Sớm tiếp thu ảnh hưởng của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, Nguyễn Văn Linh đã tích cực tham gia vào cao trào cách mạng 1930 – 1931 của Đảng ta giữa tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết. Trải qua gần 70 năm cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh oanh liệt của đất nước và nhân dân, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã để lại dấu ấn cho đời không thể phai mờ, đó là tinh thần chiến đấu kiên cường, đức tính hy sinh xả thân và tình cảm gắn bó máu thịt với đồng chí, đồng bào Nam bộ, với mảnh đất Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh.
Thuở sinh thời, trong những câu chuyện thân tình với các chiến hữu lão thành gắn bó, đồng chí Nguyễn Văn Linh thường nói Nam bộ là quê hương thứ hai của mình. Trải qua ba thập niên chống Pháp và chống Mỹ đã từng cùng nhau vào sinh ra tử giữa chiến trường, quân dân Nam bộ đã xem đồng chí Nguyễn Văn Linh là người con trung dũng của "đất thép thành đồng".
Trong buổi đầu, Nguyễn Văn Linh đã đến với vùng "vành đai đỏ" Sài Gòn và được bổ sung vào cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ Sài Gòn – Chợ Lớn trong cao trào cách mạng 1936-1939. Từ thời điểm ấy, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trở thành nhân chứng vô cùng quan trọng được trực tiếp chứng kiến những giai đoạn thăng trầm trong các cao trào và thoái trào cách mạng, cũng như những thời điểm đột phá của lịch sử Đảng bộ Nam bộ và Đảng bộ Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định.
Những năm tiền khởi nghĩa tuy tham gia vào công tác lãnh đạo của Đảng bộ Sài Gòn – Chợ Lớn không lâu, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh đã để lại ấn tượng sâu sắc. Là thành viên trẻ nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn thuở ấy, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã phát huy được những giá trị tinh hoa trong tố chất của người lãnh đạo. Đó là niềm tin sắt đá đối với lý tưởng của Đảng được thể hiện trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng nhằm chống lại khuynh hướng tư tưởng cơ hội chủ nghĩa của bọn tơ-rốt-xkít.
Chúng ta biết rằng, thành phố Sài Gòn trong những năm tháng ấy là nơi những người theo chủ nghĩa Tơ-rốt-xky đã ra sức tập hợp lực lượng để trực diện đối đầu với Đảng ta. Giả danh cách mạng, chúng tung ra những luận điệu xuyên tạc Đảng Cộng sản Đông Dương, chống Mặt trận dân chủ thống nhất, chống Liên Xô. Ở một đôi nơi, chúng xen vào gây ảnh hưởng trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Đảm nhận trọng trách trước Đảng, đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Minh Khai sát cánh với Đảng viên tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt chống bọn tơ-rốt-xkít.
Trong cuộc đấu tranh này, đồng chí Nguyễn Văn Linh là một thành viên rất quan trọng. Đồng chí không tiến hành bút chiến công khai trên báo chí, mà đi sâu vào các khu dân cư để giải thích cho quần chúng hiểu rõ khuynh hướng tư tưởng độc hại của bọn tơ-rốt-xkít. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong những người có công trong việc quyết định cho in và phát hành kịp thời cuốn sách quy của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - cuốn "Tự chỉ trích". Cuốn sách này chẳng những trang bị cho người đọc vũ khí chiến đấu sắc bén mà còn giáng một đòn chí mạng nhằm chôn vùi chủ nghĩa Tơ-rốt-xky như một trào lưu tư tưởng.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã ghi rõ việc này trong những dòng hồi ký sau đây: "Lúc bấy giờ có một số cán bộ Đảng hoạt động công khai, cũng có tư tưởng chao đảo, thậm chí công nhận một số chủ trương của bọn tơ-rốt-xkít là đúng. Vì vậy, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết cuốn "Tự chỉ trích" từ ngoài Bắc đưa vào Nam. Một vài đồng chí lãnh đạo không cho in và phát hành, nhưng nhiều đồng chí đã đấu tranh kiên quyết đem in và phát hành ở Sài Gòn, các tỉnh miền Nam, đã được đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng tán thưởng".
Đối với chúng ta ngày nay, sự kiện lịch sử này là một bài học quý giá vẫn còn mang tính thời sự và ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Nó có tác dụng nêu gương, giúp cho cán bộ, đảng viên ta nâng cao tính chiến đấu để bảo vệ lý tưởng cao đẹp của Đảng, của Bác Hồ, chống lại sự suy thoái, biến chất và đổi màu về chính trị, đề phòng và ngăn chặn hiện tượng tự diễn biến và tự chuyển hóa về tư tưởng.
Trong 30 năm đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã gắn bó máu thịt với chiến trường Sài Gòn – Chợ Lớn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chiến trường T4 (Sài Gòn – Gia Định) trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng chí đã sáu lần làm Bí thư Đảng bộ Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định: Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn (1947-1948). Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn (1950-1952), Bí thư Khu ủy Khu trọng điểm (1967-1968), Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định (1972-1973). Từ năm 1957 đến năm 1975, đồng chí Nguyễn Văn Linh còn lần lượt đảm nhiệm những trọng trách: Phó Bí thư và Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Bí thư và Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Do môi trường sinh thái và địa lý nhân văn, do bản lĩnh năng động sáng tạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh và Đảng bộ Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, việc xây dựng các căn cứ kháng chiến ở Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định được thể hiện bằng những loại hình phong phú và mang màu sắc đặc thù. Vừa có loại hình chiến khu bưng biền ở Đồng Tháp Mười (như căn cứ Vườn Thơm), vừa có loại hình chiến khu rừng ngập mặn ở U Minh (như căn cứ Rừng Sác). Từ năm 1947 trở đi, việc xây dựng căn cứ địa ở đây còn được bổ sung thêm bằng những loại hình độc đáo in đậm màu sắc chiến tranh nhân dân. Đó là sự xuất hiện các làng xã chiến đấu có hệ thống địa đạo giao thông hào, hầm bí mật như ở các xã Tân Phú Trung, Phước Vĩnh An. Tại vùng giáp ranh Thành phố, còn có một tuyến địa đạo cũng đã được hình thành trong một số ấp thuộc xã Phú Thọ Hòa, trở thành nơi ém quân của nhiều cán bộ ta đang hoạt động trong nội thành. Qua 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hệ thống địa đạo giao thông hào độc đáo này đã phát triển trở thành "vùng vành đai thép", thành "Củ Chi đất thép thành đồng" cả thế giới đều biết tiếng.
Nói đến thành tích của đồng chí Nguyễn Văn Linh trong vấn đề xây dựng căn cứ địa cách mạng, không thể không nhắc tới công lao của đồng chí đã cùng với đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn trong việc bảo vệ sự an toàn cho Ban Thường vụ Trung ương Đảng hoạt động tại vùng "vành đai đỏ" ở Mười Tám Thôn Vườn Trầu trong cao trào cách mạng năm 1936-1939. Cũng không thể không nhắc tới công lao đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng với các đồng chí Lê Toàn Thư, Võ Văn Kiệt…trong công tác bảo vệ sự an toàn cho đồng chí Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn bí mật hoạt động tại ngôi nhà số 29 đường Huỳnh Khương Ninh – Sài Gòn trong 6 tháng cuối năm 1956. Ngôi nhà này tọa lạc ở một nơi chỉ cách dinh của Ngô Đình Diệm khoảng 1km tính theo đường chim bay. Chính tại nơi đây, đồng chí Lê Duẩn đã hoàn thành việc soạn thảo một văn kiện vô cùng quan trọng của Đảng ta – bản "Đề cương cách mạng miền Nam".
Nhắc tới đồng chí Nguyễn Văn Linh, chúng ta cũng không thể nào quên với trọng trách là Bí thư Xứ ủy, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã chỉ đạo tướng Lê Thanh và Ban xây dựng căn cứ địa Miền đã tổ chức rất thành công việc xây dựng các căn cứ địa nổi tiếng của chiến trường B2 tại vùng Mã Đà và Bắc Tây Ninh. Các tướng lĩnh Mỹ đã từng nể sợ gọi nơi đây là "Nhà Trắng và lầu Năm góc của Việt cộng trong rừng rậm". Còn bọn binh lính ngụy đã lan truyền rộng rãi trong quân ngũ câu vè: "Chiến khu Đ còn, thì Sài Gòn mất".
Nêu cao khí phách chủ nghĩa anh hùng và tinh thần cách mạng tiến công, phát huy tính năng động và bản lĩnh sáng tạo, quán triệt vận dụng "quan điểm quần chúng" – đó là những giá trị tinh hoa về đạo đức và phong cách của đồng chí Nguyễn Văn Linh thể hiện trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ.
Nhờ quán triệt "quan điểm quần chúng", phát huy tính năng động và bản lĩnh sáng tạo, đồng chí Nguyễn Văn Linh và Đảng bộ Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã tạo ra được nhiều phong trào đấu tranh chính trị diễn ra giữa lòng thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn: Năm 1947, 400 trí thức Sài Gòn công bố bản Tuyên ngôn ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh; Năm 1948, phong trào trí thức Sài Gòn hăng hái tham gia vào tổ chức Liên Việt; năm 1949, phong trào đấu tranh của học sinh và sinh viên bùng nổ mạnh mẽ; năm 1950, hàng vạn đồng bào Sài Gòn đổ xuống đường để tham gia phong trào đấu tranh chống Mỹ; từ mùa hè năm 1954 đến mùa thu năm 1956, đã liên tiếp diễn tra các phong trào đấu tranh sôi nổi đòi hòa bình, chống khủng bố trả thù những người kháng chiến cũ, đòi hiệp thương, đòi các quyền dân sinh, dân chủ…
Những sự kiện lịch sử sinh động trên đây xác minh rằng ngay trong những tháng năm kháng chiến chống Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Linh và Thành ủy, Đặc khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn đã nhận thức rõ đấu tranh vũ trang giữ vai trò quyết định, song đấu tranh chính trị cũng là một mặt đấu tranh cơ bản, đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị luôn luôn tác động lẫn nhau và sự kết hợp giữa hai mặt đấu tranh ấy trở thành một quy luật giành thắng lợi của chiến tranh cách mạng. Trong tác phẩm "Thư vào Nam", đồng chí Lê Duẩn đã rút ra một kết luận vô cùng quý giá về vấn đề này. Đồng chí viết: "Cách mạng miền Nam không tiến hành bằng cách trường kỳ đấu tranh vũ trang, lấy nông thôn bao vây thành thị, tiến lên dùng lực lượng quân sự giải phóng toàn bộ đất nước như Trung Quốc đã làm, mà đi theo con đường của Việt Nam, nghĩa là có khởi nghĩa bộ phận, lập căn cứ địa, có chiến tranh du kích, rồi tiến lên tổng khởi nghĩa, chủ yếu sử dụng lực lượng chính trị có phối hợp với lực lượng vũ trang để giành chính quyền về tay nhân dân".
Nghiên cứu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Văn Linh, chúng ta có thể thấy rõ trải qua 30 năm lăn lộn hoạt động trên chiến trường miền Nam trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã để lại cho đất nước và nhân dân những bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá đã được đúc kết bằng xương máu. Đó là bài học về việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng căn cứ địa kháng chiến, xây dựng thực lực cách mạng và nắm vững phương pháp đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh quân sự.
Từ sau ngày giải phóng miền Nam đến thời kỳ đổi mới đất nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã hai lần làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, trong những năm đầu thập niên 1980, Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh đã có bước trưởng thành vượt bậc về nhận thức. Thành công nổi bật nhất của giai đoạn này là Đảng bộ Thành phố đã tìm ra những mô hình tháo gỡ sự trói buộc của cơ chế quản lý kinh tế theo kiểu tập trung quan liêu - hành chính - bao cấp, nhằm làm cho sản xuất bung ra bằng nhiều hình thức kinh tế quá độ.
Kết quả của sự tìm tòi đổi mới tư duy kinh tế và phát hiện ra những cung cách làm ăn mới ở thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác như: Long An, Vĩnh Phú, Hải Phòng… đã giúp Trung ương có thêm cơ sở thực tiễn cho việc hình thành đường lối đổi mới đất nước, mở đầu từ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VI. Tại Đại hội này, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư.
Nghiên cứu những hoạt động đầy ấn tượng của đồng chí Nguyễn Văn Linh trong giai đoạn lịch sử này, chúng ta thấy rõ đồng chí đã đem những bí quyết thành công trong công tác lãnh đạo của thời ký kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vận dụng triệt để vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới đất nước. Đó là bài học "Công tác vận động quần chúng", bài học "lấy dân làm gốc". Trong quyển sách "Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm", đồng chí Nguyễn Văn Linh đã giải thích: "Công tác vận động quần chúng dù trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân hay trong giai đoạn Đảng đã nắm quyền đều có ý nghĩa quyết định, ở thành phố lớn, như thành phố Hồ Chí Minh công tác vận động quần chúng cũng chỉ rõ tính chất cực kỳ quan trọng của nó. Thành tựu của chúng ta trong vận động phong trào hành động cách mạng của quần chúng là nhờ có kinh nghiệm của thời kỳ vận động cách mạng và hai thời kỳ kháng chiến".
Nhờ quán triệt tư tưởng "lấy dân làm gốc", ngay sau khi thành phố Sài Gòn – Gia Định được giải phóng, đồng chí Nguyễn Văn Linh chủ trương phải tiến hành ngay những biện pháp cấp bách để phát huy sức mạnh tổng hợp của ba triệu dân thành phố nhằm mục tiêu nhanh chóng ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Ở khu vực nông thôn ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh, phát huy thế mạnh là căn cứ địa trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, đồng chí Nguyễn Văn Linh và Thành ủy đã chỉ đạo việc củng cố và phát triển các tổ chức Đảng, Ủy ban nhân dân và các đoàn thể quần chúng nhằm làm động lực cho việc phát động các phong trào hành động cách mạng của quần chúng như: phong trào khai hoang phục hóa và làm công tác thủy lợi, phong trào vận động nhân dân hồi hương và đi xây dựng kinh tế mới, phong trào xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa, phát triển văn nghệ quần chúng, bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy, xây dựng nếp sống mới… Các phong trào này đã thu hút hàng triệu lượt người tham gia. Chỉ một năm sau ngày giải phóng, thành phố Hồ Chí Minh đã khai phá được 70.000 ha đất đai canh tác hoang hóa, nâng sản lượng lúa từ 75.000 tấn năm 1975 lên 164.000 tấn năm 1976.
Để thoát khỏi tình trạng suy thoái về kinh tế trong những năm tháng ấy, cả hai đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt đã chủ trương chủ động tổ chức tìm kiếm các biện pháp và hình thức tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế quản lý kinh tế, quản lý xã hội và quản lý thành phố. Hai cuộc hội nghị lịch sử lần thứ IX và lần thứ X của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh trong hai năm 1979 – 1980 đã mở những khâu đột phá quan trọng dọn đường cho những phong trào hành động cách mạng của quần chúng trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thương nghiệp dấy lên sôi nổi. Đây là thời điểm xuất hiện hàng loạt mô hình sản xuất kinh doanh tiên tiến như: công ty bột giặt, xí nghiệp thuốc lá, nhà máy bia Sài Gòn, các xí nghiệp dệt và cơ khí hàng đầu trên địa bàn thành phố, xí nghiệp Cầu Tre… Hàng vạn lao động tiên tiến, 7.000 chiến sĩ thi đua, 2.000 tổ lao động xã hội chủ nghĩa, 60 đơn vị kinh tế cơ sở được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương, 90 đơn vị được Hội đồng Bộ trưởng cấp bằng khen. Hàng nghìn tổ dân phố, tổ nhân dân tiên tiến cấp thành phố cùng với 34.000 sáng kiến có giá trị đã xuất hiện trong khoảng thời gian này. Tính đến những năm đầu của thập niên 1980, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã mở rộng diện chỉ đạo nhằm kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu - hành chính - bao cấp, hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh trong hơn 160 đơn vị kinh tế cơ sở sản xuất ra hơn 800 chủng loại sản phẩm cung cấp cho nhu cầu xã hội.
Tuy nhiên, sự năng động và sáng tạo của thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ này đã bị một số người ngộ nhận phê phán là làm trái với nguyên lý kinh tế xã hội chủ nghĩa. Trước tình hình ấy, với cương vị là Bí thư Thành ủy, đồng chí Nguyễn Văn Linh giữ vững quan điểm, nhất quán ủng hộ cái mới với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân.
Là Tổng Bí thư của Đảng trong thời kỳ đầu thực hiện công cuộc đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể lãnh đạo nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn khéo, vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua phong ba bão táp của thời kỳ xảy ra những biến động phức tạp trên thế giới và những khó khăn trong nước.
Năm tháng đi qua, nhưng cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Văn Linh – một người cộng sản kiên cường, bất khuất, một nhà lãnh đạo năng động và sáng tạo, một tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng sẽ sống mãi với non sông đất nước, với mảnh đất Nam bộ "Thành đồng Tổ quốc", với thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện tiếp tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Văn Linh đưa đất nước vững vàng đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là những lẳng hoa tươi đẹp nhất của chúng ta kính dâng lên đồng chí Nguyễn Văn Linh nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí.
Phan Văn Khải
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị
Nguyên Thủ tướng Chính phủ
* Đồng chí Nguyễn Văn Linh, người suốt đời phấn đấu vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng
* Đồng chí Nguyễn Văn Linh với sự nghiệp đấu tranh cách mạng ở Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và trong thời kỳ đầu xây dựng, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh
* Đồng chí Nguyễn Văn Linh với Sài Gòn - Gia Định, thành phố Hồ Chí Minh
* Bài học về mối quan hệ Đảng-Dân từ "Những việc cần làm ngay" của Đồng chí Nguyễn Văn Linh
* Mẩu chuyện nhỏ về đồng chí Nguyễn Văn Linh
* Tư tưởng “Dân là gốc” và bài học tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
* Nhớ mãi người anh, người thầy: Nguyễn Văn Linh
* Đồng chí Nguyễn Văn Linh- Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tận tụy, mẫu mực, thân thương của cách mạng miền Nam và Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh
* Triển lãm ảnh “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo”
* Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Hành trình cùng nhân dân và đổi mới
* Đồng chí Nguyễn Văn Linh – học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời gắn bó máu thịt với Đảng bộ và Nhân dân thành phố mang tên Bác Hồ
* Khai mạc Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng miền Nam, với Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và TPHCM”