Thứ Ba, ngày 15 tháng 7 năm 2025

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh (1916 - 2016)

Về một người cộng sản

1. Mùa đông năm 1981. Thông tin về sự ra đi của nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy và Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn Nguyễn Văn Kỉnh - tức Thượng Vũ, Trung Nam đã gây xúc động sâu sắc đến rất nhiều người. Linh cữu của ông được đưa về Hà Nội và quàn tại Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tang lễ ông được tổ chức trọng thể theo nghi thức Nhà nước. Những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành, đoàn thể và những bạn chiến đấu, đồng chí, bà con thân quyến đã đưa tiễn ông về an nghỉ tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Những người dự đám tang, trong đó có những nhà lãnh đạo cao cấp Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn, Văn Tiến Dũng, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Linh, Tố Hữu, Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười… đều không nén được lòng tiếc thương ông - một chiến sĩ cộng sản trung kiên, một nhà lãnh đạo cách mạng, tài năng, đức độ mà cuộc đời hoạt động cách mạng đã gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Ông đã bốn lần bị thực dân Pháp bắt tù, chịu đủ mọi ngón đòn tra tấn dã man rồi bị kết án tử hình (sau giảm xuống chung thân khổ sai). Mỗi lần thoát khỏi nhà tù của giặc, ông lại tiếp tục lao vào bão táp đấu tranh kiên cường, bất khuất...

Là một cán bộ ưu tú, ông sớm tham gia vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng, hai lần làm Bí thư Thành ủy và Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn trong cao trào chuẩn bị tổng khởi nghĩa 1945 và năm cuối cùng kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông từng là Phó Bí thư Xứ ủy Nam bộ, Ủy viên Thường trực Trung ương Cục miền Nam, Ủy viên Trung ương Đảng khóa II, III, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô, Bí thư Đảng đoàn các tổ chức đoàn kết và hữu nghị, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Xô, Chủ tịch Hội Quốc tế ngữ Bảo vệ Hòa bình Việt Nam… Ở vị trí nào ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Khi Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Xuân Thủy đọc điếu văn tiễn đưa ông, có đoạn: “65 tuổi đời, gần 50 năm tuổi đảng, đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh đã sống trọn vẹn một người Việt Nam dũng cảm, một người cộng sản trong sáng, một tấm gương cao cả cho chúng ta. Chúng ta không bao giờ quên hình ảnh đẹp đẽ và vô cùng thân thiết của đồng chí. Trong giờ phút vĩnh biệt này, chúng ta vô cùng xúc động và ngậm ngùi thương tiếc đồng chí”, nhiều người không cầm được nước mắt. Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh Hà Huy Giáp nghẹn ngào: “Anh Tư đi đột ngột quá! Rất thương tiếc anh”. Còn ông Vũ Kỳ, nguyên Thư ký riêng của Bác Hồ bàng hoàng: “Có nhiều người chết nhưng không mất. Nhớ như một tấm gương. Nhiều đồng chí vẫn tưởng anh còn mãi mãi...”.

2. Năm 2003, 22 năm sau - đúng ngày ông mất, ngày 26-10 – người thân, đồng chí, và bạn bè, đồng nghiệp lại tề tựu tại Bảo tàng TP.HCM dự lễ kỷ niệm 22 năm ngày mất của ông. Một lễ kỷ niệm trang trọng, ấm cúng và xúc động. Dịp ấy, Nhà xuất bản Trẻ cũng phát hành tập sách Nguyễn Văn Kỉnh - sáng ngời nhân cách cộng sản. Cuốn sách tập hợp những bài viết của đồng chí, bạn bè, đồng nghiệp đã từng sống, làm việc cạnh ông từ trong chiến khu miền Đông, Đồng Tháp Mười, miền Tây Nam bộ, ở trong nước và Liên Xô (cũ) cùng một số bài báo sinh thời ông đã viết.

Mỗi người một câu chuyện, một kỷ niệm, có người đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh, có người ở thủ đô Hà Nội, có người ở Đà Lạt, Cần Thơ, Mỹ Tho, có người tóc vẫn còn xanh, nói cười vui tươi, minh mẫn nhưng cũng có người tuổi đã cao, sức đã yếu, tay run, mắt mờ nhưng tất cả đều cùng chung lòng kính trọng và đầy ắp niềm thương, cảm phục với ông – người mà họ thường gọi rất đỗi thân thương là Anh Tư, Anh Tư Kỉnh.

Họ cùng nhau nhớ về một con người rất mực hiền hậu, khiêm tốn, vui vẻ, gần gũi. Họ kể cho nhau nghe những câu chuyện về ông - một người sinh ra và lớn lên tại thành phố Sài Gòn, một “dân-Tây-chính-hiệu”, mang quốc tịch Pháp, xuất thân từ một gia đình trí thức, từng học Trường Lycée Pétrus Ký, giỏi nhiều ngoại ngữ nhưng sớm giác ngộ cách mạng và rời ghế nhà trường với cuộc sống ấm no ngay trong lứa tuổi thiếu thời và chống Tây quyết liệt. Họ nhớ về một nhà hoạt động cách mạng gắn bó mật thiết với lĩnh vực hoạt động xung yếu của Đảng - công tác tuyên huấn, báo chí, một người từng làm công tác quản lý và tham gia phụ trách hàng chục tờ báo, đồng thời là một cây viết báo lớn của các báo Thanh Niên Đỏ (năm 1932), báo L’Avant Garde, Le Peuple, Dân Chúng (trong Mặt trận Dân chủ 1937 - 1939), báo Giải Phóng (1941), báo Cứu Quốc của Việt Minh (1945), tạp chí Mácxít, báo Thống Nhất, báo Nhân Dân Miền Nam (kháng chiến chống Pháp)... Liên tục trong 2 năm 1938 - 1939, ông đã bị địch bắt 2 lần về tội “viết báo chống Pháp”.

Bút danh Trung Nam ông thường dùng để viết báo trong những năm kháng chiến là viết tắt của Trung ương Cục miền Nam. Nhiều người cũng không quên những kỷ niệm với ông khi ông còn là Giám đốc trường Đảng nổi tiếng của Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp - Trường Trường Chinh tại chiến khu Đồng Tháp Mười. Có người lại nhớ khi ông là một trong sáu thành viên tham gia thành lập Trung ương Cục miền Nam cùng với các ông Lê Đức Thọ, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, được giao phụ trách Văn phòng Trung ương Cục. Có người nhắc tên ông thường được ký trong công văn, giấy tờ báo cáo công điện gửi ra Trung ương, cũng như cho các cơ quan Quân, Dân, Chính, Đảng ở các cấp với cương vị Phó Bí thư thường trực Xứ ủy Nam bộ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam…

Thủ tướng Võ Văn Kiệt kể: “Ngay trong buổi đầu gặp gỡ anh Tư Kỉnh, tôi cảm nhận rằng những người được tiếp xúc với anh Tư đều có ấn tượng tốt đẹp về Anh - một cán bộ lãnh đạo trẻ tuổi nhất trong cơ quan lãnh đạo đầu não của Xứ ủy và Trung ương Cục miền Nam, có ngoại hình hấp dẫn, luôn luôn dành cho người đối thoại những nụ cười cởi mở trên khuôn mặt thông minh, đôn hậu… Nhiều đồng chí có dịp được gần gũi và tiếp xúc nhiều với anh Tư Kỉnh đều cho tôi biết, anh Tư là người sống bằng nội tâm, ham học hỏi và giàu ý chí tiến thủ. Anh thích nghe, viết và suy tư nhiều hơn nói, nhưng hễ nói là chắc như “đinh đóng cột”. Vốn là người học cao, hiểu rộng, nhưng anh Tư cư xử với mọi người rất khiêm nhường, không bao giờ phô trương kiến thức, tỏ vẻ dạy đời, sính nói văn chương, chữ nghĩa như các cụ đồ gàn hay một số người có tật xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”.

Trong hồi ức của mình, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng, điều đáng quý ở ông là rất thương cán bộ, luôn quan tâm tới điều kiện công tác, hoàn cảnh gia đình, nguyện vọng và tâm tư cấp dưới. Không nghe thấy ông vuốt ve và có thái độ nể nang trước những thiếu sót của cán bộ, song ông cũng không bao giờ dùng “đao to búa lớn” để quở trách nặng lời những đồng chí phạm lỗi. Tuân theo phương pháp giáo dục và thuyết phục truyền thống của cha ông “lạt mềm buộc chặt”, ông thường lựa lời giãi bày và phân tích một cách thấu tình đạt lý điều hay lẽ phải, khiến cho người nghe dần dần được cảm hóa”…

Nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Văn nghệ TP.HCM Nguyễn Quốc Thủ nhớ về ông, người được cho là “một tâm hồn trong sáng và phong cách thật đẹp”. Theo đó, bạn bè, đồng chí nhìn thấy ở ông một lối sống chí công vô tư, liêm chính, tâm hồn trong sáng, người con trung hiếu của dân tộc, một người cộng sản trung thành với lý tưởng, hiểm nguy không sờn, gian nan không mỏi, quyết chiến đấu cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước vì hạnh phúc của nhân dân. Ông là một người chồng, người cha mẫu mực và đạo đức đáng kính, là tấm gương sáng về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, sống có nghị lực, niềm tin mạnh mẽ ở tương lai…

3. Năm 2016, kỷ niệm 100 ngày sinh, 35 năm ngày mất của ông. Người thân, gia đình, đồng chí, bạn bè, đồng nghiệp và thế hệ con cháu của ông không nguôi nhớ về ông - người cộng sản kiên cường, một trong những cán bộ lãnh đạo cách mạng ưu tú trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp thần thánh trên mảnh đất “Thành đồng Tổ quốc”.

Những câu chuyện về ông tiếp tục được kể lại, được viết tiếp thêm để truyền mãi cho thế hệ hôm nay và mai sau. Ông đã sống một cuộc đời thật đẹp. Đẹp như vóc dáng cao lớn ấy, đẹp như đôi mắt sáng và gương mặt rất nhân từ, hiền hậu ấy. 65 tuổi đời, 49 năm hoạt động cách mạng, ông đã truyền lại cho chúng ta khát vọng sống cao đẹp của một người suốt đời dấn thân, cống hiến cho lý tưởng cách mạng. Kiến thức sâu rộng, giỏi nhiều ngoại ngữ, ham học hỏi, đọc nhiều sách báo, nghiên cứu lý luận vận dụng trong thực tiễn và hành động, ông là tấm gương cho tất cả chúng ta, rằng: mỗi người đều phải cống hiến cho đất nước, cho nhân dân không chỉ trí tuệ, kiến thức, kinh nghiệm mà cả cuộc đời - khi Tổ quốc cần và hơn cả với người cộng sản - được hiến dâng cho Tổ quốc cho nhân dân là niềm vui, là khát vọng và niềm hạnh phúc. Với lối sống giản dị, trong sáng, rất mực nhân ái, thương yêu, khiêm tốn của mình, ông là biểu hiện cụ thể nhân cách cao đẹp của một trí thức cộng sản.

Càng tìm hiểu về ông, càng ngưỡng mộ và kính trọng ông. Khi trong Đảng và xã hội vẫn còn những vấn đề mà chúng ta chưa thể yên lòng, đặc biệt là sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, tình trạng tham nhũng và các tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, loại trừ, thì chúng ta hướng về ông như hướng về nơi trú ngụ bình yên của những gì cao đẹp, trong sáng nhất của một chiến sĩ cộng sản. Ông đã sống, lao động, học tập, chiến đấu và trở thành người con thực sự của quê hương mình, thành một người hiểu biết có tâm hồn khoáng đạt, một con người dũng cảm và giàu lòng nhân ái, yêu lao động, hăng say học tập, đấu tranh kiên cường và cống hiến trọn vẹn cho lý tưởng cách mạng. Nhớ về ông để tự nhắc mình rằng phải luôn phấn đấu để được phục vụ cách mạng, được phục vụ nhân dân, được nhân dân tin cậy và yêu mến. Nhớ về ông để kiên định mục tiêu, lý tưởng đã chọn, rèn luyện tinh thần độc lập, sáng tạo, bản lĩnh vững vàng trong bất cứ tình huống khó khăn nào cũng không dao động, giảm sút niềm tin và ý chí chiến đấu. Nhớ về ông để tiếp tục gìn giữ tình yêu của chúng ta đối với con người khiêm nhường, giản dị mà rất lớn lao ấy, để nhân cách đẹp đẽ ấy mãi tỏa sáng trên mảnh đất thân yêu này.

LAN ANH

tin khác

Thông báo