Chủ Nhật, ngày 27 tháng 10 năm 2024

Cần làm rõ hơn nội dung về sở hữu di sản văn hóa

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 18/6, sau khi nghe Chính phủ trình, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

 

Đáng chú ý, liên quan đến nội dung về sở hữu di sản văn hóa, so với Luật Di sản văn hóa hiện hành, dự thảo Luật chuyển từ quy định “Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu nhà nước” thành “Nhà nước đại diện chủ sở hữu di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân”. Tuy nhiên, Chính phủ chưa đề cập lý do sửa đổi các hình thức sở hữu di sản văn hóa, chưa xác định thẩm quyền, tiêu chí công nhận loại hình sở hữu.

Do vậy, Ủy ban Xã hội của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) đã đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình nội dung này; đồng thời, quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có). Cùng với đó, rà soát, nghiên cứu quy định để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Đây cũng là nội dung mà nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm khi thảo luận về dự thảo luật.

Một số ĐB đề nghị cân nhắc không quy định nội dung trong dự thảo Luật nội dung tại Khoản 1 Điều 4 “Nhà nước đại diện chủ sở hữu di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân; công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu khác bao gồm sở hữu chung, sở hữu riêng về di sản văn hóa theo quy định của Hiến pháp, Luật Di sản văn hóa và pháp luật liên quan về sở hữu”. Lý do là bởi quy định này chưa thống nhất với quy định tại Bộ luật Dân sự về đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý (Điều 197). Việc xác lập sở hữu toàn dân, quyền sở hữu di sản văn hóa nếu là tài sản thuộc sở hữu toàn dân thì thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

Phát biểu tại thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị rà soát thêm để hoàn thiện dự thảo luật. Theo đồng chí, dự thảo cần quy định cụ thể về thẩm quyền, tiêu chí công nhận quyền sở hữu di sản văn hóa là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia nhằm bảo vệ, phát huy tối đa giá trị; giải quyết các tranh chấp; xác định rõ quyền sở hữu và các quyền liên quan không chồng chéo.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ

Về quy định đối với khu vực bảo vệ di tích, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cũng cần quy định rõ hơn. Cần có quy định phân cấp, phân quyền của chính quyền địa phương trong vấn đề này, nhất là việc cấp phép xây dựng cho người dân trong khu vực này. Mục tiêu là bảo vệ di tích nhưng cũng phải bảo đảm lợi ích của người dân trong khu vực này.

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) cho rằng hiện nay, đối với một số ngành về di sản, văn hóa khó thu hút sinh viên theo học. ĐB đề nghị, cần có chính sách khuyến khích người học cũng như chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hoạt động ở những lĩnh vực này. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân để họ duy trì các ngành nghề truyền thống, tiếp nối cho các thế hệ tiếp theo. Đồng thời, quan tâm chuyển đổi số, số hóa dữ liệu, tài liệu quý có giá trị tránh tình trạng mai một, thất lạc, hư hỏng. Bên cạnh đó, bổ sung, quy định về bảo tàng số gắn với các di sản văn hóa phi vật thể, ứng dụng công nghệ thông tin trong các bảo tàng.

ĐB Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đề nghị cân nhắc bổ sung thêm quy định có liên quan đến việc quản lý, phát triển, bảo vệ và phát huy giá trị của mô hình công viên địa chất, nhất là những công viên địa chất trong nước đã và đang được UNESCO công nhận hoặc xem xét công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Trong đó đều có liên quan đến Di sản văn hoá phi vật thể, Di sản văn hoá vật thể, Di tích lịch sử - văn hoá, Di sản địa chất, Danh lam thắng cảnh. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

ĐB Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh), Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị có chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân - chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể. Các ĐB cũng cho rằng, cần quan tâm đến vấn đề bảo vệ di vật, bảo vật quốc gia, không để thất thoát, nhất là bảo vật quốc gia có thể bị thất thoát ra nước ngoài.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo