Các cơ quan (trong bài này tạm hiểu bao gồm các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp công lập), là các đơn vị thuộc hệ thống chính trị, tuyệt đại đa số đã có tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, một số cơ quan còn có hội cựu chiến binh, hội khuyến học, hội chữ thập đỏ…, nhưng rất ít cơ quan có tổ chức của phụ nữ. Trong khi đó, hiện nay, ở các cơ quan, tỉ lệ phụ nữ làm việc chiếm ngày càng cao. Ở trường học, bệnh viện…, nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chiếm 60 – 70%. Phụ nữ làm việc ở các cơ quan thường có trình độ học vấn cao (từ đại học trở lên). Ở không ít cơ quan, phụ nữ giữ các chức vụ chủ chốt và điều này ngày có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, phụ nữ ở các cơ quan hiện chưa được quan tâm tập hợp đầy đủ. Ở nhiều cơ quan hiện đã có “ban vì sự tiến bộ phụ nữ” nhưng đây không phải là tổ chức tập hợp phụ nữ mà là một thiết chế nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển các mặt. Trong một số công tác vận động, phụ nữ ở các cơ quan chưa phải là đối tượng được chú ý đúng mức, như tuyên truyền về công tác kế hoạch hóa gia đình…
Dù Luật Bình đẳng giới được ban hành và trên thực tế đã bước đầu có phát huy kết quả nhất định nhưng vẫn còn có một số biểu hiện chưa bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Chẳng hạn, theo Bộ luật Lao động, phụ nữ được quy định nghỉ hưu ở tuổi 55, kém 5 tuổi so với nam giới, nhưng trên thực tế, tuổi thọ bình quân của phụ nữ Việt Nam hiện cao hơn tuổi thọ bình quân của nam giới khoảng 5 tuổi (77 so với 72). Dù ở tuổi 55, phần nhiều phụ nữ vẫn còn khỏe mạnh, sung sức, vẫn có thể có nhiều đóng góp cho cơ quan, cho xã hội. Ở một vài cơ quan, lãnh đạo có xu hướng tuyển lao động là nam giới mà tránh nữ giới, bởi e ngại về việc mất thời gian để nghỉ hộ sản, về năng suất lao động thấp hơn nam giới…
Nếu được quan tâm đúng mức, được tập hợp vào các tổ chức hoạt động có hiệu quả, phụ nữ làm việc ở các cơ quan sẽ có điều kiện đóng góp nhiều hơn, có sức lan tỏa rộng rãi hơn, không chỉ trong nội bộ cơ quan mà còn ở cộng đồng dân cư và ngoài xã hội.
Để khắc phục “khoảng trống” trong công tác vận động, tập hợp phụ nữ, đồng thời để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện hơn, cũng như để chăm lo cho phụ nữ ở các cơ quan tốt hơn, cần thiết phải có các hình thức tập hợp và phương thức hoạt động phù hợp. Việc xây dựng các mô hình tập hợp phụ nữ nhằm vào các nội dung hoạt động chủ yếu:
Thứ nhất, chú trọng nâng cao bình đẳng giới. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cần có nhiều hoạt động phù hợp, thiết thực để nâng cao bình đẳng giới, như thực hiện đầy đủ các quy định trong Luật Bình đẳng giới, tác động để có các chính sách đảm bảo bình đẳng giới…
Thứ hai, quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị… Do phần đông phụ nữ phải mất thời gian sinh và chăm sóc con cái nên việc học tập thường gặp khó khăn, vì vậy, cần có những biện pháp tạo điều kiện cho phụ nữ được tham gia học các lớp về chuyên môn lẫn lý luận chính trị, phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan.
Thứ ba, chú trọng chăm sóc sức khỏe, nhất là sức khỏe sinh sản. Bên cạnh việc quan tâm đến kế hoạch hóa gia đình, làm đẹp, phụ nữ cần được quan tâm tuyên truyền, khám sức khỏe và chữa một số loại bệnh đặc trưng của phụ nữ, như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, loãng xương…
Thứ tư, chú trọng nuôi dạy con tốt. Mặc dù trách nhiệm nuôi dạy con cái là của cả nam và nữ giới nhưng vai trò của người phụ nữ là rất quan trọng, đặc biệt trong việc nuôi dạy trẻ ở độ tuổi nhi đồng hay các trẻ em gái. Có nuôi dạy con tốt mới trở thành động lực thúc đẩy phụ nữ phát triển toàn diện.
Thứ năm, thúc đẩy xây dựng gia đình hạnh phúc. Với vai trò là người “xây tổ ấm”, phụ nữ cần được cung cấp kiến thức, tạo điều kiện, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, từ đó giúp tạo ra các tế bào xã hội khỏe mạnh, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, tiến bộ.
Xin đề xuất một số mô hình sau:
Một là, thành lập các câu lạc bộ (tổ, nhóm…). Trong các cơ quan, tùy theo số lượng, điều kiện làm việc, đặc điểm của nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mà có thể tổ chức các loại hình phù hợp. Chẳng hạn, cơ quan có đông phụ nữ thì nên lập các câu lạc bộ (hoặc loại hình tương tự) tùy theo sở thích, nhóm tuổi, trình độ, điều kiện công tác và nhu cầu thực tế của phụ nữ ở cơ quan (hoặc nhóm các cơ quan) đó. Câu lạc bộ này có thể là một bộ phận của công đoàn khối đảng - đoàn thể hoặc là thiết chế không chính thức do đảng ủy cơ quan trực tiếp lãnh đạo. Tương tự, ở khối chính quyền cũng có thể xây dựng câu lạc bộ nữ công chức khối chính quyền, khối giáo dục có thể xây dựng câu lạc bộ nữ giáo viên… Trong các câu lạc bộ, có thể tổ chức thành các nhóm nhỏ tùy theo đặc điểm riêng để có những hoạt động phù hợp với từng nhóm đối tượng đó hơn.
Hai là, phát triển các mô hình đã có theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc thù của từng nhóm đối tượng phụ nữ. Hiện nay, khối các cơ quan đã có một số mô hình đang hoạt động như câu lạc bộ nhà báo nữ, câu lạc bộ nữ cán bộ chủ chốt (ở các cơ quan thuộc quận, huyện), câu lạc bộ nữ trí thức (loại hình này bao gồm cả nữ trí thức bên ngoài các cơ quan)… Cần tiếp tục phát huy vai trò của các mô hình này, sao cho thiết thực hơn, cụ thể hơn. Chẳng hạn, với câu lạc bộ nữ cán bộ chủ chốt cần tránh chỉ dừng lại ở mức tổ chức các cuộc tham quan hàng năm mà nên có nhiều cuộc sinh hoạt khác hơn, từ việc chia sẻ kinh nghiệm công tác đến việc chăm sóc sức khỏe…
Ba là, hình thành các chi hội phụ nữ ở những nơi có điều kiện thuận lợi. Ở những nơi có đông cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nữ và thành phần tương đối thuần nhất (không khác nhau quá xa về trình độ, lứa tuổi…), có thể xem xét thành lập chi hội phụ nữ để định hướng và tham gia hoạt động phong trào của phụ nữ.
Để các mô hình này hoạt động có hiệu quả cần có cách thức tổ chức và hoạt động phù hợp. Trước hết, cần có sự quan tâm, định hướng của tổ chức đảng. Với đặc thù là ở hầu hết các cơ quan đều có tổ chức đảng (cơ sở hoặc bộ phận) nên cấp ủy, chi bộ cần quan tâm lãnh đạo, định hướng hoạt động của các mô hình phụ nữ, để đảm bảo sự nhất quán trong chủ trương, đường lối từ trên xuống về công tác phụ nữ, cũng như có thể tạo được “uy” trong việc lãnh đạo, điều hành, tổ chức hoạt động của các mô hình này, kể cả vấn đề kinh phí.
Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ. Là lực lượng của hội, các cấp hội phụ nữ cần quan tâm hỗ trợ về chương trình, mục tiêu, định hướng hoạt động, cách thức tổ chức, kể cả nhân lực nòng cốt và kinh phí để các mô hình này hoạt động có hiệu quả thiết thực. Nhất là khi ra đời các chi hội phụ nữ, các cấp hội cấp trên phải lãnh đạo, định hướng hoạt động một cách trực tiếp, sâu sát, thường xuyên, cụ thể để tránh tình trạng chi hội có ra đời mà không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng…
Ngoài ra, cần sự phối hợp tốt với công đoàn và các tổ chức đoàn thể khác. Tùy điều kiện cụ thể, để các mô hình này hoạt động thuận lợi, có hiệu quả, cần thiết phối hợp với các đoàn thể, nhất là công đoàn. Với lợi thế có ban nữ công, công đoàn cần thiết chế hóa ban này thành một tổ chức trực thuộc hoặc có liên hệ để thu hút phụ nữ tham gia; hoặc, ban nữ công có thể hỗ trợ, liên tịch hoạt động với các câu lạc bộ để làm phong phú hơn hoạt động của mình, đồng thời giúp các mô hình hoạt động có “chất” hơn…