Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – TPHCM(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 26/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Đây là dự án luật có tính chuyên ngành rất cao, phần lớn đại biểu (ĐB) Quốc hội phát biểu công tác trong ngành y tế, nên các ý kiến phát biểu rất cụ thể về nhiều nội dung.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) quan tâm đến quy định về áp dụng thương mại điện tử, bán thuốc online. “Chúng ta quản lý nhà thuốc truyền thống còn chưa nổi mà giờ lại tính tới bán thuốc online thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng, rất khó phát hiện và xử lý. Ở trên không gian mạng, các nội dung của dự thảo Luật về bán thuốc qua sàn giao dịch điện tử còn rất đơn giản và rời rạc, chưa đủ tính khả thi” - ĐB Phạm Khánh Phong Lan nói; đồng thời đề nghị, tuyệt đối không đưa thuốc kê đơn vào danh mục có thể phân phối qua thương mại điện tử. Còn đối với thuốc không kê đơn, việc áp dụng thương mại điện tử phải được cân nhắc ở giai đoạn khi nền pháp lý của chúng ta đã được hoàn thiện chặt chẽ và phải được tổ chức trong một khuôn khổ an toàn và trật tự hơn.
ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) quan tâm đến quy định điều kiện lưu hành oxy y tế điều chỉnh ở phạm vi dự thảo Luật Dược lần này. Theo ĐB, nếu quản lý oxy y tế như thuốc như hiện nay, không có cơ sở sản xuất nào trên toàn quốc đáp ứng yêu cầu về Thực hành tốt sản xuất thuốc GMP theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới đối với oxy. Cơ quan bảo hiểm xã hội đang thực hiện thanh toán oxy y tế theo danh mục thuốc thanh toán bảo hiểm y tế, nhưng bên cạnh việc sử dụng oxy mua để dùng cho người bệnh thì các giường cấp cứu, xe cấp cứu hiện đang sử dụng máy tạo oxy cho người bệnh sẽ không nằm trong phạm vi của luật và sẽ không được thanh toán. Do đó, ĐB Trần Khánh Thu đề nghị không điều chỉnh sản phẩm oxy y tế tại dự thảo Luật lần này; nhưng để tránh tạo khoảng trống pháp lý, nguy cơ sai phạm trong chuyên môn khi bác sĩ chỉ định dùng oxy cho người bệnh, đề nghị Chính phủ sớm ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền văn bản pháp luật để quản lý oxy y tế và các sản phẩm khí khác dùng trong y tế.
Đại biểu Trần Khánh Thu -Thái BìnhĐB Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, Luật hiện hành đang có nhiều quy định liên quan đến việc kiểm soát hoạt động mua bán thuốc tại các quầy thuốc. Tuy nhiên trên thực tế, việc mua bán các loại thuốc tại nhiều nhà thuốc, quầy thuốc vẫn khá thoải mái, kể cả những loại thuốc thuộc diện phải kê đơn của bác sĩ chuyên khoa. Việc người bán thuốc tự chẩn bệnh, kê đơn và tư vấn cho người mua dù hoàn toàn không có bằng cấp chuyên môn tương ứng về lĩnh vực y, dược còn khá phổ biến. Từ đó dẫn đến nhiều nguy cơ cho sức khoẻ của người dân như dùng sai chỉ định, dùng quá liều, tác dụng phụ của thuốc... Do đó, ĐB đề nghị bổ sung các quy định, chế tài cụ thể để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa vấn đề này trên thực tế.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho ý kiến về quy định thông tin và quảng cáo thuốc, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để đáp ứng các yêu cầu cải cách hành chính và đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định này. Bởi hiện nay chúng ta vẫn đang áp dụng cơ chế quản lý tiền kiểm đối với quảng cáo thuốc và các thực phẩm chức năng. “Thực hiện chế độ tiền kiểm mà chúng ta vẫn đang còn vướng khó quản lý như vậy, liệu khi chuyển sang chế độ hậu kiểm, chúng ta có thể thực hiện quản lý tốt được hay không?” - ĐB Nguyễn Thị Việt Nga nêu; và đề nghị vẫn tiếp tục duy trì chế độ tiền kiểm như hiện nay; đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động quảng cáo thuốc và các thực phẩm chức năng trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức – TPHCMĐB Nguyễn Tri Thức (TPHCM) cho biết, theo Thông tư số 26 năm 2019 của Bộ Y tế, có tới 214 danh mục thuốc điều trị bệnh hiếm gặp và 219 danh mục thuốc không có sẵn. Do đó, ĐB Nguyễn Tri Thức nhận thấy, chỉ nên thành lập Trung tâm dự trữ thuốc hiếm điều trị bệnh cấp cứu, chứ không phải thuốc hiếm điều trị các bệnh mãn tính và bệnh hiếm gặp để tránh lãng phí. Về quy định cho phép đăng ký lưu hành các thuốc nhập khẩu và nguyên liệu thuốc nhập khẩu, ĐB Nguyễn Tri Thức đề nghị lưu ý thêm đối với những thuốc mà các thị trường lớn trên thế giới đã lưu hành, đã đưa vào bảng hướng dẫn điều trị áp dụng trên tất cả các nước như EU, Mỹ, Nhật Bản… thì cần xem xét không nhất thiết phải đăng ký lưu hành ở Việt Nam, mà có thể cho lưu hành luôn để đảm bảo thời gian cho bệnh nhân kịp thời sử dụng các thuốc quý, hiếm và thuốc đặc trị tốt. Vì thực tế hiện nay đã có nhiều thuốc ung thư, tim mạch lưu hành và điều trị hiệu quả trên thế giới và vẫn phải đăng ký lưu hành ở Việt Nam, mất nhiều thời gian sau đó mới được công nhận ở Việt Nam.
ĐB Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) quan tâm đến vấn đề rà soát, bổ sung thuốc và danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả. Đây cũng là một trong những vấn đề mà cử tri đặc biệt quan tâm hiện nay, đó là danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả, tỷ lệ được hưởng bảo hiểm y tế đối với những thuốc đồng chi trả và danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở. ĐB đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định về việc ban hành danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả. Việc cập nhật danh mục phải được thực hiện hàng năm và giao Bộ Y tế quy định chi tiết.
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng nêu, danh mục thuốc thanh toán bảo hiểm y tế được ban hành bằng các thông tư, nhưng từ năm 2011 đến nay mới có 4 lần ban hành. Như vậy, khoảng từ 3 - 4 năm, Bộ Y tế mới ban hành một thông tư quy định danh mục thuốc mới, tại mỗi thông tư, số thuốc được bổ sung cũng rất ít. Trong khi đó, khoa học công nghệ ngày càng tiến bộ, các thuốc mới ra đời nhanh và nhiều, liên tục xuất hiện phác đồ điều trị mới làm thay đổi cơ bản chất lượng điều trị bệnh, nhất là các bệnh khó, bệnh ác tính... Sự chậm trễ trong việc bổ sung thuốc đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị cho người bệnh. Do đó, ĐB đề nghị lần sửa đổi này cần quy định danh mục thuốc là trách nhiệm của Bộ Y tế và cho cán bộ y tế sử dụng để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, danh mục này phải được bổ sung hàng năm. Bộ Y tế cần phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng điều khoản quy định về điều chỉnh tỷ lệ chi trả hàng năm, qua đó bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh ác tính phải điều trị lâu dài.