Chủ Nhật, ngày 30 tháng 6 năm 2024

Các phương tiện bay siêu nhẹ, bay không người lái đều phải đăng ký

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 27/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng không nhân dân.

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều cơ bản tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Phòng không nhân dân để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận phòng không nhân dân. Việc xây dựng và ban hành văn bản Luật sẽ tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân.

Đi vào góp ý cụ thể, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị quy định tuổi tối thiểu tham gia phòng không nhân dân mà không quy định tuổi tối đa, miễn là còn đủ sức khỏe phục vụ, vì đối tượng này làm nhiệm vụ hậu cần là chủ yếu; còn lĩnh vực chiến đấu do lực lượng khác đảm nhiệm. Ngoài ra cũng cần làm rõ khái niệm huy động lực lượng là bắt buộc hay động viên tự nguyện, vì luật dân quân tự vệ đã có quy định bắt buộc các đối tượng trong độ tuổi này. Về thẩm quyền huy động phòng không nhân dân, khoản 2 Điều 15 quy định người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp quyết định huy động nhân lực của tổ chức, doanh nghiệp theo đề nghị của ban chỉ huy quân sự hoặc chỉ huy tự vệ, ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị làm rõ quy định này có bắt buộc hay không, đối tượng nào quản lý…

Một số ĐBQH cho rằng, ngoài 7 hoạt động bị cấm mà dự thảo luật đề cập, còn nhiều hoạt động khác làm phương hại đến phòng không nhân dân, chưa được dự thảo Luật nhắc tới, cũng chưa được lường trước. Do đó, cần bổ sung thêm một khoản ở điều này, quy định nghiêm cấm các hành vi khác ảnh hưởng đến phòng không nhân dân theo quy định của pháp luật.

Vấn đề thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ được nhiều ĐB quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo chưa có quy định về hoạt động sản xuất tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, cần bổ sung. Ngoài ra, điểm c khoản 2 Điều 29 quy định, người trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự và có kiến thức về hàng không. Các ĐB đề nghị cần giải thích rõ cụm từ “có kiến thức về hàng không” với những tiêu chí cụ thể, tiêu chí cần đặt ra là được đào tạo bài bản, có chứng chỉ để đảm bảo an toàn hàng không.

ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cũng cho rằng, với quy định về thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm kinh doanh tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, cần đề nghị bổ sung “và Bộ Công an” vào sau cụm từ “theo quy định của Bộ Quốc phòng” để tương thích với thẩm quyền của Bộ Công an được quy định tại dự thảo. Theo đó, Bộ Công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kinh doanh cho các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý. Vì vậy, việc tổ chức, cá nhân khi thử nghiệm thực tế tính năng bay của tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ phải tuân thủ các quy định của Bộ Công an là cần thiết và phù hợp. Cùng với đó làm rõ mối quan hệ giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong cấp giấy chứng nhận cho cơ sở thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để đảm bảo thống nhất trong quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật, tránh chồng chéo giữa các bộ.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang giải trình cho biết, về cấp phép bay, Bộ Công an cấp phép bay cho các phương tiện bay siêu nhẹ, các phương tiện bay không người lái của Bộ Công an. Bộ Quốc phòng cấp phép cho các phương tiện bay của Bộ Quốc phòng. Các phương tiện bay khác đều phải đăng ký ở Bộ Công an, nhưng trách nhiệm quản lý ở Bộ Quốc phòng, do Bộ Quốc phòng có các trang bị bảo đảm và được Chính phủ giao nhiệm vụ này.

Theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, từ trước tới nay, Bộ Quốc phòng giao cho Cục Tác chiến cấp phép, nhưng đến nay, số lượng phương tiện bay siêu nhẹ, phương tiện bay không người lái tăng nhiều, do đó, Bộ sẽ tính toán, có thể quy định cho cấp dưới cấp phép, ở cấp tỉnh, cấp quân khu, quân chủng. Tuy nhiên, khi thấy cần thiết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an có thể đình chỉ chuyến bay.

Quốc hội sáng 27/6 Quốc hội sáng 27/6

Về xác định phương tiện bay siêu nhẹ, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết đây là loại hình phương tiện phục vụ cho việc biểu diễn nghệ thuật. Về việc tập huấn, nội dung chương trình phải được thống nhất, nhưng từng chỉ huy, từng cơ quan đơn vị phải xác định nội dung nào cần tập huấn, từ nội dung cơ bản, nội dung chuyên sâu, nội dung nâng cao, nội dung đặc thù.

Về nội dung quyền bắn khi thực hiện chế áp, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, trường hợp chế áp để hạ cánh, nếu không chấp hành thì quân đội có quyền bắn để đảm bảo tính răn đe và cưỡng chế, đảm bảo an toàn an ninh, đây cũng là quy định được áp dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới.

Về độ tuổi tham gia phòng không nhân dân, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết hiện đang vận dụng tương tự như quy định độ tuổi của lực lượng dân quân tự vệ, người có độ tuổi lớn hơn, có nguyện vọng tham gia cũng sẽ được hoan nghênh. Lực lượng phòng không nhân dân chủ yếu do lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt.

Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh, phòng không nhân dân là hoạt động của toàn dân, do bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, quân nhân dự bị làm nòng cốt nhằm thực hiện tổng thể các hoạt động và biện pháp để bảo đảm an toàn, tính mạng, tài sản của nhân dân, giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân, góp phần bảo toàn tiềm lực quốc phòng và tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời, phòng chống khắc phục hậu quả tiến công đường không của địch.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo