Thứ Sáu, ngày 25 tháng 10 năm 2024

Cần quy định rõ vấn đề công đoàn được đầu tư nhà ở xã hội

Đại biểu Trần Kim Yến (TPHCM)

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 24/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về việc gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động (NLĐ) là người nước ngoài, dự thảo quy định “người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập công đoàn, hoạt động tại công đoàn cơ sở”. Dự thảo luật cũng đã quy định cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam, do đó, NLĐ là người nước ngoài không thể trở thành cán bộ công đoàn.

Về việc gia nhập công đoàn của tổ chức NLĐ tại doanh nghiệp, trong khi Chính phủ chưa ban hành Nghị định hướng dẫn về trình tự, thủ tục thành lập hoặc giải thể tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động, để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng quy định các điều kiện chặt chẽ như: bổ sung quy định về hồ sơ gia nhập, trình tự, thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam; quy định trách nhiệm, hệ quả pháp lý khi gia nhập Công đoàn Việt Nam và giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện việc gia nhập Công đoàn Việt Nam.

Dự thảo cũng quy định về các trường hợp được miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn.       

Về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, dự thảo không quy định trong luật việc phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của NLĐ để bảo đảm linh hoạt, hài hòa; bổ sung quy định “Sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu, phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn”; giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp.

Dự thảo giữ nguyên mức đóng kinh phí công đoàn 2% trên tổng quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ.

Thảo luận về dự thảo luật này, một số đại biểu đều đồng tình, trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, để có nguồn lực chăm lo cho NLĐ, bảo đảm kinh phí hoạt động công đoàn bền vững thì mức thu 2% là hợp lý. Việc giữ ổn định quy định về nghĩa vụ đóng kính phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ được thực hiện từ năm 1957 đến nay nhằm bảo đảm phúc lợi ổn định cho NLĐ, góp phần làm cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, NLĐ.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên-Huế) đồng ý để người nước ngoài tại Việt Nam tham gia công đoàn Việt Nam.

Phiên thảo luận ngày 24/10 Phiên thảo luận ngày 24/10

Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội (ĐB) Trần Kim Yến (TPHCM) cho biết, dự thảo quy định công đoàn đại diện cho NLĐ, tập thể NLĐ khởi kiện ra tòa án nhân dân khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, tập thể NLĐ bị vi phạm. Tuy nhiên, một vướng mắc lâu nay là thủ tục để tổ chức công đoàn thay mặt, đại diện NLĐ, tập thể NLĐ khởi kiện: đại diện đương nhiên hay đại diện có điều kiện, đại diện theo ủy quyền. Theo ĐB, công đoàn không chỉ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng 1 công nhân, NLĐ, mà bảo vệ cho số đông, nhất là trong các doanh nghiệp thâm dụng lao động. Do đó, ĐB đề xuất ban soạn thảo ghi rõ trong luật “công đoàn đại diện đương nhiên cho công nhân, NLĐ khởi kiện ra tòa án nhân dân khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, NLĐ bị vi phạm”. Đây cũng là ý kiến của một số ĐB khi cho rằng, cần đơn hóa thủ tục, để công đoàn là đại diện đương nhiên đại diện quyền lợi, bảo vệ lợi ích hợp pháp của NLĐ.

ĐB Trần Kim Yến cũng cho rằng, quy định về “việc đầu tư nhà ở xã hội…” là nội dung mới mà Quốc hội, Chính phủ giao cho công đoàn. Tuy nhiên, nếu chỉ ghi vào dự thảo luật 1 dòng mà không được cụ thể hóa, chi tiết rõ ràng hơn thì sẽ rất khó cho tổ chức công đoàn khi thực hiện nhiệm vụ rất mới này. Luật cần quy định cụ thể hơn, nếu không khi triển khai thực hiện công đoàn lại phải đi xin bộ, ngành, Chính phủ hoặc Quốc hội, tốn thời gian, kéo dài, chậm tiến độ, thậm chí là tổ chức công đoàn không thực hiện được nhiệm vụ này.

Cũng theo ĐB Trần Kim Yến, dự thảo yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp khắc phục, bảo đảm an toàn lao động kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động trong trường hợp phát hiện nơi làm việc có yếu tố ảnh hưởng hoặc nguy hiểm đến sức khỏe, tính mang NLĐ. Quy định này là hợp tình hợp lý, nhưng trên thực tiễn, công đoàn rất khó có thể thực hiện thẩm quyền này, nếu không quy định rõ hơn, vì đây là chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. ĐB đề nghị trong trường hợp chưa rà soát và bổ sung được thì nên quy định là “công đoàn báo cáo với cơ quan có thẩm quyền”. Vì chức năng và khả năng của công đoàn khó có thể đưa ra quyết định yêu cầu dừng, công đoàn đưa ra doanh nghiệp chưa chắc đã chấp nhận vì gây thiệt hại cho sản xuất.

ĐB Trần Kim Yến, ĐB Leo Thị Lịch (Bắc Giang) và một số ĐB cũng cho rằng, tài chính của công đoàn là rất lớn, do đó vấn đề nguồn thu, quản lý, sử dụng tài chính công đoàn ngoài việc phải theo quy định chung của pháp luật về tài chính cũng cần có sự độc lập theo quy định riêng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để phục vụ cho công nhân, NLĐ. Do vậy, rất cần chặt chẽ, kể cả việc quyết định giảm, miễn đóng kinh phí công đoàn; kể cả việc kiểm tra, thanh tra tài chính công đoàn từ Trung ương đến công đoàn cơ sở để minh bạch, chặt chẽ và quản lý tốt, đúng quy định. Việc phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của NLĐ cũng cần có sự rõ ràng hơn, nhất là trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện cho NLĐ ở doanh nghiệp…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo