Chủ Nhật, ngày 8 tháng 9 năm 2024

Chung sức vượt qua dịch bệnh

Thực hiện khai báo y tế tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (ảnh: Đan Như)

(Thanhuytphcm.vn) - Dịch Covid–19 đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh chóng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 11/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Nhiều Chính phủ đã và đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Đây cũng là phép thử về sự hiểu biết, ý thức, văn hóa của con người trên khắp hành tinh bất chấp giàu nghèo, địa vị xã hội…

Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao về sự kiểm soát dịch bệnh, về việc chỉ đạo chặt chẽ, về tính công khai, minh bạch… Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách kịp thời để phòng chống dịch bệnh. Các lực lượng chức năng kiên trì thực hiện nguyên tắc trong phòng chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Việc phát hiện sớm để ngăn chặn là rất quan trọng. Nhiều giải pháp được triển khai nhanh và căn cơ như tuyên truyền đến mỗi người dân để có sự hiểu biết và chủ động phòng ngừa cùng với giải pháp y tế. Tinh thần “chống dịch như chống giặc” được lan tỏa ở các cấp, các ngành.

Sức mạnh đoàn kết, tương thân, tương ái được thể hiện từ việc sẻ chia từng chiếc khẩu trang, từ sự phục vụ tận tình của địa phương, đơn vị, các doanh trại quân đội giúp thực hiện việc cách ly chu đáo, hiệu quả… Đây cũng là lúc, các thầy thuốc Việt Nam khẳng định sự dấn thân và năng lực nghề nghiệp của mình. Đặc biệt, người dân nơi có dịch đã tự giác, nghiêm túc chấp hành việc phong tỏa, cách ly y tế. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công chức, viên chức, người lao động cẩn thận hơn trong phòng chống dịch bệnh và đi làm bình thường. Phương pháp ôn bài qua truyền hình và học trực tuyến được triển khai diện rộng. Nhiều bộ, ngành đã tăng cường hội họp và làm việc trực tuyến.

Tuy nhiên, cũng có một số người ứng xử chưa phù hợp, gây tác hại như lo lắng thái quá, thiếu bình tĩnh, tích trữ hàng hóa; nâng giá khẩu trang; tung tin đồn đoán, thất thiệt, gây tâm lý bất an trên mạng xã hội; thiếu trung thực khai báo, trốn tránh cách ly khi đi từ vùng có dịch trở về, làm tình hình thêm phức tạp, khó lường… Cũng đã có trường hợp được nhắc nhở, xử lý vi phạm nhưng còn nhiều trường hợp chưa bị xử lý, dư luận chung đòi hỏi việc xử lý nghiêm khắc hơn.

Ý thức trách nhiệm công dân trước dịch bệnh được xem là yếu tố sống còn đối với mỗi con người và cộng đồng. Mọi biện pháp truyền thông, giáo dục… và xử phạt đúng mức được cho là cần thiết nhằm bảo vệ tính mạng người dân, nếu không dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào và ở đâu. Chính phủ đã hành động kịp thời và không ngần ngại nâng mức hành động quyết liệt, đủ nhanh và đủ mạnh để bảo vệ nhân dân, đất nước. Mỗi người dân sẽ chấp hành yêu cầu chung trong phòng chống và đồng lòng, chung sức vượt qua dịch bệnh.

Diễn tập tiếp nhận bệnh nhân nhiễm COVID - 19 tại Bệnh viện Dã chiến tại Củ Chi (ảnh: Đan Như) Diễn tập tiếp nhận bệnh nhân nhiễm COVID - 19 tại Bệnh viện Dã chiến tại Củ Chi (ảnh: Đan Như)

Covid-19 đã gây tác hại lớn cho kinh tế thế giới và các nền kinh tế trong đó có Việt Nam, không chỉ ở một số ngành như giao thông, du lịch mà ở hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… Nhiều ngành đang đứng trước đòi hỏi phải cơ cấu lại nhanh hơn và toàn diện hơn.

Covid-19 ảnh hưởng lớn đến ngành giáo dục, đến lịch học, việc học, việc thi cử… Việc thay đổi về cách học, cách dạy, nhất là dạy học online không phải đã dễ dàng thích nghi, vấn đề còn là sự đầu tư cho con người và máy móc thiết bị sao cho phù hợp với thời kỳ mới.

Nhiều giải pháp y tế cho trước mắt, lâu dài được đặt ra và kể cả trên các lĩnh vực, trong phát triển kinh tế, không chỉ phạm vi quốc gia mà mang tính toàn cầu. Qua Covid-19, nhiều điều đặt ra và đòi hỏi con người cần có sự nhận diện và thay đổi, sự thay đổi trong ứng xử với nhau và ứng xử với thiên nhiên, môi trường... nhằm hướng đến sự phát triển văn minh và bền vững.

Phạm Phương Thảo

 Từ khóa
Covid 19

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo