Thứ Ba, ngày 14 tháng 1 năm 2025

Nhớ mãi người anh, người thầy: Nguyễn Văn Linh

Các đồng chí Trung ương Cục miền Nam trên đường vượt Trường Sơn ra Hà Nội họp tháng 4-1973. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phó bí thư Trung ương Cục, trưởng đoàn (thứ tư từ trái sang). (Ảnh tư liệu)

Năm 1993, tôi được điều về làm trợ lý cho đồng chí Nguyễn Văn Linh, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Được biết anh từ lâu, được gần anh nhiều năm lúc công tác ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục rồi Văn phòng Trung ương Cục miền Nam (lúc đó anh làm Bí thư Trung ương Cục kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn) nhưng những năm sau này, (từ năm 1993 đến ngày anh qua đời 27/4/1998) làm việc trực tiếp hàng ngày với anh, tôi mới hiểu anh nhiều hơn và học rất nhiều ở anh.

Nói hiểu anh nhiều hơn, nhưng thật ra, với tầm nhận thức hạn chế của mình, tôi không sao thấy hết và đánh giá đúng mức tầm nhìn chiến lược và những đóng góp của anh trong gần 70 năm hoạt động cách mạng. Ôn lại lịch sử cách mạng của Đảng ta những thập kỷ gần đây không ai quên được những chủ trương, việc làm rất quyết đoán, đầy tính sáng tạo của anh khi chủ trì Xứ ủy Nam bộ trong những năm cực kỳ gian khổ của miền Nam sau Hiệp định Giơnevơ, khi anh làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, khi anh làm Tổng Bí thư Đảng khóa VI. Khởi xướng rồi thực hiện tư duy đổi mới, anh đã cùng Trung ương Đảng có những quyết sách về kinh tế, xã hội, quân sự, đối ngoại… sáng suốt không những đã giữ đất nước ta ổn định mà còn phát triển lúc thế giới rối loạn trước sự kiện Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa không còn nữa. Chính anh đã chủ trì soạn thảo và thông qua "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" đến nay vẫn còn giữ được giá trị sâu sắc.

Ở gần anh, nhận thức của tôi đã được nâng lên rất nhiều. Dưới đây xin ghi lại những điểm tôi tâm đắc nhất.

Chăm sóc, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Anh thường nhắc: Phải hết sức chăm sóc và đào tạo cán bộ vì cán bộ là vốn quý của Đảng. Phải có quy hoạch và kế hoạch bồi dưỡng lâu dài. Mỗi chức danh cán bộ lãnh đạo hay quản lý phải có hai đến ba cán bộ dự bị cho chức danh đó. Sau một thời gian giao việc, bồi dưỡng, nên đánh giá lại xem ai xứng đáng hơn. Có thể người chọn trước là dự bị 3 nay vươn lên vị trí số 1. Việc chuẩn bi đội ngũ cán bộ kế thừa phải là việc làm thường xuyên, lâu dài, chủ động có kế hoạch chớ không ngẫu hứng chờ đến Đại hội mới đốt đuốc đi tìm người.

Trong việc chuẩn bị cán bộ kế thừa phải chú ý cán bộ trẻ. Cần có cái nhìn khoáng đạt, không định kiến với họ, không nên cầu toàn, đòi hỏi phải có kinh nghiệm đầy đủ và chững chạc như người lớn tuổi. Trẻ thì bồng bột có khi xốc nổi nhưng được học nhiều, năng nổ, táo bạo, nhạy bén với cái mới hơn. Điểm nào khiếm khuyết ở họ nên bổ sung, giúp khắc phục chớ không nên chê bai rồi không dùng.

Trong bồi dưỡng cán bộ phải chú ý giúp cán bộ phát triển toàn diện. Cán bộ có trình độ lý luận nên đưa đi công tác thực tiễn để rèn luyện trong phong trào, vận dụng các kiểu đã học vào công tác thực tế. Không chỉ là cán bộ lãnh đạo hay quản lý mà cả cán bộ giảng dạy ở các trường cũng phải được bồi dưỡng trong thực tiễn công tác. Có như thế, bài giảng sẽ sinh động, dễ hiểu và thiết thực hơn. (Bản thân tôi là cán bộ giảng dạy ở trường Đảng, được anh phân công đi công tác phong trào, trực tiếp làm Bí thư chi bộ xã với yêu cầu phải xây dựng chi bộ có thể độc lập công tác mới được về giảng dạy). Cán bộ có nhiều kinh nghiệm thực tế, ít được học tập, anh chủ trương rút về bồi dưỡng lý luận chính trị. Các lớp học được bố trí một số thời gian nhất định của chính khóa cho các học viên báo cáo thực tế việc đã làm ở địa phương. Qua đó, cả thầy và trò cùng "tổng kết" rút ra những kinh nghiệm bổ ích cho công tác sau này.

Trong việc bồi dưỡng cán bộ, ngoài bổ sung, rèn luyện các mặt đức tài, lý luận và thực tiễn, anh thường đặt vấn đề, (trong bức thư tự tay anh viết cho Hội nghị Trung ương lần tư khóa VIII, 4 tháng trước khi anh qua đời cũng nhắc lại) là nên luân chuyển cán bộ, rút cán bộ từ địa phương về Trung ương, đưa cán bộ từ Trung ương về địa phương công tác, đổi vùng hoạt động cho cán bộ. Một cán bộ làm Bí thư, Chủ tịch tỉnh này có thể đổi sang tỉnh khác cũng làm nhiệm vụ đó. Cán bộ lãnh đạo một tỉnh trong Nam có thể chuyển đổi ra hoạt động ở một tỉnh miền Trung hay miền Bắc và ngược lại. Làm như thế, theo anh, cán bộ sẽ có kiến thức toàn diện hơn, năng nổ và sáng tạo hơn trong hoạt động thực tiễn. Đây là biện pháp quan trọng để cán bộ tránh lối mòn cũ trong công tác, tránh gia trưởng, cục bộ địa phương. Từ Trung ương về địa phương, đồng chí được điều đến sẽ thông cảm địa phương hơn trong việc chấp hành các ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Từ địa phương về Trung ương, đồng chí sẽ có cái nhìn toàn cục giúp đề ra cho cấp dưới những chủ trương và biện pháp sâu sát thích hợp hơn.

Cũng từ quan niệm phải có cán bộ quy hoạch kế thừa, mạnh dạn trao nhiệm vụ cho cán bộ trẻ, anh thường đề nghị và nhắc cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp không nên đảm nhiệm quá lâu một chức vụ, càng không giữ chức vụ đó suốt đời.

Anh đã nói và bản thân đã làm đúng như thế. Năm 1992, sau một nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, anh đã xin rút, không ứng cử làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ nữa. Và sau đó, đến tháng 12/1997, anh đã viết thư đề nghị Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa VIII) xin thôi giữ chức Cố vấn.

Báo chí – vũ khí sắc bén của cách mạng

Anh rất siêng đọc báo và đọc rất nhiều báo. Nói đến tầm quan trọng của báo chí, anh thường nhắc đến Bác Hồ. Anh nói: Bác là người thấm sâu quan điểm của Lênin, biết sử dụng nhạy bén báo chí cách mạng, xem đó là "người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức tập thể" rất quan trọng, giúp đánh thức tinh thần yêu nước, chống bất công, chống áp bức bóc lột, hướng dẫn quần chúng hành động, đấu tranh xây dựng cuộc sống mới.

Trong kháng chiến, anh rất quan tâm đến tổ chức và chỉ đạo công tác báo chí. Ở chiến khu thời chống Mỹ, dù hoàn cảnh ăn, ở, làm việc rất khó khăn, thiếu thốn mọi phương tiện anh vẫn chủ trương xuất bản báo viết, báo Nhân dân miền Nam, báo Giải phóng, tạp chí lý luận Tiền phong và phát triển báo nói – Đài phát thanh giải phóng. Do điều kiện của ta, báo chí với số lượng ít, không có điều kiện phát hành rộng rãi, anh chỉ thị một mặt duy trì báo Giải phóng (sau này báo Nhân dân nhập chung với báo Giải phóng), tạp chí Tiền phong, mặt khác tăng cường phóng viên, biên tập viên của báo viết cho đài, sử dụng trên đài tất cả những bài đã đăng hoặc chưa đăng trên báo viết.

Với báo xuất bản công khai ở thành phố Sài Gòn, anh chủ trương phải theo thật sát, nắm tình hình qua tin từ các báo này, khai thác, sử dụng để viết tin bài cho báo và đài của ta. Các đồng chí hoạt động bí mật ở thành phố cần tranh thủ viết cho báo công khai, khéo léo tuyên truyền cho cách mạng, cho chính nghĩa Mặt trận dân tộc giải phóng, phê phán những hành động và âm mưu của Mỹ - ngụy khủng bố, cướp bóc đồng bào, chống lại cách mạng.

Để báo chí cách mạng làm tròn vai trò người tuyên truyền, cổ động và tổ chức tập thể, anh luôn nhắc mỗi tờ báo, mỗi người viết báo phải luôn ghi tạc vào lòng và làm đúng lời dạy của Bác Hồ: Viết cho ai? Viết nội dung gì? Viết như thế nào?

Đối tượng chính của báo chí cách mạng là quần chúng nhân dân, trước hết là người lao động. Trong đồng bào ta, nhiều người đọc còn khó khăn, đọc chậm, có người ít hiểu danh từ chính trị. Do đó, các bài báo nên viết dễ hiểu theo gương Bác Hồ. Chữ in nên to, dễ đọc. Bài viết phải ngắn gọn để bà con hiểu được, làm được. Các vấn đề viết ra nên xác thực, cụ thể, có địa chỉ hẳn hoi, không được bịa ra và phải có chọn lọc. Dân đọc thấy đúng thì sẽ tin chúng ta, từ đó củng cố lòng tin ở cách mạng, ở Đảng.

Tin phát trên đài cũng thế, phải ngắn gọn. Ngoài ra cần chọn người đọc rõ ràng, chậm rãi để bà con dễ nghe. Đừng vì sợ tốn giấy lo không đăng hết tin, bài hay sợ không phát hết tin trong thời lượng quy định rồi in chữ nhỏ, dày đặc hay phát thanh quá nhanh, bà con khó đọc, khó nghe. Thà tin ít, bà con đọc được, nghe được, hiểu được tốt hơn là phải đọc nhiều, nghe nhiều nhưng không hiểu được ý của ta.

Báo đài cách mạng không những đưa tin, triển khai chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, phát huy gương người tốt, việc tốt mà còn phải phê phán những việc làm không đúng, những người làm sai, vạch rõ những tệ nạn quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, hối lộ, ức hiếp dân lành… Chống tiêu cực, phê phán việc làm sai trái phải đúng người, đúng tội, có chứng cứ rõ ràng, không nên quy chụp, suy đoán. Phê phán đúng, dân đồng tình, dân sẽ tin và ủng hộ Đảng và Nhà nước. Phê phán đúng không sợ địch lợi dụng chống lại ta. Tuyệt đối không được "tô hồng" cho cái gì của ta cũng là tốt đẹp cả. Cũng không được "bôi đen" cho cái gì cũng hư hỏng, xấu xa. Làm nhà báo cách mạng phải trung thực và có cái tâm trong sáng, sử dụng đúng ngòi bút của mình: "diệt cỏ dại và nhân các giống hoa thơm" vì lợi ích cách mạng và hạnh phúc của nhân dân.

Để tờ báo đứng vững và phát huy đúng vai trò của mình, anh thường nhắc nhở: điều cốt yếu của báo là phải có nhiều người đọc. Báo phải tự nuôi sống, không nên sống nhờ bao cấp, cũng không nên chạy theo quảng cáo rồi nặng đăng quảng cáo mà phải sống bằng số lượng báo phát hành. Báo không nên tặng, biếu nhiều mà phải bán. Người đọc có bỏ tiền mua báo mới đọc kỹ. Để được nhiều người chịu mua về đọc, báo phải nâng cao chất lượng của mình bằng nội dung phong phú, tin tức xác thực. Bài vở phải hấp dẫn ở tính giáo dục sâu sắc chứ không phải chạy theo thỏa mãn thị hiếu tò mò ở một số người. Tuyệt đối không đưa tin "giật gân", tin nội bộ, làm lộ bí mật của Đảng và Nhà nước, xâm phạm đến đời tư người khác nhằm lôi kéo người mua báo.

Để đảm bảo có tin kịp thời, sâu sắc, phục vụ tốt yêu cầu bạn đọc, Tòa soạn nên tổ chức rộng rãi mạng lưới đội ngũ cộng tác viên ở khắp nơi trong các đơn vị cơ quan, công ty, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, đơn vị bộ đội, xã phường, và mạnh dạn sử dụng các nhà báo không chuyên này. Tuy nghề nghiệp họ yếu nhưng họ có các mặt mạnh là sát cơ sở, có mặt kịp thời ở các nơi xảy ra sự việc. Trong việc sử dụng các cộng tác viên, Tòa soạn nên tạo điều kiện thuận lợi cho họ viết, nên yêu cầu ta cần biết, cố gắng sử dụng các tin bài của họ gửi về, vì người viết khi gửi bài luôn thấp thỏm lo sợ bài có đến tay Ban biên tập không, có được sử dụng không?

Với mạng lưới cộng tác viên đông đảo, Tòa soạn báo có lợi thế là biên chế gọn nhẹ, không nhiều người ở Tòa soạn nhưng tay bút lại nhiều, có mặt ở khắp nơi. Cộng tác viên có tin bài, được báo biếu sẽ trân trọng tờ báo, vô hình trung trở thành cổ động viên tích cực, làm tăng lượng độc giả cho tờ báo.

Bảo vệ an ninh và tự bảo vệ

Trong gặp gỡ nói chuyện với cán bộ, bàn về công tác bảo vệ, anh thường nói: "Cách mạng phải luôn tự bảo vệ, các đồng chí từ lãnh đạo đến đảng viên đều phải biết tự bảo vệ". Phải nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc bí mật. Phải chặt chẽ trong mọi hoạt động của mình, không được sơ hở để lộ bí mật của Đảng, làm thiệt hại, tổn thất cho cách mạng. Phải luôn đề cao cảnh giác cách mạng trong mọi việc, từ ăn ở, sinh hoạt, công tác hàng ngày, trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh, lúc công tác khó khăn hay thuận lợi, lúc ở căn cứ chiến khu cũng như lúc hoạt động trong lòng địch.

Các đồng chí công tác ở vùng tạm chiếm nếu lơi lỏng cảnh giác để bị bắt, dù giữ vững khí tiết cách mạng cũng là có lỗi với Đảng. Có lỗi vì đã gây tổn thất cho cách mạng. Đảng bộ vừa mất một đồng chí hoạt động, vừa phải lo cho sinh mạng đồng chí bị bắt, vừa phải lo bảo tồn cơ sở đề phòng địch có thể mò ra bắt bớ. Đồng chí thường nhắc: trong bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ quan, phải có căn cứ an toàn, phải có hầm bí mật cho người và tài liệu, nhưng căn cứ an toàn nhất là lòng dân.

Rừng cây, địa hình hiểm trở, hầm bí mật…có thể che mắt quân thù nhưng vẫn là vật chết. Con người là vốn sống. Nhân dân đã hiểu rõ cách mạng sẽ sẵn sàng chết để bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ và có rất nhiều sáng kiến. Ngoài việc che giấu cán bộ, dân còn có khả năng đánh lạc hướng quân thù. Muốn tự bảo vệ, cách hay nhất không phải là sống tách biệt với nhân dân mà phải sống có tình nghĩa trong lòng nhân dân.

Cũng chính từ quan điểm này, khi đi công tác xa, anh chủ trương không có xe "tiền hô hậu ủng", hụ còi để các phương tiện khác né tránh, nhường đường. Anh cũng chủ trương không đi máy bay chuyên cơ mà đi chung với hành khách. Theo anh, như thế vừa đỡ lãng phí tiền của nhà nước, công sức của công an theo bảo vệ, vừa không lộ liễu mục tiêu dễ cho kẻ xấu tấn công vào, vừa không làm phiền dân, tạo sự cách biệt giữa cán bộ lãnh đạo và nhân dân.

Nhân đây xin nhắc lại một chuyện nhỏ về vấn đề bảo vệ anh khi anh đi công tác. Một lần đi công tác ở miền Tây Nam Bộ, anh báo cho tôi biết trước hai ngày. Đi công tác xa nhưng anh quy định chỉ được đi hai xe: một xe của anh có đồng chí bảo vệ và lái xe, một xe cho bác sĩ, đồng chí cần vụ và tôi. Chúng tôi rất lo: nếu chuyến đi suôn sẻ thì không sao, nếu một trong hai xe nổ lốp hay gặp sự cố khi đi đường thì rắc rối. Không ở lại xử lý thì không được. Cả hai xe cùng ở lại thì bất tiện trong việc bảo vệ anh. Để một xe ở lại, một xe đưa thủ trưởng tiếp tục đi thì xe chạy đơn độc, không ai theo bảo vệ. Biện pháp chúng tôi thống nhất là: báo cho trung đoàn bảo vệ biết để cử vài đồng chí cùng đi với đoàn, các đồng chí mặc thường phục, đi xe mang biển số tư nhân, chạy theo xe chúng tôi nhưng ở khoảng cách vừa phải. Khi bất trắc thì tiến lên can thiệp. Trong chuyến đi này, lần đi thì suôn sẻ. Khi về qua phà Hậu Giang, Tỉnh ủy đã bố trí riêng một phà nhỏ để đoàn được đi ngay. Xuống phà, ngoài hai xe của đoàn chúng tôi, phải cho xe của đội bảo vệ cùng xuống phà vì nếu để xe bảo vệ chờ xếp hàng qua phà, xe chúng tôi đi quá xa, xe bảo vệ không tài nào đuổi kịp.

Xe xuống phà, anh nhìn thấy xe bảo vệ, anh hỏi tôi ngay: "Xe ai đây?" Tôi thật thà trả lời: "Xe của đội bảo vệ". Anh nghiêm giọng: "Khi đi tôi chỉ nói riêng với anh thôi. Sao lại có bảo vệ?" Tôi đáp: "Trách nhiệm của anh em là phải theo để đề phòng có bất trắc dọc đường. Anh em đi xe biển số tư nhân, mặc thường phục. Xe không có còi hụ. Đến địa phương anh em tự túc, không phiền gì cho Tỉnh ủy và Đoàn của ta". Anh yên lặng không nói gì nhưng tôi biết anh không hài lòng vì anh không muốn làm phiền anh em bảo vệ.

Đến tỉnh công tác, anh thường đi xuống xã không do tỉnh bố trí, vào nhà dân bất chợt để gặp cô bác nói chuyện. Một lần anh ghé nhà một bác nông dân lớn tuổi đang xếp củi ở ngoài sân. Thấy xe ghé ở bên đường, một số người tò mò đến định vào xem ai đến và làm gì. Một chiến sĩ công an của tỉnh đi theo bảo vệ đã chặn người đến trông rất căng thẳng. Anh nhìn thấy cau mày không nói gì, nhưng khi về cơ quan, anh cho mời đồng chí công an đó đến và nói: “Đồng chí có nhớ sáu lời Bác Hồ dạy về tư cách cán bộ, chiến sĩ công an không? Có nhớ lời Bác là "Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép". Bản chất công an của ta là công an nhân dân khác hẳn cảnh sát, công an đế quốc và ngụy quyền. Chúng hống hách, hiếp đáp dân. Ta phải lễ phép, kính trọng và bảo vệ dân. Ta phải lễ phép, kính trọng dân vì ta, như Bác Hồ thường dạy, là người lãnh đạo nhưng lại là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Nhân dân là gốc của nước. Đồng chí bảo vệ tôi là tốt nhưng trong bảo vệ phải chú ý từ cách ăn nói đến thái độ phải lễ phép, hòa nhã để dân đồng tình chớ xua đuổi, ngăn cản một cách thô bạo như buổi chiều không phải là cách tốt đâu”!

Viết, nói, làm theo gương Bác Hồ

Tuy không được ở gần Bác Hồ, được Bác trực tiếp dạy dỗ và rèn luyện, nhưng anh luôn học hỏi, noi gương và làm theo lời Bác xứng đáng là một học trò xuất sắc của Bác Hồ.

Anh học ở Bác đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Học ở Bác tấm lòng yêu nước, thương dân, lo lắng suy nghĩ đến đời sống của dân, làm sao cho dân no ấm, hạnh phúc… Học tác phong sâu sát, thực tế gắn bó với quần chúng, lắng nghe ý kiến từ nhiều người với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật. Học tinh thần kiên quyết, thẳng thắn đấu tranh chống những thói hư tật xấu, thoái hóa, quan liêu, biến chất, ức hiếp, nhũng nhiễu nhân dân, tham ô, hối lộ. Học cách viết, cách nói ngắn gọn, dễ hiểu nhưng nội dung rất sâu sắc, thâm thúy của Bác.

Về viết: Anh học Bác cách viết ngắn gọn, đề cập vấn đề gì cũng rõ ràng, khúc chiết và có ý kiến giải quyết cụ thể. Trong một loạt bài "Những việc cần làm ngay" đăng trên báo Nhân Dân, anh ký tên N.V.L được giải thích là Nói và Làm. Đã nói phải làm, như thế nào phải làm đúng như đã nói. Nên nói ít nhưng làm nhiều nhưng nói ba hoa rồi không làm, nói nhiều làm ít, hứa hươu hứa vượn để lấy tiếng. Những bài viết ngắn gọn này, viết dễ hiểu, nêu vấn đề rõ ràng, cách giải quyết cụ thể rất hấp dẫn người đọc và được rất nhiều người hoan nghênh.

Về nói: Anh thường nói nôm na, dễ hiểu, có những ví dụ cụ thể, có hình tượng để minh chứng những lời diễn giải của mình.

Thời anh làm Tổng Bí thư, khi tiến hành đổi mới bắt đầu bằng đổi mới tư duy, trước hết trong kinh tế, chống cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp… tôi hỏi anh sao đã thấy rõ nguyên nhân trì trệ, chủ quan, bảo thủ, ta không đổi mới triệt để, giải quyết tận gốc vấn đề, đưa kinh tế - xã hội nước ta phát triển nhanh hơn. Anh trả lời phải đi từng bước vững chắc. Con bệnh nằm liệt giường đang điều trị, chưa ăn được, phải bón từng thìa súp. Sau đó khá lên sẽ ăn cháo rồi ăn cơm. Khi ngồi dậy được rồi cũng phải đi từng bước. Làm sao có thể bắt một bệnh nhân đang ốm nặng ngồi dậy và chạy ngay được.

Về các bài phê phán tiêu cực trong mục "Những việc cần làm ngay", tôi hỏi sao trong các bài này anh thường nêu những việc tiêu cực, anh trả lời: các báo cáo và báo chí ta thường xuyên nêu những việc làm được, làm tốt, có khi còn tô hồng, ít nói và chưa dám nói thẳng các tiêu cực. Cái tốt cần phải phát huy, những cái xấu cũng phải phê phán. Trồng lúa phải bón phân nhưng cũng phải nhổ cỏ dại. Chỉ có bón phân, không nhổ và diệt cỏ dại, cỏ dại phát triển mạnh lấn át cây lúa. Cuối cùng năng suất sẽ giảm sút. Việc bón phân của ta sẽ trở thành vô bổ.

Lần khác, tôi hỏi anh sao không làm như Liên Xô, công khai hóa tất cả chủ trương, nghị quyết, những gì Đảng đang bàn bạc, suy tính, những ưu điểm và khuyết điểm đã qua của Đảng, Nhà nước ta để dân biết, dân góp ý, tham gia ý kiến và như thế mới thật sự dân chủ. Anh trả lời: Các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước nhất thiết phải phổ biến rộng rãi để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Nhưng đâu phải tất cả những bí mật trong nội bộ Đảng và Nhà nước đều đưa ra công khai trước toàn xã hội. Việc gì cần nói, đến lúc nào nên nói, lúc đó ta sẽ công bố. Ví dụ, em bé hỏi mẹ: "Mẹ ơi! Con ở trong bụng mẹ, con ra chỗ nào mẹ nhỉ?" Thế thì ta trả lời sao? Nói thật cho con biết ư khi con mới lên 4 tuổi?

Trong quá trình đổi mới, mở cửa trong quan hệ đối ngoại, phát triển kinh tế nhiều thành phần, thực hiện cơ chế thị trường, có tình hình những sản phẩm văn hóa đồi trụy, tư tưởng thực dụng và tự do chủ nghĩa kiểu phương Tây thâm nhập vào và có chiều hướng lan rộng ra.

Trước băn khoăn của một số đồng chí. Anh nói: Mở cửa để tránh ngột ngạt, nóng bức thì được gió mát. Tất nhiên khi mở cửa, ruồi muỗi cũng theo đó mà tràn vào. Vấn đề không phải là đóng cửa trở lại mà là ngăn chặn, diệt ruồi muỗi. Phải có lưới để vừa có gió mát, vừa cản được ruồi muỗi.

Trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí xa hoa, tham nhũng hối lộ, anh thường nhắc đến vai trò đầu tàu gương mẫu của cán bộ. Anh nói muốn tiết kiệm chống lãng phí xa hoa, các cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu. Xe lửa có đầu tàu, đầu tàu chuyển động sẽ kéo theo các toa cùng chạy theo. Đầu tàu cứ kéo còi, xịt khói mà nằm im làm sao các toa nhúc nhích được.

Về chống tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, anh nói: Nhà dột từ nóc, không sửa lại mái nhà thì nước mưa từ nóc đổ xuống, quét mãi cũng không hết được.

Những cách giải thích có ví dụ, có hình ảnh minh họa cụ thể như thế chính là phong cách anh đã học ở Bác Hồ.

Tô Bửu Giám

Nguyên Trợ lý của Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Văn Linh

* Đồng chí Nguyễn Văn Linh- Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tận tụy, mẫu mực, thân thương của cách mạng miền Nam và Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh

* Triển lãm ảnh “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo”

* Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Hành trình cùng nhân dân và đổi mới

* Đồng chí Nguyễn Văn Linh – học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời gắn bó máu thịt với Đảng bộ và Nhân dân thành phố mang tên Bác Hồ

* Khai mạc Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng miền Nam, với Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và TPHCM”


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo