Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Tuyên truyền đến người dân về tình hình ứng phó biến đổi khí hậu xâm nhập hạn mặn trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tại buổi trao đổi.

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 15/11, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức hội nghị trao đổi với đoàn cán bộ tuyên giáo, báo chí và xuất bản TPHCM về tình hình và giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu xâm nhập hạn mặn tại địa phương. Đến dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh.

Trong những năm qua, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre diễn ra phức tạp, khó lường, mức độ nhanh hơn gây mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ,... ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, dân sinh.

Theo số liệu tổng hợp, toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 138 km. Trong đó, sạt lở bờ sông 104 điểm - tổng chiều dài khoảng 118,2 km gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân; sạt lở bờ biển 8 điểm, tổng chiều dài khoảng 19,4 km, mức độ xâm thực bờ biển đang diễn ra mạnh mẽ, trung bình hàng năm bờ biển lấn sâu vào trong đất liền khoảng từ 10-15m.

Hiện nay, qua thống kê ngoài các điểm sạt lở trên, tỉnh ít phát sinh số điểm sạt mới, tuy nhiên mức độ sạt lở ở nhiều điểm có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn (sạt lở sâu hơn vào trong đất liền, chiều dài sạt lở tăng,...). Những khu vực đã và đang sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh, như: Sạt lở bờ biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; sạt lở bờ sông Mỏ Cày; sạt lở khu vực các cồn: cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại; cồn Phú Đa, huyện Chợ Lách; cồn Thành Long, huyện Mỏ Cày Nam;... Hiện tại, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh vẫn đang tiếp diễn và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bến Tre đã xác định các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án, hoạt động trọng tâm cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu: tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái trước tác động của biến đổi khí hậu; chủ động sẵn sàng ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu, hướng tới các ưu tiên chiến lược về đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, hạn chế thiệt hại về người và tài sản do thiên tai và biến đổi khí hậu; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kiến thức, tăng cường năng lực về phòng tránh thiên tai, sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu, hướng tới ưu tiên về tăng cường kiến thức, nhận thức, năng lực của cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đối với công tác phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn, tỉnh Bến Tre đề ra nhiều giải pháp chuẩn bị ứng phó trong tình huống xâm nhập mặn bất lợi nhất, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Bến Tre cơ bản sẽ kiểm soát được nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt với những mục tiêu cụ thể được xác định như sau: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, vận động mỗi hộ gia đình chủ động trữ nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa hạn mặn; đồng thời, phát huy tính sáng tạo, nhân rộng các biện pháp, mô hình hay để thực hiện trữ nước ngọt trong từng xóm, ấp và từng xã. Trong đó, đã triển khai thực hiện trong các năm qua đạt hiệu quả tốt như: trữ nước trong mương vườn, dùng túi trữ nước, đào hố trải bạt, đắp các công trình đập tạm để trữ nước ngọt trong các kênh rạch tự nhiên để tạo nguồn nước thô cho các nhà máy nước phục vụ sinh hoạt…

Các phóng viên, biên tập viên tham quan thực tế hệ thống công trình thủy lợi tỉnh Bến Tre. Các phóng viên, biên tập viên tham quan thực tế hệ thống công trình thủy lợi tỉnh Bến Tre.

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi, để kết hợp với các công trình đã và đang đầu tư tạo thành hệ thống khép kín cho cả hai Tiểu vùng Bắc - Nam Bến Tre giúp kiểm soát được nguồn nước, ngăn mặn xâm nhập từ các sông Tiền, Hàm Luông và Cổ Chiên. Hệ thống công trình thủy lợi tỉnh Bến Tre được chia thành 2 tiểu vùng là: tiểu vùng Bắc Bến Tre và tiểu vùng Nam Bến Tre. Trong đó, Tiểu vùng Bắc Bến Tre gồm có 5 đơn vị hành chính huyện Bình Đại, Ba Tri, Châu Thành, Giồng Trôm và TP Bến Tre; diện tích tự nhiên 140.265 ha; Tiểu vùng Nam Bến Tre gồm 4 đơn vị hành chính cấp huyện là Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú, với diện tích tự nhiên 99.156 ha.

Đối với công tác chuẩn bị ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, các ngành, các cấp địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình xâm nhập mặn, thường xuyên cập nhật, thông tin về số liệu đo mặn trên các sông, kênh, rạch, các nội dung chỉ đạo phòng chống, ứng phó của Trung ương và của tỉnh qua hệ thống tin nhắn SMS, email, mạng xã hội,... đến lãnh đạo các cấp địa phương và người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Bên cạnh đó, các đơn vị sẵn sàng kích hoạt các phương án cấp nước ngọt ứng với từng thời điểm khi mặn xâm nhập để cấp nước ngọt cho người dân; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình do đơn vị làm chủ đầu tư, các cống để đưa vào vận hành phục vụ.

Ngoài ra, UBND các huyện, TP tiếp tục tuyên truyền trong nhân dân trữ nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt, chỉ đạo các đơn vị cấp nước trên địa bàn cụ thể hóa các phương án cấp nước ngọt cho nhân dân; Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về diễn biến tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn; vận động mỗi hộ gia đình tiếp tục tích trữ tối đa nguồn nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa hạn mặn, tận dụng các hồ chứa, bồn chứa, lu; đắp đập, bờ bao cục bộ để trữ nước trong các ao, mương vườn;... khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; hướng dẫn một số biện pháp phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng tỉnh Bến Tre cần chủ động ứng phó và tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về ứng phó biến đổi khí hậu xâm nhập hạn mặn…

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê mong muốn phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí TPHCM tiếp tục quan tâm, hỗ trợ công tác tuyên truyền đến người dân về tình hình ứng phó biến đổi khí hậu xâm nhập hạn mặn trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo