Chủ Nhật, ngày 27 tháng 10 năm 2024

Chương trình hành động số 01 của Thành ủy TPHCM về Thực hiện Thông báo Kết luận số 234-TB/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học - công nghệ đến năm 2020

Qua 12 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24 tháng 12 năng 1996 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII và Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 16 tháng 01 năm 1997 của Thành ủy ''Về định hướng chiến lược phát triển khoa học - công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000'', cùng với việc tổ chức quán triệt nâng cao nhận thức và hành động của các ngành, các cấp và nhân dân thành phố trong thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học - công nghệ, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố và đất nước; tăng đầu tư ngân sách phục vụ nghiên cứu khoa học (năm 2000: 55,2 tỷ đồng, năm 2005: 105,7 tỷ đồng, năm 2009: 176,7 tỷ đồng), thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy đầu tư phát triển khoa học - công nghệ trên địa bàn, nhiều công trình nghiên cứu khoa học được ứng dụng, góp phần thiết thực nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Các hoạt động khoa học - công nghệ phát triển đúng hướng; vai trò nghiên cứu, tư vấn, phản biện của Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật và đội ngũ trí thức được phát huy, góp phần giải quyết được một số vấn đề lý luận và thực tiễn cuộc sống đặt ra, nhất là các vấn đề bức xúc trên lĩnh vực quản lý đô thị, y tế, nông nghiệp, bưu chính viễn thông, bảo vệ môi trường...; đồng thời cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, giải pháp của Đảng bộ và chính quyền thành phố. Việc tập trung phát triển các ngành công nghệ mũi nhọn, đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật khoa học – công nghệ từng bước vươn lên trình độ các nước phát triển trong khu vực; bước đầu tạo được sự gắn kết giữa nghiên cứu - sản xuất - thị trường thông qua các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, các chương trình hỗ trợ chuyển giao kết quả nghiên cứu, chương trình công nghệ công nghiệp..., thu hút nguồn đầu tư từ doanh nghiệp phục vụ yêu cầu nghiên cứu phát triển công nghệ mới, nâng cao năng lực công nghệ nội địa theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao và lợi thế cạnh tranh trong quá trình hội nhập; từng bước hình thành và phát triển thị trường công nghệ, tạo tiền đề xây dựng và phát triển sàn giao dịch công nghệ trên địa bàn. Việc đổi mới cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng lực lượng khoa học - công nghệ thành phố và người Việt Nam ở nước ngoài bước đầu đạt kết quả tích cực trong việc phát triển nguồn lực khoa học - công nghệ thành phố.

Tuy nhiên, việc phát triển khoa học - công nghệ chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố, chưa thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tiềm lực khoa học - công nghệ và năng lực sáng tạo công nghệ chưa được phát huy đúng mức; thị trường công nghệ phát triển chậm; việc đổi mới thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp chưa nhiều; đầu tư phát triển khoa học - công nghệ còn dàn trải; hiệu quả ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học chưa cao; chất lượng, cơ cấu ngành nghề của đội ngũ cán bộ khoa học – công nghệ chưa đồng đều, đội ngũ chuyên gia các lĩnh vực mũi nhọn (công nghệ sinh học, công nghệ nano, vi mạch, tự động hóa...) còn ít. Nguyên nhân chủ yếu do các cấp, các ngành chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức công tác này; việc xây dựng cơ chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học – công nghệ giữa các cơ quan Trung ương và thành phố, giữa các cấp, các ngành và doanh nghiệp còn chậm; cơ chế, chính sách động viên thu hút trí thức và các nhà khoa học tham gia phát triển lĩnh vực khoa học - công nghệ chưa đủ mạnh...

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học - công nghệ đến năm 2020 theo Thông báo Kết luận số 234-TB/TW ngày 01 tháng 4 năm 2009 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy đề ra chương trình hành động như sau :

I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẾN NĂM 2020 :

1. Mục tiêu chung

Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực, trong đó, chú trọng nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học và năng lực sáng tạo để tiếp thu và vận dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật, làm chủ công nghệ tiên tiến, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của khoa học - công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội, để khoa học - công nghệ thực sự là động lực trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế và chất lượng sống của nhân dân, bảo đảm phát triển bền vững và hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới.

2. Mục tiêu cụ thể :

- Tổng kết kịp thời thực tiễn, nâng cao năng lực dự báo, nhằm góp phần bổ sung và phát triển lý luận xã hội chủ nghĩa, làm cơ sở khoa học định hướng xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành một thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại.

- Tập trung các nguồn lực về khoa học - công nghệ tham gia thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các chương trình đột phá giai đoạn 2010 - 2015; đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo hướng nâng cao năng lực quản lý Nhà nước và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển bền vững, từng bước hình thành, phát triển kinh tế tri thức, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX đề ra.

II. NHIỆM VỤ, CHỈ TIÊU, GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ

1.1. Nâng cao năng lực nghiên cứu dự báo, kịp thời tổng kết thực tiễn sinh động của thành phố nhằm bổ sung và phát triển lý luận trong sự nghiệp đổi mới, phát triển khoa học xã hội và nhân văn. Tập trung nghiên cứu, lý giải những vấn đề thực tiễn đặt ra, góp phần cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị Trung ương cho phép thành phố thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

1.2. Tăng cường đầu tư từ ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội để nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ, nhằm tạo nền tảng và động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực nội sinh để tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa; hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức.

1.3. Rà soát, bổ sung cơ chế hợp tác, liên kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước, các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động khoa học - công nghệ theo định hướng đổi mới công nghệ, ứng dụng và phát triển công nghệ cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ. Mở rộng và phát triển thị trường công nghệ, phát triển dịch vụ và các loại hình dịch vụ khoa học - công nghệ.

1.4. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học - công nghệ theo thẩm quyền, xem đây là khâu đột phá để phát huy sự năng động, sáng tạo của lực lượng trí thức, tạo sự gắn kết giữa các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và sản xuất - kinh doanh, đồng thời thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia, để nâng cao tiềm lực khoa học – công nghệ thành phố.

1.5. Củng cố, kiện toàn và phát triển trên cơ sở đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố và các tổ chức thành viên, tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ trí thức phát huy vai trò tham gia phát triển thành phố; phát huy vai trò của Liên hiệp trong nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ và bảo vệ môi trường, trong công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo đúng quy định pháp luật.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu và một số chương trình, công trình:

a) Các chỉ tiêu chủ yếu :

- Tăng đầu tư ngân sách thành phố và đẩy mạnh xã hội hóa để huy động vốn đầu tư phát triển khoa học - công nghệ giai đoạn 2010 - 2015.

- Đến năm 2015, tỷ lệ ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học - công nghệ vào thực tế đạt 35%; doanh thu từ đề tài khoảng 500 tỷ đồng; đến năm 2020 đạt 40%; doanh thu 1.000 tỷ đồng.

- Chỉ sổ đóng góp các yếu tố năng suất tổng hợp TFP (Total Factors of Productivity) của thành phố đạt 40% vào năm 2015; đạt 45% vào năm 2020.

- Số đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích đạt bình quân 200 đơn/năm vào năm 2015 (trong đó, có 50 bằng được cấp/năm); đạt bình quân 400 đơn/năm vào năm 2020 (trong đó, có 100 bằng được cấp/năm).

- Số doanh nghiệp thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ đạt 60%, với mức đầu tư chiếm 5% lợi nhuận trước thuế vào năm 2015; đạt 70%, với mức đầu tư chiếm 8% lợi nhuận trước thuế vào năm 2020.

b) Các chương trình, công trình:

Chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành khoa học công nghệ cao (Giao Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì, phối hợp Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Sở Nội vụ và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thực hiện).

- Chương trình phát triển hệ thống doanh nghiệp khoa học - công nghệ (Giao Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Khoa học - Công nghệ thành phố thực hiện).

- Đề án ''Đổi mới cơ chế chính sách thu hút và sử dụng trí thức khoa học – công nghệ trong và ngoài nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh'' (Giao Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện).

- Đề án ''Ứng dụng và phát triển công nghệ cao phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế (Giao Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Khoa học Công nghệ, Ban Quản lý khu Công nghệ cao thực hiện).

Công trình xây dựng Trung tâm nghiên cứu công nghệ tế bào (Giao Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Khoa học Công nghệ phối hợp Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thực hiện).

- Công trình xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố (Giao Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố thực hiện).

- Công trình xây dựng Tòa nhà công nghệ tiên tiến (Giao Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Ban quản Khu công nghệ cao phối hợp Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thực hiện).

3. Giải pháp :

3.1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy và hiệu quả quản lý của chính quyền trên lĩnh vực khoa học - công nghệ

- Tiếp tục quán triệt sâu sắc năm quan điểm chỉ đạo đề ra trong Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về phát triển khoa học - công nghệ; xác định yêu cầu phát triển lĩnh vực này là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp ủy, chính quyền; phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách, kịp thời tham mưu đề xuất các biện pháp phát triển khoa học - công nghệ phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị (nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thành phố; đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ trong từng lĩnh vực kinh tế; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ phục vụ thiết thực, hiệu quả các lĩnh vực sản xuất, đời sống, quốc phòng - an ninh).

Nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với khoa học – công nghệ, vai trò của nhà đầu tư trong nghiên cứu cơ bản để phát triển khoa học – công nghệ; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực quản lý về khoa học - công nghệ của các cấp chính quyền.

(Giao Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện)

3.2 Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý khoa học- công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ

- Bổ sung cơ chế quản lý khoa học - công nghệ theo hướng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực để các thành phần kinh tế đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ trong sản xuất - kinh doanh.

- Đổi mới cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học - công nghệ theo hướng khoán theo kết quả nghiên cứu và hiệu quả triển khai ứng dụng để tạo động lực cho các tổ chức sự nghiệp khoa học - công nghệ hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

- Nghiên cứu hình thành tổ chức khoa học - công nghệ theo nhiệm vụ trên cơ sở liên kết các tổ chức khoa học - công nghệ, nhằm tạo điều kiện tập hợp đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi về nghiên cứu, triển khai và quản lý để tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển khoa học - công nghệ phục vụ yêu cầu xây dựng, phát triển các sản phẩm trọng điểm; tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân cấp và tự chủ đối với các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này; chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp khoa học - công nghệ hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học - công nghệ công lập; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp khoa học – công nghệ trên địa bàn theo Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học - công nghệ, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố ở các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.

- Tăng cường cơ chế đặt hàng trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, nhằm phát huy mô hình liên kết nhà khoa học - nhà nước - doanh nhân.

(Giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện)

3.3. Có chính sách đãi ngộ, thu hút, sử dụng trí thức để phát triển khoa học - công nghệ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương khóa IX "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoa, hiện đại hóa đất nước''

- Phát huy vai trò của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật, Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật trong hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội; chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ tiên tiến (công nghệ thông tin, vật liệu nano - vật liệu mới, công nghệ sinh học, cơ khí chính xác - tự động hóa, khoa học - công nghệ tính toán, năng lượng mới, môi trường...), gắn với chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố.

- Huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước để đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu của các viện nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và dự báo.

(Giao Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì, phối hợp Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đảng đoàn Liên hiệp Các Hội khoa học –Kỹ thuật thành phố thực hiện)

3.4. Chú trọng đầu tư, khai thác hiệu quả năng lực các viện nghiên cứu, trường đại học và một số tổng công ty thuộc thành phố trong thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học – công nghệ của thành phố.

Xây dựng, nâng cao năng lực hoạt động và phát huy vai trò của các phòng thí nghiệm trọng điểm, các trung tâm, viện nghiên cứu ngang tầm với các trung tâm nghiên cứu khoa học – công nghệ của các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á.

- Thực hiện tốt Chương trình hợp tác khoa học – công nghệ đã ký kết với Đại học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh.

(Giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện)

3.5. Đẩy mạnh tiến trình hội nhập thông qua việc kết hợp nghiên cứu và phát triển trong nước với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài; đẩy nhanh tốc độ đầu tư đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, xây dựng đảng bộ kết cấu hạ tầng; tạo nhiều ngành nghề mới có hiệu quả và sức cạnh tranh cao, nhiều việc làm mới có năng suất cao, tạo chuyển biến mạnh về năng suất và chất lượng sản phẩm, hiện đại hóa các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, phát triển các ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế sang các ngành sản xuất dựa vào công nghệ và tri thức; tập trung phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến, đẩy nhanh quá trình xây dựng công nghiệp cơ bản, công nghiệp phụ trợ; phát triển một số sản phẩm công nghiệp chủ lực và các sản phẩm nông nghiệp chế biến có giá trị, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới.

(Giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện)

3.6. Đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho hoạt động khoa học - công nghệ. Ngoài nguồn ngân sách Nhà nước tập trung cho các nhiệm vụ trọng tâm; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp, Viện nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ với các trường đại học trong việc đổi mới công nghệ, sản phẩm, hình thành doanh nghiệp khoa học - công nghệ mới; khuyến khích doanh nghiệp chủ động đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất - kinh doanh thông qua sử dụng các nguồn vốn kích cầu, quỹ đầu tư mạo hiểm phát huy vai trò chủ lực, tiên phong của các doanh nghiệp Nhà nước trong việc đầu tư đào tạo, làm chủ công nghệ then chốt, công nghệ mũi nhọn để đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và tri thức cao.

(Giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện)

3.7. Tăng cường công tác thông tin khoa học - công nghệ về các chính sách phát triển lĩnh vực này, các thành quả nghiên cứu, ứng dụng, triển khai khoa học - công nghệ, kiến thức khoa học phổ thông. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 30/2007/CT-UBND ủa Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ trên địa bàn quận - huyện. Đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong thanh niên, công nhân và các giới, góp phần thúc đẩy việc ứng dụng nghiên cứu khoa học thiết thực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân thành phố. Hoàn thành việc xây dựng trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật thành phố, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, góp phần phát triển hoạt động thông tin, quảng bá kiến thức khoa học, văn học, nghệ thuật.

(Giao ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện)

4. Tổ chức thực hiện

a) Các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Thông báo Kết luận số 234-TB/TW của Bộ Chính trị phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển khoa học - công nghệ của từng địa phương, đơn vị; định kỳ hàng năm sơ kết rút kinh nghiệm, bổ sung kế hoạch thực hiện trong thời gian tới.

b) Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí thành phố quán triệt quan điểm, nhiệm vụ phát triển khoa học - công nghệ trong hoạt động của từng đơn vị tăng cường các chuyên mục thông tin, tuyên truyền về những thành tựu trên lĩnh vực khoa học - công nghệ của thành phố trong thời gian qua và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển lĩnh vực này trong thời gian tới; kịp thời nhân rộng, biểu dương các gương điển hình, góp phần thúc đẩy khoa học - công nghệ ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ thành phố và đất nước.

c) Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy, Đảng ủy Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo triển khai thực hiện và kiểm tra việc thực hiện của các cấp, các ngành; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả cho Ban Thường vụ Thành ủy.

T/M BAN THƯỜNG VỤ

PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC

(Đã ký)

Nguyễn Văn Đua

Tin khác

Thông báo