– Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật Thuế TNCN

25%

– Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản quy định tại khoản 2 Điều 14 của Luật Thuế TNCN

2%

- Thu nhập của cá nhân không cư trú được tính thuế như thế nào?

Lấy thu nhập chịu thuế nhân với thuế suất (biểu thuế suất toàn phần).

Xác định thu nhập chịu thuế của cá nhân không cư trú như sau: Thu nhập chịu thuế chỉ tính trên phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam; thu nhập không được trừ chi phí; không áp dụng giảm trừ gia cảnh.

***

Hỏi: Bà A có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, hàng tháng bà nhận được lương hưu là 1,6 triệu đồng. Bà có tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng X và hưởng lãi hàng tháng là 4 triệu đồng. Tháng 5-2009, bà A chơi xổ số và trúng thưởng trị giá 400 triệu đồng. Vậy bà A có phải nộp thuế TNCN năm 2009 hay không?

Trả lời: Thu nhập của bà A trong năm 2009 tính thuế như sau:

- Lương hưu hàng tháng được miễn thuế TNCN (khoản 10, Điều 4)

- Tiền lãi tiết kiệm bà gửi ngân hàng hàng tháng được miễn thuế TNCN (khoản 7, Điều 4)

- Thu nhập từ trúng thưởng xổ số chịu thuế suất 10% đối với phần giá trị vượt trên 10 triệu đồng. Do đó số thuế TNCN bà phải nộp trong năm 2009 là: (400.000.000đ – 10.000.000đ) x 10% = 39.000.000đ

Hỏi: Ông A quốc tịch Hà Lan đến Việt Nam làm việc cho tập đoàn Y. Năm 2009 ông có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày và cũng không có nhà thuê để ở tại Việt Nam. Thời gian ở tại Việt Nam, ông tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam và nhận được tiền lãi từ việc mua bán chứng khoán là 2 tỷ đồng. Hàng tháng ngoài mức lương chính được hưởng ông còn nhận thêm khoản trợ cấp công việc có tính chất độc hại. Vậy các khoản thu nhập nào của ông chịu thuế TNCN

Trả lời: Ông A thuộc đối tượng không cư trú tại Việt Nam. Thu nhập chịu thuế trong năm của ông được xác định như sau:

- Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán: Chịu thuế TNCN với mức thuế suất 0,1% trên tổng số tiền mà ông nhận được tại Việt Nam (Điều 3 và Điều 28).

- Thu nhập tiền lương hàng tháng: Chịu thuế TNCN với mức thuế suất 20% tổng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công mà ông nhận được cho công việc thực hiện tại Việt Nam (Điều 3 và Điều 26)

- Thu nhập từ tiền phụ cấp công việc có tính chất độc hại không phải chịu thuế TNCN (tiết C, khoản 2, Điều 3).

Hỏi: Chị H là bác sĩ. Hàng tháng chị nhận lương là 2,7 triệu đồng và phụ cấp ngành nghề là 350.000đ. Chị mở phòng mạch tư (được cấp phép kinh doanh) với doanh thu trong năm 2009 là 900 triệu đồng. Chi phí thuê lao động, mua sắm công cụ dụng cụ, thuốc, điện nước và các chi phí khác trong năm là 720 triệu đồng. Tháng 8 chị sinh đứa con đầu lòng và nhận được một tháng lương trợ cấp sinh con là 10 triệu đồng với thời gian nghỉ là 4 tháng. Vậy năm 2009 chị có phải nộp thuế TNCN hay không ?

Trả lời: Thu nhập không chịu thuế năm 2009 bao gồm: Trợ cấp sinh con, phụ cấp ngành nghề (tiết b, khoản 2, Điều 3).

Thu nhập chịu thuế bao gồm: Tiền lương và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh. Hai khoản thu nhập này được giảm trừ gia cảnh trước khi tính thuế TNCN. Mức giảm trừ theo quy định tại Điều 19 Luật Thuế TNCN.

Hỏi: Với hai vợ chồng thu nhập trên 10 triệu đồng và nuôi 2 con nhỏ thì miễn trừ gia cảnh được tính như thế nào? Mỗi người đều được tính là 2 con hay mỗi người tính 1 con?

Trả lời: Việc giảm trừ gia cảnh do người nộp thuế luựa chọn, cho vợ hoặc chồng, hoặc mỗi người giảm trừ 1 con nhưng không được tính trùng. Ví dụ: trừ cho vợ thì tính như sau:

- Trừ cho bản thân người nộp thuế 4 triệu, trừ cho 2 con là 1,6 triệu x 2 = 3,2 triệu. Tổng mức giảm trừ gia cảnh là 7,2 triệu đồng.

- Thu nhập tính thuế là: 2,8 triệu đồng = 10 triệu – 7,2 triệu đồng

- Thuế phải nộp là: 2,8 triệu đồng x 5% = 140.000đồng

* Hỏi: Trường hợp gia đình có 2 vợ chồng đi làm ở 2 cơ quan khác nhau mà có 2 con nhỏ thì tính chiết trừ gia cảnh như thế nào? Cả 2 người đều được trừ hay chỉ 1 người (vợ hoặc chồng)? Làm như thế nào để cơ thuế có thể tính chính xác được?

Trả lời: Việc tính giảm trừ cho 2 con do mỗi người nộp thuế lựa chọn, cho vợ hoặc chồng, hoặc mỗi người giảm trừ 1 con nhưng không được tính trùng.

Trước hết người nộp thuế phải tự kê khai về người phụ thuộc được giảm trừ và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai của mình. Cơ quan thuế sẽ tăng cường thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm minh, truy thu và phạt từ 1 đến 3 lần tiền thuế. Trường hợp vi phạm nặng, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời thông qua việc cấp mã số thuế cho người nộp thuế, trong đó có thông tin về người phụ thuộc, bố mẹ, con, anh, chị, em... cơ quan thuế sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trao đổi kết nối để kiểm tra phát hiện các trường hợp khai sai, khai trùng.

* Hỏi: Giả sử trong một gia đình, người chồng có thu nhập 3.300USD/tháng và người “ăn theo” là vợ, con và bố, mẹ (4 người) thì hàng tháng phải nộp bao nhiêu tiền thuế TNCN, theo cách tính thuế mới?

Trả lời: Trước hết, thu nhập cần quy đổi ra đồng VND (giả sử tỷ giá VND/USD là 16.000đ) thì tương ứng là 52,8 triệu đồng. Người nộp thuế được giảm trừ gia cảnh tổng số là 10,4 triệu đồng. Trong đó bản thân là 4 triệu đồng và cho 4 người phụ thuộc là 6,4 triệu đồng. Thu nhập tính thuế còn lại là 42,4 triệu đồng. Theo biểu thuế luỹ tiến từng phần, thu nhập sẽ được tính thuế như sau:

- Phần thu nhập đến 5 triệu đồng, thuế suất 5% thì phải nộp là 250.000đ

- Phần thu nhập đến 10 triệu đồng, thuế suất 10% thì phải nộp là 500.000đ (10 triệu – 5 triệu đã nộp ở bậc 1).

- Phần thu nhập đến 18 triệu đồng, thuế suất 15% thì phải nộp là 1,2 triệu đồng.

- Phần thu nhập đến 32 triệu đồng, thuế suất 20% thì phải nộp là 2,8 triệu đồng.

- Phần thu nhập đến 42,4 triệu đồng, thuế suất 25% thì phải nộp là 2,6 triệu đồng.

Vậy tổng thuế thu nhập phải nộp là 7,35 triệu đồng, chiếm 13,9% trên tổng thu nhập.

* Hỏi: Đề nghị giải thích rõ về việc giảm trừ gia cảnh, căn cứ vào đâu mà số thành viên phụ thuộc được công nhận. Số thành viên phụ thuộc được bao gồm những ai?

Trả lời: Giảm trừ gia cảnh được căn cứ vào những người phụ thuộc mà người nộp thuế mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, gồm con chưa thành niên, con bị tàn tật, không có khả năng lao động.

Ngoài ra, các cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức Chính phủ quy định mà người nộp thuế trực tiếp nuôi dưỡng cũng được giảm trừ gia cảnh mà không hạn chế số lượng. Có thể là con đang đi học đại học hoặc cao đẳng...., vợ hoặc chồng không có khả năng lao động, bố mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động. Những người khác như ông bà, chú bác, cô dì, cháu, anh chị em ruột không nơi nương tựa... Người nộp thuế tự kê khai số người phụ thuộc mà mình nuôi dưỡng và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của số liệu kê khai.

* Hỏi: Trường hợp hai vợ chồng sống ly thân và người chồng vẫn phải nộp tiền cho vợ để nuôi con. Vậy việc miễn trừ gia cảnh thực hiện như thế nào ?

Trả lời: Trường hợp này người chồng có thể đăng ký để giảm trừ gia cảnh cho cháu. Tuy nhiên, cháu chỉ được giảm trừ gia cảnh một lần, nếu người chồng đã giảm trừ thì người vợ sẽ không được giảm trừ nữa. Nếu cả hai cùng giảm trừ gia cảnh thì một người con được giảm trừ hai lần là tính trùng.

* Hỏi: Tôi làm nghề kế toán, giờ hành chính tôi làm ở công ty chính với mức lương 3,8 triệu đồng/tháng. Ngoài giờ hành chính tôi đứng thêm kế toán trưởng cho 3 công ty khác mỗi công ty là 2 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập là 9,8 triệu đồng. Hàng tháng tôi chu cấp cho bố mẹ ở quê 3 triệu đồng. Vậy tôi phải đóng bao nhiêu tiền thuế, thu nhập ngoài giờ có được tính không ?

Trả lời: Trường hợp này thu nhập chịu thuế được tính cho cả 4 công ty là 9,8 triệu đồng. Không xác định tiền làm thêm ở 3 công ty là làm ngoài giờ. Việc xác định mức giảm trừ gia cảnh cho bố mẹ còn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Trường hợp trong gia đình chỉ có bạn nuôi dưỡng bố, mẹ không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức thu nhập của Chính phủ quy định thì bạn được giảm trừ cho bản thân là 4 triệu đồng, cho bố và mẹ là 3,2 triệu đồng. Thu nhập tính thuế là 2,6 triệu, thuế nộp là 130.000 đồng.

Hỏi: Vợ tôi làm cơ quan hành chính sự nghiệp, lương khoảng 1,6 triệu đồng. Còn tôi là ở một công ty liên doanh có lương khoảng 10 triệu đồng. Chúng tôi có 2 con nhỏ (5 tuổi và 1 tuổi). Vậy theo Luật mới, thuế thu nhập tôi phải đóng thuế như thế nào?

Trả lời: Bạn có thể chọn giảm trừ gia cảnh cho 2 con của bạn vào thu nhập của mình. Như vậy thu nhập tính thuế của anh còn lại là 2,8 triệu đồng (được trừ gia cảnh cho bản thân và 2 con là 7,2 triệu đồng). Thuế phải nộp là 140.000 đồng/tháng.

* Hỏi: Với Pháp lệnh Thuế thu nhập dành cho người có thu nhập cao, hiện nay công tác quản lý vẫn còn thất thu. Vậy khi thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, với diện thu lớn hơn nhiều, cách tính toán cũng phức tạp hơn nhiều, thì ngành thuế làm gì để không thất thu và đảm bảo công bằng giữa những người nộp thuế?

Trả lời: Khi nền kinh tế - xã hội đang trong quá trình vận động, phát triển thì hệ thống pháp luật cũng được hoàn thiện dần để phù hợp với thực tiễn cuộc sống và yêu cầu quản lý. Trong thời gian qua, khi ban hành các văn bản pháp luật nói chung, pháp luật về thuế nói riêng, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của luật, nhưng Quốc hội vẫn quyết định ban hành, không phải chờ đến khi có đầy đủ tất cả các điều kiện. Thực tiễn cho thấy các văn bản pháp luật (trong đó có luật về thuế) được ban hành đã đi vào cuộc sống và ngày càng được hoàn thiện, cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.

Mặt khác, hiện nay chúng ta đang triển khai thực hiện chủ trương công khai, minh bạch thu nhập và tài sản của cá nhân nên việc thực hiện luật thuế này buộc cá nhân có thu nhập chịu thuế phải kê khai thu nhập tiến tới quản lý, kiểm soát thu nhập dân cư. Hơn nữa, Luật Thuế thu nhập cá nhân ra đời sẽ một bước góp phần thúc đẩy việc ban hành các chính sách khác của nhà nước để quản lý thu nhập của cá nhân một các đồng bộ và hiệu quả (như Luật Đăng ký về tài sản, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt). Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước đã thực hiện Luật thuế Thu nhập cá nhân rất sớm, từ hàng trăm năm nay, các nước Đông Nam Á cũng đã thực hiện từ vài chục năm, khi điều kiện quản lý, kiểm soát thu nhập còn sơ khai, mà không phải chờ đến khi có đủ điều kiện mới ban hành. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Quản lý thuế: thuế thu nhập cá nhân được kê khai, quyết toán theo năm, được áp dụng từ ngày 1-1-2009 thì hết tháng 3-2010 mới quyết toán thuế. Như vậy, kể từ khi Luật được Quốc hội thông qua sẽ có khoảng trên 2 năm để cơ quan thuế, các ngành, các cấp chuẩn bị điều kiện cần thiết để thực hiện.

Hiện nay Chính phủ đang tích cực triển khai các biện pháp đồng bộ để tăng cường quản lý kinh tế - xã hội, thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng: công khai thu nhập và tài sản thông qua việc kê khai thu nhập, tài sản hàng năm; tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán, đặc biệt đối với thị trường phi tập trung (OTC); giảm thiểu việc thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế và các biện pháp khác như: chấn chỉnh công tác đăng ký kinh doanh, hiện đại hoá ngành thuế, hải quan... Các biện pháp này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi Luật Thuế thu nhập cá nhân.

(Còn tiếp)

Nguyễn Văn Nam

Thông báo