Chủ Nhật, ngày 27 tháng 10 năm 2024

Hạn chế các bất cập trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Hà Nội

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 25/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về mối quan hệ giữa quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn với quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được quy định cụ thể tại Luật Quy hoạch năm 2017; theo đó, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Về nguyên tắc lập đồng thời các quy hoạch chung; quy định bảo đảm sự phù hợp, tuân thủ của dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị và nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc cho phép lập đồng thời các quy hoạch chung; trường hợp quy hoạch chung khác cấp thẩm quyền phê duyệt thì quy hoạch chung có cấp thẩm quyền phê duyệt cao hơn được phê duyệt trước. Trường hợp quy hoạch chung có cùng cấp thẩm quyền phê duyệt thì quy hoạch chung được lập, thẩm định xong trước được phê duyệt trước…

Thảo luận về dự án luật này, đại biểu (ĐB) Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đề nghị cần bổ sung định nghĩa rõ ràng “khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị”. ĐB cho rằng, cần nhận thức rõ vai trò của nội thành, nội thị, đây không đơn thuần là khu vực nằm bên trong ranh giới của đô thị mà cần được định nghĩa là khu vực trung tâm, lõi của đô thị, có sự tập trung cao về dân cư, dịch vụ, hoạt động kinh tế và hạ tầng đô thị, là không gian có tính liên kết cao.

Do hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định một cách chính thức thế nào là khu vực nội thành, nội thị nên dẫn đến cả trong công tác quy hoạch đô thị và thực tiễn phát triển các đơn vị hành chính đô thị đang tồn tại thực trạng là có một số đô thị, chủ yếu là các thị xã và thành phố thuộc tỉnh đang duy trì các khu vực nội thành, nội thị tách biệt, thiếu tính kết nối.

Trong khi đó, ĐB Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) cho rằng, cần xác lập các cấp đô thị, đặc biệt là đô thị lớn và siêu đô thị. ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng đề xuất cần có quy hoạch chung tại thành phố trực thuộc Trung ương. Theo ĐB Hoàng Văn Cường, đối với thành phố trực thuộc Trung ương, bên cạnh quy hoạch tỉnh, cần phải có quy hoạch chung, bởi mỗi loại quy hoạch này có chức năng khác nhau. Trong đó, quy hoạch chung thực hiện chức năng định hướng phát triển cho tất cả các ngành, các lĩnh vực và sau đó còn có quy hoạch chi tiết của từng ngành, từng lĩnh vực...

ĐB Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, dự thảo luật cũng cần chỉ rõ tiến độ thực hiện các quy hoạch, thực hiện các quy hoạch về hạ tầng trước, sau đó mới quy hoạch đô thị để tránh tình trạng như hiện nay đó là đi xin đất làm hạ tầng trước nhưng quy hoạch không có.

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

Ngoài ra, ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đề nghị bổ sung khái niệm về "công trình ngầm". ĐB Đỗ Văn Yên (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị làm rõ về quyền sở hữu và khai thác không gian ngầm. ĐB Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) kiến nghị không cần thiết lập quy hoạch chung cấp xã mà tích hợp trong quy hoạch chung cấp tỉnh… ĐB Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội) cho rằng, về cấp độ quy hoạch, cần tính toán đến những vấn đề phát sinh mới, ví dụ như quy hoạch dọc sông, quy hoạch đại đô thị vùng TPHCM, vùng Thủ đô Hà Nội... cần có điều khoản mở, Chính phủ yêu cầu các đơn vị thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu đã cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung quy định cho phép lập đồng thời quy hoạch chung và các trường hợp quy hoạch chung khác cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì quy hoạch chung có cấp thẩm quyền phê duyệt cao hơn được phê duyệt trước. Trường hợp quy hoạch chung có cùng cấp thẩm quyền phê duyệt, thì quy hoạch chung được lập thẩm định xong trước thì được phê duyệt trước.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Về giải quyết vướng mắc, mâu thuẫn trong các quy hoạch, dự thảo Luật cũng đã chỉnh sửa quy định, trong đó trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị, nông thôn cùng cấp độ, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, hoặc cơ quan có thẩm quyền cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện, thay vì phải thực hiện quy trình rà soát, điều chỉnh. Trường hợp mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị, nông thôn khác cấp độ, thì các cơ quan, tổ chức lập quy hoạch thực hiện báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch theo quy định…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo