Thứ Tư, ngày 15 tháng 1 năm 2025

Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Hành trình cùng nhân dân và đổi mới

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với các đại biểu dự Đại hội Đảng 6 - Đại hội "Đổi mới" của Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15-18/12/1986, với chủ đề: "Hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để". (Ảnh: TTXVN)

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta nhớ về một nhà lãnh đạo kiên trung, học trò xuất sắc của Bác Hồ, đã có những cống hiến quan trọng trong hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là trong thời kỳ đầu đổi mới đất nước, để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước và thành phố Hồ Chí Minh.

Với quá trình hoạt động gần 70 năm, địa bàn hoạt động trải rộng khắp ba miền, nhiều năm lăn lộn ở địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh vào những thời điểm khó khăn, thử thách; ý chí, bản lĩnh của nhà lãnh đạo được tôi luyện, luôn một lòng vì nước, vì dân, sáng ngời phẩm chất cao quý mà từ nhiều góc nhìn chúng ta thấy tự hào và cảm phục.

Sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình yêu nước, quê gốc ở Hưng Yên, 4 tuổi mồ côi cha, 7 tuổi mồ côi mẹ, với một tuổi thơ đầy cơ cực, gian truân, đồng chí đã quyết chí học hành và sớm tham gia cách mạng từ năm 1930. Một lần cùng tổ Học sinh Đoàn rải truyền đơn ở Hải Phòng, đồng chí bị bắt, rồi bị kết án chung thân khi mới 15 tuổi. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí bị địch bắt giam hai lần với hơn 10 năm bị đày ra Côn Đảo, nhà tù thực dân cũng chính là trường học, hun đúc thêm chí khí và niềm tin vào lý tưởng cao đẹp.

Hơn nửa cuộc đời gắn bó với miền Nam, lúc bưng biền, khi vào nội thành hoạt động, luôn sát cánh cùng đồng bào, chiến sĩ xây dựng phong trào và lực lượng cách mạng. Trên cương vị quyền Bí thư Xứ ủy Nam bộ rồi Bí thư, phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã tham gia hoạch định chiến lược để tiến lên giành quyền làm chủ. Để tạo bước chuyển mạnh về thế và lực, đồng chí đã dựa vào dân, chăm lo xây dựng phong trào chính trị gắn với xây dựng lực lượng vũ trang, đẩy mạnh diệt ác phá kiềm, mở rộng vùng giải phóng. Khi làm Bí thư Thành ủy, Đặc khu ủy, đồng chí luôn quan tâm xây dựng lực lượng nòng cốt trong công nhân, lao động, nhấn mạnh công tác binh vận và vận động trí thức, thực hiện phương chăm “hai chân, ba mũi”. Đồng chí cho rằng, đơn thuần dùng lực lượng vũ trang là không phù hợp với Sài Gòn. Ở đây phải vừa tiến công quân sự, đặc công, biệt động gắn với phong trào quần chúng, đặc biệt là sinh viên, học sinh...Sau đợt 1, tổng tiến công Tết Mậu Thân, đồng chí Nguyễn Văn Linh và một số đồng chí đề nghị không nên tiếp tục đánh vào thành phố, thị xã, thị trấn mà quay về củng cố vùng giải phóng đã được mở rộng. Thực tế chiến trường đã cho thấy sự đúng đắn của ý kiến này.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khi được phân công phụ trách cải tạo công thương nghiệp, đồng chí cho rằng yêu cầu lớn nhất là ổn định chính trị, phát triển kinh tế và chăm lo đời sống nhân dân. Ở vùng đất đã sống với kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa như thành phố này, việc tiến hành cải tạo như thế nào là phải xem xét bước đi cho phù hợp với thực tế và quy luật để phát triển. Trong hai cuộc kháng chiến, Sài Gòn chỉ có 29 ngày độc lập, còn lại trên 100 năm là thuộc địa của thực dân, đế quốc với nền kinh tế thị trường. Vì vậy, đồng chí đề nghị cải tạo tư sản mại bản trước, còn đối với các hộ tư sản, tư thương nên để cho họ tiếp tục kinh doanh theo đúng luật pháp nhà nước. Rồi sau này khi các tổ chức quốc doanh ta vững mạnh, ta sẽ liên doanh với họ, hướng họ đi vào con đường tư bản nhà nước. Ý kiến đó không được chấp thuận. Tình hình ngày càng khó khăn, người dân thiếu ăn, nhà máy thiếu nguyên nhiên liệu, đất nước đối mặt với những biến động “giá-lương-tiền”.... Để tháo gỡ, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng Thành ủy đi sâu sát, lắng nghe, đỡ đầu cho những sáng kiến từ cơ sở, tìm cách “cởi trói”, “bung ra”.... Cách làm của thành phố có lúc bị phê phán là chạy theo kinh tế thị trường, phát triển “chủ nghĩa tư bản”. Bấy giờ, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã kiên trì tranh thủ sự lãnh đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị. “Sự kiện Đà Lạt” diễn ra vào giữa tháng 7 năm 1983 còn ghi, đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh đã đưa một số lãnh đạo các cơ sở sản xuất kinh doanh của thành phố lên Đà Lạt báo cáo cho các đồng chí trong Bộ Chính trị, có đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công... trực tiếp nghe tình hình và sau đó các đồng chí đã về thành phố kiểm tra tính xác thực tại các cơ sở. Thực tiễn sinh động đã giúp các đồng chí lãnh đạo thấy rõ phải dứt khoát bỏ cơ chế cũ, xây dựng và thực hiện đường lối đổi mới.

Những bài học từ thời đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn làm cho các thế hệ lãnh đạo thành phố hết sức tâm đắc, đó là phải sâu sát với thực tiễn, bởi thực tiễn đã chỉ ra những cách làm đúng. Từ những cái mới, cái sáng tạo được đúc rút từ thực tiễn phải được nhận thức, phân tích, khái quát thành quan điểm, chủ trương, chuyển thành nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Theo đồng chí, việc hình thành đường lối đổi mới là một quá trình, từ đổi mới tư duy, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế...với phương chăm “thận trọng, đi từng bước vững chắc, đúng liều lượng”. Cái cũ, cái mới trong cuộc sống lúc đầu còn lẫn lộn, nếu không thận trọng dễ bị rối loạn không kiểm soát được tình hình. Khi đi vào đổi mới, xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, Đảng phải quan tâm theo dõi, lãnh đạo uốn nắn không để tự phát đi vào chế độ tư bản, chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Phải có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng một cách phù hợp.

Đồng chí luôn nhắc nhở, trong quá trình đổi mới, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến khó lường, phải quan tâm công tác xây dựng Đảng. Lãnh đạo các cấp ủy Đảng phải vững vàng về chính trị và có bản lĩnh chính trị, phải lãnh đạo tư tưởng, phải không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, không được chủ quan, duy ý chí, làm trái quy luật sẽ trả giá đắt. Với đồng chí Nguyễn Văn Linh, khi tiến hành công cuộc đổi mới ở bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống xã hội, cần phải chuẩn bị trước về cơ sở lý luận. Thông qua phương pháp thử nghiệm xã hội với các mô hình, ở các địa phương khác nhau, chọn lọc những nhân tố phù hợp với quy luật, được cuộc sống chấp nhận sẽ triển khai thực hiện ở quy mô đại trà. Trong công tác cán bộ, đồng chí cho rằng, phải lấy việc đổi mới cách nghĩ, cách làm sao cho phù hợp với yêu cầu giải phóng năng lực sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, khơi dậy được tính chủ động, quyền làm chủ của nhân dân...mà đánh giá sử dụng cán bộ. Trong đấu tranh chống tiêu cực đồng chí nhắc “pháp chế xã hội chủ nghĩa kết hợp với sức mạnh của dư luận quần chúng để đấu tranh chống tiêu cực”, không bỏ ngoài tai ý kiến của quần chúng.

Bản thân đồng chí là con người đấu tranh có tính nguyên tắc, cho dù có lúc ra khỏi Bộ Chính trị (khóa V), đồng chí đã không thể hiện thắc mắc ai, tranh thủ cá nhân nào hay làm điều gì không có lợi cho Đảng. Để người khác hiểu mình, theo đồng chí chính là phải kiên trì, là sự thuyết phục bằng thực tiễn, việc làm và phẩm chất của người Cộng sản. Đồng chí đã tìm lại lòng tin của dân đối với Đảng từ những điều đơn giản nhất: Nói đi đôi với làm. Khi nhận chức Tổng Bí thư, đồng chí đã bỏ việc dùng chuyên cơ khi không cần thiết, không cho xe hụ còi dẹp đường khi đi lại trong thành phố, tự tay duyệt danh sách cán bộ đi kèm khi đi công tác nước ngoài...

Đồng chí Nguyễn Văn Linh gắn bó với thành phố Hồ Chí Minh, là Thành ủy viên của thành phố từ thời Nam kỳ khởi nghĩa lúc đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai làm Bí thư và cũng chính thành phố này đã tạo môi trường, kinh nghiệm hoạt động cho đồng chí. Đồng chí, đồng bào thành phố quý trọng, thương yêu và đánh giá cao đồng chí Nguyễn Văn Linh - một nhà lãnh đạo có tâm, có tài và luôn hướng đến sự mẫu mực. Cũng có một số đồng chí dưới quyền cho rằng, có khi đồng chí có nổi nóng, đối xử không thật công bằng nhưng rồi có hồi tâm và có sửa. Cho dù như vậy, đồng chí vẫn là một con người sống rất thật giữa chúng ta, đồng chí chính là tấm gương liêm khiết, với cả một cuộc đời đầy thử thách, đầy sóng gió. Đồng chí để lại cho chúng ta những bài học đáng giá về đấu tranh giành chính quyền và đổi mới để phát triển. Đồng chí là con người sống trung thực, thẳng thắn, không phô trương - hình thức, nói và làm đi đôi. “Những việc cần làm ngay”, phải “tự cứu mình trước khi trời cứu” thể hiện sự chủ động, tính quyết đoán và tư tưởng tiến công cách mạng.

Chân lý là cụ thể. Trong bước ngoặc lịch sử, để thoát ra hoàn cảnh hiểm nghèo, đổi mới hay là chết, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thể hiện sự dám nghĩ, dám làm, một khi đã thấy cái cũ không còn phù hợp, cản trở thì kiên quyết thay đổi. Còn đổi mới thế nào thì sẽ có lời giải qua thực tiễn. Chính thực tiễn năng động, sáng tạo của thành phố đã góp phần hình thành đường lối đổi mới và hoàn thiện dần cơ chế quản lý kinh tế - xã hội.

Đại hội XII của Đảng đang đến gần, một đại hội đang được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. Phải đổi mới để tiến lên, để phát triển nhanh và bền vững. Những bài học từ thời kỳ đầu của đổi mới, từ thời đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn đang thôi thúc chúng ta.

Căn cơ mà không giáo điều, sách vở. Thận trọng mà dám quyết. Nghiêm khắc mà chân tình. Một nhà lãnh đạo đã để lại một hình ảnh đẹp trong cuộc hành trình đi cùng lịch sử dân tộc và thành phố Hồ Chí Minh, để lại dấu ấn trong thời khắc có tính bước ngoặt.

Quê hương Hưng Yên đã dựng Tượng đài ông. Thành phố Hồ Chí Minh dành con đường lớn, đẹp mang tên ông. Đồng chí, đồng bào thành phố Hồ Chí Minh mãi nhớ về ông - chân dung của một nhà lãnh đạo của thời đại Hồ Chí Minh, một Tổng Bí thư của Đảng, một Bí thư Thành ủy đầy bản lĩnh, kiên cường và sáng tạo, một con người mang tên Nguyễn Văn Linh.

* Triển lãm ảnh “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo”

* Đồng chí Nguyễn Văn Linh – học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời gắn bó máu thịt với Đảng bộ và Nhân dân thành phố mang tên Bác Hồ

Phạm Phương Thảo

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo