Thứ Tư, ngày 15 tháng 1 năm 2025

Đồng chí Nguyễn Văn Linh- Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tận tụy, mẫu mực, thân thương của cách mạng miền Nam và Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ lãnh đạo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Đồng chí Nguyễn Văn Linh trong trái tim của Nhân dân, là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài ba của Đảng và cách mạng Việt Nam. Trọn cuộc đời hoạt động sôi nổi, nhiệt huyết của mình, đồng chí đã có nhiều công lao đóng góp hết sức to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Gần 70 năm cống hiến không mệt mỏi, người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Linh đã in bước chân của mình khắp ba miền đất nước, trải qua những hoàn cảnh cam go khắc nghiệt nhất, bước qua những thử thách gian nguy nhất, vượt qua lao tù và những hình thức tra tấn man rợ nhất của kẻ thù. Từ Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh Trung Kỳ, rồi dừng lại tại vùng đất Nam Bộ, nơi tài năng và nhân cách của ông tỏa sáng.

Hơn nửa thế kỷ gắn liền với Nam Bộ nói chung và Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, qua hai cuộc kháng chiến, cho đến những năm đầu gian khó khi hòa bình vừa lập lại và giai đoạn cả nước rùng rùng chuyển mình trong đổi mới, có thể nói, mọi bước thăng trầm của thành phố này đều có sự hiện diện của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Như đồng chí Trần Bạch Đằng đã nói: “Riêng với thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh, từ 1939 trở đi, nghiên cứu về anh là nghiên cứu tiến trình của một thành phố lớn”1; và đối với đồng bào chiến sĩ Nam Bộ, hình ảnh giản dị mà cao quí của anh Mười Cúc, chú Mười Cúc, bác Mười Cúc còn in mãi trong trái tim mọi người.

Bác Mười Cúc, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập dân tộc, vì ấm no cho nhân dân

Sinh ra trong cảnh đất nước lầm than, sớm chịu nỗi đau mất cha rồi sau đó là mất mẹ, bác Mười Cúc ngay từ nhỏ đã phải chịu nhiều đau thương mất mát, nhưng chính những đau thương mất mát đó đã trui rèn cho người chiến sĩ cách mạng tương lai một nghị lực phi thường, một ý chí vững vàng và một quyết tâm sắt đá. Khi vừa 14 tuổi, lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường, bác Mười Cúc đã tham gia vào các hoạt động của Học sinh Đoàn, trong một lần đi rải truyền đơn, bác Mười bị địch bắt, kẻ thù đã “tặng” cho người chiến sĩ cách mạng chưa đủ tuổi trưởng thành ấy bản án chung thân khổ sai tại địa ngục trần gian Côn Đảo. Khi tàu chuẩn bị xuất phát ra đảo, văng vẳng bên tai bác Mười là tiếng gọi của người em gái thân thương “Anh Cúc ơi! Em nhớ anh lắm! Anh giữ gìn sức khỏe để về với em!”2. Nhưng thật là nghiệt ngã, ngày đồng chí về lại Hải Phòng thì người em gái không còn nữa, bệnh tật và nỗi nhớ thương mòn mỏi đã giết chết người thân duy nhất còn lại của bác Mười. Có nỗi đau nào hơn khi những người thân trong gia đình lần lượt ra đi, gia đình của bác Mười từ lúc này, đó chính là anh em đồng chí, đồng đội.

Hai lần bị sa vào tay kẻ thù, với 10 năm sống nơi địa ngục trần gian Côn Đảo, dù phải chịu mọi thủ đoạn tàn độc, mọi cực hình tra tấn nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, nêu gương sáng của người cộng sản. Cũng chính tại nơi này, người tù chính trị trẻ tuổi nhất, đã nhận ra chân lý cách mạng, với bản lĩnh và nghị lực phi thường, đồng chí đã không ngừng phấn đấu, biến ngục tối thành trường học cộng sản. Được giam chung với các nhà cách mạng tiền bối, các đồng chí được đào tạo cơ bản về lý luận tại Đại học Phương Đông, đồng chí không ngừng học tập và học tập rất chăm chỉ, bất cứ lúc nào có điều kiện là đồng chí lại kiếm cái gì đó để đọc, để học. Tự học thêm tiếng Pháp, đọc gần như thuộc lòng các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin. Với tâm nguyện học để mong một ngày thoát ra khỏi nhà tù, tiếp tục cống hiến sức của mình cho sự nghiệp cách mạng. Sống trong lao tù thực dân, có nghĩa là luôn cận kề cái chết, thế nhưng, bản lĩnh và ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản vẫn luôn tỏa sáng và hơn hết đó chính là niềm tin vững chắc vào một ngày toàn thắng.

Cách mạng tháng Tám thành công, các chiến sĩ cách mạng từ Côn Đảo trở về và gần như ngay lập tức lao vào hoạt động. Tình hình cách mạng lúc này hết sức khó khăn, tổ chức Đảng tại Nam Bộ chưa được thống nhất, kẻ thù quay lại hòng nô dịch Nhân dân ta một lần nữa. Bác Mười Cúc đã cùng đồng chí, đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ, sát vai nhau, thống nhất tổ chức Đảng, siết chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nổ phát súng đầu tiên bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp của Nhân dân ta. Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, khi thì phụ trách nội thành, khi thì về Xứ ủy ở chiến khu bưng biền, ở nơi đâu, vị trí công tác nào, trong bất kỳ hoàn cành khó khăn gian khổ nào từ bác Mười cũng tỏa ra là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một người lãnh đạo luôn dành tình cảm yêu thương, trân trọng với đồng chí, đồng đội và quần chúng Nhân dân.

Hiệp định Geneve được ký kết, thực dân Pháp cuốn gói khỏi Việt Nam và đế quốc Mỹ thay chân nhảy vào xâm lược nước ta. Những ngày sau hiệp định là những ngày kiên cường “một tấc không đi, một ly không rời”, bác Mười Cúc đã cùng đồng bào chiến sĩ Sài Gòn - Chợ Lớn bám trụ tại địa bàn mà khắp nơi là gông cùm và máy chém của kẻ thù, chèo lái con thuyền cách mạng vững vàng trước phong ba bão táp, bảo tồn lực lượng chờ đợi ngày vùng lên. Nghị quyết 15 của Đảng như ngọn hùng phong thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng tại miền Nam, Nhân dân Nam Bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất tề đứng dậy làm nên “Đồng Khởi”, chuyển trạng thái từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh với cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng bào, đồng chí Nam Bộ vận dụng nhuần nhuyễn chiến lược “hai chân, ba mũi”, cùng với sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc, đã giành lại thế chủ động trên chiến trường, đưa phong trào cách mạng lên một tầm cao mới, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của kẻ thù và tiến đến ngày toàn thắng.

Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng chí đã kiên cường bám trụ với đồng bào miền Nam. Trong những năm tháng đó, cứ mỗi lần cách mạng lên cao trào, hay cần phải củng cố lực lượng, đồng chí Nguyễn Văn Linh lại trực tiếp lãnh đạo cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trên cương vị Bí thư. Là Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn những năm sau Hiệp định Geneve, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định khi chuẩn bị thực hiện “Kế hoạch X”, giai đoạn đánh bại “chiến tranh đặc biệt”; Bí thư Khu Trọng điểm trong Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, giai đoạn đánh bại “chiến tranh cục bộ”; Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định năm 1972 - 1973, giai đoạn đánh bại “Việt Nam hóa chiến tranh”; đó chính là những giai đoạn lịch sử mang tính bước ngoặt của cách mạng miền Nam. Với tinh thần gian nan không lùi bước, hiểm nguy không sờn lòng, luôn tìm tòi sáng tạo góp phần lãnh đạo quân và dân ta đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của kẻ thù, từng bước đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta đến thắng lợi cuối cùng.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối, những ngày sau đó, với ngổn ngang trăm thứ của một thành phố vừa được tiếp quản, đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh lại sâu sát cùng quần chúng Nhân dân, từng bước tháo gỡ những khó khăn, ổn định cuộc sống, xây dựng chế độ mới trên mảnh đất vừa im tiếng súng. Sau một thời gian giữ trọng trách tại Trung ương, tháng 12 năm 1981, bác Mười Cúc lại trở về lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trên cương vị Bí thư Thành ủy, khi mà cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội đã lên đến đỉnh điểm, những bí bách trong cơ chế sản xuất, trong lưu thông hàng hóa nhiều người có tâm trạng muốn xé rào, vượt rào để tìm hướng đi, ví như cả một cánh đồng khô hạn đang chờ những giọt mưa tưới tắm để trở nên màu mỡ. Bằng sự tìm tòi suy nghĩ, bằng những chỉ đạo nhạy bén và sát sao, trong những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ XX, đồng chí đã rút ra những bài học bổ ích cùng với Trung ương khẳng định con đường đúng đắn, phù hợp nhất cho giai đoạn lịch sử này. Những chủ trương đúng đắn như cơn mưa rào tưới lên những cánh đồng đang dần khô hạn, để biến nó trở lại thành những cánh đồng phì nhiêu màu mỡ.

Tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, với trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bác Mười đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường kiên định, cùng tập thể lãnh đạo của Đảng ta chủ động, sáng tạo, vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo, trong hoàn cảnh xảy ra những biến động to lớn trên thế giới, phá thế bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tạo tiền đề đưa đất nước bước vào con đường hội nhập và phát triển. Rời chức vụ cao nhất trong Đảng, bác Mười Cúc lại tiếp tục cống hiến cho đất nước trong cương vị Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiếp tục suy nghĩ, trăn trở cùng đồng bào đồng chí trên chặng đường mới của đất nước. Cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, bác Mười Cúc vẫn hỏi thăm đồng chí, đồng bào, vẫn nghĩ suy cho công việc chung của đất nước, của Nhân dân.

Hiến dâng cuộc đời cho lý tưởng cách mạng của Đảng, bác Mười Cúc là tấm gương sáng ngời của một chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập cho Tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân; không quản ngại gian nan, nguy hiểm, dù ở cương vị nào, dù ở thời kỳ cách mạng nào vẫn luôn đứng mũi, chịu sào nơi đầu sóng ngọn gió, vượt qua mọi chông gai thử thách, phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của bác Mười Cúc, một nhà thơ đã cảm tác về cuộc đời của người chiến sĩ cộng sản ấy:

“…Đời cách mạng là biết mấy gian nan

Chưa một lần làm cho ông chùn bước

Tận hiếu với dân tận trung với nước”

Suốt cuộc đời là những cuộc trường chinh…”3

Đồng chí Nguyễn Văn Linh, nhà lãnh đạo tận tụy, tấm gương mẫu mực trong công việc cũng như đời thường

Kết thúc hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, Nhân dân Nam Bộ chỉ có 29 ngày độc lập và hơn 100 năm sống dưới gót giày thực dân đế quốc. Suốt 30 năm trường kỳ kháng chiến, Nhân dân Nam Bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng, một lòng một dạ kiên cường chiến đấu, hy sinh để đi đến thắng lợi cuối cùng. Không giống như các chiến trường khác có địa hình núi non hiểm trở che chở, chiến trường Nam Bộ là chiến trường trống trải nhất, ở nơi đó, căn cứ vững chắc nhất của chiến sĩ cách mạng chính là căn cứ lòng dân. Dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ đã biến vùng đất này thành “Thành đồng Tổ quốc”, thành “Đất thép”, thành “Tam giác sắt”…. Trong hoàn cảnh đó, cán bộ chiến sĩ của ta phải là những con người quả cảm, luôn đối mặt với cái chết, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Họ có thể sống, chiến đấu trong mọi hoàn cảnh khó khăn như vậy một phần là vì họ có những tấm gương sáng của các đồng chí lãnh đạo để noi theo. Như đồng chí Hoàng Tùng đã nói: “…những người lính thường trở thành những chiến sĩ hiên ngang như vậy, vì họ có tinh thần yêu nước, có tính di truyền được giáo dục tốt và noi gương những người lãnh đạo chỉ huy, nhất là những nhân vật hàng đầu. Anh Mười là người tiêu biểu cho phẩm chất anh hùng đó. Người ta noi gương anh…”4.

Suốt ba mươi năm kháng chiến, Nhân dân Nam bộ luôn mang trong mình hình ảnh đồng chí lãnh đạo cao cấp trong bộ bà ba đen và đôi dép râu quen thuộc, với đôi mày rậm, gương mặt phúc hậu, giọng nói nghiêm nghị mà ấm áp, đó là phong cách của bác Mười Cúc, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình cảm của bác Mười Cúc là tình cảm của một đồng chí lãnh đạo cao cấp nhưng luôn sâu sát, am hiểu tâm tư tình cảm cán bộ, vừa chu đáo vừa chân tình, chăm sóc vun bồi cho hạnh phúc gia đình của anh em đồng chí. Những ấn tượng đặc biệt tốt đẹp về cái tình, cái nghĩa của một người lãnh đạo luôn gần gũi, gắn bó với Nhân dân, đã động viên anh chị em luôn tin tưởng vào Đảng. Nụ cười nhân hậu, những cái bắt tay lưu luyến nồng ấm tình đồng chí của bác Mười Cúc như truyền thêm sức mạnh và niềm tin cho những chiến sĩ cách mạng xông vào sào huyệt cuối cùng, trung tâm đầu não của kẻ thù, đô thị Sài Gòn.

Trong cuộc sống hàng ngày, bác Mười luôn thể hiện nếp sống thanh bạch, tiết kiệm, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, quý trọng thời gian, không ham muốn quyền lợi cho riêng mình, không khoa trương, ghét thói bợ đỡ, công khai tự phê bình và sẵn sàng tiếp thu ý kiến người khác góp ý cho mình. Đối với đồng chí, đồng đội, dù ở cương vị nào, bác Mười luôn chân thành, thẳng thắn, trọng lẽ phải, quý trọng và hòa hợp với mọi người, luôn thể hiện tác phong bình dị, gần gũi, ân cần, cởi mở, hết lòng yêu thương đồng chí, rộng lượng với mọi người nhưng lại rất nghiêm khắc với mình.

“Hình ảnh anh Mười Cúc trong bộ quần áo bà ba, khuôn mặt hiền từ, dáng đi nhanh nhẹn, giọng nói ấm áp, mộc mạc nhưng giàu tình cảm còn in đậm trong ký ức của đồng bào đồng chí”5, đặc biệt là đối với đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ nói chung và Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, hình ảnh bác Mười Cúc luôn in đậm trong trái tim mọi người, như lời Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam Bùi Thị Mè: “Đối với miền Nam, đối với thành phố, anh Mười ở trong tim mọi người.”6.

Trong công tác kể cả trong thời chiến cũng như thời bình, bác Mười Cúc luôn là một đồng chí lãnh đạo kiên định, luôn trau dồi lý luận, nhận thức, luôn đi sát thực tế, đi sát quần chúng, lăn xả vào thực tiễn, gắn bó mật thiết với nhân dân, luôn trăn trở tìm tòi phương cách tháo gỡ khó khăn, thể hiện rõ tư duy độc lập, luôn rèn luyện phong cách làm việc khoa học, có kế hoạch, tỉ mỉ, chu đáo, giữ vững nguyên tắc, nhưng linh hoạt, không máy móc, như tên gọi mà các đồng chí thân cận thường gọi trong kháng chiến “Ông già căn cơ”. Với tác phong này, đồng chí đã tìm ra lời giải cho nhiều bài toán hóc búa của sự nghiệp cách mạng.

Không chỉ tu dưỡng, rèn luyện đạo đức bản thân, mà trên cương vị của người cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, đồng chí luôn quan tâm, giành nhiều tâm sức cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng các thế hệ cách mạng kế cận có năng lực và phẩm chất đạo đức cách mạng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Xem đó là một trong những công việc quan trọng hàng đầu, kể cả trong kháng chiến cũng như trong xây dựng Tổ quốc sau này.

Song song đó, là sự trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, chấp hành kỷ luật Đảng kể cả những lúc ý kiến mình khác với Trung ương Đảng, nhưng dám suy nghĩ độc lập và kiên trì đấu tranh, góp ý, tranh luận thẳng thắn từ những bài học thực tiễn, nhằm tìm ra đường lối đúng đắn nhất, phù hợp nhất với sự chuyển biến không ngừng của thực tiễn. Luôn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, không chỉ quan tâm, giáo dục, giác ngộ mà còn gần gũi học hỏi nhân dân.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Linh, một cuộc đời trải qua gần như tất cả các thời kỳ cam go và oanh liệt của cách mạng nước ta trong suốt thế kỷ XX, là tấm gương cao đẹp của một người cộng sản chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, một nhân cách trong sáng, một tấm lòng vì nghĩa lớn, không màng danh lợi cá nhân.

Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, với tinh thần trách nhiệm cao, kiên định, sáng tạo, nghị lực phi thường, bác Mười Cúc đã có những đóng góp lớn lao, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Dấn thân trên con đường cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, những năm tháng tuổi thanh xuân đẹp nhất của bác Mười Cúc bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn nửa cuộc đời gắn bó với cách mạng miền Nam, trong hoàn cảnh bom đạn ác liệt, khó khăn thiếu thốn, cái chết luôn cận kề nhưng đối với bất kỳ thử thách nào, bác Mười Cúc cũng thể hiện ý chí kiên cường, một lòng một dạ trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đồng chí đã cống hiến trọn đời mình vì sự nghiệp giành độc lập tự do, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Nhớ đến bác Mười Cúc, chúng ta như có thêm động lực để kiên trì phấn đấu trên con đường cách mạng của Đảng của dân tộc. Học tập bác Mười Cúc, chúng ta nguyện sẽ cố gắng hết mình để sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đi đến thành công, cố gắng trui rèn bản thân nhiều hơn nữa để có được những đức tính cao đẹp của bác Mười Cúc, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và cống hiến.

_______________________________________________________________

1 Nguyễn Văn Linh – Hành trình cùng lịch sử, Nxb Trẻ, Tp HCM, 1998, tr.26

2 Nguyễn Văn Linh nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, Nxb Chính Trị Quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.277

3 Trương Nguyên Việt, Khúc tráng ca về Nguyễn Văn Linh, Sài Gòn Giải phóng, ngày 5 tháng 4 năm 2015.

4 Nguyễn Văn Linh nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, Nxb Chính Trị Quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.136

5 Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Văn Linh, ngày 29-4-1998, Báo Nhân dân, ngày 30-4-1998.

6 Nguyễn Văn Linh nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, Nxb Chính Trị Quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.417

Thân Thị Thư

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh

* Triển lãm ảnh “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo”

* Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Hành trình cùng nhân dân và đổi mới

* Đồng chí Nguyễn Văn Linh – học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời gắn bó máu thịt với Đảng bộ và Nhân dân thành phố mang tên Bác Hồ

* Khai mạc Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng miền Nam, với Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và TPHCM”


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo