Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có đoạn: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Có người cho rằng, trong “điều mong muốn cuối cùng” Hồ Chí Minh không hề nói đến CNXH!” (?!), rồi đi đến kết luận rằng, cuối đời Hồ Chí Minh đã thay đổi quan niệm và mục tiêu CNXH, chỉ còn là chủ nghĩa yêu nước, xa rời CNXH. Đó là một sự hiểu sai, hoặc cắt bỏ và xuyên tạc, không xem xét tư tưởng Hồ Chí Minh trong tổng thể, quá trình, tính bản chất, cốt lõi.
Chúng tôi cho rằng, “điều mong muốn cuối cùng” của Hồ Chí Minh không nói về mô hình CNXH, nhưng đã làm rõ nội dung đặc trưng, bản chất về CNXH. Ngay trong Di chúc, Hồ Chí Minh nhắc tới sự mất đoàn kết trong phong trào cộng sản quốc tế và mong muốn sự củng cố khối đoàn kết này trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản có lý có tình. Khi nói về thế hệ trẻ, Người cho rằng Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Chính Hồ Chí Minh đã đưa ra yêu cầu mục tiêu của CNXH là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Những mục tiêu này mang tính phổ quát nhân văn và văn minh nhân loại.
Theo tinh thần đó của Hồ Chí Minh, Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), đã nêu lên một số đặc trưng của CNXH mà nhân dân ta xây dựng, thì đặc trưng khái quát đầu tiên là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ”.
CNXH thực sự là hướng tới và bao hàm những giá trị phổ quát, như Tự do, Bình đẳng, Bác ái, Hòa bình, Độc lập, Hạnh phúc... Những mục tiêu ấy cuộc cách mạng TBCN đã đặt ra nhưng không thực hiện được hoặc chỉ thực hiện được một phần, cho một nhóm người.
Trở lại Di chúc, khi Hồ Chí Minh viết “góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” thì đó là cách mạng nào? Lẽ nào chỉ là cách mạng giải phóng dân tộc hay cách mạng dân chủ chứ không phải là cách mạng XHCN khi thừa nhận sự nghiệp giải phóng con người mang tính cốt lõi? Hồ Chí Minh nói sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác... và Người nói về phong trào XHCN đang bất đồng như thế nào... điều đó chứng tỏ cụ Hồ vẫn kiên trì mục tiêu CNXH và tinh thần chủ nghĩa Mác – Lênin.
Về “điều mong muốn cuối cùng” của Hồ Chí Minh trong Di chúc, ta có thể hiểu chính là gắn mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH và nêu lên mục tiêu, đặc trưng phổ quát hơn (dân chủ và giàu mạnh). Ta đã biết nhiều lần Hồ Chí Minh đã quan niệm CNXH là làm cho ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, được tự do, sung sướng; hoặc CNXH là làm cho dân giàu, nước mạnh, là dân chủ, phú cường… Cho nên khi nói về “điều mong muốn cuối cùng” chính là nói về đặc trưng, mục tiêu cơ bản của CNXH gắn với độc lập dân tộc, chứ không nói về mô hình hay khái niệm CNXH. Điều trình bày của Hồ Chí Minh trong “mong muốn cuối cùng” như là mục đích, mục tiêu cao nhất, là lý tưởng mà Người theo đuổi suốt đời, nhất quán, nền tảng, không thay đổi. Hồ Chí Minh đã diễn tả nội dung của CNXH mà không cần nhắc đến khái niệm CNXH.
“Điều mong muốn cuối cùng” của Hồ Chí Minh, cũng như mục tiêu của nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” là “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” thì điều này vừa phù hợp cho cả các giai đoạn tiến lên CNXH và bản thân CNXH chứ không phải chỉ là phù hợp với thời kỳ của chế độ dân chủ nhân dân, được hiểu như chưa phải chế độ XHCN.
Di chúc của Người như một dự cảm có tính cương lĩnh của thời kỳ mới, hòa bình, xây dựng, khôi phục sau chiến tranh, đổi mới và phát triển tiến lên cùng thời đại: độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH mà giai đoạn hiện nay là hòa bình, hợp tác cùng phát triển, tiến bộ xã hội. Vì vậy, có thể hiểu rằng, trong “điều mong muốn cuối cùng” Hồ Chí Minh là mục tiêu chung cho thời kỳ hoàn thiện chế độ dân chủ nhân dân và tiến lên CNXH, của CNXH, nên không có chuyện là không hề nói đến xây dựng CNXH!
Không phải Hồ Chí Minh thay đổi quan niệm về CNXH mà là Người muốn đưa ra một cách hiểu về CNXH dưới dạng đặc trưng. Cho nên không phải “điều mong muốn cuối cùng” chỉ là của “người yêu nước” Hồ Chí Minh mà còn là của một người XHCN văn minh, khoa học, nhân văn, chân chính.
Đúng là có sự gặp gỡ giữa lý tưởng “ái quốc” và lý tưởng “cộng sản” trong tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh, đó là sự gặp gỡ của lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Hơn nữa, trong tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh, giải phóng con người là trung tâm. Nhìn lại nhân cách, tư tưởng, tình cảm và sự nghiệp của Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rất rõ một luận đề: mục tiêu, phương tiện và động lực cách mạng đều ở trong một con người. Chính ở đây, chủ nghĩa yêu nước trong Hồ Chí Minh bắt gặp lý tưởng cộng sản, nội dung của lý tưởng đó thể hiện tập trung ở tư tưởng “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”, đó là tư tưởng của Mác và Ăngghen trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản. Có thể nói, tư tưởng này là sự hội tụ của những khát vọng của con người, của loài người trong suốt chiều dài của lịch sử. Vì thế, “người yêu nước” ấy biết phải làm gì trên từng chặng của con đường vạn dặm nhằm thực hiện khát vọng của loài người mà trước Mác, rồi cả sau Mác, đã từng có bao nhiêu trái tim lớn, khối óc lớn mơ ước và đều đang mày mò tìm con đường thực hiện. Cái đích còn ở chân trời phía trước…
Biết như vậy để phải bám chắc vào thực tiễn của đất nước mình, nhân dân mình mà dấn bước trên con đường chưa hề có bản đồ, trong một thế giới đầy biến động không sao dự đoán hết được. Bằng chính cuộc đời của mình, Hồ Chí Minh hiểu rõ điều đó, và rồi chúng ta nhận ra tư tưởng, tình cảm của Hồ Chí Minh, nhận ra “điều mong muốn cuối cùng”. Hồ Chí Minh đứng vượt hẳn lên những người đương thời ở tầm tư duy và cái nhìn biện chứng nhờ vào sự uyên bác của một nhà văn hóa và sự từng trải của một nhà cách mạng chuyên nghiệp đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, hiểu rõ ngọn ngành những tinh hoa cũng như những khuyết tật mà phong trào cách mạng đã trải qua, để khi về đến Tổ quốc, nắm trong tay mảnh đất quê hương đang đói nghèo, đau khổ, nước mất, nhà tan, Hồ Chí Minh hiểu rõ cần phải làm gì.
Đích ở chân trời phía trước ấy là CNXH; và với những mục tiêu, đặc trưng như Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nêu.
Cái đích còn ở chân trời phía trước. Nhưng không đi thì không đến. CNXH là một quá trình, cần có tiến trình quá độ, chứ không đơn giản là một cột mốc cứng đờ, và có thể hoàn chỉnh ngay. Dĩ nhiên, giai đoạn quá độ ở một nước kém phát triển đi lên CNXH là khác rất cơ bản với giai đoạn quá độ mà Mác nói ở nước TBCN phát triển cao. Nhưng đã là mong muốn cuối cùng của Hồ Chí Minh thì không thể là cái gì khác hơn là CNXH. Mà thực ra là chế độ dân chủ mới, thời kỳ dân chủ nhân dân và “thời kỳ quá độ lên CNXH” (như Cương lĩnh 2011 đã nêu) là tương đồng. Và CNXH là thời kỳ quá độ lên CNCS (trong tiến trình lâu dài của nó).
Tóm lại, nếu cho rằng, trong “điều mong muốn cuối cùng” của Hồ Chí Minh trong Di chúc không hề nói đến CNXH”, tức không liên quan gì đến CNXH là hiểu sai hoặc xuyên tạc ý tứ rất cơ bản, rất cốt lõi của Người! Đó là do không đặt nó trong khung cảnh văn bản, tách rời đoạn văn ra khỏi toàn bộ văn bản và hệ thống tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh. Đó là do bị ảnh hưởng của chủ nghĩa hình thức ngôn ngữ, hoặc cố tình bóp méo theo kiểu “ý tại ngôn ngoại” của đoạn văn. Như vậy, không chỉ sai lầm về phương pháp luận biện chứng mà còn về nhận thức luận, cũng như rơi vào mâu thuẫn logic!
TS. HỒ BÁ THÂM