Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. (Thanhuytphcm.vn) - Chiều 22/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe Chính phủ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Quốc hội sau đó thảo luận ở tổ về các nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu (ĐB) tập trung thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Các ĐB nhận thấy, qua 8 năm triển khai thi hành, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 (Luật Hoạt động giám sát) đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn, đóng góp tích cực vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Đại biểu Lê Minh Trí (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Do đó, các ĐB cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát là cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND; khắc phục những hạn chế, bất cập, những nội dung không còn phù hợp trong quy định của Luật hiện hành; đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật, nghị quyết có liên quan mới được Quốc hội ban hành.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cần rà soát, quy định rõ hơn, kỹ lưỡng hơn vai trò giám sát của Quốc hội và HĐND liên quan đến các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tài chính, ngân sách. Dự thảo luật cần quy định phối hợp chặt chẽ trong hoạt động giám sát, bảo đảm các kiến nghị sau giám sát phải được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ; có chế tài đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cần quy định rõ ràng nguyên tắc về chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát một cách khoa học, chặt chẽ, đúng thẩm quyền và trách nhiệm để giải quyết "đến nơi, đến chốn" những vấn đề cốt yếu nhất, bức xúc nhất và những vấn đề đang nổi lên đã được giám sát. Cùng với đó, cần rà soát, xác định rõ ràng hơn tiêu chí chọn nội dung giải trình, nội dung chất vấn đối với HĐND, Thường trực HĐND và các Ban thuộc HĐND.
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ, chiều 22/11. ĐB Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cho rằng, với quy định của luật hiện hành, một số kết luận, kiến nghị giám sát chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân là do chưa có cơ chế, quy định để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của các kết luận, kiến nghị giám sát. Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung một số giải pháp mới thực sự hiệu quả để tăng cường việc theo dõi, đôn đốc, ràng buộc trách nhiệm của cơ quan chịu sự giám sát, bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị giám sát.
ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) nhấn mạnh, Quốc hội giữ hai quyền năng rất lớn: quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và xây dựng pháp luật, đồng thời thực hiện chức năng giám sát tối cao. Tuy nhiên, hiện nhiều dự án tồn đọng hiện nay do vướng mắc thể chế, pháp luật, khiến các quy định trở thành rào cản, gây lãng phí nguồn lực. Cử tri và nhiều người hay nói có những nội dung trong nghị định, thông tư của bộ ngành còn “to” hơn cả luật do Quốc hội ban hành, tức là hiệu lực pháp lý của nghị định, thông tư còn cao hơn cả luật. Ví dụ, nghị định thêm vào một vài chi tiết mà luật không nêu, dẫn đến có khi không thực hiện được. Để giải quyết tình trạng này, ĐB Nguyễn Minh Đức đặt vấn đề cần xem xét lại chức năng giám sát của Quốc hội đối với các quy định pháp luật do chính Quốc hội ban hành và hệ thống văn bản dưới luật như nghị định, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành; cần nhận diện rõ các văn bản trái pháp luật hoặc gây ra "điểm nghẽn" trong thực thi, từ đó có cơ chế để xử lý hiệu quả. Đặc biệt, cần làm rõ tình trạng một số nghị định, thông tư được ban hành với nội dung “vượt luật”, khiến việc triển khai các dự án trở nên khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM). ĐB Lê Minh Trí (TPHCM) cũng phát biểu, thời gian qua, từ các vụ án đã phát hiện ra những văn bản trái pháp luật, việc phát hiện này là muộn và đã xảy ra hậu quả. Điều này cho thấy ngay từ đầu, đã có khoảng trống là chưa có cơ quan kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật ban hành trái pháp luật. Vì vậy, cần giao cho một ngành, cơ quan làm đầu mối kiểm soát việc này; đồng thời, chủ động hơn, kịp thời hơn nữa trong việc kiểm soát ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bởi nếu phát hiện sớm việc ban hành không đúng thì sẽ không gây ra hậu quả. ĐB Nguyễn Minh Đức đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng giao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chức năng của Quốc hội chủ động thực hiện việc giám sát chất lượng văn bản dưới luật…