Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Một lần nghe nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể chuyện viết kịch bản phim “Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt”

Ông Sáu Dân trong lần về thăm Vĩnh Long. Ảnh tư liệu

(Thanhuytphcm.vn) - Đó là vào tháng 8/2012, tôi xuống nhà tìm phỏng vấn nhà văn Nguyễn Quang Sáng, và trong rất nhiều chuyện về cuộc sống và văn chương, thì may mắn có tình tiết ông đang viết kịch bản 30 tập phim về Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Hỏi nhà văn vì sao ông được mời viết đề tài đó, chắc hẳn phải biết nhiều chuyện?

“Vì tôi còn nhiều lần được… uống rượu với ông Võ Văn Kiệt. Biết ông qua nhiều thời kỳ, và quan trọng là tôi chỉ viết những khoảnh khắc cuộc đời ông.”

Nhà văn còn cho biết, cách đó 10 năm, mình đã viết kịch bản phim “Ấn tượng Võ Văn Kiệt” - do Lê Văn Duy làm đạo diễn. Nhưng chính ông Kiệt không cho chiếu. Ông bảo, bao nhiêu người bậc tiền bối như Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn lúc đó còn chưa có phim.

Hỏi nhà văn lần này ông sẽ viết như thế nào, Nguyễn Quang Sáng cho biết, sẽ viết thời điểm Võ Văn Kiệt từ Trung ương đi tàu không số về nhận nhiệm vụ Bí thư Khu ủy Quân khu 9, đoạn đời 3 tháng sau Hiệp định Paris.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể: “Võ Văn Kiệt ổng… làm ngược - do sát với thực tế lúc đó. Sau Hiệp định Paris, Trung ương nghiêm túc thực hiện đình chiến, lệnh từ Bắc vào các đơn vị chấp hành. Nhưng ở miền Tây, dưới đồng bằng, chính Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố vẫn cứ đánh, cứ làm chiến tranh. Vì thế quân của họ vẫn cứ lấn chiếm. Trước tình hình đó, ông Võ Văn Kiệt bảo phải đánh, đó là làm theo mệnh lệnh của đất nước và nhân dân.”

“Ông Võ Văn Kiệt giải thích trong nội bộ: Mình phải ứng phó theo thực tế, theo lệnh của nước của dân, nếu có bị Trung ương kỷ luật, ông sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm. Cả tập thể thấy đúng, nên đã quyết tâm và đồng lòng với nhau, nếu Trung ương có kỷ luật thì tất cả tập thể cũng sẽ nhận. Mình phải thực tế hành động có lợi cho cách mạng.”

“Thế là ở các chiến trường hưởng ứng chủ trương phải đánh chứ không đứng nhìn địch lấn chiếm. Tạo ra nhiều chiến thắng trên đà đi tới thắng lợi hoàn toàn Mùa Xuân năm 1975.”

“Ông Võ Văn Kiệt còn làm những việc lạ lắm, nhưng chủ động và thiết thực. Lúc đó, có khi tiền đô la được phát nhiều do được viện trợ, nhưng ở chiến khu không biết tiêu gì. Không xài được. Chính ông Kiệt liên hệ với nhà báo Nguyễn Khắc Hân ở trong Sài Gòn. Anh này cũng là bạn học của Nguyễn Quang Sáng. Anh lại là con của một chính ủy cách mạng Công an Bạc Liêu. Gia đình anh đi tập kết, còn anh ở lại và làm báo tại Sài Gòn. Được mối liên hệ của ông Kiệt, chính anh Hân nhà báo đã đem cả vali tiền vào đồn cảnh sát, ngụy trang là tiền lương đem trả cho công nhân khai thác gỗ ở đồn điền.”

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể câu chuyện rất thích thú cách ông Kiệt giải quyết với văn hóa. Trong kháng chiến, có lúc khó khăn kinh phí không lo được nên đành giải tán các đoàn văn công. Ông Kiệt không đồng ý. Ông bảo: Dân chúng mê văn công, có là chèo ghe thuyền ào ào khắp làng quê kéo đi xem. Như vậy sao giải tán. Có tiền nuôi cả 7 sư đoàn quân thì phải cố giữ văn công.

Lúc đó khó khăn, chỉ phải lo tiền cho các đơn vị quân từ Bắc vào vì anh em chiến sỹ chưa quen đồng ruộng chứ lính Nam bộ tại chỗ mò cua bắt ốc cũng không bao giờ sợ đói.

“Có câu chuyện lính bắt cả con cá thòi lòi mặt quỷ đầy kênh rạch. Anh nuôi chặt bỏ đầu nấu lên. Ông Kiệt ăn cơm thấy cá không có đầu lạ lắm hỏi mới biết. Anh nuôi thân mật giải thích: “Mặt nó xấu nhưng bụng nó tốt, ăn được ạ”.

Có một chi tiết vui: “Một lần ông Kiệt đang đi trên sông thì ở chiếc xuồng bơi ngược lại có tiếng gọi “Sáu Lục lạc! Sáu Lục lạc!. Quay lại thì ra là một bà trong Ban Chấp hành Phụ nữ trước ở Vũng Liêm. Chính bà đặt cái tên Sáu Lục lạc cho ông Kiệt lúc đó 16 tuổi hoạt động phong trào thanh niên hăng hái. Cậu thanh niên Võ Văn Kiệt đi tới đâu là phong trào dậy lên tưng bừng.”

Kể đến đây nhà văn Nguyễn Quang Sáng cười tươi: “Chi tiết sống động của đời thật hay như thế, ai mà… sáng tác nổi!”.

Ngày phỏng vấn đó, nhà văn cho biết, đoàn làm phim đang… tìm ai đóng vai ông Võ Văn Kiệt. Hãng phim Teresa mua kịch bản và cộng tác với Đài Tây Đô. Nhà văn còn chạy xuống Bạc Liêu coi lại những chỗ ông Võ Văn Kiệt từng hoạt động. Có khi nhà văn đi kết hợp những chuyến doanh nghiệp xuống làm cầu cho bà con miền Tây.

Những câu chuyện kể dù ngắn, thoảng qua nhưng rất hay và có giá trị để mỗi chúng ta nhớ vị lãnh đạo kiệt xuất của Cách mạng Việt Nam - Võ Văn Kiệt.

Nguyễn Thị Ngọc Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo