Thứ Bảy, ngày 26 tháng 10 năm 2024

Khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024

Ban tổ chức tặng hoa cho 29 đơn vị dự Liên hoan.

(Thanhuytphcm.vn) - Tối 25/10, tại Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ, Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024.

Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; Đỗ Văn Phớn, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam...

Liên hoan diễn ra từ ngày 25/10 đến 15/11, có sự tham gia của khoảng 1.200 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đến từ 29 đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập trên toàn quốc. Với 33 vở diễn dự thi, đây cũng là kỳ liên hoan cải lương có quy mô lớn nhất.

TPHCM là địa phương có lực lượng dự thi đông đảo nhất với 11 đơn vị và 12 vở diễn. Trong đó, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dự thi 2 vở là: Khúc tráng ca thành Gia Định (kịch bản: Phạm Văn Đằng, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ) và San hô đỏ (kịch bản: Bích Ngân, chuyển thể cải lương: Phạm Văn Đằng, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu).

Còn lại đều là các sân khấu xã hội hóa. Năm nay, các vở diễn đề tài lịch sử chiếm ưu thế, gồm có: Người mang 9 án tử (sân khấu Hoàng Hải), Tây Sơn nữ tướng - Chói rạng sơn hà (sân khấu Sen Việt), Hào kiệt Lam Sơn (sân khấu Thiên Long), Lưu vong - Khí tiết một trung thần (Công ty Hồng Lạc Xuân), Truyền tích Cổ Loa xưa (Công ty Bảo Sơn), Anh hùng đất phương Nam (sân khấu Vũ Luân).

Cùng các vở diễn tâm lý xã hội Mưa nguồn (Công ty Vietstar), Cây lẻ bạn (sân khấu Kim Ngân) và Đêm giao thừa (Hội Sân khấu TPHCM). Đặc biệt Sân khấu  Đại Việt mang đến bản dựng mới vở cải lương cách mạng kinh điển Người ven đô với dàn diễn viên thực lực: NSND Mỹ Hằng, NSND Phượng Loan, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Võ Minh Lâm, NSƯT Lê Hồng Thắm, NSƯT Bảo Trí, NSƯT Trọng Nghĩa, nghệ sĩ Minh Trường, Trọng Hiếu, Trúc Phương.

Liên hoan còn có sự góp mặt của các đơn vị nghệ thuật giàu truyền thống, như: Nhà hát Cải lương Hà Nội, Đoàn nghệ thuật Cải lương Long An, Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Đồng Nai...

Tiết mục văn nghệ khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024. Tiết mục văn nghệ khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024.

Theo quy định, tham gia Liên hoan là những vở diễn được dàn dựng mới hoặc những vở diễn được phục dựng với đội ngũ sáng tạo mới từ năm 2017 đến nay và chưa tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hội chuyên ngành, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và địa phương tổ chức. Không sử dụng kịch bản sáng tác trước năm 2005 và kịch bản của nước ngoài. Trường hợp kịch bản sáng tác trước năm 2005 sau khi đã chỉnh lý cho phù hợp với hiện tại phải có sự đồng ý của tác giả (hoặc người đại diện hợp pháp).

Liên hoan Cải lương toàn quốc là dịp để cơ quan quản lý văn hóa và các lãnh đạo tại các đơn vị nghệ thuật tìm kiếm, phát hiện những tài năng trẻ triển vọng, từ đó lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, định hướng phát triển phù hợp với nền nghệ thuật truyền thống của nước nhà. Đây đồng thời cũng là cơ hội cho anh chị em nghệ sĩ yêu nghề được thể hiện, được cống hiến; không chỉ là những gương mặt gạo cội, mà còn là lớp diễn viên trẻ, sẽ mang tới những luồng gió mới cho nghệ thuật cải lương. Từ đó góp phần duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống quý báu này.

Sau lễ khai mạc, đơn vị chủ nhà là Nhà hát Cải lương Tây Đô (Cần Thơ) đã thi diễn với vở cải lương Chất ngọc - Cầm Thi giang (kịch bản - đạo diễn: NSƯT Nguyên Đạt). Đây là lần đầu tiên hình tượng Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền - soạn giả tiên phong, góp phần hình thành và phát triển sân khấu cải lương ở buổi ban đầu - được đưa lên sân khấu. Vở diễn vì thế càng phù hợp khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024.

Minh Khang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo