Thứ Sáu, ngày 11 tháng 7 năm 2025

Đăng ký thuế

Câu 18: Đối tượng nào phải đăng ký thuế?

Trả lời: Điều 21 Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 quy định:

Đối tượng phải đăng ký thuế là tổ chức, cá nhân phát sinh nghĩa vụ nộp thuế thường xuyên gồm: 1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh. 2. Cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân. 3. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay. 4. Tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật về thuế.

Những người nộp thuế theo từng lần phát sinh thì không phải đăng ký thuế

Câu 19: Thời hạn đăng ký thuế được quy định như thế nào?

Trả lời: Điều 22 Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 quy định thời hạn đăng ký thuế như sau:

Đối tượng đăng ký thuế phải đăng ký thuế trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày: 1. Được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy chứng nhận đầu tư; 2. Bắt đầu hoạt động kinh doanh đối với tổ chức không thuộc diện đăng ký kinh doanh hoặc hộ gia đình, cá nhân thuộc diện đăng ký kinh doanh nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; 3. Phát sinh trách nhiệm khấu trừ thuế và nộp thuế thay; 4. Phát sinh nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân; 5. Phát sinh yêu cầu được hoàn thuế.

Câu 20: Hồ sơ đăng ký thuế được quy định như thế nào đối với từng đối tượng nộp thuế?

Trả lời: Theo điều 23 Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 thì hồ sơ đăng ký thuế đối với từng đối tượng nộp thuế được quy định như sau:

Tổ chức, cá nhân kinh doanh

Tổ chức, cá nhân không thuộc diện đăng ký kinh doanh

Hồ sơ

đăng

thuế

gồm

1. Tờ khai đăng ký thuế

1. Tờ khai đăng ký thuế

2. Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy chứng nhận đầu tư

2. Bản sao quyết định thành lập hoặc quyết định đầu tư đối với tổ chức; bản sao giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu đối với cá nhân

Câu 21: Nộp hồ sơ đăng ký thuế ở đâu?

Trả lời: Điều 24 Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 quy định:

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh đăng ký thuế tại cơ quan thuế nơi tổ chức, cá nhân đó có trụ sở chính. 2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay đăng ký thuế tại cơ quan thuế nơi tổ chức, cá nhân đó có trụ sở. 3. Cá nhân đăng ký thuế tại cơ quan thuế nơi phát sinh thu nhập chịu thuế, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi tạm trú.

Câu 22: Hồ sơ đăng ký thuế được cơ quan thuế tiếp nhận như thế nào?

Trả lời: Căn cứ Điều 25 Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 thì quá trình tiếp nhận Hồ sơ đăng ký thuế của cơ quan thuế như sau: 1. Trường hợp hồ sơ đăng ký thuế được nộp trực tiếp tại cơ quan thuế, công chức thuế tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi thời gian nhận hồ sơ, ghi nhận số lượng tài liệu trong hồ sơ. 2. Trường hợp hồ sơ đăng ký thuế được gửi qua đường bưu chính, công chức thuế đóng dấu ghi ngày nhận hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế. 3. Trường hợp hồ sơ đăng ký thuế được nộp thông qua giao dịch điện tử, việc tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận hồ sơ đăng ký thuế do cơ quan thuế thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử. 4. Trường hợp cần bổ sung hồ sơ, cơ quan thuế phải thông báo cho người nộp thuế trong ngày nhận hồ sơ đối với trường hợp trực tiếp nhận hồ sơ, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu chính hoặc thông qua giao dịch điện tử.

Câu 23: Trong thời hạn bao lâu người nộp thuế được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuế?

Trả lời: Điều 26 Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 quy định:

1. Cơ quan thuế cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế cho người nộp thuế trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký thuế hợp lệ. Trường hợp bị mất hoặc hư hỏng giấy chứng nhận đăng ký thuế, cơ quan thuế cấp lại trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người nộp thuế. 2. Nghiêm cấm việc cho mượn, tẩy xóa, hủy hoại hoặc làm giả giấy chứng nhận đăng ký thuế.

Câu 24: Giấy chứng nhận đăng ký thuế cung cấp những thông tin gì cho người nộp thuế và cho cơ quan thuế?

Trả lời: Điều 26 Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 quy định Giấy chứng nhận đăng ký thuế bao gồm các thông tin sau:

1. Tên người nộp thuế; 2. Mã số thuế; 3. Số, ngày, tháng, năm của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh; 4. Số, ngày, tháng, năm của quyết định thành lập đối với tổ chức không kinh doanh hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu đối với cá nhân không kinh doanh; 5. Cơ quan thuế quản lý trực tiếp; 6. Ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế.

Câu 25: Khi có thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế người nộp thuế phải làm gì?

Trả lời: Điều 27 Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 quy định:

1. Khi có thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế đã nộp thì người nộp thuế phải thông báo với cơ quan thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có sự thay đổi thông tin. 2. Chính phủ quy định chi tiết việc đăng ký thuế đối với các trường hợp có thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế.

Câu 26: Mã số thuế được sử dụng như thế nào?

Trả lời: Điều 28 Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 quy định việc sử dụng mã số thuế như sau:

Mã số thuế là một dãy số, chữ cái hoặc ký tự khác do cơ quan quản lý thuế cấp cho người nộp thuế dùng để quản lý thuế.

1. Người nộp thuế phải ghi mã số thuế được cấp vào hóa đơn, chứng từ, tài liệu khi thực hiện các giao dịch kinh doanh; kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế và các giao dịch về thuế; mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác. 2. Cơ quan quản lý thuế, Kho bạc Nhà nước sử dụng mã số thuế trong quản lý thuế và thu thuế vào ngân sách nhà nước. Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác phải ghi mã số thuế trong hồ sơ mở tài khoản của người nộp thuế và các chứng từ giao dịch qua tài khoản. 3. Nghiêm cấm việc sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác.

Câu 27: Mã số thuế chấm dứt hiệu lực sử dụng trong trường hợp nào?

Trả lời: Điều 29 Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 quy định:

1. Mã số thuế chấm dứt hiệu lực khi: a) Tổ chức, cá nhân kinh doanh chấm dứt hoạt động; b) Cá nhân chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật. 2. Khi phát sinh trường hợp chấm dứt hiệu lực mã số thuế, tổ chức, cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế có trách nhiệm thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế và công khai việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế. 3. Cơ quan thuế thông báo công khai việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Mã số thuế không được sử dụng trong các giao dịch kinh tế, kể từ ngày cơ quan thuế thông báo công khai về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

Thông báo