Thứ Sáu, ngày 25 tháng 10 năm 2024

BHYT nên thanh toán chi phí cho việc tầm soát một số bệnh ung thư

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận chiều 24/10

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 24/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và dự án Luật Dữ liệu.

Thảo luận tại tổ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, đại biểu Quốc hội (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan chỉ ra những bất cập trong hệ thống BHYT, đặc biệt là mức đóng bảo hiểm thấp và các thủ tục phức tạp trong quá trình thanh toán, chuyển tuyến. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, nhất là khi doanh nghiệp trốn đóng BHYT, mà còn gây khó khăn cho người dân khi sử dụng các dịch vụ y tế. ĐB cho rằng, cần phải xem xét lại các thủ tục này để tránh đưa nền y tế thành một hệ thống "giá rẻ", từ đó ảnh hưởng đến cả nền công nghiệp dược và chất lượng chăm sóc y tế cho người dân, nhất là người tham gia BHYT.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, TPHCM Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, TPHCM

Theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan, chất lượng dịch vụ y tế và các thủ tục phức tạp khiến nhiều người không cảm thấy thoải mái, ảnh hưởng đến niềm tin vào hệ thống BHYT. Do vậy, phải tính toán cơ chế tài chính để người dân được khám chữa bệnh với chất lượng dịch vụ y tế tốt nhất khi sử dụng BHYT.

ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân (TPHCM) cho rằng, cần có sự đồng bộ dữ liệu, nhất là trong vấn đề mua bảo hiểm cho học sinh. Bởi, mỗi năm học mới khi mua bảo hiểm, việc khai lại các trường thông tin của các em là mất thời gian. Bên cạnh đó, ĐB đề nghị bổ sung vào danh mục BHYT đối với người tham gia BHYT được tầm soát ung thư.

ĐB Nguyễn Tri Thức (TPHCM) cũng nhấn mạnh, tầm soát chuyên sâu là một xu hướng tất yếu trong tương lai và BHYT nên tiến tới thanh toán chi phí cho việc tầm soát một số bệnh ung thư. Điều này sẽ giúp người dân được phát hiện bệnh sớm, từ đó cải thiện cơ hội điều trị hiệu quả và giảm chi phí điều trị dài hạn.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức, TPHCM Đại biểu Nguyễn Tri Thức, TPHCM

Về giám định chi phí khám chữa bệnh, ĐB Nguyễn Tri Thức đề nghị bổ sung thời hiệu cho hoạt động giám định của các bệnh viện, nhằm làm cơ sở cho việc thanh toán chi phí BHYT. ĐB cho rằng, nên thực hiện giám định mỗi quý một lần để đảm bảo tính minh bạch và kịp thời phát hiện vi phạm trước khi chi phí đã thanh toán. Điều này sẽ giúp tránh trường hợp bệnh viện đã thanh toán chi phí, nhưng sau khi giám định mới phát hiện sai phạm thì không thể thu hồi số tiền đã thanh toán. ĐB cũng đề nghị xóa bỏ rào cản địa giới hành chính trong khám chữa bệnh BHYT, để người dân có thể tự do lựa chọn cơ sở y tế phù hợp mà không bị giới hạn bởi vị trí địa lý. Dĩ nhiên, việc này cần thực hiện có chọn lọc, chỉ bỏ yêu cầu giấy chuyển tuyến trong một số trường hợp nhất định, chứ không nên xóa bỏ hoàn toàn. Điều này giúp đảm bảo hệ thống y tế vận hành hợp lý, tránh tình trạng quá tải ở tuyến trên và triệt tiêu tuyến y tế cơ sở.

ĐB Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) nhận định, những vấn đề tồn tại hiện nay trong vận hành BHYT như nguy cơ “vỡ” quỹ luôn thường trực nếu vận hành theo phương thức cũ; chuyển viện, chuyển tuyến đang là vấn đề bất cập; quyền chủ động của người có BHYT chưa được làm rõ…

Hoạt động trong ngành y tế, ĐB Trí cho rằng, không nên coi việc khám chữa bệnh theo tuyến bảo hiểm là biện pháp chống quá tải cho hệ thống y tế, mà phải tổ chức lại hệ thống y tế làm sao người dân có thể đến nơi khám, chữa bệnh nhanh nhất, đầy đủ nhất, có thầy giỏi, thuốc tốt; bảo đảm công bằng, bình đẳng trong thụ hưởng BHYT.

Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang –Tiền Giang Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang –Tiền Giang

Về mức đóng BHYT, ĐB Nguyễn Thị Uyên Trang (Tiền Giang) cho biết, hiện nay, mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên được quy định là 4,5% mức lương cơ sở, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% và người tham gia đóng 70%. Mức đóng này được đánh giá là vẫn còn cao so với thu nhập của người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Nhiều cử tri bày tỏ sự lo lắng và chưa có sự thống nhất cao trong việc tham gia chính sách này. Vì vậy, ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh, sinh viên, có thể bằng với mức đóng của người thứ tư hoặc người thứ ba theo hình thức hộ gia đình, để đảm bảo phù hợp với thu nhập hiện tại và tạo sự thống nhất cao hơn trong việc tham gia BHYT.

Cùng quan điểm, ĐB Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) đề nghị, nghiên cứu tăng tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho học sinh, sinh viên tham gia BHYT từ 30% lên tối thiểu 50%. Đồng thời, đại biểu đề xuất Chính phủ quy định cụ thể nội dung giám định BHYT; cho phép thanh toán BHYT đối với hoạt động áp dụng theo phác đồ điều trị của các hiệp hội, tổ chức y tế…

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Dữ liệu, đa số các ĐB cho rằng, cần phải kiểm soát, bảo đảm chất lượng dữ liệu nhằm giúp cho việc quản lý, điều hành phát triển kinh tế- xã hội được thuận lợi; hoạch định chính sách chính xác hơn. Liên quan đến việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, các hoạt động thương mại điện tử, dịch vụ số xuyên biên giới và sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia tại Việt Nam đã tạo ra những thách thức mới trong việc quản lý và bảo vệ dữ liệu của tổ chức và người dân. Để bảo đảm an ninh quốc gia, việc quy định về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, việc thiết kế các quy định này phải chặt chẽ, bảo đảm cân bằng giữa lợi ích kinh tế với các vấn đề về an toàn, an ninh dữ liệu nói riêng và an toàn, an ninh mạng nói chung. Ban soạn thảo nên tiếp tục rà soát nghiên cứu các quy định tại dự thảo Luật này với Luật Giao dịch điện tử, Luật An toàn, an ninh mạng... và đặc biệt là rà soát, tham khảo thêm các cam kết, hiệp định quốc tế về vấn đề chia sẻ dữ liệu.

Bên cạnh đó, trong dự án Luật Dữ liệu cũng đề cập về Quỹ phát triển dự trữ quốc gia. Đóng góp về nội dung này, các ĐB cho rằng, cần làm rõ về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để thành lập quỹ này…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo