Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30-3-2007 của Ban Bí thư (khóa X) nêu rõ: “Ngoài các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, tùy điều kiện nhiệm vụ cụ thể, chi ủy cần lựa chọn một số vấn đề phù hợp với nhiệm vụ của chi bộ và chức trách, nhiệm vụ của đảng viên để tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề nhằm tập trung sự lãnh đạo của chi bộ, nâng cao kiến thức, năng lực và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Chi bộ 8 phường Tăng Nhơn Phú A coi đây là nhiệm vụ và giải pháp rất quan trọng để tạo sự chuyển biến tích cực về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Trong năm 2015, chi bộ 8 đã thực hiện được 4 kỳ sinh hoạt theo chuyên đề, rải đều hàng quý: quý 1 với chuyên đề “Phát triển đảng viên mới trong khu dân cư”; quý 2 là “Hòa giải mâu thuẫn, mất đoàn kết giữa một số gia đình trong khu dân cư”; quý 3 là “Giải pháp xử lý tình huống tranh chấp đất đai giữa tổ dân phố 1, 2 với Công ty An Phú”; quý 4 là “Đổi mới phương thức lãnh đạo của chi bộ đối với tổ dân phố và các đoàn thể quần chúng”.
Từ thực tế thực hiện việc sinh hoạt chuyên đề của chi bộ 8, có thể nêu một số nhận xét:
Trước hết, việc chọn chuyên đề cần phải thiết thực, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và tình hình thực tế ở cơ sở. Chi bộ 8 hiện có 19 đảng viên, đều là cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, tuổi cao sức yếu, tuổi đời bình quân hơn 73, có 5 đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng. Từ đó, chi bộ nhất trí ưu tiên chọn chuyên đề về phát triển đảng, nhằm kết nạp đối tượng trẻ được đứng trong hàng ngũ của Đảng để lần lượt thay thế cho thế hệ đảng viên lớn tuổi và coi đây là sự lựa chọn chuyên đề rất phù hợp với đặc điểm của chi bộ 8.
Thứ hai, cần phân biệt yêu cầu sinh hoạt theo chuyên đề với yêu cầu sinh hoạt chi bộ định kỳ hàng tháng. Nội dung chủ yếu của sinh hoạt chi bộ định kỳ là kiểm điểm tình hình tháng qua, đề ra nhiệm vụ tháng tới. Còn nội dung chủ yếu của sinh hoạt theo chuyên đề là đánh giá sâu thực trạng tình hình, phân tích nguyên nhân vấn đề đã chọn (theo thực tế tình hình cần phải có sự tập trung giải quyết) và đề ra giải pháp căn cơ để khắc phục thực trạng và nguyên nhân đó. Chẳng hạn như sinh hoạt chuyên đề của quý 2 về vấn đề hòa giải, trước hết chi bộ tập trung đánh giá mức độ và tác hại của tình trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết; nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp; thái độ của mỗi bên. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp khắc phục như: phân công đảng viên có trách nhiệm và có uy tín trực tiếp tuyên truyền, giải thích về sự cần thiết phải giữ gìn sự đoàn kết, tình làng nghĩa xóm trong khu dân cư; thành lập tổ hòa giải gồm cấp ủy, tổ trưởng tổ dân phố và tổ trưởng các đoàn thể; tổ chức cuộc họp mặt gồm các thành viên chủ chốt trong các gia đình để đối thoại, hòa giải…
Thứ ba, chi ủy có vai trò rất quan trọng trong suốt quá trình tiến hành tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề. Để đạt được mục tiêu và yêu cầu đề ra, chi ủy cần lựa chọn chuyên đề thiết thực, phù hợp; chuẩn bị kế hoạch tỉ mỉ, chu đáo; phát biểu đề dẫn gợi mở được những vấn đề cần tập trung thảo luận, tranh luận; điều khiển thảo luận chủ động, linh hoạt động viên được nhiều đảng viên phát biểu. Muốn vậy, chi ủy cần thông báo trước nội dung sắp đưa ra sinh hoạt chuyên đề để đảng viên có thời gian chuẩn bị ý kiến.
Thứ tư, cần kết hợp chặt chẽ sinh hoạt theo chuyên đề với sinh hoạt chi bộ định kỳ hàng tháng. Chương trình sinh hoạt chi bộ cần chia thành 2 phần rõ rệt. Phần đầu, thực hiện nội dung sinh hoạt chi bộ định kỳ, trong đó có việc kiểm điểm tình hình tháng qua và đề ra nhiệm vụ tháng tới. Đây là nội dung rất cần thiết, vì tình hình thực tế trong chi bộ và trong khu dân cư diễn biến từng ngày, không thể bỏ qua một hai tháng mà không có nghị quyết lãnh đạo của chi bộ. Tuy nhiên, nội dung sinh hoạt chi bộ định kỳ cần tiến hành ngắn gọn để dành nhiều thời gian cho nội dung sinh hoạt theo chuyên đề.
Thứ năm, để thực hiện việc sinh hoạt theo chuyên đề đạt được kết quả mong muốn, cần khắc phục những hạn chế: (1) Cấp ủy chọn chuyên đề chung chung, không thiết thực, không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và chức trách, nhiệm vụ của đảng viên. (2) Chi ủy chuẩn bị kế hoạch sơ sài, đề dẫn thiếu tập trung vào trọng tâm, trọng điểm; người điều khiển thiếu gợi mở vấn đề để chi bộ thảo luận, tranh luận. (3) Đảng viên thiếu chuẩn bị trước ý kiến của mình, đến hội nghị không phát biểu hoặc phát biểu tràn lan, không tập trung vào nội dung chính của chuyên đề đã chọn. (4) Trong sinh hoạt chuyên đề thì thảo luận, tranh luận sôi nổi, nhưng sau hội nghị dần dần đi vào quên lãng, đánh trống bỏ dùi, nội dung chuyên đề không đi vào cuộc sống hoặc triển khai một cách nhỏ giọt, kéo dài, đạt kết quả thấp…