Chủ Nhật, ngày 11 tháng 5 năm 2025

Việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong bối cảnh mới

Sau 6 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31-7-2009 của Bộ Chính trị, đã “góp phần giáo dục ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc của người Việt Nam trong sản xuất và tiêu dùng. Việc thực hiện Cuộc vận động đã đạt nhiều kết quả tốt trên tất cả các lĩnh vực tuyên truyền, vận động, quản lý sản xuất, kinh doanh, mua sắm công, tiêu dùng cá nhân… Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về Cuộc vận động ngày càng sâu sắc, từ đó đã thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên dùng hàng sản xuất trong nước có chất lượng. Cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng tích cực hưởng ứng, tham gia Cuộc vận động. Đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tốt trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đổi mới quản lý, thiết lập hệ thống phân phối sản phẩm, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nước và nước ngoài. Kết quả thực hiện Cuộc vận động đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định kinh tế vĩ mô và tiêu dùng nội địa, giảm nhập khẩu hàng hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới và những khó khăn của nền kinh tế trong nước”.

Tuy nhiên, quá trình “triển khai thực hiện Cuộc vận động có việc, có nơi còn hình thức, biện pháp thực hiện thiếu cụ thể, thiết thực. Công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế. Chất lượng của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ chưa cao; giá cả chưa hợp lý; một số doanh nghiệp còn sản xuất hàng nhái, hàng giả, hàng chất lượng thấp. Chưa đánh giá được thị phần hàng Việt Nam ở thị trường trong nước. Công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc vận động chưa thường xuyên, liên tục; chưa đi sâu phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động”(1).

Ngoài các đánh giá nêu trên, trên thực tế, việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam hiện nay còn có một số thách thức khác. Chẳng hạn, ngày càng có sự cạnh tranh quyết liệt của nhiều mặt hàng nước ngoài, có chất lượng tốt, kiểu dáng đẹp, giá cả hợp lý; nhất là trong bối cảnh nước ta phải cắt giảm nhiều dòng thuế nhập khẩu theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), các hiệp định thương mại tự do và sắp tới đây là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…, thì hàng hóa nước ngoài lại có điều kiện tràn vào nước ta. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có biện pháp thích nghi phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh mới, như cải tiến kỹ thuật, quy trình, áp dụng các phương pháp quản lý, điều hành khoa học và hiệu quả hơn, nâng cao năng suất lao động, thực hiện việc nghiên cứu thị trường đầy đủ hơn… Thêm vào đó, vấn đề tâm lý của người tiêu dùng đối với hàng Việt cũng là một rào cản đáng kể. Theo một khảo sát bạn đọc của Báo Tuổi trẻ trong tháng 6-2015, với câu hỏi về “Nguyên nhân nhiều sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất vừa mới ra mắt đã bị dư luận chỉ trích khá gay gắt”, thì 14,2% trong số hơn 2.120 người cho ý kiến khẳng định “Không tin hàng Việt có chất lượng cao”, 37,9% cho là “Không tin doanh nghiệp Việt làm ăn nghiêm túc”, 43% thì “Bất mãn với quảng bá quá lời”…

Như vậy, một trong những vấn đề quan trọng để nâng cao sức thuyết phục, sự hấp dẫn, khả năng cạnh tranh… của hàng Việt là phải nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước. Tức là, bản thân doanh nghiệp phải thực sự chủ động, không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

Dù vậy, để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự có hiệu quả trong bối cảnh mới, cần có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị.

Thứ nhất, các cấp ủy, các tổ chức đảng phải thực sự xem việc thực hiện Cuộc vận động là một hoạt động quan trọng, có ý nghĩa thiết thực và cần thiết phải có các biện pháp tuyên truyền, lãnh đạo các cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị mình chú trọng sử dụng hàng Việt trong tiêu dùng cũng như mua sắm công. Đồng thời, các cấp ủy cũng cần lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn thể, các tổ chức đảng trực thuộc có hình thức, giải pháp đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt trong đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân.

Thứ hai, chính quyền các địa phương cần quan tâm kiến nghị bổ sung cơ chế, chính sách cũng như có các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ; khắc phục những bất cập trong thủ tục hành chính; tạo điều kiện để mở rộng các kênh phân phối hàng Việt thuận tiện, linh hoạt. Cần thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi mua bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng nhập trái phép…, có thể làm mất uy tín các mặt hàng trong nước.

Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều hình thức phù hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện Cuộc vận động. Cần gắn thực hiện Cuộc vận động này với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát động. Mặt trận và các đoàn thể cần vận động nhân dân phát huy vai trò giám sát, phát hiện, tố giác hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng.

Thứ tư, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, các ngành và địa phương trong việc đưa hàng Việt về đến vùng nông thôn, vùng biên giới, hải đảo, các khu công nghiệp… nhằm phục vụ bà con nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, công nhân, người lao động… Kênh phân phối này phải thực sự được xem trọng, vừa nhằm đưa hàng Việt có chất lượng cao đến phục vụ nhân dân vừa là một kênh quảng bá, tạo nhận thức tích cực của người dân về hàng hóa trong nước. Do đó, việc tổ chức phân phối phải khoa học, hợp lý, tránh hiện tượng đưa “kèm” hàng kém chất lượng, bán hàng theo kiểu “ban ơn”…, mà phải thực sự xem đây là một kênh tiếp thị và bán hàng quan trọng, cần thiết.

Thứ năm, các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm của người sản xuất và người tiêu dùng trong việc sản xuất, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt. Xây dựng hệ thống tiếp nhận thông tin phản hồi từ người dân về các vấn đề liên quan đến thị trường, chất lượng hàng hóa, kịp thời chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý; thường xuyên phát hiện, giới thiệu các điển hình tiên tiến trong Cuộc vận động…

----------------------------------------------

(1) Các nội dung đánh giá mặt tích cực và hạn chế trong bài được trích từ Kết luận 107-KL/TW ngày 10-4-2014 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

NGUYỄN VÕ

Thông báo