Chủ Nhật, ngày 30 tháng 6 năm 2024

Cần quy định về các trường hợp phải công chứng

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 25/6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Qua thảo luận, nhìn chung, các ý kiến thảo luận của các đại biểu (ĐB) Quốc hội tán thành với các quy định của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và góp ý thêm nhiều nội dung quan trọng của dự thảo Luật.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ ấn tượng với quan điểm xây dựng luật tiếp tục xác định công chứng là một nghề bổ trợ tư pháp, kế thừa, phát triển những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm.

Về địa điểm công chứng, dự thảo quy định công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng khi người yêu cầu công chứng không thể đi lại được vì lý do sức khỏe. ĐB Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) cho rằng, quy định này cần được cân nhắc, xem xét thêm, bởi việc xác định sức khỏe của người yêu cầu công chứng ở tình trạng, mức độ như thế nào, dẫn đến không thể đi lại được trên thực tế sẽ khó xác định và không có cơ sở rõ ràng. Do vậy, nếu thừa nhận quy định trên, không có quy định cụ thể, chi tiết sẽ dẫn đến tình trạng công chứng viên thực hiện công chứng ngoài trụ sở tùy tiện, dễ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, trong toàn bộ dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) còn thiếu 1 định nghĩa rất quan trọng là: công chứng là một dịch vụ công. Vì các giao dịch dân sự của nhân dân, của doanh nghiệp rất nhiều nhưng họ cần sự xác nhận có thực của cơ quan nhà nước. Và công chứng ra đời với ý nghĩa đó. Ở nhiều quốc gia khác (như Anh, Mỹ…) cũng xác nhận công chứng là một dịch vụ công. Vì vậy, dịch vụ công này có thể được thực hiện bởi cơ quan nhà nước và nhiều quốc gia cũng lập phòng công chứng, trao cho các công chứng viên Nhà nước. Nhưng để giảm bớt gánh nặng và tinh giản biên chế, nhiều quốc gia cho phép các công chứng viên tư nhân làm việc này với tư cách được ủy quyền thực hiện các dịch vụ công, khác với dịch vụ pháp lý của luật sư, luật sư hoàn toàn là dịch vụ tư như các dịch vụ tư nhân khác. Do đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, việc thành lập các văn phòng công chứng tư cần tránh trở thành loại dịch vụ tư, trách nhiệm của công chứng viên cần được định nghĩa khác đi. “Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) hiện đang thiếu định nghĩa này, do đó đề nghị cần bổ sung định nghĩa này” - ĐB nêu rõ.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - TPHCM Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - TPHCM

Đáng chú, quy định Văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn được nhiều ĐB quan tâm thảo luận, tranh luận. ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) và nhiều ĐB cho rằng, tại các địa phương khó khăn về kinh tế, vùng sâu, vùng xa chưa phát sinh nhiều hợp đồng kinh tế, dân sự… nên việc văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên không khả thi mà chỉ cần 1 công chứng viên là đủ. ĐB đề nghị có nghiên cứu báo cáo đánh giá tác động của quy định này tại các vùng có tính đặc thù về dân cư, mức độ phát triển để bổ sung cho phù hợp; đề nghị quy định Văn phòng công chứng có từ 1 công chứng viên trở lên.

ĐB Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cũng cho rằng, chúng ta không nên vì những bất cập trong việc tổ chức Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân theo Luật Công chứng năm 2006 (như khi xảy ra tình huống công chứng viên duy nhất chết hoặc vì lý do khác không thể hành nghề công chứng thì không bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định của tổ chức hành nghề công chứng…) mà loại bỏ mô hình này, mà nên nhìn nhận đây là vấn đề về quản lý, tổ chức thực hiện cần được giải quyết, khắc phục thông qua sửa đổi Luật lần này. Do đó, ĐB đề nghị bổ sung vào dự án Luật loại hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh theo hướng: ngoài loại hình công ty hợp danh thì loại hình doanh nghiệp tư nhân được áp dụng đối với Văn phòng công chứng thành lập ở vùng miền núi và khu vực khó khăn.

Về nội dung này, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) lại đề nghị nên cân nhắc bởi: các văn phòng công chứng tư nhân do một số công chứng viên thành lập có thể có các công chứng viên hợp đồng, nhưng họ không thể chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hoạt động của văn phòng công chứng. Hiện nay, các địa phương được xem xét, quyết định việc chuyển giao các hợp đồng giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng nếu đủ điều kiện, nên các địa phương có thể chủ động trong việc đảm bảo phân bố các tổ chức hành nghề công chứng… Do đó, chỉ nên duy trì mô hình văn phòng công chứng hợp danh để đảm bảo trách nhiệm pháp lý của văn phòng đối với các cơ quan tổ chức và khách hàng của văn phòng công chứng.

Quốc hội sáng 25/6 Quốc hội sáng 25/6

Liên quan đến thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị cân nhắc đối với đề xuất mở rộng phạm vi các giao dịch về bất động sản được công chứng không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Theo ĐB, đây là mục tiêu chúng ta hướng đến, nhưng nếu quy định ngay trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp với thực trạng của Việt Nam, vì việc xây dựng cơ sở dữ liệu về bất động sản ở Việt Nam mới đang bắt đầu ở một số địa phương, tính chính xác của số liệu và thông tin liên quan cần có quá trình hoàn thiện, hạ tầng cơ sở về trang thiết bị không đồng đều giữa các địa phương trên cả nước.

Đáng chú ý, ĐB Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, hiện nay, các giao dịch hợp đồng phải công chứng còn được quy định rải rác ở các luật và các văn bản như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Theo ĐB, luật chuyên ngành về công chứng cần có sự ghi nhận về những nội dung này để tạo sự đồng bộ, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như khẳng định chức năng và những lợi ích của công chứng như đã nêu. Do đó, cần bổ sung quy định về các trường hợp phải công chứng và bổ sung trường hợp công chứng hồ sơ thành lập doanh nghiệp, điều lệ doanh nghiệp, các biên bản họp Hội đồng quản trị, đại hội cổ đông, Hội đồng thành viên trong doanh nghiệp là trường hợp phải công chứng trong dự thảo Luật. Quy định này vừa đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế về công chứng, điển hình là các nước phát triển như Nhật Bản, Pháp, Đức…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo