Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, hôm nay ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội dành trọn phiên họp buổi sáng để thảo luận về dự án Luật Nhà giáo. Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và nhân dân theo dõi. Đây là sự trân trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các thế hệ nhà giáo và ngành giáo dục - những người đã và sẽ đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người vẻ vang và cao quý.
Thảo luận về dự án luật này, tất cả các ý kiến đại biểu (ĐB) đều tán thành cần thiết ban hành Luật Nhà giáo để thể chế hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước; đảm bảo nhà giáo được bảo vệ và giúp nhà giáo thực sự thấy an tâm với nghề nghiệp, yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Quốc hội thảo luận về Luật Nhà giáo Nhiều ĐB quan tâm đến đến nội dung về tiền lương và phụ cấp dành cho nhà giáo. Tán thành các chính sách dành cho nhà giáo, ĐB Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) đề nghị có chính sách thực sự ưu đãi cho giáo viên mầm non, vì giáo viên mầm non rất vất vả, đi sớm về muộn. ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị về phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp chỉ nên ưu tiên cho giáo viên mầm non, giáo viên ở vùng khó khăn, giáo viên chuyên biệt.
ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) cũng đồng tình với quy định: lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật. Đây là chủ trương đã có từ 27 năm nay của Đảng ta nhưng chưa được thực hiện. Các ĐB cũng đề nghị Quốc hội xem xét một cách thấu đáo, cân đối các nguồn lực, cân đối giữa ngành này với ngành khác, giữa lĩnh vực này với lĩnh vực khác, đảm bảo sự hài hòa, hợp lý. Một số ĐB đề nghị nên thiết kế thang bảng lương riêng cho nhà giáo.
ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) ĐB Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) đề cập về việc học thêm - dạy thêm, cho rằng, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cần phối hợp với các cơ quan để đưa ra quy định cụ thể cũng như cơ chế quản lý đối với vấn đề này... Thực chất việc học thêm là một nhu cầu cần thiết của xã hội. Tuy nhiên, dư luận xã hội hiện nay đang có hai luồng dư luận: một là cấm, hai là quản lý. Nhiều công nhân tăng ca buổi chiều không đón con được nên rất muốn gửi con của họ cho thầy cô giáo mang về nhà để quản lý và đến tận tối mới đón con về. Do đó, luật cần có cơ chế quản lý về việc dạy thêm - học thêm.
Các ĐB cũng đồng tình và thống nhất cao với những quy định giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo. Đây là quy định rất quan trọng, có thể tháo gỡ ngay các vấn đề khó khăn về thừa thiếu giáo viên tại các địa phương. ĐB Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) cho biết, cần nghiên cứu bổ sung quy định về bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được điều động sang cơ quan quản lý giáo dục.
Trước thực tế thời gian gần đây xảy ra việc phụ huynh hành hung giáo viên hoặc học sinh xúc phạm thầy cô làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy, ảnh hưởng đến truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, cần bổ sung quy định những điều phụ huynh, học sinh không được làm đối với nhà giáo. Khi thầy cô vượt quá giới hạn cho phép, phụ huynh và người học cũng không được giải quyết mâu thuẫn trực tiếp với nhà giáo mà phải thông qua nhà trường, Ban đại diện phụ huynh, cơ quan nhà nước. Nhiều ý kiến ĐB cũng cho rằng, cần có quy định để bảo vệ nhà giáo.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh ngày 20/11 là ngày đặc biệt, hạnh phúc của hơn 1 triệu thầy, cô giáo, điều này còn đặc biệt hơn khi vào ngày này, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, các ý kiến bày tỏ đều thống nhất cao, nhất trí cao về sự ủng hộ dự án luật này, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm đối với ngành giáo dục.
Bên cạnh việc tiếp thu đầy đủ các ý kiến, một phần các nội dung này sẽ được chuyển sang các văn bản quy định tại Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Vì đối với hoạt động của ngành giáo dục, ngoài Luật Nhà giáo, còn một luật rất quan trọng, bao trùm khác là Luật Giáo dục và rất nhiều quy định liên quan đến các hoạt động chuyên môn (như dạy học, kiểm tra, đánh giá…). Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dự án luật này không thể bao quát hết được; đồng thời chúng ta cần chấp nhận một vài điểm quy định có thể khác với các luật khác. “Ví dụ, quy dịnh về độ tuổi nghỉ hưu sẽ khác với Bộ luật Lao động; hay giáo viên dạy liên trường, việc thuyên chuyển giáo viên có thể dạy hơn một cơ sở… sẽ là điểm khác với Luật Viên chức. Nhưng nhìn chung, một số quy định khác nhưng nhằm phục vụ mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo. Sự khác biệt này đem lại điều tốt, tích cực thì nên sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, ngành giáo dục cũng sẽ nhìn nhận, xem xét cân đối với các ngành khác chứ không phải chỉ mong muốn ngành giáo dục nhận được đặc quyền, đặc lợi, ưu ái riêng. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chia sẽ, thực tế trong số 1,6 triệu giáo viên, có những nhà giáo chưa đủ sống, do đó, họ không thể toàn tâm toàn ý cho việc dạy học. Vì vậy, nếu xét “giáo dục là đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu” thì dứt khoát phải có một vài sự ưu tiên, còn lại quy định cụ thể về chế độ tiền lương để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho nhà giáo thì ở dự thảo Luật Nhà giáo chỉ quy định nguyên tắc, còn lại giao cho Chính phủ quy định cụ thể.
Liên quan đến ý kiến của nhiều ĐB về việc dạy thêm của nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT đang chủ trương không cấm việc dạy thêm của nhà giáo nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn, ví dụ ép học sinh học thêm.
“Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu đầy đủ các ý kiến ĐB để tiếp thu đầy đủ, để làm sao Luật Nhà giáo ra đời là để phát triển lực lượng nhà giáo, đó mới là điều chính yếu, chứ không phải vì đời sống nhà giáo còn khó khăn” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh…