Thứ Tư, ngày 15 tháng 1 năm 2025

Đồng chí Nguyễn Văn Linh – học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời gắn bó máu thịt với Đảng bộ và Nhân dân thành phố mang tên Bác Hồ

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu tại Đại hội Đảng 6 - Đại hội “Đổi mới” của Việt Nam năm 1986. (Nguồn: TTXVN)

Trải qua gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã hiện diện ở nhiều địa phương khắp mọi miền của đất nước, trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau, đã để lại những dấu ấn lịch sử không thể mờ phai, một tấm gương sáng về phẩm chất và uy tín lớn của người cộng sản “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, trong đó ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có qui mô phát triển lớn nhất nước ta, nơi mà đồng chí Nguyễn Văn Linh đã 8 lần giữ cương vị Bí thư Khu ủy, Thành ủy, dấu ấn ấy luôn sâu sắc, tấm gương ấy mãi mãi ngời sáng.

Hơn nửa cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh gắn bó máu thịt với Nam bộ trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó Sài Gòn - Chợ lớn - Gia Định là chiến trường trọng điểm, được đồng chí trực tiếp chỉ đạo thường xuyên. Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong những người có công đầu khởi xướng, kiến tạo đường lối đổi mới, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là một thực tiễn phong phú để hình thành và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.

Bối cảnh và điều kiện lịch sử khách quan tạo nên sự gắn bó mật thiết của đồng chí Nguyễn Văn Linh với phong trào cách mạng đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh qua nhiều thời kỳ với những công lao to lớn, những dấu ấn lịch sử, những kinh nghiệm, bài học quí báu.

Từ thực tiễn hôm nay của Thành phố, tôi xin nhấn mạnh mấy điểm, mà theo tôi, nó dường như vẫn còn nguyên giá trị.

1. Luôn trung thành với lý tưởng cộng sản, kiên trì mục tiêu chiến lược, năng động, sáng tạo, nhạy bén trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Trải qua công tác ở nhiều phương diện, được trui rèn trong môi trường ác liệt, khiêm tốn học hỏi, chăm chỉ nghiên cứu, tự nâng cao trình độ, bám sát thực tiễn, tổng kết thực tiễn, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có những tư duy tầm chiến lược và kiên trì với mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Có lẽ điều đó thể hiện rõ nét nhất là trong chỉ đạo chiến tranh giải phóng với nhiều năm giữ trọng trách trong Trung ương Cục miền Nam và ở Đảng bộ Sài Gòn – Gia Định. Khi nào tình thế quá ngặt nghèo, gian nan là lại yêu cầu xuất hiện Nguyễn Văn Linh. Chính nhờ đó, đã góp phần cùng toàn Đảng, hình thành nên đường lối kháng chiến đúng đắn, vượt qua mọi thử thách, đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc. Trong quá trình đó, dấu ấn mang tầm chiến lược của đồng chí Nguyễn Văn Linh thể hiện ở các sự kiện: 1) Trong phong trào Đồng Khởi, đồng chí Nguyễn Văn Linh là người kiến trúc chiến lược vận dụng sức mạnh của quần chúng từ mức thấp đến mức cao, dẫn đến cao trào đồng khởi. 2) Đồng chí Nguyễn Văn Linh là người chăm lo “2 chân, 3 mũi”, song song với đấu tranh chính trị, đồng chí là người suy nghĩ sớm đến việc xây dựng lực lượng vũ trang và tiến hành đấu tranh vũ trang cùng công tác binh vận, công tác vận động trí thức, từ đó hình thành dần phương châm “2 chân, 3 mũi”. 3) Có tư duy mới mang tính căn cơ, tầm nhìn sâu xa về căn cứ địa cách mạng; theo đồng chí Nguyễn Văn Linh thì căn cứ địa không phải là nơi ẩn náu đầu não lãnh đạo mà phải gần các vùng cư dân, vừa tạo thế du kích chiến tranh trong lòng địch vừa giải quyết tốt hậu cần. 4) Luôn phải “căn cơ” trong xây dựng lực lượng cách mạng, bởi có “lực” mới tạo nên “thế” rồi đi đến thắng lợi theo nguyên lý cơ bản “lực to”, “thế mạnh” thì “thắng lớn”. Được phục vụ thủ trưởng quân sự tham gia Hội nghị Thành ủy vào cuối 1971 đầu 1972 mang tên “Hội nghị Bình Giả V” tôi nhận biết trong cuộc Hội nghị kéo dài hàng tháng đã thể hiện đầy đủ và sâu sắc tư tưởng căn cơ, mang tầm chiến lược đó của đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Tầm nhìn chiến lược của đồng chí Nguyễn Văn Linh còn thể hiện rất rõ trong quá trình hình thành đường lối Đổi mới và chỉ đạo thực hiện đường lối Đổi mới trong giai đoạn đầu – giai đoạn khủng hoảng kinh tế-xã hội trong nước và khủng hoảng của phe xã hội chủ nghĩa nói chung. Đồng chí đã cùng Bộ Chính trị, Trung ương “nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn khéo chèo lái” vượt qua bao thử thách. Những nguyên tắc Đổi mới của Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thể hiện sự kiên trì mục tiêu chiến lược, sự trung thành với CNXH, đồng thời thể hiện tầm nhìn chiến lược, kết hợp với những chỉ đạo cụ thể, thiết thực, tỉ mỉ…, đó là một trong những nguyên nhân tạo nên sự thành công của Đổi mới. Điều này được thể hiện rõ trong tác phẩm “Đổi mới để tiến lên” của đồng chí Nguyễn Văn Linh, do Nhà xuất bản Sự Thật xuất bản năm 1988.

Trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Thành phố đang cùng cả nước đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tích cực hội nhập quốc tế, những tầm nhìn chiến lược và sự chỉ đạo sắc sảo, sát thực tiễn với hiệu quả vững chắc, là bài học nóng hổi, có giá trị lý luận và thực tiễn cao.

2. Bám sát thực tiễn, hiểu dân, trọng dân, lo cho dân là động lực và mục tiêu của sự sáng tạo, là phương châm, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Nếu chúng ta đọc nhiều bài viết, bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, đặc biệt là đọc chương XI trong cuốn “Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm” NXB Sự Thật – 1985 từ trang 244, chúng ta thấy sự am hiểu của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với các giai cấp, tầng lớp, các giới đồng bào Thành phố như thế nào. Đồng chí Nguyễn Văn Linh là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhiều mặt, trong đó về tình nhân ái, thương dân là một trong những lĩnh vực nổi bật. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nhận thức sâu sắc tư tưởng và làm theo tấm gương Bác Hồ khi đánh giá về dân, thấm thấu triết lý được các bậc minh quân, triết gia tổng kết “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, “dân là gốc”… vì vậy mà trong bao thời kỳ đồng chí lăn lộn trong phong trào ở vùng tạm chiếm vẫn được đồng bào che chở, bảo vệ. Đời sống và phong trào của nhân dân Sài Gòn – Gia Định là chất liệu thực tiễn để đồng chí Nguyễn Văn Linh rút ra những bài học bổ ích, hoạch định những chủ trương thích hợp, hình thành phong cách lãnh đạo đúng đắn cho Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, Sài Gòn – Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh. Với cương vị người đứng đầu Đảng bộ hoặc ở Trung ương Cục trực tiếp chỉ đạo công tác đô thị, đồng chí thường xuyên nhắc nhở cấp ủy cũng như từng đảng viên cộng sản phải luôn luôn quan tâm bảo vệ lợi ích thiết thân của quần chúng như đòi tăng lương, giảm thuế, chống đuổi nhà, đuổi chợ v.v… Đưa ra khẩu hiệu, hình thức đấu tranh phải thích hợp, phải từ nguyện vọng, quyền lợi, bức xúc của quần chúng trong mối tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch trong từng thời điểm cụ thể. Có như vậy thì quần chúng mới hưởng ứng, tham gia, và qua đó nâng cao trình độ giác ngộ cho quần chúng. Từ đó mà xây dựng lực lượng cách mạng, phát triển thực lực, đảm bảo cho cách mạng thắng lợi. Với phương châm đó, Sài Gòn – Chợ Lớn - Gia Định là thành phố đi đầu với nhiều phong trào tiêu biểu của quần chúng: phong trào nhân dân đòi quyền sống, phong trào học sinh sinh viên, phong trào phụ nữ bảo vệ nhân phẩm, ký giả “đi ăn mày” v.v…

Sau giải phóng, việc đánh giá đúng con người thành phố là hết sức quan trọng, nếu không thì khó lòng tìm ra được kế sách và chủ trương đúng đắn. Từ kinh nghiệm của lịch sử và của bản thân, đồng chí Nguyễn Văn Linh chủ trương “phải biết phân tích những đặc điểm lịch sử của thành phố và con người thành phố để chọn lựa hướng đột kích chủ yếu”. Phân tích cơ cấu xã hội của thành phố, sự chuyển biến của các tầng lớp qua những năm đầu giải phóng với nhiều chiều kích khác nhau, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đánh giá: nhân dân Thành phố khẳng định thế đứng dưới ngọn cờ xã hội chủ nghĩa bởi vì nhân dân thành phố được khơi dậy mạnh mẽ niềm tự hào trong đấu tranh dân tộc và giai cấp đã qua, nối tiếp sự nghiệp ngày nay thuận chiều với truyền thống quá khứ, tự tin ở năng lực cách mạng của mình[1]. Đó chính là sự thể hiện bản lĩnh vững vàng, sự am hiểu sâu sắc bản chất và sức mạnh to lớn của nhân dân, từ đó có những bước đột phá thích hợp, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân, tạo nên sức mạnh vượt qua khó khăn vướng mắc, thoát ra khỏi cơ chế cũ, tìm cách làm mới với tư duy mới, góp phần tích cực vào việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Với cách nhìn đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng tập thể cấp ủy các cấp đã chú trọng đi sâu sát thực tiễn, phát hiện, cổ vũ cho cách làm mới, thí điểm, tổng kết, nhân rộng các gương điển hình. Trong điều kiện cuộc đấu tranh giữa bảo thủ, trì trệ với đổi mới cách nghĩ, cách làm diễn ra gay gắt, có lúc bất phân thắng bại, thậm chí còn bị ngộ nhận, chụp mũ, đồng chí Nguyễn Văn Linh vốn tin dân, trọng dân, luôn dựa vào dân nên đã kiên trì xuống cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, thắc mắc của dân, rồi cùng cán bộ cơ sở bàn bạc, tháo gỡ. Trên cơ sở đó, phân tích kỹ lưỡng từ nhiều phía, tổng kết thực tiễn, nâng lên thành chủ trương chính sách chung. Cái gì chưa thống nhất thì tiếp tục tranh luận, nhưng phải trên cơ sở thực tiễn, vì lợi ích chung và lợi ích của người lao động, của nhân dân. Cho đến nay, những câu chuyện về tháo gỡ khó khăn, tìm cách làm mới ở các đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ thời bao cấp, thời “xé rào”, “làm lén” vẫn còn được lưu giữ trong ký ức của nhiều người. Mỗi lần nhắc đến người ta đều kể về những người lãnh đạo luôn khuyến khích, “bảo hộ”, “bật đèn xanh”, trong đó không thể không “chịu ơn” đồng chí Nguyễn Văn Linh. Những việc làm như xóa bao cấp, thực hiện 3 lợi ích, lương sản phẩm trong xí nghiệp, khoán sản phẩm trong nông nghiệp, trong đánh bắt cá ở ngoài biển, vấn đề cải tạo công thương nghiệp, hợp doanh, nhập khẩu nguyên liệu, khôi phục các ngành thủ công nghiệp v.v…, với các địa chỉ như công ty Lương thực thành phố, gạch bông Đức Tân, câu lạc bộ Giám đốc, dệt Thành Công, dệt Phước Long, Phong Phú, Việt Thắng, Cao su Phạm Hiệp v.v… mãi mãi khắc ghi công ơn đồng chí Nguyễn Văn Linh qua những lần khảo sát thực tiễn. Đặc biệt, một sự kiện đáng nhớ có mối quan hệ hữu cơ đến công cuộc đổi mới của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và của cả nước nói chung, đồng thời cũng thể hiện quan điểm “thực tiễn là ông Thầy kiểm nghiệm chính xác, người phán xét cuối cùng”, và suy cho cùng là vì lợi ích của người lao động – đó là “sự kiện Đà Lạt” vào trung tuần tháng 7 năm 1983. Từ khảo sát thực tiễn, tổng kết những thí điểm về đổi mới để có cách làm ăn có hiệu quả, bảo đảm đời sống công nhân, phát triển sản xuất kinh doanh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tổ chức cho giám đốc các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có cách làm mới theo cơ chế của Thành phố trực tiếp báo cáo với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Trung ương, rồi mời các đồng chí đến tham quan, khảo sát thực tế… Sự kiện đó đã đóng góp tích cực, có hiệu quả, tác động đến sự hình thành đường lối Đổi mới.

Những sự kiện, những việc làm liên quan đến hoạt động của đồng chí Nguyễn Văn Linh trên đây hẳn rằng không chỉ có ý nghĩa trong quá khứ, mà mãi mãi vẫn có giá trị trong quá trình đẩy mạnh toàn diện công cuộc Đổi mới hiện nay. Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh luôn luôn coi bài học dựa vào sức mạnh của dân, phát huy tính năng động, sáng tạo của con người thành phố cũng như phong cách làm việc sâu sát, cụ thể, phát huy trí tuệ của tập thể và nhân dân, tìm cách đột phá thích hợp, tạo ra thế và lực mới cho thành phố không ngừng phát triển… là bài học quí báu đã trở thành truyền thống và thế mạnh của thành phố[2]

3. Bài học “căn cơ” trong xây dựng Đảng và xây dựng lực lượng cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn còn nguyên giá trị.

Không biết từ bao giờ, cứ mỗi lần nhắc đến đồng chí Nguyễn Văn Linh, nhiều bậc cán bộ lão thành, các vị cao niên quen dùng biệt danh “ông già căn cơ” hay là người có “toa căn bản”. Do quá trình công tác của đồng chí, nhiều năm lăn lộn sâu sát cơ sở ở những vùng tạm chiếm, tính “căn cơ” bản lĩnh của đồng chí đã thể hiện ở sự kết hợp hài hòa giữa trí tuệ mẫn tiệp với phong cách, tính tình điềm đạm thâm trầm có chiều sâu[3]. Tính “căn cơ” của đồng chí Nguyễn Văn Linh được thể hiện trên nhiều mặt, trong đó về công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng cách mạng được thể hiện rõ nét và luôn nhất quán. Nhiều lần được điều động về làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, Sài Gòn – Gia Định trước ngày giải phóng miền Nam 1975, lần nào đồng chí cũng chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức của phong trào cách mạng, xây dựng lực lượng trong công nhân, nhân dân lao động, trong các giới đồng bào thành phố. Chính nhờ đó mà qua những chặng đường cam go, ác liệt, tổ chức Đảng và các tổ chức cách mạng của Thành phố vốn là trung tâm đầu não của địch dù có lúc bị tổn thất song chưa bao giờ bị gián đoạn. Đó chính là hiệu quả rõ rệt của “toa căn bản” trong xây dựng thực lực cách mạng. Đồng chí Trần Bạch Đằng, Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định cuối năm 1970 – 4/1972, cán bộ lão thành gần gũi với đồng chí Nguyễn Văn Linh tâm sự: “Về xây dựng thực lực, anh (NVL) rất nghiêm khắc đối với những sơ sót dẫn đến tổn thất cơ sở và luôn nhắc “toa căn bản” : phải có thực lực thì mới có thể thắng to[4].

Sau giải phóng, với cương vị Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có nhiều chỉ đạo về công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với những nhiệm vụ hoàn toàn mới ở một thành phố rộng, dân đông, trung tâm của khu vực và có vị trí quan trọng đối với cả nước. Đồng chí nói “Từ sau 30/4/1975, Đảng bộ Thành phố trở thành đảng bộ cầm quyền sau 45 năm đấu tranh chính trị và vũ trang, tồn tại bí mật…”, Đảng bộ Thành phố vốn được trui rèn, thử thách trong bối cảnh khác hẳn những gì Đảng bộ phải gánh vác trách nhiệm sau ngày đại thắng. Ngoài sự bỡ ngỡ về công tác quản lý nhà nước và những vấn đề kinh tế, Đảng bộ còn hạn chế ở một loạt phương diện quan trọng, trước hết là chỗ đứng để nhìn thành phố. Chính vì vậy mà công việc đầu tiên là phải nâng cao nhận thức. Đồng chí đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ cơ chế ràng buộc sức sản xuất, cung cách quản lý kinh tế-xã hội, mà theo đồng chí phải “bước ra khỏi vòng phấn do ta khoanh, thoát ra khỏi cảnh làm tù binh của chúng ta”. Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Linh, ngay từ những năm đầu sau giải phóng, đã quan tâm đặc biệt đến “xây và chống” trong nội bộ Đảng, mà mũi nhọn chống là bệnh quan liêu. Đồng chí viết: “Quan liêu không phải là bản chất của chế độ, nhưng lại là bệnh lây lan trong điều kiện Đảng cầm quyền. Biểu hiện của nó ở thành phố là một số bộ phận, một số người quên cội nguồn sức mạnh của cách mạng là quần chúng, chỉ biết cấp trên mà không biết quần chúng, nguội lạnh trước những khó khăn bức xúc của sản xuất và đời sống mà quần chúng đang mong chờ Đảng quan tâm giải quyết”.

Đồng chí cũng rất quan tâm đến công tác cán bộ mà trước hết là phẩm chất đạo đức. Theo đồng chí thì “đạo đức cộng sản chủ nghĩa cổ vũ tính trung thực. Đảng cầm quyền, tính trung thực trong nội bộ Đảng là tấm gương cho toàn xã hội và cho các thế hệ noi theo. Khẳng định phẩm chất đó cần đi đôi lên án thẳng thừng như một tội lỗi (chữ của Lênin), các hiện tượng báo cáo sai sự thật, báo cáo để tâng công với cấp trên, phản ánh tình hình không cần thực tế mà bám sát “tì vị” của cấp trên, không sợ quần chúng phản ứng chỉ sợ cấp trên khiển trách v.v…[5]. Đồng chí còn rất tỉ mỉ, cụ thể trong việc chỉ đạo để có sự chuyển biến cơ cấu thành phần đảng viên trong Đảng bộ Thành phố, bảo đảm tỷ lệ đảng viên xuất thân từ công nhân trực tiếp sản xuất, trực tiếp quản lý sản xuất, có văn hóa và trẻ ngày mỗi đông hơn để tương ứng với tính công nghiệp của Thành phố. Phải tránh tình trạng kết nạp đảng viên theo lối cảm tình, gia tộc, bè phái…[6].

Có lẽ không cần phân tích, bình luận gì thêm những câu trích dẫn lời nói, bài viết trên đây của đồng chí Nguyễn Văn Linh về công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng cách mạng, công tác cán bộ. Trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng là “nhiệm vụ then chốt”, thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện Nghị quyết TW4, (khóa XI) về xây dựng Đảng, tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng những ý kiến mang tính tổng kết, chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh về công tác xây dựng Đảng vẫn còn tính thời sự cấp thiết, sát thực, phù hợp. Bài học: “phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của nhân dân Thành phố”, “tăng cường công tác xây dựng Đảng bộ vững mạnh…, thường xuyên tự chỉnh đốn, đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng đảng; thường xuyên chăm lo công tác cán bộ, coi đó là “cái gốc của mọi công việc”, là “khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt”; “mọi chính sách phải xuất phát từ quyền lợi của nhân dân, dựa vào dân, tin dân, trọng dân, vì dân…” được các Đại hội Đảng bộ TP gần đây nhấn mạnh luôn luôn là nhiệm vụ thiết thực của Đảng bộ TP mang tên Bác Hồ vĩ đại. Như vậy, những tư tưởng mang tầm nhìn chiến lược, những chỉ đạo thực tiễn sâu sát của đồng chí Nguyễn Văn Linh vào thế kỷ trước đã được Đảng bộ, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Thành phố thực hiện trong gần 3 thập kỷ qua, được đúc kết thành bài học kinh nghiệm quí báu, tiếp tục thực hiện trong thời kỳ mới – thời kỳ xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng văn minh, hiện đại.

Rõ ràng, trải qua nhiều thời kỳ gắn bó máu thịt với Sài Gòn – Chợ Lớn - Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt có những thời kỳ cam go, ác liệt với muôn ngàn thử thách gay gắt, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đóng góp công lao to lớn cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thành phố trở thành một trung tâm nhiều mặt của cả nước, có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước Việt Nam thống nhất. Và, chính thực tiễn sinh động, phong phú của Sài Gòn – Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh là môi trường thử thách, trui rèn bản lĩnh, nâng cao trí tuệ, tích lũy kinh nghiệm và nâng tầm đồng chí Nguyễn Văn Linh trở thành người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “người lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, nhân dân và quân đội ta, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế”./.
-------------------------------------------------------

[1] Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm – Bài học 10 năm, triển vọng. Nguyễn Văn Linh tuyển tập, tập I, NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội 2011, tr.1030

[2] Xem Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ VIII của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 12/2005 tr. 43- 44.

[3] Xem Nguyễn Vĩnh Nghiệp. “Ông già căn cơ”, trong sách: Nguyễn Văn Linh - hành trình cùng lịch sử. NXB Trẻ. 1999, tr. 106.

[4] Xem Trần Bạch Đằng. Có một người như thế! Có một đảng viên Cộng sản Việt Nam như thế! Có một cộng sản Sài Gòn – TPHCM như thế. Trong cuốn: Nguyễn Văn Linh – hành trình cùng lịch sử. NXB Trẻ. 1999. tr.28

[5] Những đoạn trong ngoặc kép trên đây là trích dẫn từ mục III trong “Bài học 10 năm”. Tài liệu đã dẫn – tr.1004 - 1062. Đoạn in nghiêng là do tác giả nhấn mạnh.

[6] Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ 6 (5/1996), đ/c Nguyễn Văn Linh, cố vấn BCH Trung ương Đảng, dự thảo luận với Tổ chúng tôi (gồm đại biểu QI và Q4…), đ/c rất quan tâm, trao đổi về số ứng cử viên BCH Đảng bộ thành phố là công nhân, trí thức, người Hoa…

* Triển lãm ảnh “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo”

* Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Hành trình cùng nhân dân và đổi mới

PGS.TS Phan Xuân BiênViện Nghiên cứu Phát triển TPHCM

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo