Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Chính phủ ban hành Nghị quyết đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững

Cần có thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 18/5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Nghị quyết nêu rõ, từ tháng 11/2021, Việt Nam đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022, là bước ngoặt quan trọng thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ và sôi động trở lại về cả du lịch nội địa và quốc tế. Du lịch đã ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia và khẳng định hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam. Tuy nhiên, du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Để ngành du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, hiệp hội nghề nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia. Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.

Trong đó, Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về mở rộng diện áp dụng miễn thị thực đơn phương. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành thúc đẩy đàm phán Hiệp định miễn thị thực với các nước, đặc biệt là các đối tác có trình độ phát triển tương đồng hoặc cao hơn Việt Nam.

Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại cho khách du lịch quốc tế. Nghiên cứu, đánh giá và báo cáo Chính phủ về mở rộng danh sách quốc gia được cấp thị thực điện tử (E-visa). Tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo hướng bảo đảm tính thống nhất về quy định cấp thị thực điện tử và thị thực truyền thống và kéo dài thời gian tạm trú cho người nước ngoài vào Việt Nam. Cải tiến mạnh mẽ quy trình kiểm soát thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh tại các cửa khẩu đường hàng không, bảo đảm nhanh chóng và tiện lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam.

Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện công tác kiểm soát người, phương tiện xuất, nhập cảnh; ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa quy trình kiểm tra, kiểm soát đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi cho các hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh tại các cửa khẩu biên giới đất liền và cửa khẩu cảng.

Bộ Giao thông vận tải triển khai giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam: rà soát Hiệp định về hàng không đã ký kết với các quốc gia và vùng lãnh thổ để thúc đẩy triển khai và tạo thuận lợi hơn nữa cho các hãng hàng không quốc tế mở đường bay đến Việt Nam và đến địa bàn trọng điểm du lịch của Việt Nam.

Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, bổ sung nhóm khách hàng “cơ sở lưu trú du lịch” để áp dụng giá bán lẻ điện ngang bằng giá bán lẻ điện cho khách hàng sản xuất.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp các bộ ngành, địa phương nghiên cứu các chính sách kích cầu, gói hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành phù hợp với tình hình mới.

Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, điều phối giờ hạ, cất cánh tại cảng hàng không, sân bay (slot) theo hướng sử dụng linh hoạt các slot trong hoạt động khai thác quốc tế, nội địa của các hãng hàng không Việt Nam; hỗ trợ các hãng hàng không trong việc trao đổi với các nhà chức trách hàng không nước ngoài về việc sử dụng slot bay quốc tế trên cơ sở có đi có lại để tạo điều kiện cho các hãng hàng không phục vụ tốt nhất nhu cầu phát triển du lịch. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xem xét điều chỉnh khung giá trần trong ngắn hạn để đưa giá vé hàng không về đúng cơ chế thị trường, gỡ khó cho các hãng hàng không Việt Nam có điều kiện tích luỹ năng lực, nâng cao khả năng cạnh tranh với các hãng quốc tế.

Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo