Thế chiến II vừa kết thúc, Cách mạng tháng Tám của Việt Nam tận dụng thời cơ nổ ra đúng lúc và nhanh chóng thu được thắng lợi. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2-9-1945.
Tuy nhiên Việt Nam ở trong một tình thế rất tế nhị. Bên lề hội nghị Potsdam tháng 7-1945, ba nước Mỹ, Anh và Trung Quốc (Tưởng Giới Thạch) đã thỏa thuận riêng với nhau về Việt Nam: Anh giải giáp quân Nhật ở phía nam vĩ tuyến 16, quân Tưởng ở phía bắc với danh nghĩa Đồng minh chống phát xít. Riêng nước Pháp, ngay từ khi Thế chiến chưa kết thúc, đã có ý đồ khôi phục lại quyền thống trị ở các thuộc địa trong đó có Đông Dương. Bởi vậy ngày 6-9-1945, ngày quân Anh có mặt tại Sài Gòn, một số đơn vị bộ binh nhỏ và xe tăng của Pháp đã bám gót quân Anh; đến Sài Gòn, lực lượng này còn được tăng cường thêm 1.500 lính Pháp bị Nhật giam giữ, nay được Anh thả ra và cung cấp trang bị vũ khí.
Quân Anh và quân Pháp liên tục có những hành động khiêu khích cực kỳ nghiêm trọng. Ngày 2-9-1945, bọn này xả súng từ trên lầu cao bắn vào cuộc biểu tình không vũ trang của nhân dân Sài Gòn, làm 47 người chết và bị thương.
Ngày 5-9, quân Anh đòi ta phải giải tán dân quân tự vệ, nộp vũ khí cho chúng, cấm thường dân khi ra đường mang dao găm, gậy gộc, dây thừng. Hơn thế, chúng còn giành chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam bộ (tức dinh Thống đốc Nam kỳ cũ), đòi ta giao cho chúng quản lý toàn bộ các bến cảng thương mại và quân sự, xưởng sửa chữa tàu biển Ba Son…
Đại tá Cédille với chức danh Đại diện Cộng hòa Pháp, từ trên máy bay nhảy dù xuống Tây Ninh, được quân Nhật áp tải về Sài Gòn. Cédille ráo riết tập hợp, tổ chức lực lượng quân sự, họp báo tuyên bố sẽ thành lập một chính quyền tay sai Pháp. Hắn đưa một số việt gian có hạng vào ở trong trại lính.
Lúc này, ngoài lực lượng quân sự Anh - Ấn gồm 2.500 tên, 7 liên đoàn quân Nhật, riêng Pháp có trung đoàn bộ binh số 5, trung đoàn bộ binh số 11 và khoảng 1.000 Pháp kiều được vũ trang. Dã tâm gây hấn của quân Pháp và sự đồng lõa của quân Anh ngày càng lộ rõ một cách trắng trợn.
Đêm 22-9-1945, quân Pháp và quân Anh chiếm Sở Bưu điện và Sở Cảnh sát của ta. Sáng 23-9, chúng tiếp tục chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam bộ và trụ sở Quốc gia Tự vệ cuộc, gây nhiều cuộc đổ máu trên các đường phố Sài Gòn.
Nam bộ kháng chiến bắt đầu.
Lịch sử ghi bằng những dòng đậm đà sự kiện quan trọng sau đây. Ngay hửng sáng 23-9, trong tiếng súng nổ ran, một cuộc họp liên tịch đã diễn ra tại số nhà 107 đường Cây Mai thuộc Chợ Lớn. Thành phần gồm Xứ ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ và đại diện Tổng bộ Việt Minh. Hội nghị thảo luận sôi nổi, có lúc căng thẳng, để đi đến một số nhận định thống nhất:
- Pháp đã nổ súng xâm lược nước ta chứ không còn là những hành động khiêu khích nữa. Mục đích trước mắt của địch là chiếm Sài Gòn rồi chiếm rộng ra toàn Nam bộ và tiến tới chiếm lại toàn bộ Việt Nam.
- Phải cấp thời hiệu triệu quân dân Sài Gòn và Nam bộ nhất tề đứng lên đánh trả địch để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Phải đánh trả lại ngay không chờ đợi, tin chắc rằng Trung ương cũng đồng ý (có một số thành viên dự hội nghị phát biểu ta không nên hiệu triệu quân dân đánh trả ngay mà chỉ nên hô hào bãi công bãi thị phản đối địch, để có cửa cho đàm phán và chờ lệnh của Trung ương. Ý kiến này bị đa số phản đối).
Nhất trí thông qua Bản hiệu triệu do Ủy ban Kháng chiến Nam bộ dự thảo từ trong đêm, trong đó có đoạn:
“Hôm nay,
Ủy ban Kháng chiến kêu gọi:
Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược.
Ai không có phận sự do Ủy ban Kháng chiến giao phó thì hãy lập tức rời khỏi thành phố. Những người còn ở lại thì:
- Không làm việc, không đi lính cho Pháp;
- Không đưa đường, không báo tin cho Pháp;
- Không bán lương thực cho Pháp;
- Hãy tìm thực dân Pháp mà diệt!
- Hãy đốt sạch tất cả các sở, xe cộ, tàu bè, kho tàng, nhà máy của Pháp.
Sài Gòn bị Pháp chiếm phải trở thành một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa hàng.
Hỡi đồng bào!
Từ giờ phút này nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng.
Hỡi anh em binh sĩ, dân quân, tự vệ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước.
Cuộc kháng chiến bắt đầu!”(1).
Ngay trong buổi sáng 23-9, bản hiệu triệu được phát tán rộng rãi ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định và đưa về các tỉnh. Đồng bào mọi nơi nhiệt liệt hưởng ứng.
Chủ trương của ta là trước mắt bao vây quân Pháp trong thành phố Sài Gòn càng lâu càng hay, ra sức tiêu hao sinh lực chúng càng nhiều càng tốt, để tất cả các tỉnh có thời gian chuẩn bị tác chiến.
Về mặt tổ chức, tại Sài Gòn có mặt trận nội đô và 4 mặt trận bao vây địch xung quanh thành phố.
1. Mặt trận số 1, còn gọi là Mặt trận tiền tuyến Sài Gòn – Gia Định hay Mặt trận miền Đông.
2. Mặt trận số 2, còn gọi là Mặt trận tiền tuyến phía Bắc hay Mặt trận Tham Lương.
3. Mặt trận số 3, còn gọi là Mặt trận tiền tuyến phía Tây hay Mặt trận Phú Lâm – Chợ Đệm.
4. Mặt trận số 4, còn gọi là Mặt trận Sài Gòn – Chợ Lớn, Mặt trận phía Nam, Mặt trận Bình Đăng, Mặt trận chữ Y.
Lực lượng chiến đấu tại chỗ là những “bộ đội”, tức đơn vị vũ trang do những người yêu nước và đảng viên đứng ra tổ chức và chỉ huy. Có thể kể: bộ đội du kích An Điền (Thủ Đức), bộ đội Trần Thắng Minh, bộ đội Thái Văn Lung, bộ đội Đào Sơn Tây (Dĩ An), bộ đội Tư Thược (Bà Quẹo), bộ đội Huỳnh Tấn Chùa (Bà Điểm), bộ đội Tô Ký (Bình Mỹ), bộ đội Huỳnh Văn Một (Đức Hòa), bộ đội Mười Trí (Bà Quẹo), bộ đội Bảy Trân (Bình Đăng), bộ đội Trương Văn Bang (Cần Giuộc)… Có thể kể thêm bộ đội Công đoàn do Nguyễn Lưu và Mười Thìn chỉ huy, bộ đội Cộng hòa Vệ binh Nam bộ do Trương Văn Giàu chỉ huy, bộ đội Bình Xuyên do Dương Văn Dương, Nguyễn Văn Mạnh chỉ huy… Một số tỉnh ở miền Đông và miền Tây đã đưa lực lượng tăng cường cho các mặt trận của Sài Gòn, trong đó có một đại đội người dân tộc Stiêng tỉnh Thủ Dầu Một, một trung đội người dân tộc Mạ tỉnh Biên Hòa.
Với khẩu hiệu “Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”, nhân dân Bắc bộ và Trung bộ quyên góp tiền, thuốc chữa bệnh, quần áo gửi vào tiền tuyến. Phong trào Nam tiến dấy lên sôi nổi, từng tỉnh thành thành lập một chi đội giải phóng quân chi viện cho Nam bộ, như Chi đội Nam Long, Chi đội Vũ Đức… Các chi đội hành quân bằng tàu hỏa từ miền Bắc, miền Trung vào đến chiến trường là triển khai chiến đấu ngay.
Từ sáng sớm ngày 23-9, tự vệ, dân quân Sài Gòn đã tiến hành phá hủy nhà đèn, nhà máy nước, phá hoại các cơ quan, diệt bọn địch đi lẻ. Các cửa tiệm đều không mở, chợ búa không họp. Những ngày tiếp sau trên các chiến tuyến, quân ta vừa tổ chức ngăn chặn và bẻ gãy các cuộc tiến công giải tỏa vòng vây của địch, vừa đưa các mũi len lỏi thọc sâu vào nội thành tập kích các vị trí quân sự, cơ sở kinh tế, kho tàng, rồi nhanh chóng rút ra. Các trạm chốt trên vành đai còn làm nhiệm vụ tiếp chuyển đồng bào trong thành phố tản cư ra ngoại ô, nhận hàng hóa tiếp tế của các cơ sở nội thành gửi ra cho bộ đội.
Theo hồi ức của đồng chí Trần Văn Giàu trong tuần lễ đầu tiên bước vào cuộc chiến đấu đầy quyết tâm và tự tin, ta đã phá hủy được 138 xí nghiệp và công sở lớn, 22 kho tàng, 4 chợ, 30 tàu lớn, 51 tàu nhỏ, 200 xe hơi và một số cầu, diệt gần 300 tên địch. Tuy kỹ thuật, chiến thuật còn non kém, vũ khí ít và thô sơ, nhưng tinh thần quân và dân ta cực kỳ sôi nổi, gan dạ. Thực dân Pháp chỉ chiếm đóng được các vị trí, công sở chủ yếu ở trung tâm nội ô. Phạm vi kiểm soát bị thu hẹp. Thành phố không họp chợ, không buôn bán, không điện nước. Lương thực, thực phẩm hao cạn. Bọn Việt gian tay sai ra mặt hoạt động bị ta truy bắt, trừng trị. Nhiều lần dựa vào quân Anh và quân Nhật cố phá vỡ vòng vây nhưng đều thất bại, quân Pháp lâm vào tình trạng khốn đốn. Thực dân Pháp phải nhờ tướng Anh Gracey làm trung gian để thương lượng với ta(2).
Tất nhiên đây chỉ là quỷ kế hoãn binh của địch để đợi viện binh do tướng Leclerc chỉ huy từ chính quốc đang trên đường đến Sài Gòn. Cuộc đàm phán giữa ta và địch bắt đầu từ ngày 2-10-1945. Lập trường của cả hai bên đều như cũ, có tờ báo đã viết “đây là cuộc đối thoại giữa hai người điếc”. Nhưng ta cũng đã tích cực tranh thủ những ngày tạm ngưng chiến sự để làm được một số việc: củng cố các mặt trận ở Sài Gòn, thành lập Ủy ban Kháng chiến của miền Đông, miền Trung và miền Tây Nam bộ, thanh trừng các phần tử cơ hội, Việt gian; đón lực lượng chi viện từ miền Bắc và miền Trung vào tới.
Ngày 10-10-1945, quân Anh được bổ sung 1 lữ đoàn, quân Pháp được binh đoàn kỵ binh thiết giáp của đại tá Massu tăng viện cập bến Sài Gòn. Lập tức, tư lệnh quân viễn chinh Pháp Leclerc mở cuộc tiến công lớn đồng thời đánh ra nhiều hướng, chủ yếu hướng đông và hướng bắc. Chiến sự diễn ra ác liệt. Trung tuần và hạ tuần tháng 10, quân Pháp, có quân Anh hỗ trợ, tiến công ngày càng dữ dội hơn. Ngày 23-10-1945 chúng chọc thủng được vòng vây của quân ta xung quanh Sài Gòn và tiến chiếm được các tỉnh Biên Hòa, Thủ Dầu Một.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân Nam bộ bước vào thời kỳ mới.
Một tháng tròn (23-9 – 23-10-1945) bao vây quân địch khép lại. Thời gian một tháng tuy ngắn ngủi nhưng sôi động thể hiện sâu sắc lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu quả cảm quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc của nhân dân Nam bộ cũng như nhân dân cả nước.
----------------------------
(1) Mùa thu rồi ngày hăm ba, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 2, tr.54,55.
(2) Mùa thu rồi ngày hăm ba, sđd, tập 2, tr.61.