Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu * Tán thành Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 21/11, Quốc hội đã cho ý kiến về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Các đại biểu Quốc hội (ĐB) đều ủng hộ đề án này. ĐB Dương Văn Phước (Quảng Nam) nêu rõ, với tính chất là đô thị di sản, là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, việc nâng thành phố Huế trực thuộc Trung ương là cơ hội để địa phương phát triển, nhưng vẫn giữ được nét riêng có của xứ Huế. Từ thực tiễn sau khi thành lập thành phố trực thuộc Trung ương như Đà Nẵng và Cần Thơ, thì các địa phương đã có sự phát triển vượt bậc, bộ mặt đô thị thay đổi hoàn toàn, tiềm năng phát triển kinh tế phát huy tối đa. Đây cũng là cơ sở để khi thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ có sự thay đổi tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, giữ gìn phát huy các giá trị di sản văn hóa cố đô.
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu rõ, thành phố Huế trực thuộc Trung ương là nguyện vọng, khao khát gần 30 năm nay của nhân dân Huế; có cơ sở chính trị vững chắc, có đủ cơ sở pháp lý và đầy đủ các tiêu chí như quy định để thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đặc biệt là có cơ sở thực tiễn rất phong phú. Tuy nhiên, khi thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh phải phát huy cho được giá trị di sản cố đô, đây là nguồn tài sản vô giá về vật chất và tinh thần của cha ông để lại và phải giữ gìn cho được bản sắc văn hóa Huế.
Các ý kiến cho rằng, để bảo đảm thành phố Huế trực thuộc Trung ương và phát triển bền vững, thì phải làm sao giải quyết được bài toán giữa bảo tồn và phát triển. Theo đó, bảo tồn phải là cốt lõi với đặc thù đô thị di sản là cố đô với nhiều nét đặc trưng riêng có đã làm nên xứ Huế hôm nay. Việc phát triển kinh tế - xã hội thành phố Huế phải đặt trong yêu cầu bảo tồn giá trị di sản, giá trị văn hóa, do đó cần có yêu cầu phát triển văn hóa gắn với đặc thù đô thị di sản để quá trình phát triển không phá vỡ không gian di sản.
Cùng với việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, các ĐB cũng đề nghị cần có cơ chế đặc thù, vượt trội phù hợp với thực tiễn để thành phố Huế phát triển nhanh, mạnh, bền vững trong thời gian tới.
Các đại biểu dự phiên thảo luận chiều 21/11 Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, ĐB Lê Trường Lưu khẳng định: “Chúng tôi sẽ nỗ lực đầu tư nâng chuẩn đô thị đi đôi với bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch, công nghiệp sạch, công nghiệp văn hóa, công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng thành phố Huế xứng tầm và đáp ứng yêu cầu, sự tin tưởng của các đại biểu Quốc hội cũng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, đó là “cả nước vì Huế, Huế vì cả nước”.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử, đưa thành phố Huế trở thành thành phố di sản và văn hóa đầu tiên của Việt Nam. Bộ trưởng nhấn mạnh, phát triển thành phố Huế phải gắn liền với bảo tồn di sản cố đô và bản sắc văn hóa. Đồng thời khẳng định, việc này không chỉ nhằm xây dựng một thành phố mạnh về văn hóa, mà còn tạo động lực phát triển cho cả khu vực và quốc gia.
Bộ trưởng cũng cho biết, đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã được xây dựng dựa trên các chủ trương của Đảng, nghị quyết của Bộ Chính trị và các quy định pháp luật, đảm bảo tính chặt chẽ và khoa học.
Cùng ngày, Quốc hội cũng thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết liên quan đến tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, các quy định trong dự thảo được kế thừa từ mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, TP Đà Nẵng và bổ sung từ thực tiễn của TP Hải Phòng.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết, hiện nay bộ đang tham mưu để tổng kết việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị để tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể, từ đó sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó có một chương riêng về mô hình Tổ chức chính quyền đô thị áp dụng chung cho cả nước, trước hết là sơ kết mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM và TP Đà Nẵng.