Chủ Nhật, ngày 8 tháng 9 năm 2024

Đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (1962 - 1975)

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (1962 - 1975).

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 24/7, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (1962 - 1975), nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2024).

Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm và đại điện lãnh đạo các ban, bộ, ngành; lãnh đạo Ban, nguyên lãnh đạo Ban; Ban Liên lạc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Đại diện Thường trực và lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Tây Ninh…

Làm nên những chiến công vẻ vang

Tại buổi lễ, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố Quyết định số 4245/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1962 - 1975.

Sau thắng lợi của phong trào Đồng Khởi, để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, ngày 23/1/1961, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam (thay thế Xứ uỷ Nam bộ trước đó), đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thường xuyên là Bộ Chính trị.

Ngày 10/10/1961, tại Hội nghị lần thứ nhất, Trung ương Cục miền Nam chính thức thành lập bộ máy lãnh đạo của Trung ương Cục do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư; các đồng chí Võ Chí Công, Phan Văn Đáng (Hai Văn) làm Phó Bí thư.

Ngày 23/11/1961, Hội nghị Trung ương Cục miền Nam họp tại Mã Đà, căn cứ chiến khu Đ quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục làm Trưởng ban. Năm 1962, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam quyết định chuyển trụ sở về Lò Gò - Bến Ra - Xa Mát, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh để có điều kiện mở rộng căn cứ.

Trong kháng chiến, công tác tư tưởng chính trị là mặt trận hàng đầu đi trước một bước, góp phần quyết định tạo nên phong trào cách mạng, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, đã có hàng trăm anh hùng liệt sĩ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam anh dũng hy sinh; nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó, có 3 cơ quan gồm: Thông tấn xã Giải phóng, Nhà in Trần Phú và Điện ảnh Giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam; nhiều đồng chí được trao tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Nhì, Ba…

Với những thành tích đặc biệt trên, tháng 1/2015, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Di tích lịch sử Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam là nơi các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, những người con ưu tú của Đảng, đã chiến đấu, hy sinh trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên những chiến công vẻ vang trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi lễ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi lễ.

Niềm vinh dự, tự hào của nhiều thế hệ ngành Tuyên giáo

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục không chỉ là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng chính trị, mà còn là những chiến sĩ chiến đấu dũng cảm trên chiến trường ác liệt, bảo vệ an toàn căn cứ, đóng góp nhân lực cho lực lượng vũ trang Miền, tham gia chiến dịch, chiến đấu trên các mặt trận.

Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Lễ đón nhận đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1962 - 1975 là sự kiện có ý nghĩa sâu sắc, niềm vinh dự, tự hào của nhiều thế hệ cán bộ ngành Tuyên giáo, thể hiện sự tri ân trước những cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để bảo tồn, lưu giữ giá trị lịch sử của Di tích, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh Tây Ninh và các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân về nội dung của Luật Di sản văn hóa, để Nhân dân cùng tham gia bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích.

Bên cạnh đó, phối hợp với ngành du lịch, với các cơ quan thông tin truyền thông kết nối di tích với các di tích khác trong tỉnh, trong vùng nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới; nâng cao chất lượng hướng dẫn tham quan để du khách và Nhân dân hiểu, thẩm thấu sâu sắc hơn giá trị truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc.

Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu toàn ngành Tuyên giáo cần chủ động, tích cực hơn nữa trong tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy đảng các cấp các giải pháp về công tác tuyên giáo. Theo đồng chí, công tác tuyên giáo gắn chặt và bám chắc với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, với phong trào cách mạng của quần chúng, kịp thời giải đáp đúng và trúng những vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội; lan tỏa và nhân rộng những gương điển hình tiên tiến; bồi dưỡng niềm tin của Nhân dân vào mục tiêu, lý tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tuyên giáo của Đảng” cho các cá nhân. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tuyên giáo của Đảng” cho các cá nhân.

Đồng thời, khơi dậy khát vọng dân tộc; khích lệ các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, tiếp tục củng cố, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị với các nước, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tạo môi trường chính trị, tư tưởng thuận lợi, góp phần tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Trong niềm tự hào về truyền thống 94 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tuyên giáo cần nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, gắn bó mật thiết với Nhân dân; thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ động viên nhân dân thực hiện nhiệm vụ cách mạng, thực hiện tốt vai trò “đi trước, mở đường; đi cùng thực hiện; đi sau tổng kết” của công tác tuyên giáo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tuyên giáo của Đảng” cho 16 cá nhân của tỉnh Tây Ninh.

Trước khi đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (1962 - 1975), các đại biểu đã dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Bia tưởng niệm Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (1962 - 1975), xã Tân Bình, huyện Tân Kiên, tỉnh Tây Ninh.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo