Trình bày tờ trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, luật này hướng đến mục tiêu hoàn thiện quy định về chính sách thuế TTĐB để mở rộng cơ sở thu.
Theo đó, dự thảo bổ sung vào đối tượng chịu thuế đối với nước giải khát có hàm lượng trên 5g/100ml, áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuốc lá, tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia..., bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện luật nhằm góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước, đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, về thuế suất, dự thảo quy định tăng thuế theo lộ trình đối với thuốc lá, rượu, bia từ giai đoạn năm 2026-2030 để giảm tiêu thụ, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; bổ sung thuế suất 10% với nước giải khát có đường.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đồng tình áp dụng thuế suất 10% với nước giải khát có hàm lượng trên 5g/100ml, nhưng một số ý kiến cho rằng mức này vẫn quá thấp, không đủ để thay đổi hành vi tiêu dùng.
Về đối tượng chịu thuế là nước giải khát có đường, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đồng tình, nhưng đề nghị làm rõ hơn khái niệm “theo tiêu chuẩn Việt Nam” để tránh khó khăn khi thực hiện với hàng nhập khẩu. Các ý kiến cũng đồng ý áp dụng thuế suất 10%, nhưng một số ý kiến cho rằng mức này vẫn quá thấp, không đủ để thay đổi hành vi tiêu dùng.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cần đánh giá kỹ tác động của quy định này đối với doanh nghiệp và các ngành công nghiệp phụ trợ. Mặt khác, chỉ áp thuế đối với đồ uống có đường là chưa toàn diện; cần xem xét các giải pháp khác như tăng cường truyền thông về dinh dưỡng.
Đối với thuốc lá, đa số ý kiến tán thành phương án tăng thuế tuyệt đối theo lộ trình, phù hợp với cải cách thuế quốc tế và định hướng giảm tiêu dùng.
Với mặt hàng ô tô, cơ quan thẩm tra tán thành giảm thuế suất cho xe thân thiện với môi trường và đề nghị xem xét mức thuế hợp lý hơn với xe pick-up cabin kép để tránh tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp nhỏ.
Thảo luận về dự thảo luật này tại tổ sau đó, việc Chính phủ đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 gram trong 100ml (nước ngọt), mức thuế dự kiến là 10% còn một số ý kiến băn khoăn. Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) cũng đề nghị cần định nghĩa rõ nước giải khát là nước gì, có gồm nước trái cây, rau quả hay nước uống để giải khát.
“200.000 nông dân và 100 doanh nghiệp xuất khẩu dừa tại Bến Tre lo lắng, việc chưa có khái niệm rõ ràng về loại đồ uống này khiến họ không rõ sản phẩm nước dừa chế biến có trong diện chịu thuế hay không. Việc đưa ra cùng một mức thuế chung như dự thảo luật với nước ngọt là chưa phù hợp, ảnh hưởng tới sản xuất, nhất là lĩnh vực nông nghiệp" - đại biểu Nguyễn Trúc Sơn nêu.
Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, Bộ Y tế hoàn toàn nhất trí với mục đích, quan điểm và sự cần thiết ban hành dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), đặc biệt là định hướng tăng thuế đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu bia, và bổ sung đồ uống có đường vào danh mục chịu thuế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại thảo luận Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính trung bình thuế suất của các nước trên thế giới thì thuế chiếm 62% giá bán lẻ (có nước lên tới 80%), trong khi đó ở Việt Nam mới chiếm khoảng 36%; WHO khuyến cáo cần chiếm tới 75% trở lên. Dự thảo luật đã đề xuất 2 phương án bổ sung thuế suất tuyệt đối trên bao thuốc lá bên cạnh thuế suất theo tỷ lệ hiện hành. Bộ Y tế ủng hộ và thống nhất với phương án 2 do Chính phủ đề xuất nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc. Tuy nhiên, Bộ Y tế đề xuất tăng mức thuế này lên 5.000 đồng mỗi bao vào năm 2026 và tăng theo lộ trình để đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030.
Đối với quy định về thuế TTĐB cho thuốc lá mới, Bộ Y tế đề nghị bỏ quy định tại Điều 12 dự thảo luật về việc: “giao Chính phủ quy định việc áp dụng thuế TTĐB cụ thể đối với từng loại sản phẩm thuốc lá mới trong trường hợp được phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam".
Bộ trưởng cho rằng, hiện nay, Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa quy định về các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử. Do đó, việc đưa các sản phẩm này vào diện chịu thuế TTĐB trong khi chưa có cơ sở pháp lý là không phủ hợp; kể cả trong trường hợp mang tính dự phòng thì cũng là quy định thừa, gây ra hiểu lầm về định hướng cho phép sản xuất, kinh doanh, lưu hành các loại sản phẩm này.
Bộ Y tế cũng nhất trí với phương án 2 và lộ trình tăng thuế đối với mặt hàng rượu, bia như dự thảo luật.
Phiên họp Quốc hội sáng 22/11 Về thuế TTĐB đối với nước giải khát có chứa đường, Bộ trưởng cho rằng, hiện nay có đã có bằng chứng mạnh mẽ của WHO chứng minh rằng việc tiêu thụ thường xuyên đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch, sâu răng, loãng xương và gây thừa cân và béo phì, từ đó dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm khác bao gồm ung thư.
Tại Việt Nam, tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng gấp 4 lần trong 15 năm, từ 18,5 lít/người năm 2009 lên 66 lít/người năm 2023. Xu hướng gia tăng sử dụng đồ uống có đường đáng báo động này là một yếu tố quan trọng góp phần làm tăng tỷ lệ thừa cân béo phì ở thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19, đã tăng hơn gấp đôi từ 8,5% năm 2010, lên 19% vào năm 2020, khiến nhóm người trẻ này có nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và các rối loạn sức khỏe gây ra bởi thừa cân béo phì cao hơn nhiều trong cuộc sống sau này. Ít nhất 104 quốc gia trên toàn thế giới và 6 quốc gia trong khu vực ASEAN đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.
Bộ Y tế nhất trí đề xuất của Chính phủ trong việc áp thuế TTĐB trước mắt đối với nước giải khát có chứa đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam, còn các loại đồ uống có đường khác sẽ có lộ trình để áp thuế sau khi đã thực hiện ổn định đối với nước giải khát có đường.