Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM báo cáo tham luận (Thanhuytphcm.vn) - Ngày 19/10, Trường Đại học (ĐH) Sài Gòn tổ chức Hội thảo khoa học “Nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa tại TPHCM”. Đến dự có đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TPHCM.
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận tập trung vào các nhóm vấn đề: Thực trạng các nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa tại TPHCM trong giai đoạn hiện nay; Vai trò, vị trí của các trường ĐH trong phát triển nguồn lực công nghiệp văn hóa tại TPHCM; Khai thác, phát huy các nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa tại TPHCM gắn với thời kỳ hội nhập và chuyển đổi số.
Các đại biểu cũng đã chia sẻ cơ hội và thách thức trong phát triển công nghiệp văn hóa tại TPHCM thời kỳ mới; đồng thời, đề xuất các mô hình, giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa ở TPHCM gắn với các chiến lược phát triển của thành phố.
PGS.TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TPHCM cho rằng: khai thác nguồn lực văn hóa nghệ thuật để tạo thành sức mạnh nội sinh là một trong những chủ trương phát triển bền vững của TPHCM. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và công nghệ số, việc phát triển văn hóa nghệ thuật ở TPHCM có những cơ hội và thách thức.
PGS.TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TPHCM chia sẻ tại hội thảo Theo đó, TPHCM - trung tâm kinh tế, là một trong hai trung tâm văn hóa và giáo dục quan trọng của quốc gia, với tính trẻ, năng động và linh hoạt đã tạo ra nhiều ưu thế trong việc phát triển nguồn lực xã hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Toàn cảnh hội thảo “Chú trọng vai trò của cộng đồng và các mối quan hệ với cộng đồng. Có thể nói, mạng lưới cộng đồng - một trong những hình thức của vốn xã hội - cũng là cơ sở cho việc đề xuất ý tưởng, thử nghiệm, nhân rộng các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, cần nhìn nhận cộng đồng là cơ sở hình thành các nhu cầu, xu hướng thị trường quảng bá…
Trong bối cảnh đương đại với nhiều biến đổi, việc tiếp cận khởi nghiệp đổi mới sáng tạo góp phần khuyến khích sự hình thành và áp dụng các ý tưởng mới vào cuộc sống. Đây cũng là đề xuất giải pháp cho việc khuyến khích các nguồn lực phát triển văn hóa nghệ thuật ở TPHCM nói riêng, cả nước nói chung”, PGS.TS Lâm Nhân gợi ý.
Tại hội thảo, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM đã chia sẻ về định hướng, chính sách và nguồn lực cho phát triển công nghiệp âm nhạc và điện ảnh tại TPHCM.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thúy, để phát triển công nghiệp văn hóa trở thành động lực nội sinh góp phần phát triển kinh tế - xã hội, làm cầu nối phát triển kinh tế vùng, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh văn hóa, con người TPHCM ra khu vực và thế giới, trong giai đoạn 2021-2030, TPHCM cần tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ bản, đồng thời, xây dựng một hệ sinh thái âm nhạc và điện ảnh phát triển để đáp ứng những nội dung: bảo vệ bản quyền một cách hiệu quả, xây dựng được chiến lược phát hành sản phẩm phù hợp, nâng cao hiệu quả doanh thu từ hoạt động biểu diễn và điện ảnh…
Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM nhấn mạnh cần xây dựng chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy trao đổi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp âm nhạc và điện ảnh. Ban hành chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm nâng cao nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thành lập trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng mở để kết nối, xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chương trình thực hiện chức năng hỗ trợ, kết nối, quy tụ nguồn lực, phát huy giá trị sáng tạo, mở rộng thị trường… nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế quan trọng đóng góp tích cực vào phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TPHCM.
Công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới tạo ra nghệ thuật và sáng tạo, bao gồm cả những sản phẩm mang tính nghệ thuật vật thể và phi vật thể. Công nghiệp văn hóa có vai trò rất lớn đối với việc bảo tồn các giá trị văn hóa, quảng bá văn hóa, hình ảnh của quốc gia. Thông qua khai thác những giá trị văn hóa thành những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, ngành công nghiệp văn hóa đang khẳng định vai trò là một bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế quốc dân.
Với thế mạnh là một trung tâm kinh tế, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, có bề dày lịch sử - văn hóa đặc sắc, TPHCM là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thể để phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.
Năm 2023, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 4853/QĐ-UBND về phê duyệt “Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030”. Theo đó, TPHCM tập trung vào 8 lĩnh vực công nghiệp văn hóa để phát triển đến năm 2030 gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa và thời trang.