Thứ Sáu, ngày 9 tháng 5 năm 2025

Công an Thành phố Hồ Chí Minh

70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành

Công an TP.HCM trong Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ

Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam ra đời. Tại Nam bộ, ngày 26-8-1945, Quốc gia Tự vệ cuộc được thành lập, trực tiếp phụ trách địa bàn Sài Gòn – Chợ Lớn với nhiệm vụ trấn áp tình báo, gián điệp, phản cách mạng, tham gia xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng ở các địa phương, tuyên truyền, giáo dục vận động quần chúng nhân dân tham gia kháng chiến, giúp Quốc gia Tự vệ cuộc bảo vệ Đảng và chính quyền cách mạng còn non trẻ và chuẩn bị lực lượng đối phó với âm mưu xâm lược của thực dân Pháp. Tháng 10-1945, để kịp thời chỉ đạo các tỉnh miền Đông Nam bộ trong tình hình kháng chiến đã bùng nổ, Quốc gia Tự vệ cuộc Nam bộ quyết định thành lập Quốc gia Tự vệ cuộc miền Đông.

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Quốc gia Tự vệ cuộc được tổ chức lại và mang tên mới là Công an Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Các đội trừ gian, công an xung phong, ban trinh sát của Công an Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các đội cảm tử quân đã kiên cường diệt ác, trừ gian ngay trong sào huyệt của địch làm cho thực dân Pháp và tay sai khiếp sợ.

Tháng 12-1945, Quốc gia Tự vệ cuộc Gia Định hình thành trên cơ sở Quốc gia Tự vệ cuộc miền Đông, đã phối hợp với các lực lượng tự vệ, vũ trang địa phương bảo vệ các cơ quan kháng chiến, xây dựng chiến khu và chuẩn bị đánh địch lâu dài. Ngay sau khi hình thành, Quốc gia Tự vệ cuộc đã tích cực phối hợp với các lực lượng vừa vận động nhân dân đi bỏ phiếu, vừa bảo vệ cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên ở nước ta; tổ chức đốt kho đạn Thị Nghè làm chấn động dư luận cả nước, gây cho Pháp tổn thất nặng nề. Ngày 21-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 23/SL về việc thành lập Việt Nam Công an vụ. Tuy nhiên, do điều kiện chiến trường chia cắt, giao thông liên lạc khó khăn nên đến tháng 4-1946, Quốc gia Tự vệ cuộc Nam bộ mới triển khai Sắc lệnh 23/SL và đổi tên thành Sở Công an Nam bộ.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, bộ máy công an Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định từng bước được tổ chức tương đối hoàn chỉnh, các mặt hoạt động được tăng cường và đẩy mạnh, liên tiếp trừng trị những tên Việt gian có nợ máu với nhân dân như: Nguyễn Văn Sâm – Chủ tịch Mặt trận Liên hiệp Quốc gia, Bazin – Chánh Mật thám Nam kỳ... Song song đó, các lực lượng khác của công an Sài Gòn – Chợ Lớn đã thực hiện hàng chục vụ, tiêu diệt hàng trăm tên, vừa lính Pháp, vừa tay sai và vận động đồng bào tiếp tục các cuộc đấu tranh sôi nổi, hỗ trợ đắc lực phong trào cách mạng tại thành phố.

Sau Đại hội Đảng lần thứ II (tháng 2-1951), tháng 6-1951, Trung ương Cục miền Nam được thành lập thay cho Xứ ủy Nam bộ; Nam bộ được chia làm 2 phân liên khu miền Đông và miền Tây, tỉnh Gia Định Ninh được thành lập trên cơ sở nhập 2 tỉnh Gia Định và Tây Ninh. Từ chủ trương đó, Ty Công an Gia Định Ninh được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Lựu làm Trưởng ty. Thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 31-5-1951 của Ban Bí thư Trung ương “Về tăng cường công tác tình báo”, Sở Công an Nam bộ quyết định thành lập tổ chức điệp báo ở địa bàn Sài Gòn – Chợ Lớn (lấy tên là Ban Sưu tập I) trên cơ sở chọn lựa cán bộ điệp báo của Sài Gòn – Chợ Lớn, cán bộ điệp báo của phân liên khu miền Đông và một số tỉnh lân cận để chủ động trong công tác tình báo, phản gián, đi sâu vào các cơ quan tình báo, gián điệp phản động để nắm âm mưu hoạt động của chúng.

Sau phong trào Đồng khởi (năm 1960), cuộc kháng chiến của nhân dân Sài Gòn – Gia Định ngày càng phát triển lớn mạnh. Ở nội thành, phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với các hoạt động vũ trang diễn ra liên tục ở Gia Định, vùng giải phóng ngày càng mở rộng. Tháng 3-1961, Ban Bảo vệ an ninh khu Sài Gòn – Gia Định (An ninh T4) được thành lập để bảo vệ Đảng, bảo vệ căn cứ, thu thập địch tình ngay tại sào huyệt của chúng.

Sau cuộc tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, địch tăng cường phản kích bằng chiến dịch “Bình định”, nên cách mạng miền Nam từ giữa năm 1968 đến năm 1970 lâm vào thế khó khăn, phức tạp. Nhiều cán bộ điệp báo, an ninh khu vực của An ninh T4 hy sinh hoặc bị địch bắt nhưng lực lượng an ninh vũ trang đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, đánh bại nhiều trận càn quét, bảo vệ an toàn lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Đối phó với tình hình mới, An ninh T4 củng cố lại lực lượng điệp báo, trinh sát vũ trang và an ninh khu vực. Thời gian này, ta đã cài cắm, xây dựng được nhiều cơ sở điệp báo quan trọng, hình thành mạng lưới điệp báo trong hầu khắp các cơ quan đầu não của Mỹ ngụy và trong các phe nhóm chính trị, các đảng phái, tôn giáo…

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Thành ủy giao cho lực lượng An ninh T4 các nhiệm vụ: (1) Bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo Thành ủy; (2) Giữ tất cả các kho gạo trong thành phố, tuyệt đối không để một người dân bị đói, đảm bảo 15 ngày đầu sau khi tiếp quản có đủ gạo cung cấp cho dân, các lực lượng dân, quân, chính, đảng; (3) Chiếm lĩnh và bảo vệ tốt các tài liệu, hồ sơ của Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia, Bộ Chỉ huy Cảnh sát Đô thành; (4) Phối hợp các ban ngành, đoàn thể chiếm lĩnh các ty cảnh sát, chiếm lĩnh một số cơ sở quan trọng của ngụy quyền, phát động quần chúng giành quyền làm chủ cơ sở; (5) Bảo đảm trật tự xã hội, nhất là trật tự giao thông trong đô thành ngay sau khi tiếp quản. Với tinh thần trách nhiệm cao, với sự mưu trí, dũng cảm, lực lượng An ninh T4 đã hoàn thành xuất sắc 5 nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào thành tích của quân dân Sài Gòn – Gia Định trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Công an TP.HCM trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, và phát triển thành phố (từ 30-4-1975 đến nay)

Trên lĩnh vực đảm bảo an ninh chính trị, sau ngày giải phóng, tình hình thành phố rất phức tạp về chính trị - xã hội, yêu cầu và nhiệm vụ của ngành công an rất nặng nề. Lực lượng An ninh T4 với tên gọi mới là Ban An ninh Nội chính dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Quân quản thành phố đã nhanh chóng triển khai các mặt công tác, vừa làm công tác tiếp quản, phục vụ ổn định đời sống kinh tế - xã hội, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng vừa tập trung trấn áp các tàn dư của chế độ cũ, đặc biệt bọn phản cách mạng và thực hiện tốt chính sách khoan hồng đầy tính nhân văn, nhân đạo của Đảng nên được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Bước vào năm 1976, tình hình cách mạng tại thành phố có nhiều thay đổi lớn. Ngày 2-7-1976, Quốc hội quyết định đặt tên thành phố Sài Gòn – Gia Định là TP.HCM. Theo đó Ban An ninh Nội chính Sài Gòn – Gia Định chính thức đổi tên thành Sở Công an TP.HCM. Năm 1976 là năm đầu tiên ngành công an đã thống nhất trong toàn quốc về đường lối, nhiệm vụ, phương châm hoạt động, thống nhất lực lượng và cơ cấu tổ chức nên đã tạo ra sức mạnh mới trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Từ năm 1986 đến nay, đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, trong bối cảnh CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động ráo riết tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, phủ định sự lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ CNXH ở Việt Nam, triệt để lợi dụng các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để kích động chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của đảng, cùng với lực lượng công an cả nước, công an TP.HCM tiếp tục đấu tranh chống bọn tình báo gián điệp, các thế lực thù địch và các loại tội phạm khác trong tình hình đất nước mở cửa, hội nhập, có nhiều thời cơ và thách thức đan xen.

Trên lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự xã hội, bấy giờ, thành phố là một địa bàn hết sức phức tạp về trật tự xã hội, với hơn 10.000 tội phạm hình sự từ các nhà tù Mỹ - ngụy thoát ra, hầu hết là số đối tượng giết người, cướp của, cướp giật... Trong đó có nhiều băng nhóm tổ chức tội phạm hoạt động mà trước đây cảnh sát ngụy không thể khống chế, trấn áp được; hàng vạn gái mại dâm và hàng ngàn người chích hút ma túy của chế độ cũ mà lực lượng công an thành phố phải tiếp quản. Lực lượng công an thành phố đã liên tục mở các đợt tấn công, truy quét, bắt hàng chục ngàn tên, phá hàng trăm ổ nhóm lưu manh chuyên nghiệp, tiêu diệt nhiều băng cướp, bắt cóc có vũ trang, hàng loạt băng nhóm tội phạm chuyên nghiệp như Điền Khắc Kim, Võ Tùng Hội, băng cướp AK của Trần Hiền, Nguyễn Đức Đoan, Tiêu “mù”, Phạm Bá Y, Bùi Văn Đắc, Nguyễn Văn Tân...

Trong những năm gần đây, do hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức đa dạng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tội phạm trên lĩnh vực công nghệ cao, quy mô và tính chất tội phạm ngày càng manh động, tinh vi, xảo quyệt, các băng nhóm tội phạm có tổ chức ngày càng tinh vi, phức tạp. Lực lượng công an thành phố đã phối hợp với các tỉnh thành tổ chức điều tra khám phá nhiều băng nhóm tội phạm cộm cán, gây dư luận bức xúc trong nhân dân.

Trong đấu tranh chống tội phạm kinh tế, môi trường, công an thành phố đã phối hợp các ngành chức năng, đề xuất Thành ủy, UBND thành phố nhiều biện pháp về quản lý kinh tế tài chính, thuần khiết nội bộ; hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác bảo vệ kinh tế, bảo vệ cơ quan và thông báo những thủ đoạn của bọn tội phạm để các doanh nghiệp chủ động phòng ngừa.

Trên lĩnh vực giữ gìn an ninh trật tự, thành phố được Bộ Công an xác định là một trong những trọng điểm toàn diện của cuộc đấu tranh chống địch phá hoại về an ninh chính trị và chống tội phạm. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, công an TP.HCM luôn quan tâm giáo dục, xây dựng toàn diện về tư cách người chiến sĩ công an, trong đó đặc biệt coi trọng xây dựng cho cán bộ chiến sĩ có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng; có đạo đức, lối sống trong sáng; có quan điểm quần chúng đúng đắn; có tinh thần tận tụy trong công việc và kiên quyết, khôn khéo trong chiến đấu. Bộ máy, tổ chức, biên chế trong công an thành phố luôn được củng cố, kiện toàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn.

Công an TP.HCM với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nắm vững và quán triệt đường lối “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, ngay từ những năm đầu sau giải phóng, công an thành phố đã phát huy vai trò quần chúng trong phong trào phòng gian bảo mật, tham gia cải tạo đối tượng tại địa phương, tham gia trấn áp bọn tội phạm…

Từ năm 1986 đến nay, thông qua nhiệm vụ tham mưu, hướng dẫn cấp ủy, chính quyền vận động toàn dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an thành phố đã phối hợp các ban, ngành phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư; phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố vận động toàn dân đoàn kết, xây dựng cuộc sống mới, củng cố khối đoàn kết ở khu dân cư; xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến; phối hợp tổ chức tuyên truyền phòng ngừa các loại tội phạm đến từng trường học, cơ quan, doanh nghiệp với nội dung phù hợp từng giới; phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội có hiệu quả.

Trải qua 70 năm công tác, chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, lực lượng Công an TP.HCM đã lập nên những thành tích, chiến công rực rỡ, góp phần tô thắm lịch sử Đảng bộ và nhân dân TP.HCM cũng như lịch sử Công an nhân dân Việt Nam. Đảng, Nhà nước ta đánh giá cao những cống hiến của lực lượng Công an thành phố bằng những phần thưởng cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang (năm 1981) và tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1985); 16 đơn vị, 30 cá nhân thuộc công an thành phố đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng hàng chục ngàn huân huy chương các loại. Nhiều đồng chí lãnh đạo ưu tú của ngành, của Đảng đã trải nghiệm và trưởng thành từ công tác lãnh đạo công an thành phố qua các thời kỳ, như: đồng chí Mai Chí Thọ (nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ), đồng chí Trần Quốc Hương (nguyên Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương), đồng chí Cao Đăng Chiếm (nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ), đồng chí Nguyễn Tài (Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ), đồng chí Trương Hòa Bình (Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao)...

Trong xu thế đổi mới, hợp tác, hòa nhập như hiện nay, đất nước ta đứng trước những thời cơ, vận hội to lớn để phát triển nhưng cũng phải đối mặt với không ít những thách thức, khó khăn, phức tạp về mọi mặt. Các thế lực thù địch vẫn luôn ráo riết thực hiện âm mưu phá hoại sự nghiệp cách mạng với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Lực lượng Công an TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, quyết tâm giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội của thành phố, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển chung của cả nước để thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công băng, dân chủ và văn minh, để TP.HCM mãi mãi xứng đáng là thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Thông báo